Một khu trục hạm của Đức sẽ lên đường đến Châu Á và đi qua Biển Đông vào tháng 8 tới đây. Đó sẽ là lần đầu chiến hạm Đức trở lại Biển Đông kể từ năm 2002.Thông tin vừa nêu được giới chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc Phòng Đức từ Berlin cho biết vào ngày 2 tháng 3. Tin chưa tiết lộ tên mà chỉ nói chiến hạm Đức sẽ không di chuyển qua phạm vi 12 hải lý của các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa.
Nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng vào ngày 3/3 từ Berlin có nhận định về tin Đức đưa chiến hạm đến Biển Đông như sau:
“Nếu như những ai quan tâm đến tình hình thế giới nói chung thì đều hiểu một điều là ở thế kỷ 21 ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương sẽ chính là nơi quyết định và định hình sự phân chia quyền lực của thế giới, các cực của thế giới trong tương lai. Vị trí đó quan trọng nữa bởi lẽ là một số lượng hàng hóa trao đổi thương mại của thế giới sẽ đi qua khu vực này. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc và một số quốc gia khác trong vùng, nó càng tạo ra sức hút và đồng thời cũng nhân lên sự xung đột, xung khắc các quyền lợi ở vùng biển này. Chính bởi lẽ đó, các quốc gia mà có quyền lợi kinh tế ở đó cũng phải bắt buộc với sách lược của riêng mình để đối phó với tình hình đang diễn ra ở đây.”
Như vậy ngoài Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành hoạt động tự do hàng hải, hàng không tại khu vực Biển Đông, các nước Châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức cũng tham gia hoạt động này.
Hôm 18 tháng 2 vừa qua, Bộ Quốc Phòng Pháp cho biết chiến hạm tấn công đổ bộ Tonnere và khu trục hạm Surcouf đã rời cảng Toulon để đến Thái Bình Dương trong khuôn khổ chiến dịch kéo dài ba tháng. Hai chiến hạm này được cho biết sẽ đi qua Biển Đông hai lần và tham gia tập trận chung với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trước đó, vào ngày 8 tháng 2, bà Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly xác nhận tàu ngầm hạt nhân SNA Emeraude cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine đã tiến hành cuộc tuần tra tại Biển Đông.
Tàu chiến của Hải quân Hoàng Gia Australia và tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông hôm 18/4/2020
Reuters
Reuters
Anh Quốc vào ngày 23 tháng hai vừa qua cũng cho biết hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth đã rời cảng Portsmouth lên đường đến Biển Đông. Hàng không mẫu hạm này được tháp tùng bởi hai khu trục hạm Type 45, hai hộ tống hạm Type 23, một tàu ngầm hạt nhân, một tàu tiếp nhiên liệu lớp Tide và tàu tiếp nhiên liệu RFA Fort Victoria.
No comments:
Post a Comment