Thầy cô và các bạn thân mến, từ rất lâu rồi mình muốn viết một bài nhắc lại chuyến đi chơi ở Hòn Nghệ vào ngày 20/06/1969 bằng tàu Hải Quân HQ 607 do thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Thành tổ chức, nhưng vì việc xảy ra đã quá lâu nên mình không còn nhớ rỏ các chi tiết… Sau đó mình có đăng tin thông báo trên trang fb để nhờ quý thầy cô và các bạn đóng góp thông tin vào, mặc dù có rất nhiều bạn học cùng trường Hà Tiên ngày xưa cho biết là cũng có tham dự vào chuyến đi chơi đó nhưng các bạn đã không còn nhớ chi tiết gì nữa cả, có một vài bạn cũng có kể lại một vài kỷ niệm nhỏ trong chuyến đi, riêng bản thân mình thì mình còn nhớ một vài chi tiết, mình sẽ lần lượt kể ra cho thầy cô và các bạn biết, cuối cùng thì mình cũng phải quyết định viết bài về chuyến đi nầy vì đó là một trong những hoạt động ngoài học đường lớn lao và quy mô của ngôi trường Trung Học Hà Tiên chúng ta vào thời đó, phải có một bài nhắc lại kỷ niệm nầy mới được, mình chắc chắn rằng khi quý thầy cô và các bạn đọc xong bài nầy, sẽ có dịp nhớ lại nhiều chi tiết hơn và như thế mong quý thầy cô và các bạn tham gia đóng góp chi tiết chuyến đi với mình để bổ túc thêm bài cho phong phú và đầy đủ hơn nhé.
Vào thời gian những năm của hai thập niên 60 và 70, có rất nhiều tàu chiến Hải Quân thường ghé bến vào Hà Tiên chúng ta, tàu thường đậu ngay tại cầu tàu Quan Thuế ở bến sông của khu Đài Kỷ Niệm (Hà Tiên). Lúc ban đầu thì có chiếc tàu Hải Quân mang số hiệu HQ 607 ghé rất thường xuyên vào bến Hà Tiên, mình còn nhớ rất rỏ. Lúc đó theo mình biết những vị sĩ quan chỉ huy chiếc tàu nầy là bạn quen biết với thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Thành (lúc đó thầy Thành cũng là giáo sư dạy môn Lý Hóa của trường Trung Học Hà Tiên), nên các ông nầy có đề nghị với thầy Thành mời thầy cô và học sinh của trường đi chơi ngoài Hòn Nghệ bằng tàu Hải Quân HQ 607. May mắn thay thầy Nguyến Văn Thành cũng đồng ý và như vậy cả thầy cô trò trường Hà Tiên mình đều được đi chơi một chuyến trên chiếc tàu Hải Quân HQ 607 nầy.
Đó là vào ngày thứ sáu 20/06/1969, buổi sáng sớm cả thầy cô trò đều lần lượt đi xuống bến tàu Quan Thuế (Đài Kỷ Niệm Hà Tiên) chỗ tàu HQ 607 đậu để lên tàu bắt đầu ra khơi. Hòn Nghệ là một đảo nhỏ (diện tích khoảng chừng 3,8 km²) thuộc vùng biển Hà Tiên, Hòn Nghệ gần khu vực du lịch Hòn Phụ Tử hơn là đối với Hà Tiên, Hòn Nghệ chỉ cách Hòn Chông khoảng 15 cây số. Mình không còn nhớ thời gian tàu chạy từ bến tàu Quan Thuế ra tới Hòn Nghệ là bao nhiêu phút nhưng khi mọi người bắt đầu ổn định trên tàu và tàu nổ máy lướt sóng rồi thì các anh Hải Quân đủ mọi cấp bắt đầu tiếp xúc với học sinh của trường, nhất là mấy anh lo tiếp các cô nữ sinh rất hăng hái…Mình còn nhớ rỏ là khi đó các bạn gái như Nguyễn Nguyệt Hồng, Mai Thị Ngọc Minh, … được