Các nhà hoạt động vì môi trường bị đặt vào vòng ngắm trong khi đàn áp vẫn tiếp diễn
Human Rights Watch - (New York, ngày mồng 4 tháng Tư năm 2018) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với các nhà vận động nhân quyền Lê Thu Hà, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức, đồng thời phóng thích họ ngay lập tức. Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ xử vụ án của họ vào ngày mồng 5 tháng Tư năm 2018.Sáu nhà hoạt động bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự.
“Tội duy nhất mà những nhà hoạt động nói trên phạm phải là đã vận động không mệt mỏi cho một nền dân chủ và bảo vệ các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền Việt Nam đáng lẽ cần cảm ơn họ vì những nỗ lực cải thiện tình hình đất nước, thay vì bắt giữ và đem họ ra xử.”
Lê Thu Hà, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức bị cáo buộc có liên quan tới Hội Anh em Dân chủ, được Nguyễn Văn Đài và các nhà hoạt động cùng chí hướng thành lập từ tháng Tư năm 2013. Với các mục tiêu được ghi rõ là “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam,” Hội Anh em Dân chủ cung cấp một mạng lưới cho các nhà hoạt động cả trong và ngoài nước, những người muốn vận động cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam.
Các thành viên của hội đã tổ chức các khóa tập huấn không chính thức về xã hội dân sự, nhân quyền và dân chủ, và các kỹ năng như an toàn và an ninh mạng Internet. Họ tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường, và các hoạt động nhân đạo như giúp đỡ các nạn nhân bị thiên tai hay thương phế binh. Hội Anh em Dân chủ trợ giúp về pháp lý cho một số nhà hoạt động bị bắt và truy tố về các hoạt động dân chủ, và cùng ký các kiến nghị kêu gọi dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Họ đi thăm các gia đình tù nhân và can phạm chính trị để bày tỏ tình đoàn kết.
Cả sáu nhà hoạt động đã tham gia nhiều công việc liên quan tới nhân quyền, như vận động cho các nạn nhân, giảng bài về tiêu chuẩn nhân quyền, vận động cho tự do tôn giáo, và hỗ trợ các tù nhân chính trị và gia đình họ. Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức cũng tham gia các nhóm xã hội dân sự khác để đấu tranh chống Formosa, một công ty thép Đài Loan đã thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường quy mô lớn dọc bờ biển miền trung Việt Nam.
Công an bắt giữ Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà vào tháng Mười hai năm 2015 và cáo buộc họ tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 bộ luật hình sự. Cả hai người đều bị tạm giam gần hai mươi tháng mà không được tiếp xúc với nguồn hỗ trợ pháp lý. Tháng Bảy năm 2017, công an thay đổi nội dung cáo buộc thành tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự. Bốn người còn lại bị bắt vào tháng Bảy năm 2017 với cùng tội danh vừa nêu.
Chỉ trừ Lê Thu Hà, cả năm người còn lại đã từng phải thụ án tù giam vì các hoạt động dân chủ và nhân quyền ôn hòa của mình (để xem chi tiết lý lịch của từng người, xin đọc bản phụ lục kèm theo đây).
Theo báo Quảng Bình, cơ quan ngôn luận của đảng bộ tỉnh Quảng Bình, “lợi dụng sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung tháng 4-2016, cùng với các thế lực thù địch, phần tử phản động khác, Hội Anh em Dân chủ đã ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, lôi kéo nhân dân tham gia biểu tình dưới cái gọi là ‘công lý,’ ‘tự do,’ ‘dân chủ,’ ‘tuần hành biểu tình vì môi trường.’ Các đối tượng tìm cách thổi phồng, khoét sâu những vấn đề nhạy cảm mà dư luận xã hội quan tâm; tạo bức xúc, nghi ngờ, bất bình trong quần chúng. Chính sự cố ô nhiễm môi trường biển vô tình trở thành ‘cơ hội,’ là ‘nguyên cớ’ cho các đối tượng lợi dụng, lu loa nhằm gây ảnh hưởng để dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.”
