Saturday, February 25, 2012

Quân lệnh: Thi hành trước, khiếu nại sau_ Lê Đình An

USS Iwo Jima

LĐNN phối hợp hành quân với TQLC Hoa Kỳ trên Hàng Không Mẫu Hạm Iwojima

Năm 1965, 10 Người Nhái được tuyển chọn theo lệnh của BTL/HQ/P3. để phối hợp với Seals Team Mỹ trên Đệ Thất Hạm Đội để trắc nghiệm khả năng Người Nhái Việt Nam do Trung Úy Liên Đội Trưởng Phan Tấn Hưng hướng dẫn .
Toán NN được phi cơ Hoa Kỳ đưa ra phi trường Chu Lai và Trực Thăng H-34 của Hải Quân Hoa Kỳ đưa ra Hạm Đội 7 đang hành quân di chuyển trong vùng. Chúng tôi được thả xuống một Hộ Tống Hạm vào lúc 5 giờ chiều. Tất cả đều vào họp trong phòng Hành Quân của chiến hạm để nghe lệnh hành quân. Sau buổi họp Trung Úy Hưng họp chúng tôi lại và cho biết nội dung buổi họp không đúng với tinh thần Văn Thư của BTL/HQVN/P3. Vì theo Lệnh Hành Quân Hoa Kỳ thì NN Việt Nam chỉ có nhiệm vụ Thông Dịch Viên đi theo các toán Thám Sát và các đơn vị TQLC đổ bộ để thông dịch cho dân chúng Việt Nam mà thôi! Trung Úy Hưng vào phòng Vô Tuyến trên tàu đánh công điện về BTL/HQ/P3. báo cáo chi tiết buổi họp và xin chỉ thị BTL/HQ/Phòng 3, Người Nhái có nên nhận công tác nầy hay không? Khoảng nửa giờ sau NN chúng tôi nhận được công điện của BTL/HQ/ phòng 3 trả lời “Thi hành trước khiếu nại sau”.

