Thursday, May 18, 2023

Cuộc chiến VN: Bàn về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản

GETTY IMAGES
Đô thành Sài Gòn trước 1975
Đã có một tranh cãi đã kéo dài trong hàng thập kỷ qua, về việc Mỹ có thể đã hiểu sai về chủ nghĩa dân tộc của chế độ Việt Nam Cộng hòa để rồi bỏ rơi họ trước năm 1975.
Từ Mỹ, hai chuyên gia về luật và khoa học chính trị đã bình luận với BBC News Tiếng Việt về đảng viên cộng sản có phải là người theo chủ nghĩa dân tộc thật sự ở Việt Nam hay không.

Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam thật sự là gì?

Giáo sư Vũ Tường, chuyên ngành khoa học chính trị từ Đại học Oregon cho rằng chủ nghĩa dân tộc Việt Nam (Vietnamese ethnic nationalism) đặt niềm tin vào giống nòi, lịch sử, và văn hóa chung của cộng đồng người Việt.


"Về chính trị trong thời hiện đại, chủ nghĩa dân tộc chuyên chở khát vọng có một quốc gia Việt Nam độc lập và phú cường, là đất nước của mọi giai cấp miễn là có dòng máu Việt Nam."


Giáo sư Stephen B. Young, Giám đốc Điều hành Caux Round Table for Moral Capitalism, tác giả quyển sách 'Kissinger's Betrayal: How America Lost the Vietnam War' cho biết ông muốn nhấn mạnh đến bốn ngàn năm văn hiến của Việt Nam khi đề cập đến chủ nghĩa dân tộc.


"Chủ nghĩa dân tộc là một thuật ngữ khá hiện đại, bắt nguồn từ châu Âu vào thế kỷ 18, trở nên nổi tiếng và phổ biến thông qua người Pháp trong thời kỳ Cách mạng Pháp. Họ đã tạo nên sự tương phản giữa 'la nation' (quốc gia) và nhà vua. Chủ nghĩa dân tộc được định nghĩa là niềm tin vào nhân dân. Tinh thần dân tộc là về một nhóm người có cùng tổ tiên, nhà vua, gia đình, nói cùng một ngôn ngữ, có cùng một phong tục."


"Theo tôi, về chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam có thể thấy qua Lý Thường Kiệt với bài thơ 'Nam Quốc Sơn Hà', Trần Hưng Đạo, một triều đại chứng kiến sự hưng thịnh của đạo Phật", Giáo sư Stephen nói.



GETTY IMAGES
Đường phố Sài Gòn vào năm 1960

Giáo sư Stephen B. Young đề cập đến Lê triều hình luật, bộ luật chính thức của nhà nước Đại Việt, ra đời dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) như một minh chứng quan trọng về bản sắc chủ nghĩa dân tộc Việt Nam từ xưa.


"Có một tài liệu quan trọng mà tôi và bạn tôi là ông Nguyễn Ngọc Huy, người sáng lập và lãnh đạo Tân Đại Việt được học tại khoa luật của Đại học Harvard. Đó là về bộ luật Hồng Đức (Lê triều hình luật) (1428-1527), thời Lê Sơ. Sau khi Lê Lợi, Nguyễn Trãi đánh thắng quân Minh của Trung Quốc, khi cần soạn thảo bộ luật cho nhân dân, vị vua của nhà nước Đại Việt đã làm gì? Nếu như người Triều Tiên sao chép bộ luật nhà Minh của Trung Quốc thì vua Lê Thánh Tông đã không làm điều này. Thay vào đó, ông đã tự viết bộ luật cho mình, dựa trên nền tảng của đạo Phật. Một số nghiên cứu cho rằng bộ luật này đã được biên soạn từ thời ông của vua Lê Thánh Tông là vua Lê Thái Tổ."


"Bộ luật này rất mang tính Việt Nam, phụ nữ được trao nhiều quyền lực. Đây là một phần của chủ nghĩa dân tộc thật sự của Việt Nam. Thế nhưng sau thời kỳ của vua Lê Thánh Tông, sau khi lên nắm quyền, vua Gia Long đã mang bộ luật từ nhà Thanh về Việt Nam, biến triều Nguyễn trở thành một Trung Hoa thu nhỏ", Giáo sư Stephen B. Young nói.


Trong khi đó, cơ quan tuyên giáo của Việt Nam định nghĩa "[...] về bản chất, chủ nghĩa dân tộc là thù địch với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, với thế giới quan mácxít và mâu thuẫn với quá trình khách quan của sự phát triển. Đó là sự xích lại gần nhau của các dân tộc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa [...] Chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc chân chính, mang bản chất của giai cấp vô sản."



Người cộng sản theo chủ nghĩa dân tộc?

GETTY IMAGES

Một đơn vị cao xạ Quân đội Nhân dân VN bảo vệ bầu trời Hà Nội

Giáo sư Vũ Tường cho biết những đảng viên cộng sản ở Việt Nam không phải là người theo chủ nghĩa dân tộc.

"Họ có thể là người yêu nước, nhưng một khi gia nhập đảng cộng sản, họ phải đặt niềm tin vào giai cấp vô sản lên trên niềm tin vào dân tộc. Lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam (ít nhất là cho đến gần đây khi họ thực ra đã biến thành phong kiến và tư bản đỏ) cho khái niệm dân tộc là một khái niệm của giai cấp tư sản đặt ra để lừa dối giai cấp công nhân và nhân dân lao động, che dấu sự bóc lột áp bức của tư bản với những giai cấp khác."


"Trừ những lúc quyền lực của người cộng sản còn yếu hay lúc họ chưa có quyền lực, giai cấp tư sản và địa chủ Việt Nam luôn là kẻ thù của Đảng Cộng sản Việt Nam, cần phải xóa bỏ, bằng bạo lực nếu cần, mặc dù họ là người Việt, cùng dân tộc Việt Nam. Trong khi đó Đảng Cộng sản Việt Nam lại chủ trương đoàn kết anh em với Đảng Cộng sản Pháp và công nhân Pháp dù Pháp là nước đô hộ Việt Nam", Giáo sư Vũ Tường nói.


Cùng chung quan điểm với Giáo sư Vũ Tường, Giáo sư Stephen B. Young bình luận như sau:


"Chủ nghĩa cộng sản do Karl Marx và Friedrich Engels sáng tạo nên. Họ đã định nghĩa về hệ thống giai cấp quốc tế, không có liên quan gì đến quốc gia. Nếu là người cộng sản thì sẽ thuộc về giai cấp vô sản trên toàn cầu. Vì thế cũng giống tôn giáo vậy, như Công giáo, đạo Hồi hay đạo Phật, chủ nghĩa cộng sản trước tiên là một hiện tượng quốc tế. Đảng viên cộng sản ở Việt Nam đã không học từ người Việt Nam khác, hay thế hệ người Việt Nam lớn tuổi trước đó. Chưa bao giờ có chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Trong bốn ngàn năm văn hiến ở Việt Nam thì không có chủ nghĩa cộng sản."


"Như vậy chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam đến từ Phương Tây. Chủ nghĩa này đã đến từ Pháp, thông qua những người thực dân Pháp. Vì vậy khi nghe đến người cộng sản trên thế giới bất kỳ nơi nào trên thế giới, suy nghĩ của bạn nên là quốc tế không phải là quốc gia. Người cộng sản có hệ tư tưởng từ nước ngoài. Do đó người cộng sản thật sự không phải là người theo chủ nghĩa dân tộc", ông nhận định.



Mỹ hiểu sai về chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam Cộng hòa?

Những người lính Việt Nam Cộng hòa trong một cuộc chiến trước quân đội Bắc Việt tại Tuy Hòa, Nam VN

Giáo sư Vũ Tường cho rằng phong trào chính trị dân tộc chủ nghĩa của người Việt bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 với Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tự Lực Văn Đoàn, và được thừa kế bởi Việt Nam Cộng Hòa.


"Qua các cuộc đấu tranh giai cấp khốc liệt chống địa chủ và cải tạo tư sản, và qua chủ trương dựa vào khối cộng sản quốc tế để tiến hành chiến tranh nồi da xáo thịt với miền Nam, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt Nam) đã chứng tỏ dân tộc đối với họ không quan trọng bằng giai cấp. Những người Mỹ phản chiến cố tìm cách biện hộ cho miền Bắc là theo chủ nghĩa dân tộc để thuyết phục chính phủ của họ không can thiệp vào Việt Nam, không giúp đỡ Việt Nam Cộng hòa chống lại cuộc chiến tranh do miền Bắc tiến hành."


"Họ hiểu rất ít về lịch sử hiện đại của Việt Nam, hay cố tình không hiểu rằng Việt Nam Cộng hòa mới là chế độ/chính thể thừa kế đích thực của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam từ đâu thế kỷ 20. Còn việc chính quyền Mỹ (hành pháp) rút khỏi Việt Nam là vì lý do khác, không phải họ hiểu sai về cộng sản Việt Nam", Giáo sư Vũ Tường nhận định.


Về phần mình, Giáo sư Stephen B. Young cho rằng, "Khái niệm quốc gia thường được sử dụng trong thời Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc."


Trong quyển sách 'Kissinger's Betrayal: How America Lost the Vietnam War', Giáo sư Stephen B. Young đã đề cập đến động cơ sâu xa Henry Kissinger, từ sự không tin tưởng vào một chiến thắng cho Mỹ ở Việt Nam ngay từ ban đầu, không xem Việt Nam Cộng hòa có chủ nghĩa dân tộc.


"Vào năm 1966, khi Kissinger tìm cách đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Tổng thống Lyndon Johnson với Hà Nội, ông ta đã gặp Sainteny ở Paris. Sự thật này đã được lưu trong các hồ sơ. Và cũng theo hồi ký của Henry Kissinger, ông ta đã lắng nghe Jean Sainteny về Việt Nam và ông ấy viết Sainteny chỉ nói với mình hai điều. Thứ nhất, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam Cộng hòa là vô giá trị, không thể tạo dựng quốc gia, tham nhũng, không phải là người tốt... Thứ hai, người Mỹ không bao giờ có thể chiến thắng trong cuộc chiến này khi hậu thuẫn cho những người ở Việt Nam Cộng hòa, vô tổ chức, vô kỷ luật, tham nhũng, lười chiến đấu... Và tôi suy đoán là còn có một ý thứ ba, đó là chỉ có Hồ Chí Minh là người Cộng sản, người Việt Nam tốt", Giáo sư Stephen B. Young nói với BBC hồi tháng Ba khi đề cập đến chủ nghĩa dân tộc thật sự ở Việt Nam và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.



Hồ Chí Minh theo chủ nghĩa dân tộc?

GETTY IMAGES

Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Jean Sainteny (đứng thứ hai từ phải sang trái), Cao ủy Cộng Hòa Pháp tại Bắc Bộ trong cuộc gặp tại Pháp vào tháng 07/1946

Trong nhiều năm qua, đã có tranh cãi về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc hay chỉ thuần túy là một 'chiến sĩ' cộng sản.


Cơ quan tuyên giáo Việt Nam cho rằng chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh "thực chất là chủ nghĩa dân tộc chân chính, mang bản chất của giai cấp vô sản".

"Từ năm 1924, trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, tại mục D "Chủ nghĩa dân tộc", Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đề cập và khẳng định vai trò của chủ nghĩa dân tộc chân chính: "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước [...] Khi cho rằng "Hồ Chí Minh thực chất là người dân tộc chủ nghĩa" là một cách diễn đạt thiếu chính xác, không đầy đủ. Cách diễn đạt này dù vô tình hay hữu ý đã bỏ qua tính giai cấp, làm mờ đi lập trường, quan điểm giai cấp của Hồ Chí Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam", theo bài viết của Ban Tuyên giáo.

Giáo sư Vũ Tường nhận định với BBC rằng, "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chiến sĩ cộng sản. Nếu ông thực sự theo chủ nghĩa dân tộc, ông đã không thể tồn tại trong phong trào cộng sản, đừng nói đến làm lãnh tụ đảng cộng sản của Việt Nam."

Giáo sư Stephen B. Young lập luận như sau:

"Trước năm 1946, không ai biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông ấy không phải là một nhân vật quan trọng. Ông ấy đã trở thành lãnh đạo của phong trào Việt Minh trong Thế chiến lần hai. Và sau đó ông được một quan chức trong chính quyền thực dân Pháp lựa chọn. Đó là Jean Sainteny, Cao ủy Cộng Hòa Pháp tại Bắc Bộ vào năm 1946 để làm đối tác với phía Pháp. Hồ Chí Minh đã đến Pháp vào năm 1911.

"Vào năm 1908, Việt Nam có phong trào Đông Du khi các thanh niên chịu ảnh hưởng từ Phan Bội Châu sang Nhật du học. Họ xem triều đại nhà Nguyễn đã không bảo vệ nhà nước, dân tộc Việt Nam hiệu quả trước sức ảnh hưởng của thực dân Pháp. Trong khi đó Hồ Chí Minh không làm như vậy."

"Ông ấy đã đến Pháp. Và có hai lá thư ông ấy viết vào năm 1911. Khi đến Pháp, ông ấy viết thư cho Tổng thống Pháp và lá thư cho bộ trưởng thuộc địa nói ông ấy muốn nhập học Trường Thuộc địa của Pháp, trường đào tạo những quan chức phục vụ. Hồ Chí Minh muốn phục vụ nước Pháp với vai trò một thanh niên. Đó không phải là một người theo chủ nghĩa dân tộc."

Giáo sư Stephen B. Young cho rằng sau năm 1946, Hồ Chí Minh và Việt Minh đã "che dấu" chủ nghĩa cộng sản bằng các tuyên bố nhấn mạnh đến nền độc lập cho nhân dân.

"Nếu xem lại những gì ông ấy và Việt Minh nói, họ không bao giờ nói về chủ nghĩa dân tộc, mà chỉ nói về độc lập. Cụm từ nổi tiếng của Hồ Chí Minh là độc lập, tự do, hạnh phúc. Hồ Chí Minh không thật sự nói về tinh thần dân tộc của người Việt."

"Vì vậy theo tôi, ưu tiên hàng đầu của Hồ Chí Minh là hệ tư tưởng quốc tế của chủ nghĩa cộng sản. Và để thành công, ông ấy đã áp bức những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc, như Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt Duy Dân, Hòa Hảo, Cao Đài, Công giáo, Phật giáo để Đảng Cộng sản Việt Nam có thể kiểm soát nhà nước", Giáo sư Stephen B. Young bình luận.


Play video, "Việt Nam: Đảng viên cộng sản là người theo chủ nghĩa dân tộc?", Thời lượng 9,52

Việt Nam: Đảng viên cộng sản là người theo chủ nghĩa dân tộc?

No comments: