Tóm lược: ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ là bài hát do Nhật Ngân viết sau Hiệp Định Paris 1973. Đây là bài hát nói về mơ ước của một người lính Việt Nam Cộng Hòa trở về quê khi hòa bình đến. Lời nhạc có lối viết điêu luyện với những kỹ thuật viết tinh vi, thể hiện hình ảnh một người lính can đảm, kiên trì, nhũn nhặn, đơn sơ, vị tha, có trách nhiệm với tổ quốc, hiếu đễ, trọng tình nghĩa với người yêu và bạn bè. Sở thích âm nhạc phản ảnh cá tính con người và bài hát được hầu hết chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ưa thích. Ngoài ra, Nhật Ngân hẳn nhiên phải mô tả nhân vật trong bài hát trung thực với thực tế. Do đó, hình ảnh anh lính thể hiện trong bài nhạc với những cá tính nói trên tượng trưng cho người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
~~~oOo~~~
Hiệp Định Paris ký ngày 27 tháng 1 năm 1973 đã mang lại nhiều hy vọng cho toàn dân Việt, nhất là người miền Nam. (Khi tôi dùng ‘’người miền Nam,’’ tôi bao gồm những người không cộng sản sống trong miền Nam dưới vĩ tuyến 17.) Tuy vẫn có những trận đánh tranh giành đất, người miền Nam, nhất là những người lính Việt Nam Cộng Hòa, tin rằng hòa bình cuối cùng đến sau gần 20 năm chinh chiến. Nhật Ngân, một nhạc sĩ miền Nam nổi tiếng lúc ấy và là một chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng có niềm hy vọng đó. Ông viết bài ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ (dưới tên Ngân Khánh) để ghi nhận ước mơ đơn sơ của một người lính Việt Nam Cộng Hòa khi trở về quê nhà làm lại cuộc đời. Bài hát này trở thành một trong những bài hay nhất và được được hầu hết chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ưa thích trong miền Nam trong 1973-1975.
Vắn tắt tiểu sử Nhật Ngân và lời bản nhạc ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’:
Tiểu sử, cuộc đời, và tác phẩm của Nhật Ngân được viết nhiều trên mạng (Xem thí dụ như, Nhật Thịnh; Wikipedia 2014). Sau đây chỉ là vắn tắt.
Nhật Ngân tên thật là Trần Nhật Ngân. Ngoài Nhật Ngân, ông còn dùng các bút hiệu Ngân Khánh, Song An, Trịnh Lâm Ngân (khi viết chung với Trần Trịnh). Ông sinh năm 1942 tại Thanh Hóa, lớn và lên làm việc tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, và Sài Gòn. Ông tốt nghiệp trường âm nhạc Sài Gòn, dạy nhạc tại các trường trung học ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Năm 1965, ông gia nhập Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Cục Tâm Lý Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, làm trưởng ban nhạc, ban văn nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Năm 1982, ông vượt biển và định cư tại Hoa Kỳ năm 1984. Sau đó, ông đoàn tụ với gia đình và cùng định cư tại Nam California. Tại Hoa Kỳ, ông cộng tác thường xuyên với các Trung Tâm sản xuất nhạc lớn như Thúy Nga, Hollywood Night, Mây Productions, Asia, và làm giám khảo các cuộc thi Tuyển Lựa Ca Sĩ và Giải Sáng Tác Ca khúc mới. Ngoài những ca khúc nhạc phổ thông, ông còn chuyển lời Việt cho rất nhiều ca khúc nhạc ngoại quốc. Ông mất ngày 21 tháng 1 năm 2012 tại California, Hoa Kỳ.
Nhật Ngân là một nhạc sĩ có nhiều sáng tác, có khoảng 200 tác phẩm bao gồm các đề tài về gia đình (mẹ, vợ), xuân, tuổi trẻ, chinh chiến, và tình yêu. Những bài hát nổi tiếng và được yêu chuộng của ông gồm có Tôi Đưa Em Sang Sông, Đêm Nay Ai Đưa Em Về, Xuân Này Con Không Về, Qua Cơn Mê, và Một Mai Giã Từ Vũ Khí.
Trong bài này, tôi dùng bản nhạc ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ để cho thấy tài viết lời nhạc của Nhật Ngân với ý tưởng sâu sắc tinh tế và kỹ thuật viết tài tình. Ngoài ra, tôi muốn chứng minh là anh lính thể hiện trung thực trong bài hát với cá tính can đảm, nhún nhường, đơn sơ, và trọng ân nghĩa tiêu biểu cho những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đã viết bài ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ về bản nhạc ’’Về Đâu Mái Tóc Người Thương’’ của Hoài Linh (Cao Đắc 2014) và sức sáng tạo mạnh mẽ và đầy tình cảm của nền âm nhạc miền Nam trước 1975. Trong bài này, tôi sẽ không viết thêm về lý do tại sao Nhật Ngân, và hầu hết các nhạc sĩ miền Nam trước 1975, có khả năng dùng tiếng Việt để diễn tả tình cảm và cảnh tượng một cách điêu luyện như vậy. Tôi đã viết nhiều trong bài ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ rồi. Ngoài ra, như bài trước, tôi sẽ chỉ chú trọng vào lời nhạc, và khía cạnh văn chương của nó.