Kể từ sau sự cố môi trường Formosa vào tháng Tư năm 2016, đã có nhiều cuộc biểu tình ở Việt Nam đòi một môi trường sống sạch và đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân bị ảnh hưởng. Chính quyền Việt Nam đã đối phó bằng cách bắt giữ và bỏ tù các nhà hoạt động tham gia biểu tình, trong đó có Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Hồ Văn Hải, Trần Hoàng Phúc, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hóavà nhiều người khác nữa.
“Không phải ngẫu nhiên mà phiên xử sáu nhà hoạt động được xếp lịch vào đúng ngày kỷ niệm hai năm thảm họa môi trường Formosa,” ông Adams nói. “Thay vì buộc những người phê phán phải im tiếng, chính quyền Việt Nam lẽ ra cần yêu cầu một bên thứ ba kiểm định khách quan về những nỗ lực làm sạch, khắc phục sự cố của công ty này, và trao đổi trực tiếp với những người dân trong vùng bị ảnh hưởng để đảm bảo mọi thiệt hại của họ được đền bù một cách công bằng và minh bạch.”
https://www.hrw.org/vi/news/2018/04/04/316574
Muốn đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, vui lòng truy cập:
https://www.hrw.org/vi/asia/vietnam
Muốn đọc thêm thông tin về tù nhân chính trị Việt Nam, vui lòng truy cập:
https://www.hrw.org/vi/video-photos/interactive/2017/11/02/free-vietnams-political-prisoners
Muốn có thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hay email: adamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdams
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hay email: siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton
1. Nguyễn Văn Đài
Nguyễn Văn Đài, 48 tuổi, là một luật sư nhân quyền từng hỗ trợ thành lập nhiều nhóm nhân quyền trong năm 2006, trong đó có Công đoàn Việt Nam Độc lập, Khối dân chủ 8406, và Ủy ban Nhân quyền Việt Nam. Ông đã nhận bào chữa cho hầu hết các vụ liên quan đến các nhà thờ Tin lành tại gia, trong đó có vụ của mục sư dòng Mennonite và cựu tù nhân chính trị Nguyễn Hồng Quang. Ông đã viết nhiều bài về dân chủ và tự do báo chí. Ông cũng mở nhiều lớp học ngoại khóa ở văn phòng luật của mình để dạy cho những người muốn học về nhân quyền.
Vì các hoạt động của mình mà Nguyễn Văn Đài đã phải chịu rất nhiều đợt sách nhiễu, đe dọa, thẩm vấn, quản thúc, câu lưu, hành hung và tù giam. Ông bị khai trừ khỏi luật sư đoàn và bị bắt hồi tháng Ba năm 2007 về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của bộ luật hình sự. Tháng Năm năm 2007, ông bị xử và kết án năm năm tù. Tháng Mười một năm 2007, tòa phúc thẩm giảm mức án của ông xuống còn bốn năm.
Sau khi hoàn thành bản án tù, Nguyễn Văn Đài lập tức nối lại các hoạt động vì quyền con người. Tháng Tư năm 2013, ông giúp thành lập một nhóm có tên gọi là “Hội Anh em Dân chủ” để “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và để “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.”
Tháng Năm năm 2014, khi đang ở trong một quán cà phê cùng vài nhà hoạt động nhân quyền khác, một nhóm người kéo đến, ném ly vào ông và đánh đập ông. Tháng Giêng và tháng Ba năm 2015, một nhóm người tấn công vào nhà ông và tìm cách phá cửa chính. Đầu tháng Mười hai năm 2015, Nguyễn Văn Đài có bài nói chuyện về các quyền con người được bảo đảm trong Hiến pháp Việt Nam, tiếp nối bằng một cuộc thảo luận mở ở giáo xứ Vạn Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Buổi chiều hôm đó, Nguyễn Văn Đài cùng ba nhà hoạt động khác trở về Hà Nội. Xe taxi chở họ bị một nhóm khoảng chục người mặc thường phục và đeo khẩu trang. Nguyễn Văn Đài kể với một phóng viên đài Á châu Tự do rằng những người này lôi ông ra khỏi xe taxi, đánh ông vào đùi và vai bằng gậy gỗ, rồi lôi ông lên xe ô tô của họ. Trong xe, họ vẫn tiếp tục đánh ông. Sau cùng, những kẻ thủ ác lột áo khoác và giày rồi bỏ ông trên một bãi biển. Ba nhà hoạt động khác cũng bị các nhóm người khác đánh rất tàn bạo. Mười ngày sau vụ tấn công đó, công an bắt Nguyễn Văn Đài khi ông đang trên đường đi gặp một phái đoàn Liên Âu tới Việt Nam để tham gia cuộc đối thoại nhân quyền thường niên.
