Monday, October 18, 2021

PHƯỢNG Vũ Lâm


“𝘉𝘢̆̀𝘯𝘨 𝘵𝘢̂́𝘵 𝘤𝘢̉ 𝘵𝘳𝘢𝘯𝘨 𝘵𝘳𝘰̣𝘯𝘨 𝘷𝘢̀ 𝘬𝘪́𝘯𝘩 𝘮𝘦̂́𝘯 𝘨𝘶̛̉𝘪 đ𝘦̂́𝘯 𝘯𝘩𝘢̀ 𝘷𝘢̆𝘯 𝘋𝘰𝘢̃𝘯 𝘘𝘶𝘰̂́𝘤 𝘚𝘪̃, 𝘬𝘩𝘪 𝘮𝘢̣𝘯 𝘱𝘩𝘦́𝘱 𝘯𝘩𝘢̆́𝘤 đ𝘦̂́𝘯 𝘲𝘶𝘺𝘦̂̉𝘯 𝘋𝘰̀𝘯𝘨 𝘚𝘰̂𝘯𝘨 Đ𝘪̣𝘯𝘩 𝘔𝘦̣̂𝘯𝘩 𝘵𝘳𝘰𝘯𝘨 𝘣𝘢̀𝘪 𝘯𝘢̀𝘺. 𝘘𝘶𝘺𝘦̂̉𝘯 𝘵𝘳𝘶𝘺𝘦̣̂𝘯 𝘵𝘪̀𝘯𝘩... đ𝘰̣𝘤 𝘭𝘶́𝘤 𝘵𝘶𝘰̂̉𝘪 𝘮𝘰̛́𝘪 𝘭𝘰̛́𝘯.” (𝘝𝘶̃ 𝘓𝘢̂𝘮)
Tiếng người Hạ Sĩ Giám Lộ qua hệ thống “intercom” gắn đầu giường đánh thức Lâm:
- Mời sĩ quan hải hành lên đài chỉ huy.
Lâm tỉnh dậy, bật đèn đầu giường nhìn đồng hồ. Mới gần ba giờ sáng. Anh hất chăn ngồi dậy, mắt còn cay, cảm giác lừ đừ, nhờn nhợn như muốn say sóng. Lâm cố gắng mặc quần áo, đi giầy, đội nón bằng một tay, một tay phải ghì chắc thành giường để không bị ném qua, hất lại theo độ lắc của con tầu, anh lẩm bẩm:
- Mẹ!!... chạy sóng ngang... biển động!!!Lên đến đài chỉ huy, gió biển và hơi nước lạnh làm Lâm tỉnh ngủ và dễ chịu. Nhân viên “đương phiên” làm việc im lặng trong bóng tối. Chỉ có ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn nhỏ rọi xuống bàn hải đồ, những vệt sáng xanh yếu ớt quét trên mặt radar và vài đốm đèn đỏ trên các dụng cụ hải hành, vô tuyến. Tiếng gió ào ào lùa qua cửa ở hai bên đài chỉ huy và tiếng sóng ầm ầm đập vào thành tầu. Con tầu nghiêng qua, nghiêng lại, chồi hụp theo cơn biển động. Nhìn qua cửa kính phòng lái, mỗi khi mũi tầu hụp xuống, Lâm thấy sóng ụp qua cả pháo tháp khẩu đại bác 127 ly ngoài sân mũi.
Lâm đến bên radar nhận định hình dạng bờ biển, đo khoảng cách, qua bàn hải hành xem lại vị trí đầu giờ cuối cùng của chiến hạm rồi ra “balcon” tả hạm. Trung uý Trác, sĩ quan trưởng phiên đang quan sát, thấy Lâm đến bên, anh buông ống nhòm, hai người chào nhau quân cách, xã giao. Đêm trùng dương mịt mùng, tối đen, chỉ có muôn vạn vì sao nhấp nháy. Trung úy Trác chỉ cho Lâm một ánh đèn nhỏ, yếu ớt, chớp tắt ở thật thấp phía trước mũi tầu rồi phân trần:
- Không muốn đánh thức trung úy đâu, nhưng Hạm trưởng ghi trong sổ: “Gọi sĩ quan hải hành thượng phiên khi bắt được đèn hải đăng Vũng Tàu và gọi nhiệm sở neo khi cách điểm neo năm hải lý”. Bây giờ còn cách Vũng Tầu ba mươi tám hải lý. Biển động và ít tầu bè qua lại, không có gì đáng ngại.
