Sunday, April 20, 2014

Điều gì khiến Australia không ngại vung tiền mua tàu ngầm Nhật?_NgV




Soryu là lớp tàu ngầm tấn công điện-diesel được trang bị hệ thống động lực AIP, biến nó thành sát thủ vô hình dưới mặt nước.



Tờ News.com.au (Australia) đưa tin, Hải quân Australia có khả năng sẽ mua tàu ngầm phi hạt nhân của Nhật Bản theo khuôn khổ chương trình đổi mới tàu ngầm trị giá 30 tỷ USD của hải quân Australia.
Việc tiếp cận với công nghệ Nhật Bản và thậm chí mua loại tàu ngầm này đã được đưa vào chương trình nghị sự trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Australia Tony Abbott và các quan chức Nhật Bản ở Tokyo.
Trước cuộc gặp của Thủ tướng Abbott, tháng 2/2014, người đứng đầu Cục trang bị quốc phòng Australia (DMO) Warren King đã bí mật tới Nhật Bản để đàm phán với Bộ Quốc phòng nước này về khả năng tiếp cận tàu ngầm lớp Soryu.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston cũng đã gặp gỡ các quan chức cấp cao Nhật Bản để thảo luận vấn đề tàu ngầm. Các quan chức cấp cao Hải quân Australia đã tham quan tàu ngầm Nhật Bản để tìm hiểu một số công nghệ liên quan như Hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) do Thụy Điển thiết kế.
Khi được hỏi rằng những công nghệ nào trên tàu ngầm Nhật Bản sẽ được đưa vào thiết kế tàu ngầm dành cho Australia, một quan chức cấp cao Australia trả lời: "Mọi thứ!". Và khi được hỏi liệu kế hoạch này có bao gồm việc mua nguyên chiếc tàu ngầm đã được chế tạo từ Nhật Bản hay không, vị quan chức này cũng trả lời rõ ràng rằng "Có!".

Vậy Soryu là loại tàu ngầm như thế nào mà lại hấp dẫn Australia đến vậy?
Soryu là lớp tàu ngầm tấn công điện-diesel mới nhất của Nhật Bản được sản xuất bởi Kawasaki Heavy Industries một trong những tập đoàn chế tạo vũ khí hàng đầu của xứ sở mặt trời mọc. Soryu là một biến thể cải tiến từ tàu ngầm lớp Oyashio.
Chiếc đầu tiên mang tên Soryu (SS-501) được đặt ky vào tháng 03/2005, đưa vào hoạt động từ tháng 03/2009, chiếc thứ 2 mang tên Unryu (SS-502) được đặt ky vào năm 2006, đưa vào hoạt động từ tháng 03/2010. Chiếc thứ Hakuryu(SS-503) được đưa vào hoạt động từ năm 2013.


Tàu ngầm lớp Soryu có thiết kế thủy động lực học tương tự như tàu ngầm lớp Oyashio, chỉ khác ở phần bố trí bánh lái ở đuôi. Soryu có bánh lái và hệ thống ổn định ở đuôi hình chữ X giúp kiểm soát quá trình hoạt động của tàu ngầm tốt hơn. 
Theo trang News.com.au, tàu ngầm lớp Soryu có đơn giá khoảng 600 triệu USD/chiếc, một số nguồn nói từ 650-700 triệu USD. Mức giá này so với một số loại tàu ngầm khác khá cao, tuy nhiên, theo news.com.au, so sánh cho thấy, giá của tàu ngầm lớp Soryu Nhật Bản không bằng một nửa giá tàu ngầm tương tự do Australia chế tạo.

Sự hấp dẫn từ công nghệ hàng đầu thế giới

Tàu ngầm lớp Soryu có vỏ tàu được làm bằng thép cường độ cao, bên ngoài được bọc một lớp gạch cao su chống âm, giúp giảm khả năng bị phát hiện với các loại sonar âm thanh thụ động và chủ động. Nội thất bên trong tàu được thiết kế với khả năng cô lập gần như hoàn toàn âm thanh phát ra từ bên trong giúp lẩn tránh các loại sonar thủy âm thụ động.
Các hệ thống điện tử trên tàu được lập trình trên nền tảng tự động hóa cao, trái tim của tàu ngầm lớp Soryu là hệ thống động lực không khí độc lập AIP ( Air-Independent Propulsion, tức là hệ thống động cơ có thể hoạt động mà không phụ thuộc vào không khí bên ngoài).
Hệ thống AIP trang bị trên Soryu là một biến thể sản xuất theo giấy phép tại Nhật Bản của loại động cơ AIP chu trình đóng Stirling 4V-275R MkIII của Thụy Điển. Hệ thống động lực AIP giúp tàu ngầm lớp Soryu hoạt động êm hơn, lâu hơn dưới nước do ít phải nổi lên mặt nước để xạc điện cho hệ thống ắc quy. Hỗ trợ cho hệ thống AIP là 2 động cơ diesel Kawasaki 12V 25/25 SB.
Cảm biến chính của tàu ngầm là hệ thống định vị thủy âm đa năng Hughes/Oki ZQQ-7, hệ thống này có thể hoạt động ở cả 2 chế độ chủ động và thụ động với 4 mảng an-ten được bố trí ở phía trước mũi, 2 bên thân tàu cùng một mảng kéo theo. ZQQ-7 có phạm vi hoạt động đến từ 16,2-126km tùy tần số mục tiêu.
Ngoài ra, tàu ngầm lớp Soryu còn được trang bị 1 radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước ZPS-6F, hệ thống chiến tranh điện tử ZLR-3-6, hệ thống kiểm soát thông tin tình báo chiến thuật chiến trường ZYQ-31.
Tàu ngầm lớp Soryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi HU-606 533mm, ống phóng này được sử dụng để phóng ngư lôi Type-89 và tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon. Type-89 là một ngư lôi dẫn hướng âm thanh kép ở cả chế độ chủ động-thụ động. Nó được thiết kế để tấn công các mục tiêu trong phạm vi đến 50km. Tên lửa chống hạm UGM-84 có tầm bắn 124km nó có thể chống hạm và tấn công các mục tiêu ven biển.
Soryu có chiều dài 84 mét, đường kính 10,1 mét, mớn nước 8,5 mét, lượng giãn nước khi nổi 2.950 tấn, khi lặn 4.200 tấn, tốc độ khi nổi 13 hải lý/h, khi lắn 20 hải lý/h, tầm hoạt động 6.100 hải lý, thủy thủ đoàn 65 người. Tàu ngầm lớp Soryu có thể lặn sâu tối đa tới 500 mét.
Sự kết hợp giữa hệ thống điện tử hiện đại, hệ thống động lực tối tân biến Soryu trở thành một trong những tàu ngầm phi hạt nhân chạy êm nhất thế giới hiện nay, một sát thủ đáng sợ dưới mặt nước mà bất kỳ tàu chiến nào cũng phải e ngại. Đó chính là lý do mà Australia muốn sở hữu loại tàu ngầm này trong biên chế của hải quân nước này.

Tiềm năng xuất khẩu to lớn

Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng là quốc gia có ngành công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới nhất là công nghệ điện tử. Những sản phẩm vũ khí do Nhật Bản chế tạo luôn là những đỉnh cao của công nghệ quốc phòng thế giới.

Tuy nhiên, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài. Điều đó khiến công nghiệp quốc phòng xứ sở mặt trời mọc bị bó hẹp ở quy mô trong nước. Lệnh cấm này được ví như một gọng kìm kìm hãm sự phát triển của công nghiệp quốc phòng Nhật Bản cũng như khiến họ đánh mất cơ hội tham gia vào thị phần khổng lồ của thị trường vũ khí thế giới.
Ngoài vấn đề kinh tế, một số nhà phân tích cho rằng, việc cấm xuất khẩu vũ khí làm hạ thấp khả năng của Tokyo trong việc tác động đến tình hình thế giới. Có thể thấy rằng việc cấm xuất khẩu vũ khí khiến Tokyo mất đi lợi ích cả về kinh tế lẫn chính trị.
Ngày 01/04/2014 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã thông qua các nguyên tắc mới về xuất khẩu vũ khí. Ông Valery Kistanov Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) cho rằng: “Quyết định này xuất phát từ cả 2 yếu tố chính trị và kinh tế, trong đó lợi ích kinh tế chiếm phần lớn hơn và Nhật Bản bây giờ có thể phải hy sinh hình ảnh yêu chuộng hòa bình của đất nước”
Từ lâu, vũ khí Nhật Bản đã nhận được sự quan tâm của các nước trên thế giới nhưng họ chưa có điều kiện để tiếp cận nó. Việc Tokyo nới lỏng nguyên tắc xuất khẩu vũ khí sẽ là cơ hội lớn cho các nước trước đây sở hữu vũ khí của Nhật Bản.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng đã tiến hành khảo sát các khách hàng tiềm năng của mình. Ở thời điểm hiện tại, các loại vũ khí như thủy phi cơ lưỡng dụng, tàu tuần tra, các phương tiện trinh sát, thiết bị rà phá bom mìn và một số công nghệ quân sự khác nhận được sự quan tâm đặc biệt của Australia, Indonesia, Philippines và một số nước khác ở Đông Nam Á.

“Để mua được vũ khí của Nhật Bản cũng không hề đơn giản”


Ngày 1 tháng 4, nội các Shinzo Abe Nhật Bản tuyên bố “Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng”, tức là “không cho phép xuất khẩu, chuyển giao vũ khí trang bị cho các nước đương sự tranh chấp hoặc vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc;
chỉ cho phép xuất khẩu trong trường hợp có lợi cho đóng góp hòa bình và có lợi cho an ninh của Nhật Bản, bảo đảm độ minh bạch gắn liền với tiến hành xét duyệt chặt chẽ;
chỉ cho phép xuất khẩu vũ khí dùng cho mục đích khác hoặc chuyển giao cho nước thứ ba trong trường hợp bảm đảo quản lý thích hợp”.
Điều này thực chất là đã hủy bỏ “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” của Nhật Bản do nội các Eisaku Sato đưa ra vào năm 1967 (cấm xuất khẩu vũ khí cho các nước không thuộc phe tư bản chủ nghĩa, các nước bị nghị quyết của Liên hợp quốc quy định tiến hành cấm vận vũ khí và các nước đương sự của xung đột quốc tế hoặc có nguy cơ xung đột),
đồng thời đã phá vỡ nguyên tắc về cơ bản không xuất khẩu vũ khí cho bất cứ nước nào – sau “nghị quyết về vấn đề xuất khẩu vũ khí” do Quốc hội Nhật Bản thông qua tháng 1 năm 1981.

Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 do Nhật Bản tự chế tạo, dùng để thay thế cho máy bay P-3C mua của Mỹ
Rõ ràng là, Ba nguyên tắc mới có tính mềm dẻo rất lớn, những từ ngữ như “đóng góp cho hòa bình”, “an ninh Nhật Bản” đều có thể giúp cho Nhật Bản tùy ý giải thích, dựa vào “tiêu chuẩn mềm” để đưa ra giới hạn, thực ra là Chính phủ Nhật Bản muốn bán vũ khí cho ai thì có thể bán cho người đó.
Thông tin này đã nhanh chóng gây chú ý cho dư luận, đặc biệt là sự “căng thẳng” của truyền thông Trung Quốc, có rất nhiều tờ báo điện tử của Nhật Bản và Trung Quốc nhận định, quyết định mới của Nhật Bản là nhằm vào Trung Quốc.
Nhưng, bài viết này đặt vấn đề cho rằng, việc Nhật Bản mở rộng cánh cửa xuất khẩu vũ khí thực sự có thể thoải mái “vũ trang cho Đông Nam Á”, thậm chí “đối phó Trung Quốc” hay không? Đáp án có thể không như dự đoán của báo chí.

Mỹ kiểm soát các trang bị quan trọng và giá cả đắt đỏ

Được lợi từ sự phát triển tốc độ cao của kinh tế và khoa học công nghệ Nhật Bản sau Chiến tranh, vũ khí trang bị Nhật Bản có sự độc đáo ở nhiều mặt, như hệ thống điện tử tinh vi, chỉ tiêu tính năng thường đứng hàng đầu thế giới.
Nhưng, Nhật Bản dù sao cũng là nước thua trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ là nước bảo hộ của họ, đã áp dụng chính sách “kép” vừa bảo vệ vừa phòng ngừa đối với Nhật Bản – quốc gia từng tập kích Trân Châu Cảng, đã kiềm chế rất lớn tiềm lực phát triển của vũ khí trang bị Nhật Bản.
Về bề ngoài, vũ khí trang bị của Nhật Bản có tính năng ưu việt, rất nhiều cơ phận và hệ thống phụ trợ thậm chí vượt trình độ sản phẩm cùng loại của Mỹ, nhưng trên thực tế, vũ khí trang bị của Nhật Bản không chỉ bị kiểm soát bởi người khác về các hệ thống quan trọng, mà việc nghiên cứu phát triển các trang bị trọng điểm thường luôn bị Mỹ “bóp nghẹt” vào các thời điểm quan trọng, khả năng tổng thể luôn là điểm yếu của công nghiệp quân sự Nhật Bản.
Nhật Bản có thể “cởi trói” xuất khẩu vũ khí trang bị, ở mức độ rất lớn là kết quả do Mỹ khuyến khích, Ba nguyên tắc mới của Nhật Bản tuy có tính mềm dẻo, linh hoạt, nhưng nguyên tắc cốt lõi là chỉ có thể bán cho đồng minh hoặc đối tượng phù hợp với lợi ích của Mỹ, Nhật Bản, đối tượng phù hợp với một số điều kiện, thường đều có thể trực tiếp có được cung ứng vũ khí từ Mỹ, điều này e rằng sẽ làm cho ý muốn mua vũ khí Nhật của họ giảm đáng kể.
Ngoài ra, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, do tình hình nghiên cứu phát triển và điều kiện thị trường đặc biệt, vũ khí Nhật Bản đã có các đặc điểm như đơn giá đắt đỏ, tính thích ứng môi trường tương đối kém và phiên bản cải tiến tương đối ít, rất nhiều trang bị của Nhật Bản có tính năng tương đương hoặc kém hơn nhưng có giá cả cao hơn so với trang bị cùng loại của Mỹ, điều này cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mong muốn mua của các khách hàng tiềm năng.

Muốn bán thì khó mua, muốn mua thì không dám bán 

Không chỉ như vậy, Nhật Bản bán vũ khí cũng có màu sắc chính trị rõ rệt, phải xem xét cẩn thận các khách hàng tiềm năng mới có thể hành động.
Đối tượng mà Nhật Bản muốn bán không nhất định sẽ mua (như Hàn Quốc, đến việc cho không đạn dược cũng phải rút lại do bị phản đối), nước muốn mua vũ khí của Nhật Bản thì Nhật Bản chưa chắc bán hoặc không dám bán (như một số nước có khả năng mua nhưng bị Mỹ và châu Âu trừng phạt bán vũ khí), có nước muốn mua và Nhật Bản muốn bán, song nước mua không có khả năng kinh phí (như Philippines).
Trong tình hình đó, so với các trang bị của Nhật Bản, khách hàng có thể dễ dàng tìm được sản phẩm thay thế trên thị trường quốc tế như máy bay chiến đấu, tàu chiến, xe tăng, xe bọc thép, vũ khí hạng nhẹ…, vì vậy triển vọng thị trường của vũ khí trang bị Nhật Bản không hề lạc quan.
Trước kia báo chí Nhật Bản từng tiết lộ cho biết, Australia có khả năng mua tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản, điều này e rằng cũng là “sấm to, mưa nhỏ”: Australia là đồng minh quan trọng của Mỹ, lại là thành viên quan trọng của Liên hiệp Anh.
Australia không hề thiếu tàu ngầm thông thường tiên tiến, 6 tàu ngầm lớp Collins của họ sử dụng công nghệ AIP của Thụy Điển, hơn nữa được chế tại tại Australia, tỷ lệ giữa hiệu suất và giá cao hơn, trình độ công nghệ cũng tương đương với tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản, e rằng chưa chắc sẽ nhập khẩu.
Trước khi tờ News.cọm Au đưa tin như trên, báo chí Australia cũng cho rằng, hai nước cũng chỉ là đồng ý tăng cường hợp tác về công nghệ tàu ngầm, chứ không phải “nhập khẩu tàu ngầm” như báo Nhật đưa tin.
Các nước Mỹ, Anh hiện chỉ trang bị tàu ngầm hạt nhân, đây vốn là một cơ hội của tàu ngầm thông thường Nhật Bản, nhưng các nước Đức, Pháp, Thuỵ Điển lại có kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực tàu ngầm thông thường phiên bản xuất khẩu, có rất nhiều khách hàng quen dùng và thị trường thích hợp, tỷ lệ giữa hiệu suất và giá mạnh hơn nhiều tàu ngầm Nhật Bản.
Các nước như Đức càng có thể sử dụng phương thức “mô đun hóa”, cung cấp tàu ngầm tùy ý, tùy loại phù hợp với các khách hàng khác nhau, đây là điều mà các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản hiện nay chưa nghĩ tới (cũng bởi do ràng buộc cua hiến pháp từ trước tới nay Nhật Bản không được phép xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài).

Ấn Độ vừa muốn mua, vừa có khả năng mua được, nhưng đặc điểm lớn nhất cua AĐ là dây dưa và “nói một đằng làm một nẻo”.
Theo bài báo, nhìn vào tình hình hiện nay, trong tháng 1 năm 2014, có tin cho biết, Nhật Bản và Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận Nhật Bản bán thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ, đây là giao dịch xuất khẩu vũ khí Nhật Bản có triển vọng nhất thành công trong ngắn hạn.


Thủy phi cơ US-2 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Loại máy bay này thích hợp với nhu cầu của Ấn Độ, các nước Mỹ và châu Âu thiếu sản phẩm cạnh tranh cùng loại. Trong khi đó, Ấn Độ không chỉ có khả năng chi trả, mà còn muốn “thu gom tất cả” trên phương diện nhập khẩu vũ khí, trở thành “con cưng” của thị trường vũ khí thế giới, có thể nói là vừa muốn mua, vừa có thể bán, hơn nữa mua được.
Nhưng, đặc điểm lớn nhất trong mua sắm vũ khí của Ấn Độ là chậm trễ và “lật lọng”, việc mua sắm hệ thống pháo Lục quân kéo dài hơn 10 năm không thể quyết định, đấu thầu máy bay chiến đấu hạng trung Không quân cũng thay đổi thất thường, đổi tới đổi lui, khoản chi phí cho mua sắm thủy phi cơ này có thể lên tới 1,65 tỷ USD, năm 2014 là năm bầu cử của Ấn Độ, cho dù hai bên tự nguyện, hiệu quả e rằng cũng chưa chắc đã cao.
Năm 2006, nội các Koizumi từng dùng hình thức viện trợ phát triển Chính phủ Nhật Bản (ODA), cung cấp 3 tàu tuần tra cho Indonesia, hình thức này có thể giải quyết rất lớn vấn đề “muốn mua mà không mua được”, tìm được một số khách hàng cho vũ khí của Nhật Bản.
Chẳng hạn, các nước như Philippines có thể dựa vào đó để có được một số trang bị quân sự, hơn nữa, khi cân nhắc về chiến lược chính trị, ngoại giao, Chính phủ Nhật Bản có thể linh hoạt bán vũ khí, nhưng điều này rất giới hạn và không thể công bố một cách phổ biến.


Nam Yết chuyển

No comments: