HÌNH ẢNH,AFP
Nato đã lên án những lời lẽ "nguy hiểm" và "vô trách nhiệm" của Nga sau quyết định của Tổng thống Vladimir Putin triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.
Tổ chức này đang "theo dõi chặt chẽ" tình hình và cho biết động thái này sẽ không dẫn đến việc thay đổi chiến lược hạt nhân của chính họ.
Mỹ nói không tin Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.
Belarus có chung đường biên giới dài với Ukraine, cũng như với các thành viên Nato là Ba Lan, Litva và Latvia.
Ukraine đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để giải quyết mối đe dọa tiềm tàng từ tuyên bố của Tổng thống Putin hôm thứ Bảy.
Tổng thống Putin cho biết Moscow sẽ không chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí của mình cho Minsk và nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko - một đồng minh vững chắc của Điện Kremlin và là người ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Nga - đã nêu vấn đề này với ông từ lâu.
Ukraine nói rằng động thái này vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân - một cáo buộc mà Tổng thống Putin đã bác bỏ, thay vào đó so sánh nó với việc Mỹ triển khai vũ khí ở châu Âu.
Nhưng Nato hôm Chủ nhật mô tả việc Nga đề cập đến việc chia sẻ hạt nhân là "gây hiểu nhầm".
"Các đồng minh của Nato hành động với sự tôn trọng đầy đủ các cam kết quốc tế," người phát ngôn của Nato, Oana Lungescu, cho biết.
Liên minh quân sự Nato cũng cáo buộc Nga liên tục vi phạm các cam kết kiểm soát vũ khí của chính mình, bao gồm cả quyết định đình chỉ hiệp ước START mới của nước này - một thỏa thuận được ký năm 2010 nhằm hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân của Mỹ và Nga và trao cho mỗi bên quyền kiểm tra đầu đạn hạt nhân của nhau.
Chụp lại video,
Hệ tư tưởng 'Đại Nga' là động lực sâu xa đằng sau cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Putin?
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell kêu gọi Belarus từ chối thỏa thuận với Putin, cảnh báo nước này có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới nếu tiếp tục thực hiện thỏa thuận.
"Belarus vẫn có thể ngăn chặn điều đó, đó là lựa chọn của họ," ông viết trên Twitter.
Vào Chủ nhật, một cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga biến Belarus thành "con tin hạt nhân".
Oleksiy Danilov đã viết trên Twitter rằng các kế hoạch của Nga là một "bước tiến tới sự bất ổn nội bộ" ở Belarus và dự đoán tinh thần bài Nga ở nước này sẽ gia tăng.
Lãnh đạo phe đối lập Belarus đang lưu vong Sviatlana Tsikhanouskaya cho biết việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở đất nước của bà "hoàn toàn trái ngược với nguyện vọng của người dân Belarus" và sẽ khiến nước này trở thành mục tiêu tiềm năng cho các cuộc tấn công trả đũa.
Tuy nhiên, Yuriy Sak, một cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine, nói với BBC rằng Ukraine đã quen với các mối đe dọa hạt nhân từ Nga, đồng thời nói thêm rằng việc triển khai quân ở Belarus sẽ không thay đổi kết quả của cuộc chiến.
"Họ không thể chiến thắng cuộc chiến này vì đối với họ nó không bền vững, không thể chiến thắng, [và] họ không thể đánh bại Ukraine vì chúng tôi đã sống với mối đe dọa giả định về một cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy ra ngay từ ngày đầu cuộc xâm lược quy mô lớn này," ông nói.
Ông Sak cho biết hành vi của Nga không có gì mới vì nước này đã triển khai các thiết bị quân sự ở Belarus kể từ khi bắt đầu chiến tranh vào năm 2022.
Mykhailo Podolyak, một cố vấn cấp cao khác của Tổng thống Zelensky, mô tả động thái này là "chiến thuật hù dọa" và cho rằng nhà lãnh đạo Nga "quá dễ đoán".
Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ cho biết nguy cơ leo thang thành chiến tranh hạt nhân sau thông báo này vẫn ở mức "cực kỳ thấp".
Tổng thống Putin cho biết trong bài phát biểu hôm thứ Bảy rằng một số lượng nhỏ hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander, có thể được sử dụng để phóng vũ khí hạt nhân, đã được chuyển đến Belarus.
Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1990, Moscow sẽ đặt vũ khí hạt nhân bên ngoài đất nước.
Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 đồng nghĩa với việc vũ khí được đặt tại bốn quốc gia mới độc lập - Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan - với việc chuyển giao tất cả các đầu đạn cho Nga hoàn thành vào năm 1996.
Nga sẽ bắt đầu đào tạo lực lượng vận hành các vũ khí này từ tuần tới. Tổng thống Putin cho biết việc xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sẽ hoàn tất trước ngày 1/7.
Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó Nga và Trung Quốc đưa ra tuyên bố chung nói rằng "tất cả các cường quốc hạt nhân không được triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ quốc gia của họ và phải rút tất cả vũ khí hạt nhân được triển khai ở nước ngoài".
No comments:
Post a Comment