Phù Hiệu trên ngực áo Người Nhái
Công tác thám sát vùng Việt Cộng kiểm soát
10 NN chúng tôi chia ra làm 5 tổ, mỗi tổ 2 người, tôi và Thượng Sĩ Lê Quán chung một tổ. Bên TQLC Hoa Kỳ cũng thành lập 5 toán Thám Sát, chúng tôi sát nhập 5 tổ vào 5 toán TQLC nầy.
Trong lúc đó chiến hạm loại AP đang trực chỉ đến địa điểm công tác với tốc độ khoảng 40 đến 50 Hải Lý/giờ. Chúng tôi được hướng dẫn đến phòng ăn và sau đó thì ra boong tàu để xem chiếu phim (Phim ảnh mới đang trình chiếu các rạp tại Hoa Kỳ.)
Trước giờ đến điểm công tác, tất cả các toán công tác đều tập họp kiểm điểm nhân số và dụng cụ, vũ khí và máy truyền tin.v.v.. Được biết Toán Thám Sát TQLC Hoa Kỳ cũng là thành phần ưu tú được huấn luyện rất kỹ như NN, chỉ khác về kỹ thuật hoạt động chuyên ngành mà thôi.
Một giờ khuya chiến hạm tắt đèn lặng lẽ dừng lại điểm đổ bộ là vùng Đầm Môn Thượng, các chiếc xuồng cao su đen của các toán thả xuống nước. Toán chúng tôi gồm có 7 TQLC và 2 người NN chúng tôi, quân phục nón và giày vải ngụy trang, súng M18 ngắn nòng gắn phóng lựu M.72. Xuồng cao su trang bị máy đẩy hãm thanh nhẹ nhàng rời khỏi chiến hạm tiến vào bờ. Ttrên xuồng dựng một chiếc dầm bọc giấy bạc để trên chiến hạm theo dõi bằng hồng ngoại tuyến, tất cả đều nằm rạp trên xuồng. Khoảng 20 phút sau chúng tôi vào gần đến bờ, tất máy đẩy xuồng, tất cả đều lặn nhẹ xuống nước và lội đẩy chiếc xuồng vào bờ, trong bóng đêm đen như mực chúng tôi lập vòng đai an toàn trên bờ biển im lặng để nghe động tịnh, sau đó đâm thủng xuồng cao su,đào lỗ trên cát để chôn xuồng và máy đẩy, lấp cát lại và xóa dấu chân trên cát bằng nhánh cây. Đâu đó xong xuôi toán di chuyển lần vào trong sâu, chúng tôi vượt nhiều đồi cát khoảng 3 giờ sau mới đến địa điểm trên một ngọn đồi cách bờ biển vài cây số. Trưởng Toán báo cáo về trung tâm hành quân trên chiến hạm để lấy tọa độ
Chúng tôi lập vòng đai trên đồi cát có nhiều cây chồi để theo dõi một ấp dưới chân đồi do Việt Công kiểm soát, trời bắt đầu hừng sáng, Dân trong ấp tản ra khỏi hàng rào bao quanh ấp để lo việc đồng áng, chúng tôi nằm im lặng quan sát đến 11 giờ trưa chúng tôi thấy có 2 người dân đi vòng từ phía sau đồi cát mà chúng tôi đang ẩn núp, họ phát giác dấu chân còn sót lại vì đêm tối chúng tôi không thể thấy để xóa hết được, họ vội vã chạy về ấp. Chúng tôi biết đã bị lộ rồi. Trưởng toán cấp tốc gọi máy báo cáo về TTHành Quân và ra lệnh rút ra bãi trống. Sau khi lập vòng đai an toàn xong thì bốn chiếc trực thăng vừa bay đến, hai chiếc võ trang bay vần vũ để yểm trợ còn hai chiếc đáp xuống bãi đáp xuống rước chúng tôi rồi bay lên cùng hai chiếc kia trực chỉ ra Đệ Thất Hạm Đội đang di chuyển ngoài khơi. Hai chiếc võ trang thì bay về hàng không mẫu hạm; còn hai chiếc chở chúng tôi bay theo cùng tốc độ của chiến hạm đang di chuyển và bắt đầu thả dụng cụ máy móc truyền tin xuống trước.
Trực Thăng H-34 lâm nạn
Khi bao dụng cụ thả xuống gần tới boong tàu, bổng một ngọn sóng to ào tới làm cho chiến hạm chao đi trong lúc chiếc trực thăng chở chúng tôi bị hụt gió rớt xuống biển. Nước biển ào tràn vào sàn chiếc trực thăng, chiếc trực thăng cố gắng bốc lên nhưng vẫn còn là đà trên mặt biển vì còn vướng bao dụng cụ truyền tin nặng gần 300 ký lô. May mắn đã xảy đến là nhờ anh xạ thủ tiếp viên phi hành đã kịp thời ấn nút điều khiển bỏ bao dụng cụ truyền tin xuống biển nên chiếc trực thăng từ từ bay lên cao khỏi mặt nước. Toán công tác chúng tôi thở phào vì vừa thoát hiểm . Phi hành đoàn có lẽ cũng quá sợ nên không dám thả chúng tôi nữa nên bay về hàng không mẫu hạm Iwojima để đổi toán chúng tôi qua chiếc trực thăng khác. Chiếc trực thăng thay nhiệm vụ thả chúng tôi xuống chiến hạm cũng gặp trở ngại hụt gió mấy lần mới thả xuống được hết chúng tôi. Lê Quán cười và nói với tôi nếu chiếc trực thăng nầy mà rớt chìm thì tụi mình chắc chắn phải chết vì mấy thằng Mỹ nầy to xác như con trâu nó quậy không cũng đủ chết trong phòng rồi.
Sự việc xảy ra như là phép mầu của đấng vô hình đã cứu sống chúng tôi trong đường tơ kẻ tóc.
Tham dự cuộc thực tập đổ bộ trận địa chiến vĩ đại của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Đầm Môn Thượng và Hạ miền Trung Việt Nam.

Hàng Không Mẫu Hạm IWOJIMA là loại chở quân đổ bộ bằng Trực Thăng phần nhiều là loại H-34 và các loại khác. Trên boong tàu lúc nào cũng sẵn sàng cất cánh khoảng 30 đến 40 chiếc, một số xếp cánh quạt được neo chặt vào boong tàu , tầng hầm kế chứa đầy trực thăng có 4 bàn nâng để đưa trực thăng lên trên boong. Mẫu hạm có 8 tầng hầm chứa khoảng 4,000 TQLC túc trực và 1,200 thủy thủ đoàn.
10 NN chúng tôi được chia ra cho 10 cánh quân đổ bộ bằng trực thăng, tất cả ăn sáng sau đó tập trung đội ngũ trên boong tàu. Quang cảnh chiến tranh hiện lên như cuộc đổ bộ của thế chiến thứ 2 trong phim “Ngày Dài Nhất (Le Jour Le Plus Long)”.
Cuộc điều quân vĩ đại bắt đầu, khoảng 7 giờ sáng 2 chiếc L-19 bay lượn thả truyền đơn vào vùng sắp hành quân, tiếp theo là đợt oanh kích của hàng trăm phản lực cơ gồm nhiều loại như F4, F5, F14, v.v. từ Đệ Thất Hạm Đội bay vào dội bom ào ạt, Oanh tạc cơ vừa dứt dội bom thì khoảng trên 20 tàu chiến đang sắp hàng dọc theo bờ biển, các họng súng lớn chĩa vào đất liền, chia đều trên một diện tích rộng khoảng 3 cây số bắt đầu nổ súng, Trên mặt biển khói tỏa mịt mù lẫn với tiếng hải pháo vang dội làm cho mặt biển cũng rung chuyển từng hồi. Nhìn vào bờ nguyên một vùng cây dừa dọc theo bờ biển đang bị hải pháo bắn vào từng lớp từng lớp đọt dừa bị bứt đứt ngọn văng đi tứ tung.


Trên không : phần đổ bộ bằng trực thăng chở TQLC bay lên từng đợt vần vũ trên không chờ đợt các đợt kế tiếp, hàng trăm trực thăng đang chờ đúng giờ bay vào đổ quân trong đó có 10 NN chúng tôi,
Dưới nước : Từng đợt tàu gồm các loại đổ quân như LCVP, LCM, LCU.v.v. cặp vào hông mẩu hạm để chở quân, các loại Thiếc Vận Xa M114, chiến xa sơn pháo 177 ly v.v. cũng quây quần chờ đợi trên mặt biển.
Đúng giờ đổ quân tất cả trên trời và dưới nước đều trực chỉ vào bờ khoảng cách chừng 3 cây số. Tất cả các cánh quân đồng lúc tiến vào, trong lúc đó đợt hải pháo cũng vừa chấm dứt . Tất cả lực lượng đổ bộ đã tràn lên bờ, từng tràn tiểu liên của lực lượng đổ bộ bắn ra để cướp tinh thần kẻ địch. Trong khoảnh khắc lực lượng đổ bộ đã chiếm toàn vùng.

Trực Thăng Vận đổ bộ Đầm Môn Thượng
Tôi theo chân một đại đội TQLC xâm nhập vào làng. Chúng tôi thấy nhà cửa đều vắng lặng không một bóng người. Trong lúc đang lục soát các nhà bổng nghe tiếng la vang của toán TQLC Mỹ. Tôi nhìn thấy toán lính Mỹ đang chĩa súng toan bắn và ném lựu đạn vào một miệng hầm che kín dưới rặng tre. Tôi vội chạy đến giơ tay khoát cản lại hành động của toán lính Mỹ và ra dấu để tôi làm việc nầy, tôi đến bên miệng hầm với khẩu súng lục P38 thủ trong tay, tôi hô to : “Bà con ở trong đó hãy ra khỏi hầm mau lên, nếu không ra thì sẽ bị ném lựu đạn vào hầm thì chết hết. ” Tôi chờ đợi và lập lại hai ba lần lời kêu gọi … thì thấy có người đàn bà đang bồng đứa con nhỏ trong tay bò ra và các người khác tiếp tục bò ra theo cho đến hết. Tôi nhảy xuống hầm bò vào trong để kiểm soát. Toán lính Mỹ đã hiểu ý tôi nên mỗi khi lục soát có hầm hố lính Mỹ đều gọi tôi đến, tôi làm như căn hầm lần đầu cho đến hết khu vực trách nhiệm của Đại Đội, có nhiều căn hầm được phát giác. Tôi tập trung khoảng một trăm người dân làng vừa từ dưới các hầm lên tất cả đều là đàn bà con nít và các cụ già. Tôi hỏi dân làng thanh niên trai tráng ở đâu? dân làng cho biết là vì sợ bị bắt cho nên thanh niên thiếu nữ đều chạy lên núi lánh nạn. Sau khi khám xét xong, cho dân làng ngồi tập trung lại một chỗ để chờ lục soát hết nhà cửa.
Đời sống người dân giữa vùng lửa đạn
Tôi tìm lời an ủi: “Xin bà con yên tâm. Quân đội đồng minh tới đây là có ý giúp đỡ cho bà con, đánh đuổi Việt Cộng ra khỏi làng chớ không phá hại tài sản của dân làng đâu xin bà con đừng sợ v.v.”
Tôi thân mật trò chuyện với dân làng. Họ cho tôi biết tình hình đời sống nơi đây rất vất vả, ban ngày thì lính Quốc Gia kiểm soát nhưng ban đêm thì VC lại về thu thuế v.v. Tôi hỏi sao bà con không ra thành phố hay thôn xóm do Quốc Gia bảo vệ để được yên tâm mà lo làm ăn? Dân làng cho biết nơi đây là nơi tổ tiên lập nghiệp đã nhiều đời nên họ không muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rún.
Tôi ngồi buồn im lặng hồi tưởng lại nơi quê làng Linh Xuân Thôn của tôi ngày xưa. Khoảng năm 1945-46 khi tôi được năm hay sáu tuổi. Vì là thời Pháp cai trị, đời sống thật khó khăn, người anh thứ ba của tôi anh đã theo bước tiền nhân vào bưng biền kháng chiến chống Pháp, còn lại ở nhà Ba tôi và người anh thứ hai. Nhà tôi cách chợ Thủ Đức khoảng ba cây số. Mổi lần lính công an Pháp ngoài chợ Thủ Đức vào bố ráp để bắt đàn ông, thanh niên tình nghi đem về nhốt lại để điều tra hoặc đem đi ra cầu Bình Lợi bắn chết rồi xô xuống cầu thủ tiêu.
Một anh ở cách nhà tôi khoảng 300 thước, anh là y tá làm việc tại Ban Hành Thiện chùa Cao Đài giúp đỡ dân chúng quanh vùng, anh cũng bị bắt chung với một số thanh niên trong làng .Đêm hôm sau bọn công an đem tất cả thanh niên đó trói tay ra sau lưng đem ra cầu Bình Lợi bắn bỏ không điều tra cần hay xét xử. Anh y tá nghĩ trước sau gì cũng chết nên liều mạng nhảy xuống sông anh bị bắn theo trúng nơi cánh tay. Anh cố nín thở lặn xuống sâu một khoảng xa rồi trồi lên thở, nhờ trời tối bọn Công An Pháp không thấy, cũng may là anh biết lội nên anh thả trôi theo dòng nước và tấp vào bờ… . Gia đình anh hay tin tất cả đều bị bắn và thả xác trôi sông. Cả nhà đều than khóc không biết làm sao tìm xác của anh. Khoảng 2 ngày sau nửa đêm anh Y Tá về gỏ cửa nhà, khi đó cả nhà mừng vui và bà con cả xóm đều đến thăm anh, anh ẩn núp trong nhà vài hôm sau để dưỡng thương. Sau đó anh trốn xuống Saigon và mở phòng Y Tá sinh sống…
Mỗi lần hay tin Công An tới như vậy, ba và anh tôi cũng như dân làng đều chạy trốn, lẫn tránh dưới các hầm được ngụy trang kín đáo và chờ cho công an Pháp rút lui rồi mới chun ra khỏi nơi ẩn trốn. Đời sống lầm than của gia đình tôi thời đó so ra cuộc sống khổ sở lo sợ của dân làng nơi đây có khác gì đâu ?!. Đồng cảnh tương thân, tôi cảm thấy thương dân làng nơi đây, chiến tranh thật tàn nhẫn đối với người dân lành bị kẹt giữa hai làn đạn bạn và thù họ đều không thể tránh được.
Nhưng chiến tranh là như vậy đó!
Một ông già khoảng năm mươi tuổi đang ngồi trong đám giơ tay lên cao ngoắt tôi lại gần ông nói với tôi là ông cần trở lại nơi hầm núp để lấy giấy tờ vì hồi nãy sợ quá ông đã quên mang theo. Tôi nhìn ông qua cặp mắt dò xét, thấy ông thành thật năn nỉ nhờ tôi giúp cho. Tôi đến bên quân nhân Mỹ báo cho anh biết tôi đưa ông già nầy đi. Tôi và ông đến miệng hầm, tôi đứng chờ ông già chun vào hầm trong giây phút thì ông già chun ra và leo lên hầm trên tay ông đang bưng một chiếc nón lá đựng đầy phía trong nón và được phủ lên chiếc khăn lông, ông đến trước mặt tôi dỡ chiếc khăn lông ra cho tôi xem. Ttôi thấy trong chiếc nón lá đựng đầy ắp những bó giấy bạc năm trăm đồng, ông ta lấy hai bó giấy bạc đưa cho tôi và nói: “Tôi xin tặng ông chút ít gọi là cám ơn ông đã giúp đỡ. ” Tôi vội đẩy tay ông ra từ chối và nói tiền nầy là của ông tôi không lấy đâu. Tôi hỏi ông già tại sao ông mang theo nhiều tiền vậy? Ông và tôi vừa đi về chỗ tập trung ông vừa giải thích: ông là thương gia ở Qui Nhơn thỉnh thoảng ông vào đây để mua dây đai để chở ra chợ bỏ mối lại, vừa nói ông vừa chỉ tay về hai chiếc ghe chài đang đậu trên dòng sông phía trong bờ biển. Ông nói ông rất cám ơn tôi, thực sự ông rất lo sợ nhưng khi ông được nghe tôi tiếp chuyện với dân làng, ông bớt sợ và tin tưởng lòng thành thật của tôi. Nhưng ông đâu có biết lòng tôi đang xúc động vì thời gian và không gian xa xưa đang diễn lại trong bối cảnh hiện tại nầy.