Nguyễn Văn Đài bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước và bị công an tạm giam suốt 19 tháng rưỡi mà không được tiếp cận với luật sư hay nguồn hỗ trợ pháp lý. Tháng Bảy năm 2017, công an thay đổi nội dung cáo buộc thành tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 của bộ luật hình sự.
Nguyễn Văn Đài được trao giải thưởng tự do ngôn luận Hellman/Hammett năm 2007, giải Nhân quyền Việt Nam của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cũng trong năm 2007 và Giải Nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức năm 2017.
2. Trương Minh Đức
Trương Minh Đức, 58 tuổi, là một nhà báo từng viết và đăng bài trên nhiều tờ báo chính thống ở Việt Nam, như báo Tiền Phong, Thanh Niên, Pháp Luật và Kiên Giang (tờ báo của quê ông). Các bài viết của ông phanh phui tham nhũng và các việc khuất tất khác của chính quyền địa phương liên quan tới quyền sở hữu đất đai. Ông kêu gọi mọi người hãy giúp đỡ những người gặp khó khăn. Năm 2006, ông tham gia khối dân chủ 8406 và Đảng Vì dân, “nhằm mục đích góp phần đấu tranh thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa xã hội, và xây dựng một nước Việt Nam Mới thật sự có hòa bình, tự do, ấm no và tiến bộ.”
Trương Minh Đức bị bắt vào tháng Năm năm 2007 và cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo điều 258 của bộ luật hình sự. Ông bị kết án năm năm tù. Sau khi hoàn thành bản án tù vào tháng Năm năm 2012, Trương Minh Đức lại tiếp tục viết về các vấn đề nhân quyền. Ông vận động cho tù nhân lương tâm, những người vẫn đang bị ngược đãi trong ngục tù chỉ vì không chịu nhận tội. Ông tham gia Liên đoàn Lao động Việt Tự do từ năm 2014 đến năm 2016 và Phong trào Lao động Việt từ năm 2016 để đấu tranh cho quyền lợi của người lao động. Ông là thành viên Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam, và Hội Anh em Dân chủ, được thành lập từ năm 2013 để “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và để “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.” Ông cũng đấu tranh chống Formosa, một công ty thép Đài Loan đã thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường quy mô lớn dọc bờ biển miền trung Việt Nam.
Vì các hoạt động của mình, Trương Minh Đức đã phải chịu rất nhiều vụ sách nhiễu, đe dọa, quản thúc, thẩm vấn, và hành hung. Tháng Chín năm 2014, khi Trương Minh Đức đi cùng với ba nhà hoạt động khác tới Bộ Công an ở Hà Nội để yêu cầu giải thích lệnh cấm xuất cảnh đối với nhà vận động cho quyền lợi của người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh, một nhóm người mặc thường phục đã tấn công và đánh ông đến ngất xỉu. Tháng Mười một năm 2014, ông bị một nhóm tám người đánh rất tàn bạo, trong đó có một người ông nhận diện được là công an tên là Hòa, người đã thẩm vấn và đánh mình hai tháng trước đó ở đồn công an phường Mỹ Phước, huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương). Tháng Mười một năm 2015, công an tỉnh Đồng Nai câu lưu và hành hung Trương Minh Đức cùng nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh chỉ vì họ giúp đỡ người lao động ở Công ty Yupoong thực hành các quyền của mình.
Tháng Bảy năm 2017, công an bắt giữ Trương Minh Đức và cáo buộc ông tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 của bộ luật hình sự.
Trương Minh Đức được trao giải thưởng tự do ngôn luận Hellman/Hammett năm 2013, và giải Nhân quyền Việt Nam của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam năm 2010.
3. Nguyễn Trung Tôn
Nguyễn Trung Tôn, 46 tuổi, là mục sư Tin lành độc lập và một blogger chuyên viết về tình trạng thiếu tự do tôn giáo và các vấn đề nhân quyền khác ở Việt Nam. Ông viết về tình trạng trưng thu đất đai ở địa phương và nạn tham nhũng đã đẩy nhiều nông dân vào hoàn cảnh không có đất. Ông nhận xét về các khoản lãng phí tiền thuế và ngân sách vào các lễ hội thay vì sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học hay hỗ trợ cho dân nghèo. Ông ủng hộ những người bạn hoạt động vì quyền tự do tôn giáo, như nhà lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo độc lập Lê Quang Liêm hay mục sư Tin lành Mennonite Dương Kim Khải. Ngoài ra, Nguyễn Trung Tôn cũng viết về tình trạng công an sách nhiễu và tấn công bản thân ông cũng như gia đình ông.
Nguyễn Trung Tôn đã phải chịu rất nhiều đợt sách nhiễu, đe dọa, quản thúc, thẩm vấn, và hành hung. Tháng Năm năm 2003, nhiều người mặc thường phục tấn công vào nhà riêng, nơi ông sử dụng làm nhà thờ tại gia. Tháng Sáu năm 2006, ông bị công an triệu tập sau khi dự một buổi lễ tại nhà thờ, và bị hành hung trong khi thẩm vấn. Tháng Tám năm 2009, trong một buổi cầu nguyện tại nhà riêng, nhiều người mặc thường phục có đại diện chính quyền địa phương đi cùng đã tấn công và đánh đập những người trong gia đình Nguyễn Trung Tôn và bạn bè hoạt động vì tự do tôn giáo. Tháng Sáu năm 2010, cậu con trai vị thành niên của ông, tên là Nguyễn Trung Trọng Nghĩa bị năm người lạ mặt đánh trên đường đi học sau khi cha cậu đã phanh phui các hành vi vi lạm dụng quyền lực của công an.
Nguyễn Trung Tôn bị bắt vào tháng Giêng năm 2011 về tội tuyên truyền chống nhà nước và bị kết án hai năm tù. Sau khi thi hành xong án tù vào tháng Giêng năm 2013, Nguyễn Trung Tôn lập tức nối lại các hoạt động vận động cho nhân quyền và dân chủ. Ông viết hồi ký về thời gian ở trong tù, sau đó đã được đăng trên Dân Làm Báo. Ông vận động đòi thả các tù nhân chính trị. Ông là thành viên của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam và Hội Anh em Dân chủ, được thành lập từ năm 2013 nhằm “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và để “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.” Ông đấu tranh chống Formosa, một công ty thép Đài Loan đã thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường quy mô lớn dọc bờ biển miền trung Việt Nam.
Tháng Hai năm 2017, Nguyễn Trung Tôn và một người bạn nữa đón xe khách ở xã Quảng Thịnh, tỉnh Thanh Hóa để về thị trấn Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Khi tới nơi, một nhóm khoảng 7, 8 người mặc thường phục lôi họ vào một chiếc xe bảy chỗ, lấy hết đồ đạc và lột quần áo của họ, và dùng áo khoác trùm đầu họ rồi đánh liên tục bằng ống sắt. Sau đó những kẻ thủ ác bỏ Nguyễn Trung Tôn và người bạn cùng đi xuống một cánh rừng vắng ở tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Trung Tôn bị thương nặng và phải trải qua phẫu thuật tại một bệnh viện địa phương.
Tháng Bảy năm 2017, công an bắt giữ Nguyễn Trung Tôn và cáo buộc ông tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 của bộ luật hình sự.
Nguyễn Trung Tôn được trao giải thưởng tự do ngôn luận Hellman/Hammett năm 2013.
4. Phạm Văn Trội
Phạm Văn Trội, 46 tuổi, là một blogger đã dùng nhiều bút danh để viết về nhân quyền, dân chủ, quyền sở hữu đất đai, quyền tự do tôn giáo và tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông là một thành viên tích cực của Ủy ban Nhân quyền Việt Nam, một trong vài tổ chức nhân quyền duy nhất từng hoạt động ở Việt Nam thời đó, cho đến khi tất cả các lãnh đạo của tổ chức này bị bắt. Ông cũng viết cho Tổ Quốc, một tập san bất đồng chính kiến. Kể từ năm 2006, ông phải chịu rất nhiều vụ sách nhiễu, quản thúc, hành hung và thẩm vấn.