Lâm tiếp lời Trác:
- Mai tôi về phép, chắc hạm trưởng cố tình dựng dậy sớm, muốn “đì” cho... bõ... ghét. Mình đi về Vũng Tầu, Trường Sa, như đi chợ có gì đâu quan trọng.
Trách vui vậy thôi, thâm tâm Lâm rất mến và kính trọng người hạm trưởng dị tướng, lùn, đầu to, nhưng có thực tài, tư cách và đức độ. Khác xa với các hạm trưởng và đơn vị trưởng trước cuả anh.
Nhớ ngày thuyên chuyển lên chiến hạm này, khi tầu đang neo ngoài khơi Vũng Tàu chờ đi công tác ngoài quần đảo Trường Sa. Mới leo lên tầu, nhận phòng chưa kịp sửa xoạn, đã nghe máy gọi:
- Mời trung uý Lâm lên phòng hạm trưởng trình diện tân đáo.
Khi Lâm đứng chào xưng danh, Hạm trưởng lầm lì, nghiêm nghị, quan sát Lâm từ đầu đến chân, mắt ông ngừng lại trên cái cánh “bằng dù” Lâm đeo trên ngực:
- Trung uý có bằng nhẩy dù?
- Thưa hạm trưởng có.
- Trên chiến hạm này chắc không có dịp cho trung uý xử dụng! Mời ngồi.
Hạm trường cúi nhìn xấp hồ sơ lý lịch, ông hỏi:
- Trung uý ở tuần duyên hạm PGM thuyên chuyển đến, hạm phó?... Đã ở giang đoàn mười chín tháng?
Không đợi Lâm trả lời, ông tiếp:
- Đây là một trong chín chiến hạm lớn nhất của hải quân Việt Nam, trung uý cố giữ đúng truyền thống, bất cứ lúc nào ra khỏi phòng riêng cũng phải nghiêm chỉnh với quân phục có đầy đủ lon, giầy, nón. Không có kiểu bà ba đen, đi dép như ở PGM. Có lẽ phải gọi là thuyền phó thì đúng hơn là hạm phó, ở PGM anh mới chỉ là hải thuyền chưa phải là hải quân!
Sau màn phủ đầu, ông có vẻ diụ dàng hơn, chỉ dẫn các điều cần thiết, trao nhiệm vụ...
Sau màn dịu dàng lại đến dằn mặt:
- Hai tuần sau trung úy nộp cho tôi phúc trình tân đáo về hiểu biết chiến hạm, từ tiểu sử, đặc tính, quán tính, nhân viên, vũ khí, vận chuyển, phòng tai.
Thêm một màn khó nuốt:
- Đi viễn dương, mỗi ngày trung uý làm và nộp cho tôi ba “point” thiên văn xác định vị trí chiến hạm, một vào lúc trước mặt trời mọc mười lăm phút, một sau khi mặt trời lặn mười lăm phút và một vị trí buổi trưa lúc mặt trời qua kinh tuyến với hai đường Loran.
Lâm chửi thầm:
- Tổ mẹ! cha nội vừa “rắc-lô”, vừa “hắc ám” vừa ra vẻ nhân từ. Độc như “thịt vịt”! Có lẽ phải kiếm đường “chẩu”, xin đổi đi giang đoàn thuỷ bộ, xuống Năm Căn, húc, ủi, bắn cá thòi lòi còn dễ thở hơn,... sống thế chó nào nổi với thằng lùn, “nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún”!
Nhưng trước khi Lâm ra khỏi phòng ông nhẹ giọng:
- Anh là sĩ quan hiện dịch, binh nghiệp suốt đời, quân đội đã tốn rất nhiều để đào tạo. Tôi chỉ muốn anh thành một sĩ quan hải quân giỏi, chuẩn bị cho anh sau này làm sĩ quan Hải Hành thay thế đại uý Phiệt sẽ thuyên chuyển... cấp số thiếu tá, dễ cho anh dự tranh đại uý cuối năm.
Rồi ngần ngừ ông hỏi:
- Anh biết H.T.Đ cùng khoá Đà Lạt với anh không? Em ruột tôi đấy, sư đoàn 23.
Từ đấy, Lâm theo con tầu, vui buồn với bao chuyến hải hành, sóng gió, lênh đênh... anh mến hạm trưởng, thương con tầu và không bao giờ nghĩ đến thuyên chuyển. Một lần lên bờ ngồi chung trong quán, Hạm trưởng hỏi:
- Sông cũng đủ rồi, biển cũng dư hải vụ... sao không lên bờ cho ấm?
