(VTC News) – Một Việt kiều Canada có tiếng ở Canada đặt câu hỏi, thế giới đã tiến quá xa, sao người Việt vẫn chưa có nổi chút văn hóa giao thông tối thiểu?
Ông bà ta có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đây là khuôn vàng thước ngọc của nền văn hóa Việt Nam mà ta cần gìn giữ, tức là làm bất cứ việc gì, từ việc to lớn như “ăn nói” đến việc cực kỳ đơn giản như “gói mở” thì đều phải có nề nếp, toát ra được nét thanh lịch của một người có “học”, có “văn hóa”.
Tiếc thay, có lẽ giao thông ngày xưa đơn giản lắm hay sao mà ông bà ta quên dạy câu “học đi, học đứng, học lái, học chờ”, để đến ngày hôm nay, văn hóa giao thông Việt Nam đã đến mức báo động đỏ. Là một người Việt xa xứ được chu du nhiều nơi, nhưng mỗi lần đến Việt Nam, tôi luôn cầu nguyện cho mình được “toàn vẹn thân thể” để trở về Canada.
Anthony Chim - tác giả của bài viết này. |
Thật ra giao thông Canada thuộc loại an toàn bậc nhất thế giới cho nên tôi chẳng có gì phải “lo” cả. Tôi chỉ muốn viết lên “những điểu trong thấy mà đau đớn lòng” của văn hóa giao thông Việt Nam.
Tôi vẫn nhớ mãi lần đầu về nước vào năm 1995, vừa ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất thì trái tim tôi dường như ra khỏi lồng ngực bởi vì có cảm giác các xe sẽ đâm đầu vào nhau. Người chạy xe hai bánh thì chạy tứ tung.
Người chạy xe ba bánh thì làm nghẽn giao thông khi qua đường mà không thèm nhìn ai. Kẻ chạy xe bốn bánh thì lái xe không theo làn quy định. Người bán hàng thì chiếm hết vỉa hè, thỉnh thoảng tạt nước bẩn vào người đi bộ, rồi còn bảo “ngu quá, thấy sao không tránh?”.
Rồi mọi người bóp còi inh ỏi, tạo nên một không gian hỗn loạn về âm thanh cũng như về hình ảnh, cứ như trong một bộ phim chiến tranh vừa mới được xem. Và tôi phải sống trong nỗi sợ hãi này hết hai tháng. Tuy rất vui khi gặp lại người thân, bạn bè, nhưng nỗi sợ hãi về “văn hóa giao thông” này làm tôi không được thoải mái.
Ngày càng tụt lùi
Cảnh giao thông thông thoáng ở Athabasca (Canada) |
Điều trớ trêu là trong những năm qua, đường sá rộng rãi hơn, các phương tiện giao thông thô sơ dường như được giảm nhiều.
Gần đây, khi đọc và chứng kiến những vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam, tôi thấy rất sợ bởi vì nạn nhân là những người “thụ động” khi tham gia giao thông như: đi xe bus, xe ôm, người qua đường…
Xe bus thì không biết cách dừng trạm an toàn để đụng người chờ xe. Đấy là thiếu văn hóa. Xe máy vẫn chạy toán loạn, có người còn luồn lách nguy hiểm. Đó là thiếu văn hóa!
Người đi đường thản nhiên đi mà chẳng màng đến tính mạng. Đó là thiếu văn hóa. Nạn xe ô tô chạy không đúng làn là điểu rất vô lý. Rồi tại các bến phà, điển hình là phà Cát Lái, các loại xe đua nhau đển trước để khỏi “chờ” phà. Đó là thiếu văn hóa.
Rồi đang chạy trên đường với vận tốc khá cao (không nhất thiết là phải trên đường cao tốc hiện đại) tự nhiên có một con trâu hay con bò đi qua cùng với người chăn!!! Đó là thiếu văn hóa, quá nguy hiểm! Biết bao lần tôi và các bạn đồng hành phải lắc đầu vì chuyện này, và suýt bị lật xe mấy lần. Những đoạn đường này tuyệt đối không nên có thú vật qua lại.
Tôi nghĩ mọi người phải cùng nhau nghĩ cách giải quyết chứ, sao cứ đổ lổi cho “cuộc sống cơm áo gạo tiến”? Chính vì sự thiếu văn hóa này mà biết bao người bị chết oan ức! Đặc biệt hơn nữa, tôi cảm thấy rất lo lắng về sự an toàn của người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống hoặc đi du lich, bởi họ khó thích nghi với nó.
Đa số đường sá ở Việt Nam nhỏ, nhưng lượng phương tiện tham gia giao thông quá cao, cộng thêm sự “thiếu văn hóa” giao thông, tạo nên thảm cảnh. Đó cũng là lý do trước khi đến Việt Nam, hầu hết khách du lịch đều được cảnh báo về sự “phức tạp, nguy hiểm” của giao thông tại Việt Nam để biết cách thích nghi và xử lý.
Lượng người đi lại trên đường phố Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn hay Hà Nội quá đông đúc. Vào lúc trời mưa, giao thông lại càng hỗn loạn hơn. Thế nhưng, đáng buồn là mọi người không biết chạy xe chậm lại để khỏi tạt nước vào nhau.
Nếu khách du lịch đi bộ đang thích thú chụp ảnh, quay phim trong mưa thì coi chừng bị một “cơn hồng thủy” do các xe tải chạy nhanh tạt vào! Vậy là hết vui! Tôi đã có nhiều cuộc trò chuyện với bạn bè quốc tế. Hai vấn đề “khó chịu” mà họ đề cập nhiều nhất khi đến Việt Nam đó chính là: “Ý thức bảo vệ môi trường và tham gia giao thông”.
Phải chữa bằng văn hóa!
Cảnh giao thông hỗn loạn ở Việt Nam (Ảnh: Internet) |
Chị Nancy (Mỹ) nêu quan điểm: “Hình như người Việt Nam không có văn hóa xếp hàng và nhường nhịn. Bữa mình đi thử xe bus xem sao. Ai ngờ bị chen lấn xém nữa là bị xe đụng. Sợ quá!”.
Cùng cảnh ngộ với Nancy, chị Vân (Việt Kiều Canada) tâm sự: “Ba mươi mấy năm mình mới về lại Việt Nam. Phát khiếp vì có khi đang đi bộ trên đường tự nhiên có một người ném con chuột cống đã chết trúng người, và còn bảo “chuột chết thôi mà, bộ chưa bao giờ thấy sao?”.
Rồi ngoài Bắc xe taxi chạy ẩu vô cùng. Đi xe khách thì nhồi nhét quá chừng và các xe cứ đua nhau đón khách, giống như mình đang xem phim “Fast and Furious” vậy”.
Ông Kyo (Mỹ), đang làm việc tại Việt Nam kể: “Tôi đã bị tai nạn khi chạy xe ở Buôn Mê Thuột và có một phụ nữ chở 3 đứa con nhỏ trên một xe gắn máy, không ai đội mũ bảo hiểm. Họ đã chạy băng ngang đường và lao vào xe tôi.
Tôi rất hoảng loạn vì sợ xảy ra chuyện không tốt với những đứa bé, nhưng may mắn là tôi chạy rất chậm nên va chạm nhẹ. Sau đó, người phụ nữ tiếp tục chở 3 con nhỏ đi như không có gì, trong khi tay tôi bị chảy nhiều máu vì bị ngã xuống đường.
Lần thứ hai, khi băng qua đường, tôi thấy đèn báo hiệu ưu tiên cho người đi bộ sáng nên tôi đã đi chậm lại. Bất chợt, từ phía xa có một thành niên vượt lên đụng vào chân tôi. Anh ta còn chửi: “Đi chết đi nhé, thằng Tây…”. Anh ta đang vượt đèn đỏ mà? Tôi may mắn được người dân đưa vào bệnh viện.
Ba tháng trong bệnh viện, tôi phải tự chăm sóc mình vì không có người thân ở đây. Tôi tiếp tục lo sợ! Mất văn hóa đến thế là cùng!!”.
Nhiều khách du lịch nước ngoài phát hoảng khi tham gia giao thông ở Việt Nam (Ảnh minh họa: Internet) |
Bệnh nào thì chữa bằng thuốc đó. Bệnh “mất văn hóa” thì phải chữa bằng “văn hóa”, chứ dựa vào “xử phạt phân minh” thì không phải là cách, bởi nhân viên thi hành công vụ đâu có mặt hết khắp nẻo đường đất nước.
Đường sá có rộng thênh thang cấp mấy mà “văn hóa ngõ hẹp” thì cũng buồn lắm! Năm 1969, người Mỹ đã lên được tận cung trăng kia mà. Chẳng lẽ 45 năm sau, người Việt Nam chúng ta không có được một “văn hóa giao thông” tối thiểu hay sao?
Xin chia sẻ đôi dòng: Nếu thương Việt Nam, thì mỗi người dân Việt Nam cần có ý thức an toàn giao thông, tôn trọng mạng sống của nhau, biết tuân theo luật lệ, lái đúng làn xe, tốc độ, biển báo, nhường người đi bộ, giữ gìn vệ sinh, tránh đưa thú vật ra ngoài đường cao tốc...
Anthony Chim
HP chuyển
No comments:
Post a Comment