Nguyên văn lời bản nhạc ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ như sau:
Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi ngoài con tim héo em ơi!
Xin trả lại đây, bỏ lại đây
Thép gai giăng với lũy hào sâu
Lỗ châu mai với những địa lôi
Đã bao phen máu anh tuôn, cho còn lại đến mãi bây giờ
Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao
Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu
Với cây đa, khóm trúc, hàng cau
Với con đê có chiếc cầu tre
Đã bao năm vắng chân anh
Nên trở thành hoang phế rong rêu
Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau, với miếng trầu, ta làm lại từ đầu
Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn
Bạn anh đó đang say ngủ yên
Xin cám ơn! Xin cám ơn! Người nằm xuống
Để có ngày này, có ngày này cho chúng mình
Ta lại gặp ta, còn vòng tay
Mở rộng thương mến bao la
Chuông chùa làng xa, chiều lại vang
Bếp ai lên khói ấm tình thương
Bát cơm rau thắm mối tình quê
Có con trâu, có nương dâu
Thiên đường này mơ ước bao lâu
Một Mai Giã Từ Vũ Khí
Link:
Lời nhạc trên được ghi nhận qua lời hát của chính Nhật Ngân (Nhật 2012b), với một lỗi nhỏ nhặt về sự hoán đổi giữa ‘’đàn trâu’’ và ‘’ruộng nương’’ trong câu ‘’Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu.’’ Có vài chữ/từ khác với lời hát bởi các ca sĩ khác và ấn bản trên trang mạng của chính Nhật Ngân (Nhật 2012a). Đó là ‘’ôi sạch nợ sông núi rồi’’ thay vì ‘’khi sạch nợ sông núi rồi,’’ ‘’Để có ngày này, có ngày này’’ thay vì ‘’Để có một ngày, có một ngày.’’ Như sẽ cho biết sau, những sửa đổi vô tình này, tuy rất nhỏ nhặt, làm thay đổi ý nghĩa bài hài rất nhiều.
Cách diễn tả ý tưởng, dùng chữ, kỹ thuật viết trong ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’:
Trong cả bài ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí,’’ lời nhạc rất đơn giản. Nhưng cách diễn tả ý tưởng, cách viết, dùng chữ, và kỹ thuật viết của Nhật Ngân rất có hiệu quả và tạo ra nhiều ý tứ sâu xa tinh tế. Người nghe phải rung động, nao nao, và cảm thấy một nỗi niềm u uẩn, mặc dù có thể không biết lý do tại sao. Bài hát lẽ ra là bài hát vui, vì nó diễn tả hình ảnh hòa bình, nhưng người nghe lại không cảm thấy vui cho lắm, mà trái lại cảm thấy có cái gì bùi ngùi, có cái gì da diết, rưng rưng, và tiếc nuối, nhất là khi cái giấc mơ hòa bình đơn sơ của anh lính Việt Nam Cộng Hòa đã bị tan nát vào ngày 30 tháng 4, 1975. Lẽ dĩ nhiên, các khía cạnh khác như giai điệu, hòa âm, nhịp điệu, nhạc cụ (nhất là saxophone), và giọng hát ca sĩ đóng góp rất nhiều vào cảm xúc của người nghe. Nhưng chính lời nhạc trong bài đem lại một cảm xúc lâu dài và vương vấn hơn.
Tôi sẽ không đi vào thật chi tiết về văn chương của bài hát này, mà sẽ chỉ nêu lên vài điểm chính yếu.
Ý tưởng sâu sắc, tinh tế, biểu hiện hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa với những cá tính đơn sơ, nhũn nhặn, can đảm, đạo đức, và đầy tình nghĩa:
Nhật Ngân lời mượn anh lính mộc mạc, và dùng lời nói đơn sơ chân thật của anh để tạo dựng những ý tưởng sâu sắc và tinh tế.
