Sunday, October 18, 2015

Nga sa lầy : Cơ hội cho một giải pháp chính trị với Syria - Trọng Thành


mediaMột SU-34 của không quân Nga trong chiến dịch oanh tạc ở Syria. Ảnh bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 9,/10/ 2015,REUTERS/ FOR EDITORIAL USE ONLY. NO SALES
Nga không kích tại Syria, ngày 30/09/2015, mở màn cho một cuộc chiến không hứa hẹn nhiều triển vọng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga sẽ bị sa lầy trong xung đột. Phương Tây, bị động với chiến dịch can thiệp Nga, chỉ có thể tham gia vào một giải pháp chính trị, một khi Nga chấp nhận đối diện với thực tế và hành xử có trách nhiệm. Trên đây là ghi nhận của nhiều nhà quan sát.
Không chỉ dùng phi cơ không kích « quân khủng bố », Matxcơva đã cho bắn hàng chục hỏa tiễn từ biển Caspie, cách Syria khoảng 1.500 km. Đây là một « thông điệp chính trị và chiến lược hết sức nghiêm trọng », theo nhận định của ông Thomas Gomart, giám đốc Viện quan hệ quốc tế Pháp (Ifri), được AFP trích dẫn. Trong thế bị động, phản ứng của Hoa Kỳ và các đồng minh dừng ở chỗ cáo buộc Matxcơva cố làm mọi cách để bảo vệ chế độ Bachar al-Assad, và cảnh báo sẽ có thêm nhiều tổn thất thiệt mạng.
Cũng như tại Gruzia năm 2008, hay Ukraina năm 2014, trong khủng hoảng Syria, lập trường của Phương Tây là tránh đụng độ với Nga. Trên chiến trường Syria hiện nay, có một sự phân định bất thành văn. Hai bên Nga và liên quân do Hoa Kỳ dẫn dắt, mỗi bên tự khẳng định « vùng ảnh hưởng riêng » : khu vực của Nga là tại miền tây Syria, căn cứ địa của chế độ Bachar al-Assad, còn miền đông Syria, liên quân tiếp tục hỗ trợ quân nổi dậy không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Nguy cơ phe nổi dậy ôn hòa chạy theo IS
Chiến dịch quân sự của Nga không mang lại nhiều triển vọng lạc quan. Theo nhà phân tích Julien Barnes-Dacey, thuộc viện tư vấn chính sách đối ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations), có trụ sở tại Luân Đôn, Matxcơva có một « trách nhiệm nặng nề » trong cuộc khủng hoảng tại Syria, bởi chiến dịch không kích mà Nga đang tiến hành có thể khiến một bộ phận « phe nổi dậy ôn hòa » đầu quân cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), làm bùng lên không khí bạo lực thánh chiến Hồi giáo nói chung.
Theo chuyên gia viện tư vấn chính sách đối ngoại Châu Âu, Matxcơva có thể đóng vai trò tích cực cho việc giải quyết khủng hoảng bằng cách gây áp lực, buộc chính quyền Assad chấm dứt việc thả thuốc nổ, gây thiệt hại ghê gớm cho dân thường, và tạo điều kiện cho « các trợ giúp nhân đạo » đến được với người dân.
Chiến dịch can thiệp tại Syria, một chiến dịch quân sự ngoài biên giới đầu tiên của Matxcơva sau 1979, cho phép Nga trở lại vị trí trung tâm trong cục diện chính trị quốc tế. Kịch bản lạc quan nhất đối với Nga có thể xảy ra là chế độ Bachar al-Assad sẽ được củng cố, qua đó Nga giữ vững được lợi ích chiến lược tại khu vực, và đứng trên thế mạnh trong các thương lượng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, không có gì bảo đảm là Matxcơva sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến này.
Cuộc chiến Nga -Tchetchenia lần thứ ba
Ngay sau khi Nga mở màn chiến dịch không kích tại Syria, truyền thông nói nhiều đến một « cuộc chiến tranh Thế giới thứ Ba » có thể đã bắt đầu. Nhưng có một « cuộc chiến thứ ba khác »ít được để ý hơn, đó là xung đột tái diễn giữa Nga và người Tchetchenia, sau hai cuộc chiến tranh 1994-1996 và 1999. Cuộc chiến thứ hai sau đó đã lan sang nhiều nước cộng hòa tự trị thuộc vùng Kavkaz, với nhiều dân cư theo đạo Hồi.
Theo AFP, tấn công vào vị trí của lực lượng Al-Norsa tại Lattaquié, Alep, Idleb, không quân Nga đã nhắm vào hàng nghìn chiến binh gốc Tchetchenia, và Kavkaz nói chung. Khu vực phía bắc Syria, cũng là nơi tập hợp nhiều cộng đồng thiểu số gốc Kavkaz, định cư tại đây từ 1870-1880, do chiến tranh Nga -Thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố : cần phải « đánh nhanh, tiêu diệt các chiến binh, quân khủng bố trên các vùng lãnh thổ do chúng kiểm soát, và không đợi chúng xâm nhập vào đất nước chúng ta ». Can thiệp quân sự khẩn cấp của Nga vừa diễn ra phải chăng là để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố ngay trên đất Nga ?
Phương Tây chờ đợi thái độ thực tế của Tổng thống Nga, một khi việc sử dụng vũ lực ồ ạt không đạt được hiệu quả. Theo nhà nghiên cứu Pháp Camille Grand, giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược (FRS), Paris, sa lầy trên chiến trường, lúc đó chắc chắn ông Putin sẽ tìm cách thương lượng, giống như với cuộc xung đột tại miền đông Ukraina trước đây. Một số chuyên gia khác cho rằng, trong trường hợp này, kinh nghiệm đàm phán về hạt nhân Iran vừa qua, với phương thức 5+1, sẽ tỏ ra rất hữu ích.

No comments:

Danh sách các Chiến Sĩ Hải Quân QLVNCH đã Hy Sinh Trong Trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974:

Số TT Chức vụ Họ tên Đơn vị 1 Trung sĩ Cơ khí Trần Văn Ba HQ-10 2 Hạ sĩ Cơ khí Phạm Văn Ba HQ-10 3 Hải quân đại úy Vũ Văn Bang HQ-10 4 Hạ sĩ...