Trưa ngày hôm đó, sau khi lục soát nhà trong vùng trách nhiệm xong, dân làng được về nhà và phải ở trong nhà không được ra ngoài. Còn Đại đội TQLC Mỹ tiếp tục thực tập các đội hình trên các thế đất đồi, núi, khe suối.v.v. Đến 6 giờ chiều chúng tôi được lệnh rút ra bờ biển chỉ để lại các chốt bảo vệ, khi ra đến bờ biển chúng tôi được chia ra từng toán mười tới mười lăm người dọc dài theo bờ biển. Tất cả cởi bỏ vũ khí và quần áo chỉ còn lại quần lót để chuẩn bị tắm, tôi đang ngẩn ngơ vì lấy làm lạ thì thấy một đoàn Trực Thăng hàng trăm chiếc bay vào và hạ thắp xuống cách mặt khoảng tám đến mười thước trên đầu chúng tôi đậu lại và bắt đầu xả các vòi búp sen nước ngọt xuống như mưa để cho chúng tôi tắm. Khoảng mười phút sau thì đổi toán thay nhau tắm. Về phía Trực Thăng cũng thay nhau khi hết nước thì bay về hàng không mẫu hạm lấy nước. Khoảng một giờ sau tất cả đã tắm xong chúng tôi trở lại vùng trách nhiệm đào hố cá nhân để ẩn mình chờ đợi. đến khoảng 2 giờ khuya thì được lệnh rút quân, chúng tôi trở về mẫu hạm chấm dứt cuộc hành quân.
Ngày hôm sau chúng tôi được đưa về boong hàng không mẫu hạm để xem cuộc thao diễn hải chiến qua các đội hình với hàng trăm chiến hạm đủ loại.
* * * * ** * * * * * *
Chấm dứt chuyến công tác mười bốn ngày với Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương, chúng tôi được Trực Thăng hải quân Hoa Kỳ đưa vào đất liền Căn Cứ Hải Quân thành phố Qui Nhơn.
Nhận xét riêng của tôi:
Sức mạnh về quân sự qua cuộc hành quân đổ bộ Trận Địa Chiến nầy thật khó có lực lượng nào có thể chịu đựng hoặc chống đỡ nổi. Nhưng tiếc thay cuộc chiến Việt Nam lại thuộc về loại Du Kích Chiến lấy ít đánh nhiều và biến dạng lấy không làm có và lấy có làm không,(như tại những vùng bất an ninh ban ngày Quốc Gia kiểm soát, ban đêm bị Việt Cộng khống chế).
Là một quân đội giàu có, quân nhân Mỹ đã phung phí quân dụng một cách bừa bãi. Trong cuộc đổ bộ nầy tôi đã thấy người lính Mỹ trước khi hành quân đã mang theo rất nhiều trang bị mà không cần ghi vào sổ kiểm tra quân dụng nên họ đã mang theo quá nhu cầu cần thiết của cá nhân mình như sau: 1- khẩu M16 cấp số 300 viên đạn trong 10 băng – 8 trái lựu đạn – 1 dao găm – 1 nón sắt hai lớp – 1 áo giáp – 1 galon nước trong túi vải mang trên lưng và 4 bidon đầy nước – vật dụng cấp cứu, linh tinh và lương khô hai ngày trong túi đeo lưng v.v. Một người lính mang theo trên mình trên bốn- năm mươi kílô thì làm sao mà di chuyển nhanh và đi xa được? Vì vậy mà khi lên bờ phải di chuyển qua bãi biển và đồi cát khoảng chừng gần ba cây số, mà một số lính Mỹ đã phải bỏ vung vãi theo đường đi nào là áo giáp chống đạn, bidon nước kể cả các băng đạn 30 viên.
Khi về đến đơn vị, vài ngày sau HQ Thiếu úy Nguyễn Văn Tư xin Sự Vụ Lệnh BTL/HQ cùng vài NN trở ra vùng biển vừa công tác để tìm kiếm các máy đẩy xuồng hãm thanh do toán Thám Sát TQLC Mỹ đã chôn giấu dưới cát trên bờ biển, để đem về bảo trì để sử dụng cho những công tác về sau. (Vì LĐNN không có những máy móc đắt tiền nầy.)
NN Lê Đình An

No comments:

Mục đích thật sự của việc Trung Quốc xây dựng kho vũ khí hạt nhân -Kyle Balzer and Dan Blumenthal, “The True Aims of China’s Nuclear Buildup”, Foreign Affairs,

Kho vũ khí ngày càng phình to của Bắc Kinh có mục đích làm tan rã hệ thống liên minh của Mỹ tại châu Á. Kể từ năm 2018, các nhà phân tích qu...