Công an bắt Phạm Văn Trội vào tháng Chín năm 2008 và cáo buộc ông tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 bộ luật hình sự. Tháng Năm năm 2009, Đoàn Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc kết luận rằng Phạm Văn Trội đã bị tạm giữ oan. Bất chấp kết luận đó, tới tháng Mười năm 2009 ông vẫn bị xử và kết án bốn năm tù giam.
Theo nội dung bản cáo trạng được đăng trên báo chí nhà nước, Phạm Văn Trội “đã viết bài ‘Đơn tố cáo về chính sách an ninh của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam’ vào tháng 11-2006 với nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo Nhà nước đàn áp dân chủ. Ngoài ra, Trội còn trả lời phỏng vấn qua điện thoại vu khống bị công an, quần chúng nhân dân đàn áp đánh đập.”
Sau khi hoàn thành bản án tù vào tháng Chín năm 2012, Phạm Văn Trội lập tức nối lại việc vận động cho nhân quyền và dân chủ. Tháng Tư năm 2013, ông giúp thành lập Hội Anh em Dân chủ nhằm “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và để “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.” Ông vận động đòi thả các tù nhân và can phạm chính trị trong đó có Trần Anh Kim và Nguyễn Văn Đài. Ông đấu tranh chống Formosa, một công ty thép Đài Loan đã thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường quy mô lớn dọc bờ biển miền trung Việt Nam.
Phạm Văn Trội bị theo dõi gắt gao. Các nhà hoạt động và cựu tù nhân chính trị tới thăm ông bị sách nhiễu, câu lưu và đánh đập. Tháng Mười hai năm 2016, nhiều người mặc thường phục tới ném đá vào nhà ông và làm vỡ kính cửa sổ.
Công an bắt Phạm Văn Trội vào tháng Bảy năm 2017 và cáo buộc ông tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 của bộ luật hình sự.
Phạm Văn Trội được trao giải thưởng tự do ngôn luận Hellman/Hammett năm 2010.
5. Nguyễn Bắc Truyển
Nguyễn Bắc Truyển, 50 tuổi, là một doanh nhân bắt đầu tham gia các hoạt động nhân đạo vào đầu thập niên 2000. Ông hỗ trợ các nạn nhân bị thiên tai, trẻ mồ côi và trẻ em vùng sâu vùng xa. Công ty ông là một trong số những công ty đầu tiên ở Việt Nam áp dụng chế độ nghỉ sinh con cho nam giới. Ông viết và đăng bài trên các trang mạng tin tức ở hải ngoại về tình trạng đè nén, bất công và vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam. Năm 2005, ông gia nhập Đảng Dân chủ Nhân dân mới được thành lập để vận động cho đa nguyên đa đảng ở Việt Nam.
Nguyễn Bắc Truyển bị bắt hồi tháng Mười một năm 2006 theo điều 88 bộ luật hình sự về tội danh tuyên truyền chống nhà nước. Theo bản cáo trạng được báo chí nhà nước đăng lại, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC (vào tháng 11 năm 2006), ông đã “đi rải truyền đơn, tập hợp lực lượng, tổ chức biểu tình, viết thư đòi gặp Tổng thống Mỹ khi vào thăm Thành phố Hồ Chí Minh.” Tháng Năm năm 2007, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kết án Nguyễn Bắc Truyển bốn năm tù giam. Đến tháng Tám năm 2007, Tòa án Tối cao giảm mức án của ông xuống còn ba năm sáu tháng.
Ngay sau khi mãn án tù hồi tháng Năm năm 2010, Nguyễn Bắc Truyển bắt đầu đăng các bài viết về những người bạn tù chính trị của mình, và nỗi khó khăn, sự kỳ thị mà những cựu tù nhân chính trị phải chịu đựng. Ông là thành viên trực ngôn của Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, có mục tiêu hỗ trợ các tù nhân và gia đình họ. Ông trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do và đài BBC về các trải nghiệm trong tù và tập hợp một danh sách chi tiết các cựu tù nhân ở Việt Nam cho các tổ chức nhân quyền quốc tế. Nguyễn Bắc Truyển vận động cho các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Việt Nam độc lập bị đàn áp chỉ vì họ không chịu theo giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đã được nhà nước phê chuẩn. Ông phối hợp với nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế ở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các hoạt động nhân đạo cho các thương phế binh từng chiến đấu trong quân đội miền Nam trước 1975. Ôngđấu tranh chống Formosa, một công ty thép Đài Loan đã thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường quy mô lớn dọc bờ biển miền trung Việt Nam.
Vì các hoạt động bảo vệ nhân quyền của mình, Nguyễn Bắc Truyển đã phải chịu nhiều vụ sách nhiễu, đe dọa, theo dõi gắt gao, thẩm vấn, và hành hung. Tháng Tám năm 2010, công an thành phố Hồ Chí Minh câu lưu và thẩm vấn ông sau khi ông công khai kêu gọi Bộ Chính trị Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân chính trị và tôn giáo. Tháng Hai năm 2014, một nhóm bạn hoạt động đến thăm Nguyễn Bắc Truyển và vợ ông là Bùi Thị Kim Phượng ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Cảnh sát giao thông và nhiều người mặc thường phục đã chặn họ lại và tấn công họ. Ba người trong nhóm bị bắt, bị cáo buộc tội “phá rối trật tự công cộng” và bị kết án tù. Hai tuần sau đó, Nguyễn Bắc Truyển ra Hà Nội để gặp các nhà ngoại giao nước ngoài nhằm vận động cho những người bị bắt. Trên đường đến Đại Sứ quán Úc, một nhóm người mặc thường phục tấn công và làm dập mũi ông. Tháng Chín năm 2016, Nguyễn Bắc Truyển cùng vợ đang trên đường về nhà thì bị một nhóm người mặc thường phục tấn công và dùng mũ bảo hiểm đánh họ.
Công an bắt Nguyễn Bắc Truyển vào tháng Bảy năm 2017 và cáo buộc ông tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 của bộ luật hình sự.
Nguyễn Bắc Truyển được trao giải thưởng tự do ngôn luận Hellman/Hammett năm 2011, và giải Nhân quyền Việt Nam của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao năm 2014.
6. Lê Thu Hà
Lê Thu Hà, 36 tuổi, bắt đầu quan tâm đến các vấn đề xã hội và nhân quyền từ khi còn là sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, chị đi dạy tiếng Anh và tham gia các hoạt động xã hội dân sự. Năm 2013, chị tham gia Hội Anh em Dân chủ để “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và để “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.” Chị giúp nhóm dịch các báo cáo về vi phạm nhân quyền sang tiếng Anh. Chị tham gia biểu tình vì môi trường để phản đối việc chặt cây ở Hà Nội vào tháng Ba năm 2015. Chị cùng một nhóm nhỏ các nhà hoạt động đưa tin về các vụ vi phạm nhân quyền trên một kênh YouTube gọi là “Lương tâm TV” do Hội Anh em Dân chủ và Hội Cựu Tù nhân Lương tâm thành lập vào tháng Tám năm 2015. Chị kêu gọi hủy bỏ điều 258 có nội dung trừng phạt những người hoạt động ôn hòa với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.” Lê Thu Hà cũng đi tới tòa án khi có các phiên xử những người hoạt động chính trị để bày tỏ tình đoàn kết.
Tháng Tư năm 2015, công an cấm Lê Thu Hà xuất cảnh đi dự hội nghị về nhân quyền ở Thụy Điển. Tháng Chín năm 2015, chị bị câu lưu và thẩm vấn về việc tham gia kênh “Lương tâm TV.”
Tháng Mười hai năm 2015, công an bắt Lê Thu Hà và cáo buộc chị tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của bộ luật hình sự. Chị bị công an tạm giam 19 tháng rưỡi mà không được tiếp xúc với luật sư hay nguồn hỗ trợ pháp lý. Tháng Bảy năm 2017, công an thay đổi tội danh của chị thành “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự.
Posted by NGUYỆT-SAN VIỆT-NAM at 19:28
No comments:
Post a Comment