mời vào ngồi trên các cổ súng đại bác phía trước mũi tàu và các anh thủy thủ cho quay các cổ súng nầy qua lại, lên xuống…Ngược lại mình không còn nhớ trong lượt đi như vậy nhóm bạn nam của mình hoạt động gì trên tàu, Khi tàu chạy gần đến Hòn Nghệ thì dĩ nhiên là tàu không thể cập ngay vào đất liền mà đậu ngoài khơi và có tàu nhỏ của người dân trên hòn ra rước mọi người vào hòn. Cũng nhắc lại là hầu hết tất cả quý thầy cô và hầu hết các học sinh của toàn thể các lớp của trường Trung Học Hà Tiên lúc đó đều có tham dự vào chuyến đi chơi nầy, trong nhóm bạn nam của mình thì có: Nguyễn Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Tài, …v…v.., nhóm bạn nam của anh Trần Văn Dõng học trên mình một lớp thì có các bạn Lý Cảnh Tiên, Quách Ngọc Sơn, Lâm Hữu Quyền, Nguyễn Văn Tỹ, Khưu Thiên Phước,..v..v.., các đàn chị lớp trên nữa thì có chị Huỳnh Thị Kim, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Thu,…Còn các lớp sau mình thì cũng có các em Nguyễn Thị Điệp, Trần Thị Như Liên, Thái Thanh Niên,…v..v…
Hình như trong chuyến đi thì thời tiết có vẻ tốt, biển yên, mọi người lo vui chơi trên tàu nên không ai bị nôn mửa gì cả, mình còn nhớ có lúc mình thấy và chỉ cho các bạn xem, trên mặt bằng của tàu cũng có một đống tôm khô do các anh Hải Quân để ở đó để phơi khô…
Khi thầy cô, học trò và các vị trên tàu Hải Quân vào bờ bằng thuyền nhỏ của dân chở vào rồi thì các anh Hải Quân cho tập họp học sinh lại, sinh hoạt cách đi đứng trên hòn và nhóm mình thì theo một anh Hạ Sĩ Quan Hải Quân, mình còn nhớ tên anh là Phước (Trung Sĩ) , cả nhóm leo lên căn nhà sàn của dân gần đó và bắt đầu ăn tiết canh (mình còn hình dung rỏ trong đầu óc từng dỉa tiết canh màu đó, có điểm các cộng rau xanh…và có thêm vài đậu phọng đâm nát ra nữa…). Lúc đó mình vốn rất kén ăn nên không dám ăn tiết canh, chỉ ăn cháo thịt thôi, ngoài ra còn có rất nhiều món hải sản do người dân khoản đải…Dĩ nhiên là trong bữa tiệc ăn nầy cũng có rượu đế để mấy anh lai rai…
Một trong những kỷ niệm lúc nầy mình còn nhớ là sau khi ăn uống một lúc thì có tiếng ồn ào phía bờ biển, mọi người nhìn ra thì thấy một nhóm anh Hải Quân lo dìu bạn Quách Ngọc Sơn ra thuyền nhỏ để đưa Sơn trở lại lên tàu, vì lúc đó anh Sơn đã « quắc » rồi, nghe tiếng anh hơi cụ nự không muốn lên tàu nhưng cuối cùng thì cũng đưa được anh Sơn lên tàu HQ 607 để nghỉ mệt cho tan rượu.
Một kỷ niệm khác rất thú vị là sau khi ăn uống xong, nhóm mình cùng với anh Trung Sĩ Phước ngồi nói chuyện trước mái hiên nhà của dân, khi thấy chiếc nón kết màu xám có gắn « lon » của anh Phước để bên cạnh, mình vội lấy đội vào và tay thì cầm một cọng dừa dài như là cầm gươm và quỳ xuống giống như các sĩ quan làm lễ khi ra trường, thấy vậy anh Phước liền nói khoan khoan và anh cởi chiếc áo có gắn « lon » trên hai bên vai ra và kêu mình đổi áo với anh, mình liền cởi áo sơ mi trắng của mình ra và mặc chiếc áo màu xám có cầu vai của anh Phước đồng thời cũng còn đội luôn chiếc nón kết Hải Quân của anh, từ đó cho đến lúc lên tàu trở về mình vẫn còn mặc áo và đội kết như vậy…
