Thursday, June 20, 2019

VỊNH VAN FONG – Phan hữu Niệm


Nếu trong chúng ta ai đã một lần đi tàu tuần đến vùng 2 duyên hải, chắc đã biết đến vịnh này, một cái tên ngờ ngợ nửa Việt nửa Pháp, một cái tên khi đã biết thì khó quên, vì nó gắn liền với nhiều cảnh đẹp cho những người yêu biển, thích sưu tầm cái đẹp về biển. Ðó là vịnh Van Fong.
Van Fong nằm về phía bắc của hải cảng Nha Trang, cách nơi này chừng 25 hải lý. Với cái tên ghi trong hải đồ là Van Fong, và chúng ta đọc là Văn Phong. Một số vị hạm trưởng khi hoạt động vùng này, tìm hiểu tại sao có từ Van Fong. Người dân ở đây không ai nói đến từ Văn Phong. Họ giải thích vùng này luôn có gió mạnh về mùa gió đông bắc, vì thế nên một vài vị hạm trưởng gọi là vịnh Vạn Phong (vạn là nhiều, phong là gió).

Vịnh này gồm các khu vực quanh biển như: xã Ninh Hải, kế đến là Hòn Khói thuộc xã Ninh Diêm. Vòng lên phía bắc có ấp Xuân Mỹ thuộc xã Ninh An. Ninh Hải, Ninh Diêm và Ninh An thuộc quận Ninh Hòa. Nối tiếp Xuân Mỹ về phía bắc là Xuân Tự, đến Hiền Lương, Tân Mỹ, Quảng Hội, Phú Hội. Những vùng này thuộc Vạn Giả. Khu vực Tu Bông bắt đầu từ Tân Dân, đến Ninh Lâm, Diêm Ðiền, Tiên Mao, Ninh Thọ, Suối Bùn. Ngày xưa, hồi còn Pháp thuộc, Vạn Giả là tổng Tường nội, và Tu Bông là tổng Tường ngoại. Một vài sông rạch nhỏ dẫn nước từ đồng nội ra biển như sông Tân Phước, sông Ngòi Ngàn, sông Gốc, sông Hiền Lương. Nhưng những con sông này quá nhỏ và quá cạn, không đủ lượng nước cho ghe thuyền thông thương. Những vùng khác nằm trên bán đảo, sẽ được kể sau.

Tôi sinh ở Tu Bông, và suốt thời thơ ấu ở Tu Bông và Vạn Giả. Thời thơ ấu đã ghi đậm nét ký ức của tôi với cảnh gia đình phải bồng bế nhau hết xuống biển rồi lên non để trốn giặc Pháp. Gia đình tôi đã nhiều lần đến vùng Vĩnh Yên (nằm trên bán đảo) hàng mấy tháng khi giặc Pháp đến Tu Bông. Vĩnh Yên còn có cái tên là Vĩnh Giật trước đó. Một số ít người địa phương bị chết bất đắc kỳ tử sao đó, người ta tin rằng bị thần vật chết nên họ không dám gọi là Vĩnh Giật nữa, mà đổi tên thành Vĩnh Yên, để đời sống người dân được bình yên hơn. Thật vậy, sau đó không nghe thấy ai chết bất đắc kỳ tử nữa.

Những lần khác, quân Pháp đi tìm gái hay bắt dân làm xâu, gia đình tôi lại trốn lên núi Hoa Sơn lánh nạn năm bảy hôm, chờ tình hình yên tĩnh mới trở về. Núi Hoa Sơn nổi tiếng về cọp bắt người. (Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận). Khu Ổ Gà, dốc Ké, cọp thường xuất hiện, có khi ngay cả ban ngày. Dòng sông Tân Phước, chạy phân ranh giữa làng Tân Phước và làng Long Hòa, những năm 1950, cọp lợi dụng sự rậm rạp hai bên bờ sông, đã rời núi xuống ở hai bên bờ sông, sinh con đến lớn mới đem về lại núi. Một nông dân Tân Phước đi đắp nước ban đêm, đã bị cọp vồ mang lên núi ăn thịt. Một người hàng xóm phía sau nhà tôi, thuộc khu xóm Bầu, thôn Hội Khánh, lên núi lấy mũ chai, chặt mây, đã bị cọp vồ chết. Dân địa phương phải đem chiêng trống và đoàn thanh niên hùng hậu lên núi tìm xác. Thế mà cọp vẫn còn tiếc mồi, không chịu trả, dân phải đốt lửa, đánh chiêng trống đuổi rượt cọp, mới lấy lại được thi thể.
Một đêm cọp viếng nhà tôi, rượt con chó săn chạy trốn vào nhà bằng cửa phên nhà sau, rồi bắt đi con heo mà không để lại một dấu tích, vì chuồng heo vẫn còn nguyên vẹn. Sáng hôm sau mọi người tủa ra đi tìm heo. Con heo nằm giữa ruộng lúa không cựa quậy được vì bị nọc độc của cọp nơi nách hai chân trước. Cọp không đem heo đi được vì heo quá nặng và đêm hôm đó người ta đánh thùng thiếc liên tục để đuổi cọp đi. Ông cụ tôi tức quá, làm bẩy sau vườn để bắt cọp. Mấy đêm sau cọp đến, chỉ gầm thét bên ngoài mà
không vào bên trong bẩy. Sáng hôm sau hỏi ra, mấy ông cụ trong làng cho hay, bẩy cọp mà có người đang thọ tang nhúng tay vào làm chung, thì cọp sẽ không bao giờ vào bẩy. Ông cụ tôi truy ra mới biết trong nhóm làm bẩy với ba tôi, có người chú họ đang có tang.

Sau này, gia nhập hải quân, có dịp trở lại vùng biển quê xưa, tôi được biết nhiều cảnh đẹp hơn.
Xuôi tàu vào vịnh Van Fong, bên trái là mõm núi thuộc xã Ninh Hải, mà dưới bãi là hậu cứ Duyên Ðoàn 25. Bên phải là một hòn núi cao mà tôi không còn nhớ tên. Hòn núi này chắn trọn sóng gió mùa gió tây nam để giữ phẳng lặng của vùng biển bên trong vịnh. Từ biển đi vào, khi qua khỏi hòn núi này, muốn vào Tu Bông phải làm “móc ngắm thẳng hàng” 337 độ hòn núi Ðá Bia nằm trên đèo Cả. Vì nếu ta chệch hướng này, chệch một tí thôi, dù bên trái hay bên phải, chúng ta sẽ vướng vào một trong hai rặng đá ngầm nằm hai bên. Ðá ngầm dân địa phương gọi là ‘rạng’. Hòn Ðá Bia thường có mây phủ mờ về chiều. Hôm nào trời mù là không tìm được hòn Ðá Bia. Vì cảnh buồn về chiều của Ðá Bia, người dân địa phương mới lồng cảnh cô đơn buồn tẻ của người góa phụ qua câu ca dao:
“Chiều chiều mây phủ Ðá Bia,
Ðá Bia mây phủ chị kia mất chồng.”
Âm hưởng câu ca dao nghe như là lời trêu ghẹo người góa phụ của một thanh niên lãng mạn nào đó. Thật vậy, khi nghe câu hò này, người quả phụ bèn cất giọng hò đối lại:
“Mất chồng tôi khổng có lo,
Sợ anh mất vợ nằm co một mình.”
Một bên mất chồng, một bên mất vợ quả là xứng đôi vừa lứa lắm rồi còn gì nữa. Lời thơ tuy mộc mạc bình dị, nhưng đã nói lên được tình yêu muốn trao cho nhau giữa hai người đã một lần dang dỡ.

Vừa qua khỏi cửa đá ngầm này, bên trái là hòn Bịp, lởm chởm trên đỉnh những dãy đá trắng. Dưới chân núi là làng Ðiệp Sơn, với vài chục nóc nhà. Cuộc sống dân chúng ở đây căn bản là làm rẩy và đánh cá. Ngày nay dân quận Vạn Ninh khai thác Ðiệp Sơn để nuôi tôm hùm và tôm sếu. (tôm sếu: một loại tôm hùm ngắn càng) Bên phải là một ngọn núi cao, có tên là Hòn Lớn. Ngọn núi này che gió mùa đông bắc cho vùng Vạn Giả mà không che được gió cho vùng Tu Bông. Nối dài ngọn núi này về phía bắc là một dãy đồi cát cao che khuất mặt phía đông của làng Vĩnh Yên. Nối tiếp theo chân dãy đồi cát, chạy dài về phía bắc, là dãy đồi đá thấp, kết thành một mũi chắn gió mùa tây nam cho vùng Ðại Lãnh và Vũng Rô.
Tới đây, một dãy đồi cát thấp chạy thẳng về phía tây, tiếp giáp với đèo Cổ Mã, đèo này nằm phía nam Ðại Lãnh. Chạy dài về phía tây đèo Cổ Mã chừng ba bốn cây số đường chim bay, là một rừng thơm, không biết có từ lúc nào, gọi là rừng thơm Trại Trảu. Ðại Lãnh là một thung lũng nhỏ nằm giữa hai đèo, phía bắc là đèo Cả, phía nam là đèo Cổ Mã. Phía tây Ðại Lãnh là núi, phía đông là biển. Vũng Rô nối tiếp biển Ðại Lãnh chạy về phía bắc, nằm dưới chân đèo Cả. Dãy đồi cát nói trên quá thấp nên không chắn được gió mùa đông bắc cho vùng Tu Bông. Mặt phía bắc của dãy đồi cát này có một khu vực mà dân địa phương thường đến dựng lều trại để đánh bắt cá tôm trong mùa gió tây nam, người ta gọi vùng này là Hòn Gầm. Hết mùa gió tây nam là họ bỏ đi, vì sóng to gió lớn. Phía nam của dãy đồi cát này có một thôn nhỏ gọi là Tràm.

Gió Ðông bắc từ biển thổi vào qua mũi Varella (phía đông đèo Cả), dồn xuống đồi cát Vĩnh Yên và núi Hòn Lớn, đồi cát và núi này cao nên chắn gió lại, dồn ép và thổi bật qua Hòn Gầm, qua Tràm, và vào thẳng Tu Bông, thành một luồng gió mạnh và xoáy cuốn. Vào mùa này người dân đi trên bờ thường bị gió đẩy xuống ruộng. Xe đạp chạy trên quốc lộ 1 phải dẫn bộ, xe gắn máy giỏi lắm mới chạy chầm chậm được. Vì thế Tu Bông được gọi là “Xứ gió mưa mùa”.
Tại sao gọi là mưa mùa ? Hàng năm cứ đến tháng 9, tháng 10 âm lịch là mưa dầm dề, mưa cả đêm lẫn ngày, nhiều khi kéo dài cả tháng. Vào 23 tháng 10, hầu hết năm nào cũng có lụt. Họ có ca dao rằng:
“Ông tha mà bà khổng tha,
Trời cho cây lụt hăm ba tháng mười.”
Vì thế mùa màng thu hoạch vào tháng giêng âm lịch, tức là ngay sau khi ăn Tết Nguyên Ðán xong, thường bị thất thu vì hai lẽ: nước lụt làm úng lúa, và gió mạnh đập lúa rụng.
Ðồi cát Vĩnh Yên, người dân chỉ tìm được một thú vui nho nhỏ là săn thỏ và nhử chim cu đồng, mà người đời xếp nhử chim cu vào cái ngu thứ ba:
“Trên đời có bốn cái ngu,
Làm mai, đỡ nợ, gác cu, cầm chầu.”
Luận về bốn cái ngu này thì hầu hết những người có tiếng tăm, giàu có, phong lưu, đều vấp phải. Phải chăng đây là câu ca dao ganh tị của những người không có điều kiện để làm bốn cái ngu nói trên ?
Những đêm trăng trên động cát này, người dân đem lưới đặt giữa những bụi cây nhỏ, rồi bắt đầu dùng gậy đập vào những lùm cây trên đồi cát. Thỏ bị động chạy ra, thợ săn rượt đuổi, thỏ chạy trốn, nhảy nhanh thì mắc vào lưới.

Nhưng cái quan trọng địa lý nổi bật nhất của đồi cát này và núi Hòn Lớn là chắn gió đông bắc cho vùng Vạn giả. Ngày nay chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã cho khai thác khu đồi cát này, bán cát cho Nhật Bản. Nếu thấy cái lợi nhỏ trước mắt, mà không thấy cái tai hại lớn lao và lâu dài, cứ tiếp tục khai thác, đồi cát bị thấp dần xuống, gió mùa đông bắc sẽ tràn thẳng vào vùng Vạn Giả, tai hại sẽ cực kỳ nghiêm trọng.

Núi Hòn Lớn đem lại lợi tức cho dân địa phương qua nghề làm rẫy. Mặt phía tây hòn núi này tương đối kín gió, nên vào mùa mưa, người dân địa phương phát rẫy để trồng ngô, khoai, bí, mướp, … Người ta làm rẫy gần tới đỉnh núi. Ngoài rẫy ra, còn hai giống thú rừng mà người dân thường thích săn bắt là nai và heo rừng. Săn nai ở đây tương đối không khó lắm nếu ta có một đàn chó săn chừng năm bảy con. Ðưa chó lên rừng, chó đánh được hơi nai là bắt đầu theo dấu. Khi nai bị chó phát hiện, chó sẽ rượt đuổi, và dồn ép nai xuống chân núi. Nai chạy một hồi thì thoát ra bãi biển. Nếu không nhào ra biển là bị chó cắn, bơi ra biển là bị dân săn dùng ghe thuyền chận bắt.

Trước khi qua cửa đá ngầm để vào Tu Bông, ta thử quay tay lái tàu bên phải 15 độ, đổi hướng sang 090 độ, ta sẽ hướng mũi tàu vào một khu vực khá lý tưởng về mặt hải hành.
Chúng ta có cảm tưởng đang hải hành vào một kinh đào khá rộng, không sóng gió, hai bên là những mõm đá hay sườn núi, lòng nước khá sâu đủ cho tàu bè qua lại. Hải trình ở đây không cong queo nhiều, và chỉ chừng hai mươi phút, ta đã thấy một bãi cát trắng thật đẹp, bên trong là những mái nhà tranh ẩn nấp dưới bóng dừa xanh. Nước trong xanh, đáy biển sâu vừa đủ để cho chiếc tuần duyên hạm loại HQ600 gát mũi tàu lên bãi, rồi kéo hai sợi dây sau lái buộc vào thân hai cây dừa trên bãi là đủ an toàn cho một tàu ủi bãi. Sau đó, nếu bạn không thích bơi lặn, bạn có thể trải mình trên bãi cát trắng mà không sợ bẩn quần áo, hay ngồi dưới gốc dừa hít không khí trong lành và uống một trái dừa tươi vừa trên cây hái xuống. Ngược lại, nếu bạn thích ngâm mình trong nước biển thì còn tuyệt vời hơn nữa. Bạn lặn sâu chừng bốn thước nước là nhặt lên được những con hào giá to bằng cái chén, làm mồi đưa cay cho những xị rượu đế địa phương để ngày giờ qua nhanh lúc nào bạn không hay. Ðó là cái thú của Ðầm Môn Hạ.

Ði dọc bãi vào sâu bên trong và qua khỏi một cái mõm nhỏ, ta lại gặp một bãi khác đẹp và nên thơ cũng không kém, hỏi ra thì đó là Ðầm Môn Thượng. Phong cảnh của Ðầm Môn Thượng và Ðầm Môn Hạ hầu như giống nhau. Cái khác nhau là Ðầm Môn Thượng nằm phần trong cùng của cái đầm, và ở về phía bắc. Tàu lớn không vào được Ðầm Môn Thượng.

Sau những năm dài, trở lại quê hương, trong một bàn tiệc của đứa cháu trai khoản đãi, một anh bạn trẻ hỏi tôi:
-Chú còn nhớ Ðầm Môn không ?
-Làm sao quên được. Tôi trả lời.
-Hồi đó chú neo tàu trước bãi, tụi cháu nằm phía trong nhà run quá !
“À! Thì ra chú mày là du kích địa phương hồi đó.” Tôi thầm nghĩ, “Chú mày sợ tao thật đấy, nhưng tao cũng phải hú hồn khi nghĩ lại nếu chú mày xách AK ra bắt tao.”
Tôi khiêm nhường trả lời:
-Nếu biết các chú nằm trong đó, tôi đâu dám vào.
Cả bàn tiệc cười ồ.

Vùng Vạn Giả và Tu Bông là khu vực giáp biển Ðông, cho nên sau 30 tháng tư năm 1975 người dân vùng này đã bỏ nước ra đi tìm tự do khá nhiều. Vì thế nhiều gia đình có thân nhân bị chết vì sóng gió đánh chìm ghe trên biển cả, hay bị chìm ghe vì bị “can me” quá đông khi tách bến. Thành phần thoát được đến bờ tự do, sống rãi rác khắp năm châu, hiện nay đã góp phần cho cuộc sống của thân nhân ở quê nhà không ít. Một nhân viên của cơ quan chuyển tiền có văn phòng ở thành phố Falls Church, Virginia, cho biết, dân Tu Bông, Vạn Giả nhiều người đã đến đó chuyển tiền về cho thân nhân.

Nếu chúng ta không muốn dừng lại Ðầm Môn Hạ, tiếp tục dong tàu về phải để ra biển, chúng ta sẽ gặp những túp nhà tranh ở bên tả ngạn mà sinh hoạt có vẻ nhộn nhịp hơn Ðầm Môn, đó là Bãi Giếng. Có người gọi là Bảy Giếng, vì họ cho rằng, nơi đây có bảy cái giếng nước ngọt có thể uống được. Trên thực tế tôi không tìm thấy bảy cái giếng. Tôi nghĩ, Bãi Giếng thì đúng hơn, vì đây là cái bãi có thể đào những cái giếng nước ngọt uống được, nên họ gọi là bãi giếng. Hơn nữa, dân địa phương ở đây không một ai nói “đớt” từ “bảy” thành từ “bãi”. Họ phát âm hai giọng “bảy” và “bãi” rất rõ ràng. Một chữ mà họ nói “đớt” dễ nhận thấy là chữ “cá”. “Con cá” họ nói là “con ké”.
Tiếp tục ra khỏi Bãi Giếng, ta sẽ ra tới cửa biển, mà trong hải đồ, cửa này có tên là “port Dayot”. Ra khỏi cửa, nếu ta rẽ về trái, đi về phía đông, dọc theo triền núi, ta sẽ gặp một giàn lưới đăng, chuyên đánh bắt cá thu và cá ngừ đủ loại. Dân đánh cá địa phương gọi là Hòn Na, hay lưới đăng Hòn Na. Trên hải đồ không thấy ghi tên Hòn Na, vì ở đây không phải là một hòn đảo, mà là một mõm núi nhô ra biển.
Cách đặt giàn lưới đăng là cả một công trình nghiên cứu đánh bắt cá của người xưa truyền lại. Khi gió mùa đông bắc sắp chấm dứt, tức vào khoảng vừa ăn Tết Nguyên Ðán xong, dân hành nghề lưới đăng bắt đầu “xuống lưới”, nghĩa là đặt lưới xuống biển. Lưới được đặt tại một mõm đá của một sườn núi nhô ra biển, thẳng góc với sườn núi, kéo dài ra biển chừng trăm thước. Vòng lưới lại 90 độ về phía trong vịnh, chạy song song với sườn núi chừng bảy tám chục thước, rồi vòng lại 90 độ, chạy thẳng vào sườn núi. Khi cách sườn núi vài chục thước, họ lại vòng lưới 90 độ lần nữa, để chạy lưới song song và gần sườn núi, làm thành một lối đi cho cá giữa triền núi và thành lưới. Khi lưới gần đến ranh lưới đầu tiên, họ dừng lại cách ranh lưới chừng bốn năm thước, để làm thành cái cổng đi vào vòng lưới. Họ gọi là “cửa”, tức là cửa của giàn lưới đăng. Lưới đăng đưọc giăng từ mặt nước bằng phao, đến tận đáy biển, bằng những chiếc neo lớn, giữ chắc chắn lưới không bị trôi dạt vì sóng gió. Khi tôi đưa chiếc tuần duyên hạm loại HQ600 vào vùng lưới đăng, tôi không dám máng dây vào lưới, vì sợ lưới trôi. Ông chủ lưới đăng bảo tôi cứ cột tàu vào dây, đừng sợ đứt dây hay trôi lưới, vì neo lưới của ông ta rất chắc chắn. Tôi đưa dây cột tàu vào lưới, ở cả tiếng đồng hồ mà không ảnh hưởng tí gì về những chiếc neo của họ.
Người chủ lưới đăng giải thích rằng, loại cá thu và cá ngừ ở vùng này, thường vào bờ kiếm ăn. Khi đi vào chúng không cần định hướng gì cả, cứ đua nhau vào bờ bất cứ hướng nào. Nhưng khi trở ra biển cả, chúng phải dựa theo triền núi mà đi. Chúng ra đến mõm đá, gặp lưới chắn lại, và cứ tiếp tục dựa theo lưới mà đi. Thế là chúng vào cửa lưới, và cứ bơi vòng tròn trong lưới, đợi người ta bắt. Tôi hỏi tại sao cá không đi ngược lại, thoát ra bằng lối lúc đi vào tại cửa lưới. Họ trả lời, khi đã vào lưới rồi, cá không bao giờ đi ngược để thoát ra bằng lối cửa lưới. Ðược hỏi tại sao, họ trả lời không biết. Trời sinh ra vậy nên con người mới đặt được lưới đăng để đánh bắt cá. Làm thế nào thì biết có cá, và khi nào thì kéo lưới ? Thời gian kéo lưới để bắt cá không nhất định, có khi một giờ, có khi hai ba giờ. Nghĩa là khi nào thấy “mẻ lưới” vừa đủ “sở hụi lao động” kéo và đặt lưới thì họ kéo lưới bắt cá. Làm sao để biết đủ sở hụi ? Họ luôn luôn có một người nằm trên mặt nước bằng một cái phao nổi để quan sát lượng cá đã vào trong lưới. Họ có thể đếm chính xác được số lượng cá trước khi kéo lưới. Một lần tôi thử quan sát, thấy năm sáu con cá thu đang chạy vòng trong lưới, họ nói quá ít, cần chờ thêm.
Khi đã quyết định kéo lưới, họ bắt đầu đóng cửa lưới lại để cá khỏi thoát ra ngoài. Khi lưới từ từ khép chặc, hai chiếc ghe ở hai bên kéo lưới lên ghe. Cuối cùng nâng đáy lưới, gác lên giữa hai ghe. Họ dùng móc và chỉa để bắt cá lên ghe. Những con cá đao to với chiếc cưa trước mõm rất nguy hiểm, họ phải giết chết trước khi bỏ vào khoang ghe. Ðối với chúng ta, thấy cá tươi thì ham, muốn ăn cá tươi tại chỗ cho thỏa lòng, nhưng đối với dân làm lưới đăng thì họ ngấy cá lắm. Vì thế trên ghe họ lúc nào cũng có nồi thịt kho để sẵn.
Cá đánh bắt ở đây, thị trường tiêu thụ phần lớn là Nha Trang. Số còn lại đưa vào Hòn Khói để chở đi Ninh Hòa, sô’ ít được đưa vào Vạn Giả hay Tu Bông. Cá lưới đăng gồm có cá thu, cá ngừ, cá chù, cá chấm, cá bông, cá sọc dưa gan, cá đao. Tóm lại là những loại cá có thân mình tròn. Thường thường cá vào đến Chợ Cồn, chợ Cầu Bóng, chợ Chụtt, chợ Bình Tân, chợ Phường Củi vào khoảng ba giờ sáng. Lý do là, sau một ngày đánh bắt cá, các ghe được phân phối cá vào chiều tối. Từ lưới đăng Hòn Na lái ghe về Nha Trang thời gian mất chừng năm sáu tiếng. Khi cá về bến Phường Củi, trống nổi lên để dân rổi (dân buôn bán cá lẻ) biết, đến mua cá, đem ra chợ bán lẻ.

Từ lưới đăng Hòn Na, nhìn chếch hướng nam-tây nam, nghĩa là nhìn về Nha Trang, ta sẽ thấy một hòn đảo có tên là Hòn Ðỏ. Tuy hòn đảo này không có dân ở, vì không có điều kiện sinh sống, nhưng ngày xưa đây là một hòn đảo linh thiêng đối với dân làm lưới đăng Hòn Na. Theo lời người bạn tâm giao của ông anh tôi kể lại (ông này có một thời hầu cận vua Bảo Ðại ở Ðà Lạt), trước năm 1945 ông ta có dịp theo ghe đến Hòn Ðỏ để tham dự lễ tế thần tại đây. Ghe đến nơi, tất cả thức ăn nấu sẵn cho buổi lễ, được đem lên đảo, mặt phía đông. Chiếu được trải, thức ăn đơm xới và dọn ra, gồm heo quay, gà , vịt, cá, trứng, xôi, chè, hoa, quả, rượu, trà, và hương đèn, vàng bạc mã. Những thức ăn còn lại trong nồi, soong, chảo cũng phải mang lên đảo. Một giàn cây củi đã được chất sẵn từ trước. Khi mọi việc đã đầy đủ, người ta mới mang lên, từ ghe, một nữ đồng trinh chừng mười hai, mười ba tuổi, cột vào giàn cây củi. Hương đèn bắt đầu, và chủ lễ ăn mặc chỉnh tề, đứng ra khấn vái. Rồi giàn cây củi bắt đầu được mồi lừa. Tiếng kêu la của em bé gái nữ đồng trinh bắt đầu khi em bị cột vào giàn cùi, và tắt lịm khi giàn lửa bùng cháy. Mọi người dửng dưng, lẳng lặng rời đảo, trở lại ghe để về nhà. Thức ăn và nồi niêu soong chảo, cả chén bát đều để nguyên vẹn lại đảo. Người ta còn tin hơn nữa, khi năm sau, trở lại nơi này để tế thần, nồi niêu soong chảo, chén bát, … không một thứ gì còn sót lại trên đảo. Người ta cho là thần biển đã mang đi. Thực tế thì vào mùa gió đông bắc, sóng gió đập phủ mạnh lên đảo này, đã lôi cuốn những thứ nói trên ra biển. Lễ tế thần bắt đầu trước khi hạ lưới đăng. Người ta cho rằng tế thần bằng nữ đồng trinh, thần sẽ phù hộ để làm được mùa. Ðược hỏi, nữ đồng trinh tìm ở đâu ra. Ông ta cho biết, họ vào Phan Rang mua con của người Chàm trước đó cả năm, đem về nuôi để tế thần. Ông ta cũng cho biết, lệ này được dẹp bỏ vào những năm 1945 hay 1946 gì đó.

Mỗi lần tôi lái tàu ngang qua Hòn Ðỏ, nghĩ tới chuyện xưa, tôi nghe rờn rợn trong óc vì hình ảnh em bé gái bị trói vào cọc và quằn quại dưới ngọn lửa đốt cháy thân xác. Tôi tưởng chừng tiếng khóc la của những oan hồn của các bé thơ còn quanh quẩn đâu đây. Thời đó quả dân ta còn phong kiến, lạc hậu quá! Ðến đây câu chuyện vịnh Van Fong cũng đã phần nào làm thỏa óc tò mò của chúng ta. Với tôi, tôi thực sự đã hài lòng được biết qua phần nào cái hay cái đẹp của một phần đất nước, cái hay cái đẹp của quê hương tôi. Nếu tôi không trải qua một cuộc sống hải hồ, một thời gian dong tàu khắp đó đây, từ Cửa Việt, đến tận Bắc Ðảo của Phú Quốc, hay từ Hoàng Sa xuống Trường Sa, Côn Ðảo, đến tận Nam Du (Poulo Dama), và Thổ Châu (Poulo Panjang), chắc tôi không có dịp biết qua những thắng cảnh này. Giờ đây, bôn ba nơi xứ người, mà những hình ảnh ấy vẫn còn rõ rệt trong ký ức của tôi.
Phan Hữu Niệm



Posted by BIENXUA on JUNE 20, 2019

No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...