Lâm thành thật trả lời:
- Võ Bị lạc sang không quân, hải quân đã “phè” lắm rồi! Truyền thống hào hùng, nếu lục quân phải mũ mầu, nếu không quân phải bay F5, còn hải quân phải trên Tuần Dương Hạm. Tôi chỉ muốn ở biển, hoặc về sông, không muốn đơn vị bờ: “bó thân về với triều đình. Hàng thần lơ láo phận mình ra sao”, hải quân mắc cạn, không giống ai, thà làm công chức sướng hơn.
Hạm trưởng mắng như mắng đứa em:
- Ngang như cua! cùng lò với nhau, giống thằng em tôi như hệt, sướng không muốn, muốn bị đầy đọa. Khùng!
* * *
Tầu về bến, cho dù chỉ được neo ở ngoài khơi để tiếp tế, đi chợ, cũng là niềm vui sướng, mong đợi của đời thủy thủ. Lần về bến này, Lâm thấy tâm hồn mình khác lạ, bồn chồn, không háo hức “đi bờ”, la cà trên Vũng Tàu như những lần trước. Cuộc đời Lâm sắp có đổi thay...
Khi neo cắn, giải tán nhiệm sở neo xong thì trời đã mờ sáng. Đèn thành phố dọc bờ biển đã tắt, núi Hải Đăng, nhà cửa, bãi trước Vũng Tầu rõ dần. Cầu thang và “ca-nô” được thả xuống, Lâm xuống “ca-nô” để vào bờ với giấy nghỉ phép và lời dặn dò thân thiện, pha chút giỡn cợt của hạm trưởng:
- Vào bờ sớm cho kịp chuyến xe về Sài Gòn... Trung úy sắp tàn số đào hoa... cùn đời thuỷ thủ!... Không còn được quyền bay bướm với các em Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh, Vũng Tầu... Sau này mỗi khi Tầu cặp bến, tôi sẽ cho niêm yết tại hạm kiều: “Trung uý Lâm đã có vợ”.
Lâm về phép hỏi vợ! Chuyện tình nào rồi cũng phải có đoạn kết. Sự chọn lựa nào cũng có ít nhiều tiếc nuối và quyết định nào cũng vướng chút ít chua cay. Lâm đã quyết định hỏi vợ, không biết anh có thực hiện đúng câu: “Phải cầu nguyện một lần trước khi ra trận, phải cầu nguyện hai lần trước khi xuống tầu vượt biển, nhưng phải cầu nguyện đến ba lần trước khi quyết định lấy vợ?”.
Trên chuyến xe đò Vũng Tầu Saigòn, chuyến xe về đổi đời, Lâm ngồi trầm ngâm ôn lại quá khứ. Anh thấy nỗi xao xuyến dâng lên trong hồn với nỗi buồn man mác. Lâm nhớ lại những người tình, những cuộc tình đến rồi đi ngắn ngủi, vội vàng. Anh tự trách, sao mình lại có thể là người bội bạc! sao tình cảm mình lại hay thay đổi bất thường. Rồi anh cũng tự bào chữa, Thuỷ, Duyên, Mai, Ngọc ... chỉ là bạn thôi! nếu có xa hơn cũng chỉ là nửa người tình, nửa bạn.
Ngay từ khi mới lớn, thấy Lâm có nhiều thư từ, bạn gái, mẹ anh đã nói:
- Đào hoa lắm chỉ rước họa vào thân! Lắm mối tối nằm không! Con sẽ khổ vì tình thôi!
Lâm nhớ đến Thuỷ, cô bạn chanh chua, hay đay nghiến, ghen và dằn vặt anh nhiều nhất, lần cuối cùng Thuỷ đến, cô nàng tươi cười đắc thắng:
- Anh Lâm bay bướm lắm, lăng nhăng lắm, chẳng cô nào chịu nỗi đâu, cô nào rồi cũng phải đá anh thôi, vô phúc mà thương và chờ anh thì cổ sẽ dài hơn cổ cò... Thủy đến đưa thiệp mời, tháng sau Thủy đám cưới...
Lâm nhăn nhó làm vẻ đau khổ:
- Thuỷ xem đấy, gia cảnh nghèo, chỉ còn một mẹ già, tháng ngày xa nhà, lênh đênh biển cả, chẳng cô nào dám rớ tới! Nhưng anh biết rồi, Thủy có chàng dược sĩ trẻ, mặt búng ra sữa, quý tử cuả Xuân phamacy ở đường Phan Đình Phùng, đúng chưa? Anh mừng cho Thuỷ. Bao giờ anh chán nghề đi biển, sẽ về học dược, học pha chế rồi cũng mở tiệm bán thuốc, nhưng nhất định anh sẽ không bán aspirine, penicilin, lincosine, thuốc trụ sinh, độc dược, mà bán Basto, Capstan, Salem, Pallmall, ba số năm, thuốc lào Gò Vấp... chưa chắc ai sẽ giầu hơn ai?
Lâm nghĩ về Duyên, cô bé Bắc kỳ hay dỗi, hay hờn, một lần bắt gặp Lâm đứng uống nước mía Viễn Đông ỏ góc đường Pasteur nói chuyện với Thủy, cô nàng cố tình đi chen vào giữa cho Lâm thấy rồi nguýt dài một cái. Ngày hôm sau Duyên sai em gái đem thư tới đòi lại tất cả thư từ, hình ảnh, các vật kỷ niệm, nàng đòi lại từ quyển truyện, quyển báo, bản nhạc, cả đến những thiệp chúc Tết từ những năm xa xưa mà nàng tự tay làm lấy cho Lâm.
Loan, cô bạn Lâm mến nhất, ca sĩ cuả một ban nhạc địa phương, vừa là một “ca ve” bán chính thức, nàng trẻ, đẹp nhưng ăn nói ngổ ngáo, sống sượng, cố làm vẻ già dặn, bụi đời. Lâm quen Loan hôm dạ vũ tổ chức trên chiến hạm khi cặp bến Đà Nẵng. Hôm ấy, anh ngồi một mình ở salon trong góc phòng khách sĩ quan, uống nước ngọt, ngắm ca sĩ trình diễn, nhận diện các mệnh phụ phu nhân, các quan lớn, tá, tướng, tư lệnh, tỉnh trưởng...đang lả lướt trên sàn nhẩy, Loan đến rất tự nhiên, xấc xược và trêu chọc:
- Hạm phó và các sĩ quan đằng kia xúi em đến tiếp chuyện trung uý, người hùng cô đơn, trắng trẻo, đẹp trai, hiền lành, chỉ biết uống nước ngọt...còn...tân! Em tên Loan...
Lâm liếc sang đám hạm phó và các sĩ quan ngồi đối diện phiá bên kia sàn nhảy đang chăm chú theo dõi hai người, anh kéo Loan ngồi xuống bên cạnh:
- Em nhìn lầm người rồi... Trông vậy, thấy vậy, tưởng vậy mà không phải vậy đâu, ác qủy đấy. Vợ ba con, đào nửa tá, em rớ tới chỉ thiệt thân, chỉ từ thua tới lỗ, từ chết đến bị thương thôi. Đế dăm xị, ông già bật ngửa hay ông già chống gậy được nửa lít, Cognac hai chai. Không hiền đâu! Hôm nay là sĩ quan trực nhật, nên không được phép uống, phải thì thọt chạy vào, chạy ra hạm kiều coi chừng an ninh, đón tiếp quan khách.
Hất mặt sang đám sĩ quan bên kia, Lâm tiếp:
- Mời em nhẩy bản kế tiếp cho chúng nó cụt hứng... bọn chúng đang đo bản lĩnh cuả anh đấy.
Hôm ấy, Loan ngồi tiếp chuyện với Lâm suốt buổi, trừ những lúc ban nhạc giới thiệu Loan lên hát và những lúc Lâm phải ra thăm dò ngoài hạm kiều. Khi gần cuối, lúc hấp dẫn nhất của màn vũ thóat y “Tabu” do T. Thủy trình diễn, Loan cố tình choàng người qua, ấn ngực vào vai Lâm ý muốn khoe... ghé sát miệng vào tai anh, nói nhỏ chọc ghẹo:
- Làm gì mà ngẩn ngơ như bé Tí thèm nắm xôi vậy... của giả đấy!!
Lâm cũng sỗ sàng:
- Biết rồi! của em mới thiệt, phải không?
Sau cuộc chiến Hoàng Sa với Trung Cộng, chiến hạm Lâm biệt phái tuần tiểu dài hạn cho vùng một, mỗi lần nghỉ bến Đà Nẵng, anh lại có dịp gặp Loan. Đi chơi với Loan, Lâm thấy thoải mái, dễ chịu, Loan không kiểu cách, giả dối, õng ẹo, như các tiểu thư khuê các Sài Gòn, chơi với nhau rất tự nhiên, sòng phẳng và thân thiện như hai bạn trai, cũng có lúc đốp chát, sỉ vả nhau, hạ nhau sát ván rồi cười hòa. Sau giờ Loan hát, Lâm thường rủ đi ăn mì Quảng, ăn chè, mực nướng bên bờ sông Hàn.
Một lần Lâm mời Loan ăn tối ở Hải Ký, cô nàng cố tình chọc phá, kéo theo bốn cô bạn, hôm ấy các nàng cứ chụm đầu vào nhau cười nói rúc rích, tíu tít gọi các món ăn cho đầy bàn, bồ câu quay, gỏi sứa, cá hấp, rồi chấm chấm, mút mút làm duyên không ăn. Trung uý Thanh ngồi bàn gần đấy ghé qua mượn bật lửa nói nhỏ với Lâm:
- Trung uý Lâm đào hoa thật, nhưng hao đạn nhé!!
Lâm cười không trả lời. Khi bữa ăn gần tàn, Lâm móc túi tìm thuốc hút thấy không còn, anh đội nón đứng dậy nói với Loan:
- Sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà... Đọi! anh ra cửa mua thuốc lá lẻ...hai mươi đồng ba điếu Capstan!
Ra đến cửa, anh thuê xe về tầu, leo lên giường ngủ thẳng giấc.
Sau này gặp lại Loan, cô nàng sỉ vả, Lâm cười trừ:
- Anh đã nói với Loan từ buổi đầu, cô nào đến với anh, nhất là cố tình chơi gác thì chỉ từ thua đến lỗ ... tin chưa?
* * *
Ra đến xa lộ Biên Hòa xe chạy nhanh và êm hơn, khi ngang qua làng đại học Thủ Đức, Lâm thấy lòng buồn lâng lâng! Nỗi buồn ẩn dấu trong tim bỗng tràn về ngập hồn. Anh biết mình còn thương, buồn, hình như trong tận cùng tâm hồn có điều gì uẩn ức và oán giận một người! Phượng đang ở đây, khu nhà mới trong cái cái quận lÿ nhỏ bé này. Bùi ngùi, Lâm liên tưởng đến Thiệu và Yến trong truyện "Dòng Sông định Mệnh" của Doãn Quốc Sĩ, sao giống đời anh và Phượng. Lâm đọc thầm một câu trong truyện: "Hai cuộc đời như hai nhánh sông, đã chia xa, Dòng sông định mệnh đã ra tới biển rồi, có còn khúc quành nào đâu! "
Năm chín tuổi, gia đình Lâm dọn về khu xóm Hiệp Hưng, ngày đầu tiên Phượng theo mẹ qua nhà, khi bác Trọng ngồi nói chuyện với mẹ Lâm, cô bé mon men đến bên Lâm, tần ngần nhìn anh xắp xếp sách vở, đồ chơi vào ngăn tủ:
- Mẹ nói anh tên... Lâm, mai đi học chung với Phượng?
Lâm không trả lời, rụt rè với cô bé mới gặp. Từ bé đến giờ anh chỉ chơi tạt hình, bắn bi, chọi đáo, đánh nhau với đám con trai, có bao giờ chơi với con gái đâu! Nhưng khi Phượng móc túi chia với Lâm mấy cái kẹo dừa, anh lấy ngay và cười với Phượng.
Lâm và Phượng bằng tuổi, học cùng trường, cùng lớp, lớp ba trường Hiệp Hoà. Ở trường hai đứa không để ý đến nhau, Lâm còn ham chơi bắn bi, đánh đáo, đuổi bắt với các bạn. Chỉ khi tan học, về gần đến nhà hai đứa mới đi chung. Thường thì Lâm lững thững theo sau. Tay xách cặp, tay xách bình mực, vừa đi vừa đá cái ống lon hoặc quả bóng cuộn tròn bằng giấy, đá lê lết về đến nhà mới thôi. Trong xóm không có con trai bằng tuổi nên Lâm phải chơi với Phượng, và lũ em Phượng, toàn những trò chơi con gái, nhẩy dây, đánh đũa, nhẩy cò cò. Đôi khi chán, Lâm phải qua xóm bên cạnh đá dế, búng hình, đánh kiếm với đám bạn trai, nhiều khi quên cả bữa cơm, mẹ phải đi tìm gọi về và bị đòn.
Một buổi tan học, Phượng bị ba đứa học trò lớp khác chọc ghẹo, đang đứng mếu máo. Phượng buộc nơ đỏ trên tóc nên chúng theo sau trêu chọc:
- Bắc kỳ... quàng khăn đỏ… ê!... con Bắc Kỳ quàng khăn đỏ.
Lâm từ xa chạy tới, lia cặp da vào cả ba, hất lọ mực vào chúng rồi đánh nhầu, ôm vật lăn lộn dưới đất cho đến khi mấy người lớn can ra mới thôi.
Dắt Phượng chạy về, Phượng thút thít khóc:
- Phượng đâu muốn Lâm đánh nhau đâu, về nhà mẹ đánh cho xem!
Về đến nhà Lâm mới biết, quần áo bị nhầu nát, mực đổ từ trên xuống dưới, tay và mặt trầy xát có chỗ bầm tím. Thoáng thấy mẹ ngồi đan trước cửa, Lâm lẻn vào nhà bằng cửa sau, nhẹ nhàng lấy aó sạch thay rồi vòng ra cửa trước, khoanh tay ngoan ngoãn:
- Thưa mẹ con đi học về.
Mẹ nhìn Lâm một thoáng rồi trừng mắt:
- Buổi sáng đi học mặc áo trắng... sao bây giờ lại nâu... cái áo tao mới giặt??
Thấy vết bầm tím trên mặt, mẹ loay hoay tìm roi:
- Trời ơi! ... Ông tướng nhà trời!... lại đánh nhau rồi!
Buổi chiều Phượng qua tìm Lâm, thập thò ngoài cửa khi Lâm vẫn còn bị quỳ khoanh tay úp mặt vào tường. Bị mẹ đánh mấy roi, bắt qùy, Lâm vẫn mím môi không khóc, nhưng khi biết Phượng đang nhìn, Lâm tủi thân, nức lên khóc, đưa tay áo quệt nước mắt dàn dụa, mặc cho mẹ mắng:
- Còn oan ức lắm phải không?
Những ngày sau Lâm tránh gặp Phượng, cả ở trường, khi tan học và ở nhà. Mãi đến hôm rước đèn trung thu, Lâm chia nến, chia kẹo và đốt đèn cho Phượng, hai đứa mới cười hoà, Lâm trách:
- Ai bảo Phượng nhìn Lâm bị qùy.
Ngày tháng trôi mau, Lâm và Phượng trải qua tuổi thơ êm đẹp, hồn nhiên, chia nhau từng miếng bánh, đồ chơi.
Lên trung học, hai đứa không còn chung lớp, không còn chơi trò chơi trẻ con, nhưng những đêm trăng sáng, xuống ga ngắm trăng với đám bạn hàng xóm, Lâm và Phượng vẫn còn nắm tay nhau đi hai bên đường rầy xe lưả. Những lúc Lâm tập đàn guitar, Phượng vẫn thích nằm áp tai vào thùng đàn để nghe tiếng đàn của Lâm vang và ấm hơn.
Bắt đầu năm mười bốn tuổi Lâm đã biết Phượng đẹp lắm! Nhiều lần nhìn trộm Phượng rồi ngẩn ngơ, đêm về trằn trọc không ngủ. Có lần Phượng đi nghỉ hè với gia đình, cả tuần không gặp, Lâm thấy nhớ và buồn vu vơ, anh đạp xe đạp đi lang thang dưới mưa suốt ngày, nhưng vẫn mung lung không hiểu được mình, không hiểu được những gì đang biến chuyển trong hồn ở tuổi mới lớn và chưa nghĩ rằng mình bắt đầu biết yêu.
Mười bốn, mười lăm tuổi, Lâm vẫn còn ngu ngơ, khờ dại thì Phượng đã là một thiếu nữ đẹp, biết làm duyên, trang điểm những ngày lễ, ngày tết, đã có những người lớn, sinh viên, sĩ quan, kỹ sư, bạn của anh lớn cuả Phượng săn đón, chiều chuộng, mua quà cho Phượng. Lâm thấy mình bé hẳn đi so với Phượng. Hình như anh thấy có gì đăng đắng, uất nghẹn trong hồn mỗi khi Phượng khoe có người cho quà Phượng, Lâm trách Phượng cả những lần đi xe buýt mà dám để con trai trả tiền vé.
Lâm vẫn dại khờ, ngây ngô không hiểu gì khi Phượng tặng Lâm quyển truyện “Dòng Sông Định Mệnh”, bên trong có chiếc khăn thêu, mỏng và mềm, có mùi nước hoa phảng phất với chữ “Thương” trống không bằng nét chì mờ mờ ở trang đầu. Quyển truyện mà những câu có ý đẹp, lời hay, Phượng đã tô mầu để Lâm lưu ý.
Cuối năm mười sáu tuổi, ba Phượng giữ chức vụ lớn hơn trong chính Phủ, gia đình Phượng dọn vào cư xá. Lâm và Phượng không còn gặp nhau hàng ngày nữa. Không gian, thời gian, gia cảnh khác biệt, như một bức màn vô hình cách ngăn hai đứa. Chỉ còn một hai lá thư mỗi tuần kể chuyện mưa nắng, vu vơ, nhưng không thư nào Phượng quên nhắc: Đêm qua Phượng mơ thấy Lâm...
Ngày lên Đà Lạt nhập học Võ Bị, lá thư đầu tiên cho Phượng, Lâm viết ngắn, gọn:
“Một người đã đi xa, vẫn nhớ đến Phượng, một người thương Phượng từ ngày còn bé nhưng ngu ngơ khờ dại, chỉ biết ghen tức, giận hờn mà không biết ngỏ lời. Một người thương Phượng, nhưng không muốn bị xếp hàng, chọn lựa chung với những người theo Phượng”
Năm thứ hai Võ Bị, Lâm nghe tin Phượng đã làm đám hỏi với một người, cuộc đời quân trường gò bó, bận rộn nên nỗi buồn chỉ thoáng qua như mây trời Đà Lạt chợt mưa, chợt nắng. Cuối năm ấy, Phượng lên thăm, chiều thứ bẩy ba Phượng đưa vào đến cổng trường thì đã gần hết giờ tiếp thân nhân của sinh viên sĩ quan, bác Trọng nói:
- Hai anh em lâu lắm mới được gặp nhau, bác cố vào sớm mà bận việc, lanh quanh đâm trễ, mai chủ nhật cháu ra phố với Phượng bác ghi địa chỉ cho cháu.
Lâm nói giọng buồn:
- Mai cháu phải ứng chiến trong trường, không ra được.
Ngày chủ nhật, ba Phượng đưa Phượng vào trường từ sáng sớm:
- Cho hai anh em tha hồ tâm sự với nhau, chiều bác vào đón.
Ngồi ở một góc rừng thông, bên cạnh suối nước, suốt một ngày nhìn nhau im lặng, hai đứa chỉ thăm hỏi nhau được mấy câu... nhắc lại vài kỷ niệm ngày bé, mãi đến chiều gần lúc chia tay Lâm hỏi nhỏ:
- Phượng đã làm đám hỏi?
Phượng gật đầu hỏi lại:
- Lâm có cô bé Đà Lạt... dễ thương?
Lâm nhặt một quả thông khô ném xuống suối:
- Chưa đến đâu! Cuộc đời binh nghiệp, bốn phương chưa biết mình sẽ về đâu, Lâm còn ở đây hai năm nữa rồi... bay... tương lai là hiểm nguy, sóng gió, nhưng Lâm thích vậy, Lâm chọn.
Sau khi Phượng về Sài Gòn Lâm nhận được thư Phượng, nhưng không trả lời, chả còn gì để xao xuyến,... hai nhánh sông đã chia xa, nhánh sông của Phượng êm đềm chảy ra biển, nhánh sông của Lâm vẫn còn nhiều gềnh thác... dòng sông định mệnh có còn khúc quành nào không cho mình gặp gỡ?
* * *
Buổi chiều trước ngày Lâm đám hỏi, đột nhiên Phượng đến, aó lụa, quần lụa trắng, guốc trắng, tóc thả dài ngang vai.
- Chào bác... bác vẫn khoẻ?... Nghe Hải nói anh Lâm về, cháu ghé thăm, lâu lắm từ ngày gia đình cháu dọn lên Thủ Đức, chưa có dịp đến thăm bác và anh.
- Cháu Phượng... dạo này trông sang và đẹp quá, bác nhìn không ra. Mới ngày nào hai đứa còn bé, nghịch ngợm, bây giờ đã trưởng thành cả rồi, hèn gì bác mau già...
Ở trên gác, Lâm nhận ra tiếng Phượng, phải đến mấy phút lặng người, Lâm mới nén được những rộn ràng, xúc động trong tim. Anh xuống đón Phượng cố bằng giọng hồn nhiên:
- Gớm... người đâu mà đẹp thế...ngọn gió nào đưa Phượng đến vậy?
Phượng nghiêm nét mặt, lườm Lâm y như ngày còn bé:
- Chẳng có ngọn gió nào cả...Phượng đến tìm Lâm, trách Lâm, mắng Lâm...được không? Nghe nhiều người nói, Lâm bê bối, tình cảm lăng nhăng, bội bạc, Phượng buồn!... cô nào hành hạ Lâm?
- Phượng! cô Phượng!
Rồi Lâm nhớ ngay đến một câu mà hai đứa vẫn thuộc lòng trong Dòng Sông Định Mệnh: "Bởi vì Phượng! Phượng đẹp như một vì sao... mà sao với người thì thường cách biệt."
Cơn giông đầu mùa hạ kéo đến thật nhanh, chỉ trong khoảng khắc, mây đen phủ kín bầu trời, trần mây thấp, gió lốc cuốn bụi, rác và lá cây bay tung lên trời. Rồi mưa đổ xuống như thác nước, ào ào trên mái ngói, mái hiên, bụi nước mưa hắt vào nhà mát lạnh.
Lâm và Phượng ngồi sát bên nhau im lặng nhìn qua cửa sổ trên gác, khu xóm mờ mịt trong mưa, khu xóm ngày xưa khi còn bé Lâm thấy rộng lớn thênh thang, bây giờ thấy nhỏ bé chật hẹp.
Lâm và Phượng mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng tư. Bỗng Phượng hỏi nhỏ, giọng lạc đi vì xúc động:
- Lâm vẫn thương quyển Dòng sông định mệnh?
Lâm gật đầu:
- Vẫn thương, vẫn giữ trên tầu, vẫn thuộc lòng những câu Phượng tô mầu.
- Phượng đến hôm nay muốn nói với Lâm: Mình không có dòng sông định mệnh, Phượng không phải là Yến, Phượng không muốn đẹp như một vì sao mà sao với người thì thường cách biệt, Phượng muốn đẹp như một người thường để không cách biệt với Lâm. Có điều mình thân nhau từ bé nên đôi khi nhầm lẫn, mình là anh em, là bạn, hay người tình? Phượng không thấy có cánh cửa nào hạn hẹp tình mình, gia đình, hoàn cảnh hay tuổi tác? Nhưng Lâm, Lâm câm lặng, Lâm giận dỗi, Lâm ghen, Phượng là con gái, Phượng không thể nói gì khác hơn!
Lâm cắt lời Phượng:
- Phượng đã có đám hỏi với Ngân?
- Không, chỉ là dạm ngõ, Phượng đã trả trầu cau sau ngày lên thăm Lâm trên Võ Bị.
Lâm bàng hoàng:
- Sao Phượng không lấy chồng?
- Phượng chờ Lâm... đến khi nào Lâm lấy vợ... thì Phượng mới lấy chồng.
Lâm thấy tim thắt lại, rưng rưng muốn khóc, anh lắc đầu:
- Định mệnh đã an bài, dòng sông định mệnh đã chia hai nhánh. Anh tưởng Phượng biết, ngày mai anh làm đám hỏi với Hòa, không có gì thay đổi được cả.
Có hai giọt nước mắt lăn từ từ trên má, rồi Phượng úp mặt vào hai bàn tay, cánh vai rung động, Phượng thì thầm lẫn trong tiếng nấc ngẹn ngào:
- Giá Phượng đừng tặng Lâm quyển truyện... thì đâu có Dòng Sông Định Mệnh! Quyển truyện đã dắt lối đời mình, đã ám vào đời nhau.
Có tiếng mẹ gọi dưới nhà:
- Hai đứa xuống ăn cơm, mẹ nấu canh riêu ngon lắm (Mẹ và gia đình Phượng vẫn nghĩ là hai đứa chỉ coi nhau như anh em).
* * *
Hai tháng, sau ngày Lâm lấy vợ, Phượng đám cưới với Ngân. "Hai nhánh sông chia xa, mất hút trong rừng đời, âm thầm tìm đường ra biển, có còn khúc quành nào đâu!. Dù hai ba mươi năm nữa, khi cả hai mái tóc đã pha sương, dù ba, bốn mươi năm nữa, khi cả hai đã da mồi tóc bạc mới gặp nhau, thì phút đầu cũng chẳng ai tránh được xao xuyến."
Riêng Lâm, mỗi lần nhớ đến Phượng, Lâm cầu mong cho nhánh sông của Phượng êm đềm, bình an ra tới biển. Dù ba, bốn mươi năm nữa, cầu xin cho kẻ nam, người bắc, kẻ đông, người tây, đừng bao giờ gặp lại. Không phải để quên, bởi vì làm sao mà quên được, nhưng để mỗi lần nghĩ về nhau, vẫn bằng hình ảnh của mấy chục năm về trước, lúc còn thơ ấu, khi tuổi mới đôi mươi, hay vẫn bằng hình ảnh cuối cùng của Phượng. Phượng còn đẹp mãi, với tóc xõa dài, áo lụa trắng trên căn gác hẹp, bên của sổ nhìn mưa... và hai giọt nước mắt lăn trên má.
Cuối cùng, đời Lâm vẫn gắn bó với con tầu và biển cả, biển khơi mênh mông ôm ấp dùm Lâm nỗi buồn. Chân trời xa thẳm, hải đảo mịt mù, những cánh hải âu mệt mỏi và những hoàng hôn trên biển tím loang một phương trời. Tím cả đời Lâm!

Vũ Lâm.

No comments:

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6