Theo em Nguyễn Thị Điệp kể lại thì trong lúc mọi người hầu như « say » hết rồi thì mạnh ai nấy tìm một chỗ yên tỉnh để ngủ một giấc cho qua cơn say. Bạn Nguyễn Ngọc Thanh tìm được một chiếc võng dưới một gốc cây gần đó, và sau đó Thanh ngủ mê nhưng trên tay vẫn còn cầm điếu thuốc lá đang cháy…Vì thấy điếu thuốc lá đang cháy dần gần tới ngón tay của bạn Nguyễn Ngọc Thanh nên hai em gái Nguyễn Thị Điệp và Trần Thị Như Liên cố kêu anh để cho hay, nhưng kêu hoài mà Thanh ngủ mê quá không thức, nên cuối cùng Điệp và Như Liên nhặt một khúc cây gần đó và khìu cho điếu thuốc lọt khỏi ngón tay của bạn Thanh…, Điệp và Như Liên cười quá mà anh Thanh vẫn không hay biết gì cả…
Đến chiều thì tập họp điểm danh và chuẩn bị lên tàu lớn HQ 607 để ra về. Chuyến về nầy mới thật là gay go vì biển hình như có sóng to nhỏ,…Lúc trong chuyến về nầy thì mọi người có vẻ mệt và đã mất hết sự phấn khởi háo hức lúc ra đi…Mình còn nhớ là các bạn học sinh nam nữ ai nấy đều bị nôn mửa hết, thức ăn đều bị trả lại hết trên sàn tàu của mấy anh Hải Quân, mình còn thấy rỏ, các thức ăn, đều bị tháo ra hết và mọi người đều mửa ra ngay tại trên sàn tàu…mình cũng bị chóng mặt và rất khó chịu, không còn nhớ là mình có bị mửa không …Nghĩ lại thật tội nghiệp các anh Hải Quân, khi xong xuôi chuyến nầy, các anh phải dội nước rửa sàn tàu cho sạch vì chỗ nào trên sàn tàu cũng bị ướt do các chất liệu nhớt nháo…Tuy nhiên cũng có một kỷ niệm vui nữa mà mình còn nhớ trong chuyến về nầy, đó là lúc tàu vừa chạy được một lúc, tinh thần còn sáng khoái chưa bị chóng mặt, mình ra bên hông tàu nhìn sóng biển, lúc đó có chị Nguyễn Thị Thu đứng gần đó cũng ngắm sóng biển, (chị Thu là chị của bạn Nguyễn Quốc Tân, Nguyễn Thị Thủy, em của chị Nguyệt, chị Thu ngày xưa nỗi tiếng là học rất giỏi, con của Ông Ngữ nhà ở đường ra Mũi Nai, phía giữa hai con đường Lam Sơn và Chi Lăng), chị Thu nhìn thấy mình mặc áo Hạ Sĩ Quan có gắn lon hai bên vai và lại đội nón kết nên chị cười nói là mặc áo đẹp và giống như thật vậy…Sau đó mình tìm anh Trung Sĩ Phước để trao đổi áo lại, khi anh Phước đưa chiếc áo sơ mi trắng lại cho mình, anh cũng có nói sao đi chơi ngoài hòn mà mặc áo trắng dễ bị dơ lắm….
Theo lời em Thái Thanh Niên (Thái Thanh Liên) kể lại thì Thanh Niên cũng có tham dự chuyến đi chơi nầy nhưng khi xuống tàu về bị say sóng, ói mửa quá nên vào giường sắt cá nhân của mấy anh Hải Quân nằm nghỉ nên không còn nhớ gì nữa cả…Còn khi lên Hòn Nghệ chơi thì thấy nước biển trong và có nhiều con đỉa quá nên rất sợ muốn khóc luôn, bây giờ nhớ lại còn sợ…!!
Theo lời em Hà Quốc Hòa (em Hòa là con của chú Bảy Kế làm việc ở Chi Thông Tin Hà Tiên ngày xưa, nhớ hồi xưa mỗi lần chú Bảy Kế chạy chiếc xe lam ba bánh ngang nhà mà trên mui có gắn theo hai cây căng vải trắng thì rất mừng vì biết là tối hôm đó có chiếu bóng ngoài trời…), em Hòa kể lại là cũng có tham dự vào chuyến đi chơi Hòn Nghệ nầy, Hòa kể là khi tàu rước gần tới đảo thì mấy người bạn biết lội nhảy xuống biển để lội vào bờ, em Nguyễn Thị Kim Liễu cũng nhảy theo nhưng lại không biết lội nên nhờ có các anh vớt lên tàu lại,…tuy nhiên Hòa nói là không biết có nhớ đúng không vì lâu quá rồi nhớ không rỏ…
Khi tàu Hải Quân HQ 607 cặp bến Quan Thuế trước Đài Kỷ Niệm Hà Tiên thì mọi người lần lượt lên bờ đi bộ lai rai về nhà, mình cũng còn nhớ ra lúc đó, trời Hà Tiên lúc đó cũng còn nắng chiều màu vàng hơi nhợt nhạt, đi chơi thì rất vui nhưng khi ai về nhà nấy rồi thì nghĩ lại thấy rất buồn…
Viết thêm về số phận của chiếc tàu HQ 607
Tiền thân của chiếc tàu HQ 607 là chiếc tàu USN PGM 61 (USN: United States Navy; PGM: Patrol Gunboat Motor), được chế ra do hảng J. M. Martinac Shipbuilding Corp, tại thành phố Tacoma thuộc tiểu bang Washington. Sau đó được Hải Quân Hoa Kỳ giao lại cho Hải Quân Việt Nam (trước 1975) ngày 09/04/1963 và được mang tên mới là Tuần Duyên Hạm HQ 607 Nam Du (lấy tên của hòn đảo Nam Du trong khu vịnh Hà Tiên, tên xưa là Poulo Dama). Đây là một trong 20 chiếc Tuần Duyên Hạm được đánh số từ HQ 600 đến HQ 619. Chiếc tàu HQ 607 là chiếc tàu Hải Quân thường xuyên cập bến cầu tàu Quan Thuế (Đài Kỷ Niệm Hà Tiên) trong những năm 60-70. Có một năm ngay mùa Giáng Sinh, người ta có tổ chức quay thịt bò ngay tại bến tàu Quan Thuế (Đài Kỷ Niệm Hà Tiên) và tổ chức ăn tiệc rất lớn trên chiếc tàu HQ 607 nầy. Theo mình sưu tầm thì có các vị sĩ quan từng phục vụ trên chiếc tài HQ 607 nầy: Thiếu Úy Nguyễn Hồng Quang, Thiếu Tá Nguyễn Phú Bá, năm 1974 Hạm Phó tàu HQ 607 là Nguyễn Lê Đại. Theo ý kiến của anh Vương Bình Thành (anh của bạn Vương Bình Phước và Vương Đình Lộc ở Hà Tiên ngày xưa) thì vào năm 1974 hạm trưởng chiếc HQ 607 là HQ Đại Úy Trần Vỉnh Trung (khoá 15 Nha Trang) và hạm phó là HQ Trung Úy Nguyển Lê Đại (khoá 6 / 69 Thủ Đức, khoá 1 ĐB Nha Trang).
Đến những ngày trước và sau ngày 30/04/1975, chiếc tàu HQ 607 theo một số tàu Hải Quân khác ra khơi và chạy qua Philippine, vì Philippine không thừa nhận nước Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu từ sau 30/04/1975 nên Hải Quân VNCH phải làm lễ bàn giao tất cả tàu chiến ngoài khơi Philippine cho Hải Quân Hoa Kỳ, đó là vào ngày 07/05/1975, sau đó các chiếc tàu nầy (trong đó có chiếc HQ 607) mới được cập vào bến Subic Bay thuộc Philippine. Về sau Hải Quân Hoa Kỳ giao tàu cho Hải Quân Philippine quản lý, một số tàu còn hoạt động được, một số tàu bị hư hại thì được tháo gở lấy đồ phụ tùng. Tóm lại cuộc đời Việt Nam của chiếc tàu HQ 607 là từ 04/1963 đến 05/1975. Riêng thầy cô và học sinh của trường Trung Học Hà Tiên cũng có dịp được du hành ngoài biển khơi trên chiếc tàu HQ 607 nầy, và một điều may mắn nữa là anh Trần Văn Dõng vẫn còn giữ lại một tấm hình chụp ngay trong chuyến đi nầy, ngay trước mũi tàu HQ 607. Khi viết những dòng cuối bài nầy, mình cũng rất ngậm ngùi cho số phận của con tàu quen thuộc đối với người dân Hà Tiên nầy.
Trần Văn Mãnh, Paris 28/09/2019
Bức hình duy nhất chụp trong chuyến đi Hòn Nghệ bằng tàu Hải Quân HQ 607 của thầy cô trò trường Trung Học Hà Tiên ngày 20/06/1969. Từ trái sang phải: Khưu Thiên Phước, Trần Văn Dõng, Nguyễn Văn Tỹ và anh Lâm Bình Chư. (Hình: Trần Văn Dõng)
Hình ảnh thật sự của chiếc tàu HQ 607 Nam Du mà thầy cô trò trường Trung Học Hà Tiên đã có dịp đi trên chiếc tàu nầy vào ngày 20/06/1969. Hình: nguồn Mike Green
Hình ảnh thật sự của chiếc tàu HQ 607 Nam Du mà thầy cô trò trường Trung Học Hà Tiên đã có dịp đi trên chiếc tàu nầy vào ngày 20/06/1969. Hình: nguồn Phùng Học Thông
Ảnh chiếc tàu USN PGM 61, (tiền thân của chiếc HQ 607 Nam Du), đây là chiếc tàu của Hải Quân Hoa Kỳ được đóng vào tháng 01/1963 trước khi giao cho Hải Quân Việt Nam để trở thành chiếc tàu HQ 607 Nam Du.
Ảnh chiếc tàu USN PGM 61, (tiền thân của chiếc HQ 607 Nam Du), đây là chiếc tàu của Hải Quân Hoa Kỳ được đóng vào tháng 01/1963 trước khi giao cho Hải Quân Việt Nam để trở thành chiếc tàu HQ 607 Nam Du.
Hình thể và diện tích của Hòn Nghệ
Tái bút 1: Anh Vương Bình Thành (bậc đàn anh, người Hà Tiên và là anh của Vương Bình Phước và Vương Đình Lộc) có cho biết thêm quá trình tàu chiến Hải Quân ghé bến Hà Tiên như sau:
Chiếc chiến hạm đầu tiên vào Hà Tiên (khoảng năm 1960 – 61) là chiếc Giang Pháo Hạm Lôi Công HQ 330 do Trung Úy Lực làm hạm trưởng (sau này là Đại Tá tư lệnh HQ vùng 4 duyên hải), vì lúc đó là chiến hạm đầu tiên vào Hà Tiên nên dân chúng Hà Tiên đổ xô ra cầu tàu Quan Thuế xem rất đông và mấy ông SQHQ lúc đó lên bờ dạo phố và tán tỉnh mấy người đẹp Hà Tiên quá xá……
Chiếc tàu Hải Quân đầu tiên cập bến Quan Thuế (Đài Kỷ Niệm, Hà Tiên) là chiếc Giang Pháo Hạm Lôi Công HQ 330, tên cũ là USS LSIL 699. Hạ thủy ngày 21 tháng 6 năm 1944. (USS: United States Ship; LSIL: Landing Ship Infantry Large)
Tái bút 2: Bạn Trương Thanh Hùng (hoc sinh trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa, bạn cùng lớp với Lâm Thị Lan, Hồ Thị Kim Hoàn,…) sau khi đọc bài có góp ý bổ túc như sau: » Chuyến đi đó tôi có đi. Những kỷ niệm cũng như anh Mãnh đã nói. Riêng tôi ỷ mình biết lội nên nhảy xuống biển lội vào bờ, tưởng gần mà lội muốn hụt hơi. Nhóm của tôi đến một miệng hang chun vào. Mọi người cũng khá ngại vì nghe nói gần đó có cá mập. Nhóm của tôi được các anh lính Hải Quân cho ăn tôm nhúng vào nước dừa tươi quá ngon. Trên chuyến về anh chị em ói la liệt. Một số chị em vào cả phòng riêng của thuyền trưởng ói. Suốt ngày tắm biển, tối về làm biếng không tắm lại mà đi ngủ nực kinh khủng. Còn vài chuyện riêng không dám nói ở đây… »
Tái bút 3: Bạn Nguyễn Thị Điệp (học sinh trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa, bạn cùng lớp với Lê Phước Dương, Trang Việt Thánh, Trần Tuấn Kiệt, Trần Thị Như Liên,…) sau khi đọc bài có nhắc thêm chi tiết nầy: Thiếu Tá Nguyễn Phú Bá người từng làm hạm trưởng chiếc tàu HQ 607, cũng là người con rể của đất Hà Tiên, Thiếu Tá Bá chính là phu quân của dì Tuyết Nga, dì Nga chính là dì của các bạn học của mình: Trần Anh Kiệt, Trần Tấn Công, Trần Thị Như Liên, Trần Thị Yến Vân…dì Nga là em của dì Cần (má của Kiệt) và dì Mẫn (má của Công). Nhà dì Tuyết Nga ngày xưa là tiệm may y phục phụ nữ ở góc đường Phương Thành và Chi Lăng. Thiếu Tá Bá cùng gia đình định cư ở nước Úc và đã mất một năm trước đây.
Thiếu Tá Nguyễn Phú Bá, từng làm hạm trưởng chiếc tàu HQ 607. (Hình: NTĐ)
No comments:
Post a Comment