Ngay đoạn mở đầu, anh lính cho biết anh đã trông chờ mòn mỏi ngày chính chiến chấm dứt để anh có thể trả lại hoặc bỏ lại vũ khí và chiến trường. Anh bỏ lại những gì ? Thép gai giăng, lũy hào sâu, lỗ châu mai, địa lôi, và súng đạn. Đó là nơi anh ở và vũ khí anh. Cuộc đời binh nghiệp của anh quá đơn giản. Anh lính không nói gì về chuyện anh bảo vệ sơn hà, dân chúng, nhà cửa, làng xã, mà chỉ đề cập đến ‘’máu anh tuôn’’ bảo vệ lũy hào sâu và lỗ châu mai để ‘’cho còn lại đến mãi bây giờ.’’ Anh đã đổ máu nhiều lần để bảo vệ chỗ anh ở nơi chiến trường. Nơi đó không phải của riêng anh, mà của cả đồng đội anh, những người bạn đã gục ngã. Cũng như anh, họ hy sinh tánh mạng để bảo vệ lũy hào sâu và lỗ châu mai và bảo vệ lẫn nhau. Quan trọng hơn, cái lũy hào sâu và lỗ châu mai không chỉ là nơi anh giữ gìn cho sinh mạng anh và đồng đội anh, mà đó còn là thành trì bảo vệ dân chúng, quê nhà. Thép gai là cuộn thép bao quanh nơi phòng thủ để cản quân thù. Lũy hào là rãnh đào xuống đất để cho lính đứng, ngồi hay nằm. Lỗ châu mai là lỗ nhỏ của lô cốt, pháo đài cho súng chỉa ra. Địa lôi là mìn chôn đưới mặt đất. Tất cả đều là hình ảnh cho phòng thủ, ngăn chận quân thù, cản bước tiến quân thù xâm chiếm đất đai. Nhật Ngân dùng thép gai, lũy hào, lỗ châu mai, và địa lôi là ẩn dụ (metaphor) cho sự bảo vệ dân chúng quê nhà một cách sâu sắc và tinh tế. Ông vẫn có thể nói đến trại lính, lều, võng, poncho, chiếu, quân phục, nón sắt, giầy bốt, ba lô, và những gì gần gũi nhất với anh lính; nhưng những cái đó không gợi ra hình ảnh thành trì bảo vệ quê nhà và dân chúng.
Quả thật vậy. Nhờ máu anh, và máu các đồng đội anh, tuôn biết bao nhiều lần giữ gìn lũy hào sâu và lỗ châu mai mà quê nhà anh vẫn còn, cha mẹ anh và người yêu anh vẫn còn. Ruộng nương, đàn trâu, cây đa, khóm trúc, hàng cau, con đê, và chiếc cầu tre vẫn còn.
Anh lính là một người có tình người, nhún nhường, không khoe khoang tự mãn. Mặc dù anh đã tuôn máu nhiều lần để bảo vệ lũy hào sâu và lỗ châu mai, anh không hề nhắc đến những chiến công của anh, số quân thù anh đã giết, hoặc các bạn đồng đội anh đã cứu. Có người sẽ cho rằng vì anh chẳng có chiến công gì cả, lấy gì mà khoe ? Nhưng chuyện đó vô lý. Ai cũng biết một người đã tuôn máu nhiều lần, mà vẫn còn giữ gìn lũy hào sâu và lỗ châu mai của mình ‘’cho còn lại đến mãi bây giờ’’ ắt là phải giết rất nhiều quân thù, nhất là khi quân thù có tiếng là chuyên môn dùng chiến thuật tiền pháo hậu xung và biển người khi tấn công. Nhưng với anh lính Việt Nam Cộng Hòa, giết nhiều quân thù không phải là chuyện anh muốn khoe khoang. Hơn nữa, anh đang mơ ước trở về quê, anh đâu muốn nghĩ đến những chiến công của anh.
Với câu ‘’Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi,’’ Nhật Ngân diễn tả tâm tư anh lính một cách tinh tế. Qua việc ‘’trả súng đạn này,’’ anh lính đã trả ‘’sạch nợ sông núi.’’ Nhật Ngân tài tình dùng từ ‘’trả’’ cho cả hai: súng đạn và nợ sông núi và tránh dùng điệp ngữ. Ông dùng súng đạn là ẩn dụ (metaphor) cho nợ sông núi. Sau khi trả súng đạn, anh lính trả sạch nợ sông núi. Nên ghi chú là hành động ‘’trả súng đạn’’ đi trước ‘’sạch nợ sông núi’’ (sẽ trở lại ý nghĩa thứ tự thời gian này dưới đây).
Anh lính diễn tả tâm trạng qua cách dùng ‘’ôi’’ và ‘’rồi.’’ ‘’Ôi’’ là một thán từ. Đi với ‘’rồi,’’ ‘’ôi’’ diễn tả một cảm thán cho một việc mới được hoàn tất. (Cũng nên ghi nhớ là tuy anh lính nói về những chuyện tương lai, anh trình bày các cảm nghĩ trong hiện tại để làm sống động ý tưởng.) Cái cảm thán đó, có thể là đau xót, kinh ngạc, buồn bã, thoải mái, mừng rỡ, sung sướng, tùy vào việc mới được hoàn tất đó. Trong câu này, việc đó là việc gì ? Đó là việc sạch nợ sông núi. Anh lính có sung sướng là đã trả sạch nợ sông núi không ? Đương nhiên. ‘’Ôi’’ và ‘’rồi’’ diễn tả cái tâm trạng trút gánh nặng trên vai, như thể anh lính thở phào nhẹ nhõm. Điều đó không có nghĩa là anh ghét cái nợ sông núi đó. Ngược lại, anh biết cái nợ đó là bổn phận anh, là trách nhiệm anh với tổ quốc, và anh phải hoàn tất cái bổn phận, cái trách nhiệm đó. Khi anh hoàn tất bổn phận, anh cảm thấy nhẹ nhõm người và vui sướng là đã hoàn thành trách nhiệm với tổ quốc. Tiếng Việt rất sâu sắc trong lối diễn tả tình cảm qua những từ ngữ đơn giản như ‘’Ôi...rồi.’’ Đó là một điểm rất tinh tế trong tiếng Việt, và Nhật Ngân đã dùng ‘’Ôi...rồi’’ lồng với ‘’sạch nợ sông núi’’ để lột trần tâm trạng của anh lính.
Tiếc thay, vài ca sĩ và ngay cả ấn bản của bài nhạc trên trang mạng của chính Nhật Ngân đổi ‘’ôi’’ thành ‘’khi’’ và làm câu cảm thán sâu sắc đó mất đi ý nghĩa. ‘’Khi’’ không thể nào ̣đi với ‘’rồi’’ được. ‘’Khi’’ là một liên từ chỉ thời gian; ‘’rồi’’ là một trạng từ thời gian chỉ sự hoàn thành một hành động. Nếu ‘’khi’’ được dùng để chỉ một việc hoàn tất, thì có những từ rõ rệt chỉ chuyện đó như ‘’xong’’ hoặc ‘’sau (khi)’’ nhưng không thể là ‘’rồi.’’ Thí dụ: ‘’Tôi sẽ đến nhà anh khi tôi ăn cơm xong.’’ Không ai nói, ‘’Tôi sẽ đến nhà anh khi tôi ăn cơm (xong) rồi.’’ ‘’Xong’’ và ‘’rồi’’ tuy có ý chỉ hoàn tất một chuyện nhưng cách dùng khác nhau. ‘’Xong’’ có thể đứng một mình để làm trọn nghĩa; ‘’rồi’’ cũng có thể đứng một mình, nhưng thường được dùng đề trợ ý cho một chữ hoặc cảm xúc khác. Thực ra, nhiều khi ‘’rồi’’ được dùng sau ‘’xong’’ để nhấn mạnh sự hoàn tất (‘’Xong chưa ?’’ ‘’Xong rồi’’). Quan trọng hơn, ‘’khi’’ cho thấy một mốc thời gian, và tạo quy chiếu cho các hành động và cái thứ tự của hành động. Câu ‘’Làm việc A khi việc B xong/rồi’’ cho thấy cái thứ tự thời gian là việc B đi trước việc A. Do đó câu ‘’Trả súng đạn này khi sạch nợ sông núi rồi’’ cho thấy việc ‘’sạch nợ sông núi’’ đi trước việc ‘’trả súng đạn này.’’ Còn có gì vô nghĩa hơn ?
Anh lính dự tính làm lại cuộc đời và lấy lại những gì đã mất. Anh mất gì ? Anh mất tuổi thơ. Tuổi thơ anh chắc là vui lắm vì anh chạy nhảy trên con đê đầu làng và chiếc cầu tre bắc ngang con rạch nhiều đến độ mà vắng chân anh vài năm, chúng đã trở thành hoang phế, mọc đầy rong rêu. Hẳn nhiên là anh không thể lấy lại tuổi thơ được. Nhà anh đã bị xụp đổ, tan nát. Cha mẹ anh đã phải bỏ nhà đi nơi khác ở. Nhưng anh không ngại. Anh sẽ ‘’dựng căn nhà xưa’’ nơi anh sinh sống lúc tuổi thơ và anh sẽ ‘’đón cha mẹ về’’ chung sống, và sau đó lập gia đình với người yêu. Anh đã mất thời gian bên người yêu trong lúc anh bao phen tuôn máu bảo vệ thành trì, nhưng anh tin là nàng vẫn mong đợi anh và hai người sẽ xây tổ ấm bên nhau, tuy rằng họ sẽ phải ‘’làm lại từ đầu.’’ Những chuyện anh dự tính này cho thấy anh là người con hiếu đạo với cha mẹ và người biết tình nghĩa với người yêu.
Anh có may mắn không ? Đương nhiên là có, và anh biết rõ chuyện đó. Anh vẫn còn sống, và không mang thương tích nặng. Không rõ anh có bị mất phần nào cơ thể, nhưng chuyện đó không quan trọng, miễn là anh vẫn còn sức để dựng lại nhà xưa. Anh còn sống là nhờ những đồng đội anh hy sinh, và anh không quên họ. Anh đến thăm ‘’mộ bia kín’’ nơi bạn anh ‘’đang say ngủ yên’’ để cám ơn. Tình đồng đội là tình rất thiêng liêng, và cũng rất là cá biệt. Lẽ ra anh nên đi thăm mộ một mình, để anh có dịp ngồi bên mộ người bạn và nhớ lại những giây phút hãi hùng chiến đấu bên nhau. Nhưng anh không đi một mình. Anh sẽ dìu người vợ mới cưới đi tìm thăm mộ bạn. Tại sao ? Ở đây, Nhật Ngân bộc lộ một chi tiết tinh tế. Anh lính muốn vợ anh đi cùng vì vợ anh cũng phải cám ơn bạn anh. Bạn anh chết trong khi bảo vệ dân chúng, trong đó có vợ anh. Để ý là anh lính dùng bốn câu để nói về dựng lại mái nhà, đón cha mẹ về chung sống, và làm đám cưới với người yêu. Anh cũng dùng bốn câu nhưng chỉ để nói về mỗi một chuyện thăm mộ bạn. Điều đó cho thấy anh tôn trọng bạn anh thế nào, cho dù bạn anh chắc chỉ là một người lính thường giống như anh, chôn trong mộ kín.
Qua thứ tự hành động, anh lính còn cho thấy anh là người tôn trọng lễ nghi. Chuyện trước hết anh làm là dựng lại căn nhà xưa. Sau đó anh mới đón cha mẹ về ở. Rồi anh mới xin cưới cô bạn gái. Rồi anh dẫn vợ đến thăm mộ bạn đồng đội. Cái lễ nghi thứ tự đó, tuy có vẻ hiển nhiên, tiêu biểu cho lối sống đạo đức và nề nếp của dân Việt.
Với anh, hòa bình rất là đơn giản, chỉ gồm có những hình ảnh bình thường của cuộc sống hàng ngày. Anh không cần tiền bạc, nhà cao cửa rộng, hoặc cao lương mỹ vị. Mỗi buổi chiều, anh chỉ muốn nghe tiếng chuông chùa làng vang từ xa, nhìn làn khói bếp bốc lên, và ăn một bữa cơm đạm bạc với bát cơm rau, nhìn con trâu và nương dâu bên nhà. Đó là thiên đường của anh. Anh không cần gì hơn.
Anh lính còn có bản chất vị tha hiền hòa. Cho dù máu anh tuôn, nhà anh bị xụp đổ, cha mẹ anh phải bỏ đi, bạn đồng đội anh ngã gục, mối tình anh bị gián đoạn, tuổi thơ anh bị mất, anh không hề có một lời oán hận quân thù hoặc sự tàn nhẫn của chiến tranh. Anh cũng không than thở trách móc ai. Anh chấp nhận những đau thương và mất mát, và chỉ muốn quên đi, bỏ lại tất cả những gì dính líu đến chiến tranh, vì anh đã sạch nợ sông núi rồi.
Với cách diễn tả ý tưởng sâu sắc tinh tế, cách dùng những chi tiết rõ rệt và ẩn dụ tuyệt diệu, Nhật Ngân cho ta thấy hình ảnh một người lính đơn sơ, chất phác, hiền hòa, nhẫn nại, nhũn nhặn, can đảm, kiên trì, có trách nhiệm với tổ quốc, hiếu đễ, tôn trọng lễ nghi, biết ân nghĩa với bạn bè, và trung thành trong tình yêu. Hình ảnh đó tượng trưng cho những người lính Việt Nam Cộng Hòa, như sẽ được trình bày sau.
Từ ngữ đơn giản, mộc mạc, nhưng có tác dụng mạnh:
Cả Hoài Linh lẫn Nhật Ngân đều dùng từ ngữ đơn giản trong sáng, ít Hán Việt, không cầu kỳ sáo rỗng. Nhưng khác với Hoài Linh trong ‘’Về Đâu Mái Tóc Người Thương,’’ Nhật Ngân không dùng từ ngữ có ý nghĩa sâu sắc tinh tế trong bài ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí.’’ Thay vì vậy, ông dùng từ ngữ đơn giản mộc mạc để diễn tả ý tưởng sâu sắc tinh tế. Người đọc không cần phải suy nghĩ tìm hiểu gì thêm với ‘’thép gai giăng,’’ ‘’máu anh tuôn,’’ ‘’sạch nợ,’’ ‘’vắng chân anh,’’ ‘’bếp ai lên khói,’’ ‘’bát cơm rau.’’ Nhật Ngân lột tả bức chân dung của một anh lính Việt Nam Cộng Hòa trước đó là người dân quê sống với ruộng nương, chăn trâu, trồng rau, có cuộc sống giản dị, không có lối ăn nói rườm rà, màu mè, hay khách sáo.
Nhật Ngân có lối dùng chữ có tác dụng mạnh. Ngay đoạn mở đầu, ông cho người lính nói với cô bạn gái là anh ta chẳng còn gì cả ngoài con tim héo. Thông thường, ‘’tim héo’’ dùng để tả một nỗi lòng mòn mỏi, buồn thảm, thất vọng trong cuộc tình duyên. Nhưng rõ ràng là người lính không thất tình hay buồn bã vì cô gái, vì Nhật Ngân dùng ‘’em ơi’’ ngay sau ‘’tim héo.’’ Người lính đang nói với cô gái về tâm trạng của anh; ‘’em ơi’’ cho thấy anh ta đang than vãn về chuyện khác, không phải là chuyện tình giữa hai người. Chuyện đó là chuyện gì ? Câu trả lời ở ngay câu đầu tiên: ‘’Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn.’’ Bằng cách đặt một sự việc xảy ra trong tương lai, và than vãn với cô bạn gái là anh chỉ còn con tim héo, Nhật Ngân cho thấy anh lính đã mong mỏi hết chiến tranh từ lâu đến độ tim anh héo hắt vì trông chờ. Câu chót của bài hát (‘’Thiên đường này mơ ước bao lâu’’) nhấn mạnh lại cái mơ ước trông chờ mòn mỏi đó.
Toàn bài có những từ ngữ rất đơn giản, nhưng thật tượng hình và diễn đạt ý tưởng mạnh mẽ. ‘’Máu anh tuôn’’ cho thấy hình ảnh máu anh lính đổ ra lai láng xối xả, khi anh ngã quỵ ở lũy hào sâu, hoặc bên lỗ châu mai. ‘’Khóm trúc, hàng cau’’ vẽ ra hình ảnh thứ tự, thanh bình. ‘’Mộ bia kín’’ cho thấy hình ảnh cô đơn, tăng thêm nỗi xót xa bi thương cho người đồng đội ngã gục. ‘’Bếp ai lên khói’’ và ‘’bát cơm rau’’ gợi hình ảnh êm đềm, ấm cúng, xum họp gia đình, vì bữa cơm chiều là bữa cơm quan trọng nhất mỗi ngày khi mọi người trong gia đình hội họp.
Nhật Ngân dùng động từ mạnh, thay vì dùng động từ yếu với trạng từ. Toàn bài, ông dùng rất ít trạng từ. Có người sẽ cho rằng vì nhạc sĩ bị giới hạn bởi giai điệu và âm tiết trong bản nhạc, nên không thể dài dòng được. Có thể đúng. Nhưng ông vẫn có sự lựa chọn từ ngữ, và ông chọn động từ mạnh. Mạnh đây có nghĩa là mạnh về sức diễn tả. Thí dụ ông dùng ‘’tuôn’’ (đổ lai láng, xối xả) thay vì ‘’chảy/đổ/rơi.’’ Sẽ có người nói rằng ‘’chảy/đổ’’ là vần trắc và do đó không đi với âm điệu. Tuy nhiên, ông vẫn có thể đổi âm điệu vì ông là người viết cả nhạc và lời. Các thí dụ khác như ‘’dựng’’ (xây đắp), ‘’dìu’’ (dẫn đi nhẹ nhàng), và ‘’vang’’ (kêu to, dội tiếng).
Một ghi chú là trong phần chót, Nhật Ngân mô tả cái mơ ước tương lai với cảnh tượng xảy ra trong hiện tại, như thể đó là giấc mơ trong giấc ngủ của anh lính. Đo đó, ông dùng ‘’Để có ngày này, có ngày này cho chúng mình’’ với ‘’ngày này’’ dùng là một xác định thời gian. Tiếc thay, vài ca sĩ, và ngay cả ấn bản của bài nhạc trên trang mạng của chính Nhật Ngân, đổi lời thành ‘’Để có một ngày, có một ngày cho chúng mình’’ hoặc ‘’Để có một ngày, có ngày này cho chúng mình’’ làm mất đi cái xác định thời gian đó. ‘’Một ngày’’ hàm ý một ngày nào đó trong tương lai. Chuyện đó không có gì sai nếu đứng một mình vì quả thật anh lính đang mơ chuyện tương lai. Nhưng Nhật Ngân đang muốn vẽ cảnh tượng tương lai đó qua hình ảnh hiện tại trong óc anh lính. Do đó, nói đến một ngày trong tương lai làm mất đi ý nghĩa của cảnh tượng như trong hiện tại sau đó (chuông chùa vang, bếp lên khói, bát cơm rau).
Kỹ thuật viết rất điêu luyện và có hiệu quả lôi cuốn người nghe nhạc:
Nhật Ngân dùng nhiều quy tắc căn bản trong việc viết cho mọi thể loại (bình luận, báo cáo tin tức, truyện, tiểu thuyết, thơ, nhạc) một cách tài tình, tuy rằng có thể ông không ý thức rõ rệt về những quy tắc này. Thiên tài thường không biết đến, hoặc không theo, quy luật ấn định sẵn nào.
Một trong những quy tắc căn bản đó là ‘’Cho thấy, đừng kể’’ (Show, don’t tell) (Xem, thí dụ như, Wood 1995, 18-37). Trong quy tắc này, người viết cho người đọc (hoặc người nghe) thấy một chuyện gì đó bằng những mô tả để lôi kéo người đọc vào câu chuyện, thay vì kể lể. Hãy so sánh hai câu sau đây:
1.- Lực nổi giận đùng đùng.
2.- Lực nghiến răng, mặt hắn đỏ lên, cằm hắn bạnh ra, và gân guốc nổi lên cổ hắn.
Câu (1) ‘’kể’’ cơn giận dữ của Lực. Câu (2) ‘’cho thấy’’ cơn giận dữ đó. Bạn thấy câu nào có tác dụng mạnh trên người đọc hơn ?
Khi bạn ‘’kể,’’ bạn tóm tắt, kết luận, hoặc diễn tả cái tổng quát, trừu tượng. Bạn nói cho người đọc cái kết luận của bạn về một cảnh tượng. Người đọc chấp nhận cái bạn kể một cách thụ động.
Khi bạn ‘’cho thấy,’’ bạn vạch ra những yếu tố của cái tóm tắt, tổng quát, hoặc trừu tượng đó qua quan sát. Người đọc bị buộc phải liên kết những quan sát đó để đưa đến cái kết luận. Cái tiến trình khiến người đọc phải tham gia vào việc đi đến cái kết luận tạo nên sự thích thú, kích động cho người đọc vì người đọc được đóng phần trong việc hình dung ra cái hình ảnh bạn muốn vẽ ra. Khi đọc câu (2), người đọc sẽ la lên, ‘’À há, Lực đang tức tối dữ dội.’’ Người đọc, do đó, đóng vai trò chủ động trong việc tạo dựng cái kết luận, cái hình ảnh bạn muốn kể; vì vậy họ thích thú và được lôi cuốn hơn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào ‘’cho thấy’’ cũng hay. Bất lợi của ‘’cho thấy’’ là dài dòng, nhiều khi dễ tạo ra luộm thuộm, và nếu không biết cách ‘’cho thấy’’ sẽ còn có hậu quả ngược lại. Kể nhiều quá có thể làm câu chuyện nhàm chán, cho thấy nhiều quá có thể làm ngộp thở người nghe (Wood 1995, 20). Một người viết kinh nghiệm hoặc có tài, thường biết cách dung hòa, và ‘’kể’’ hoặc ‘’cho thấy’’ tùy từng trường hợp.
Nhật Ngân áp dụng quy tắc ‘’cho thấy, đừng kể’’ một cách tài tình khiến người nghe phải tham gia vào cảnh tượng mà ông muốn vẽ ra mà không thấy nhàm chán hoặc bị ngộp thở. Để diễn tả nỗi mong chờ hòa bình, ông kể anh chẳng còn chi, và cho thấy tim héo. Để diễn tả cảnh chiến trường, ông cho thấy thép gai giăng, lũy hào sâu, lỗ châu mai, địa lôi. Để diễn tả lòng gan dạ, can trường, và sức chịu đựng bền bỉ của anh lính, ông cho thấy máu anh tuôn, và kể đã bao phen, cho còn lại đến mãi bây giờ. Để diễn tả sự tàn phá đổ nát do cuộc chiến, ông cho thấy hoang phế, rong rêu, và kể dựng căn nhà xưa. Để diễn tả cảnh tượng thanh bình yên ấm, ông cho thấy ruộng nương, đàn trâu, cây đa, khóm trúc, hàng cau, con đê, cầu tre. Để diễn tả lập gia đình với người yêu, ông kể sang thăm nhà em, và cho thấy miếng cau, miếng trầu. Để diễn tả nỗi xót xa cho đồng đội đã gục ngã, ông cho thấy mộ bia kín, nghĩa địa buồn, và kể bạn anh đó đang say ngủ yên. Để diễn tả lòng tri ân bạn bè, ông cho thấy lời cám ơn cho người nằm xuống. Để diễn tả sự xum họp gia đình đầm ấm, niềm chung vui dân làng, ông kể ta lại gặp ta, thương mến bao la, ấm tình thương, thắm mối tình quê, và cho thấy vòng tay mở rộng, chuông chùa vang, bếp lên khói, bát cơm rau, con trâu, nương dâu.
Cả toàn bài không hề có những từ ngữ kể lể sáo rỗng, trơ trọi như hòa bình, thanh bình, tàn khốc, can đảm, kiên trì, êm ái, đầm ấm, tàn phá, tan nát, xây tổ ấm, xum họp. Ông phối hợp ‘’kể’’ và ‘’cho thấy’’ một cách thăng bằng tạo nên nét linh động và lôi cuốn người nghe.
Có thể sẽ có người không đồng ý cách ‘’cho thấy’’ của Nhật Ngân, nhưng đó là ý kiến chủ quan. Thí dụ có người sẽ cho rằng ông cho thấy cảnh chiến trường ít oi, chỉ luẩn quẩn với thép gai, lũy hào sâu, lỗ châu mai, và địa lôi. Nhưng thực ra, Nhật Ngân không muốn tả cảnh chiến trường khốc liệt với bom nổ, đạn pháo kích văng tung tóe, tiếng đạn bay vèo vèo, tiếng cánh quạt trực thăng quay phần phật, tiếng la hét thảm khốc của quân thù và đồng đội anh ngã gục, tiếng gào thét điên cuồng của quân thù lao vào anh và đồng đội, mùi máu me tanh tưởi, hoặc khói súng mờ mịt. Đó là những chi tiết không cần thiết và còn làm sai ý. Nhật Ngân dư sức vẽ được những cảnh tượng đó; nhưng ông không làm vì đây là một bài hát về người lính ước mơ trở về khi chiến tranh chấm dứt. Anh không muốn nhớ và không còn nhớ gì những trận đánh hãi hùng. Vẽ thêm những hình ảnh chiến tranh khốc liệt làm lu mờ ý chính của bài hát. Hơn nữa, như đã trình bày ở trên, Nhật Ngân dùng lũy hào sâu, lỗ châu mai là ẩn dụ cho sự bảo vệ dân chúng, đồng quê, nhà cửa, thôn làng.
Ngoài quy tắc ‘’cho thấy, đừng kể,’’ Nhật Ngân còn dùng quy tắc ‘’chú trọng vào chi tiết rõ rệt’’ (focus on specific details) (Xem, thí dụ như, Wood 1995, 6-17) để làm nổi bật hình ảnh và ý tưởng, và tránh né khái quát, mơ hồ, hoặc trừu tượng. Các chi tiết, tuy không đại diện tất cả cho cái ý tưởng, giúp người đọc hình dung ra được cái trừu tượng, khái quát, của ý tưởng đó.
Thí dụ, ‘’đẹp’’ là một ý tưởng trừu tượng và chủ quan. Mỗi người có khái niệm đẹp khác nhau. Nếu bạn viết: ‘’Dũng không thể quên được nét đẹp duyên dáng của nàng,’’ người đọc chỉ có một khái niệm mơ hồ về nét đẹp đó, và có thể mường tượng nét đẹp qua kinh nghiệm bản thân, nhưng họ không có ấn tượng gì nhiều về cô gái và Dũng. Nhưng nếu bạn viết: ‘’Dũng không thể quên được hai mép miệng nàng sâu vào mỗi khi nàng mỉm cười,’’ bạn cho người đọc biết một chi tiết đặc thù về nét đẹp nàng dưới mắt Dũng. Cái nét đặc thù đó rất nhỏ nhặt, nhưng giúp người đọc hình dung cụ thể nét đẹp nàng, và có một it hiểu biết về Dũng. Dùng chi tiết nhỏ nhặt nhưng rõ rệt có tác dụng mạnh và gây ấn tượng hiệu quả hơn cái khái quát hoặc trừu tượng.
Kỹ thuật ‘’chú trọng vào chi tiết rõ rệt’’ có chút trùng hợp với ‘’cho thấy, đừng kể’’ vì ‘’cho thấy, đừng kể’’ thường là chú trọng vào chi tiết rõ rệt. Tuy nhiên, hai kỹ thuật đó khác nhau về mục đích. Ngoài ra, bạn vẫn có thể ‘’kể’’ nhưng chú trọng vào chi tiết. Tuy nhiên, giống như ‘’cho thấy, đừng kể,’’ không phải lúc nào chú trọng vào chi tiết rõ rệt cũng hay. Chú trọng vào chi tiết rõ rệt nhiều quá hoặc không đúng chỗ còn làm mất đi ý nghĩa của bài văn, thơ, hoặc bản nhạc.
Trong bài ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí,’’ Nhật Ngân chú trọng vào chi tiết rõ rệt một cách tuyệt diệu. Ông mô tả hoặc kể các chi tiết tùy trường hợp. Lúc thì nhiều, lúc thì ít. Lúc thì tượng hình (bếp lên khói), lúc thì tượng thanh (chuông chùa vang). Phần lớn các chi tiết rõ rệt được bộc lộ qua cách ‘’Cho thấy, đừng kể’’ như trình bày ở trên. Tôi sẽ chỉ nhắc lại vài chi tiết.
Nhật Ngân không tả mơ hồ hoặc khái quát về những hy sinh của anh lính. Ông chỉ nêu ra một chi tiết rõ rệt: ‘’máu anh tuôn.’’ Chỉ có vậy thôi. Nhưng tác dụng của chi tiết đó rất có hiệu quả, nhất là khi ông dùng động từ mạnh ‘’tuôn.’’ Anh lính không nói gì về những vết thương của anh, nhưng với ‘’máu anh tuôn’’ ai cũng hiểu anh phải có nhiều thương tích. Nhưng những thương tích này không cần thiết phải nói ra. Ở đây, cái chi tiết đó còn lần nữa cho thấy cá tính nhũn nhặn, không khoe khoang của anh lính.
Ông không viết mơ hồ trừu tượng về cuộc sống bình dị ở thôn quê. Ông dùng chi tiết rõ rệt của ruộng nương, đàn trâu, cây đa, khóm trúc, hàng cau. Ông không nói khái quát đến sự đổ nát nhà cửa hoặc gia đình chia ly, mà ông dùng chi tiết dựng lại nhà xưa và đón cha mẹ về. Ông không nói mơ hồ về lòng biết ơn của anh lính với bạn đồng đội, mà ông dùng thẳng câu ‘’Xin cám ơn’’ là lời nói trực tiếp của anh với bạn anh. Ông không mô tả khái quát về hình ảnh gia đình xum họp ấm cúng, mà ông dùng khói bếp, bát cơm rau, và để người nghe tưởng tượng ra khung cảnh ấm cúng đó.
Cùng với ‘’Cho thấy, đừng kể,’’ Nhật Ngân chú trọng vào các chi tiết rõ rệt để làm nổi bật cái hiền lành, đơn sơ, thanh bình, và nhẹ nhàng của cuộc sống thôn quê miền Nam.
Như Hoài Linh, Nhật Ngân là một thiên tài về âm nhạc. Như đã viết trong bài trước về Hoài Linh (Cao Đắc 2014), tôi không tin là Nhật Ngân viết lời nhạc với sự đắn đo, cân nhắc kỹ lưỡng như tôi phân tích mổ xẻ ở trên, mà ông viết với nguồn cảm hứng tuôn ra ào ạt một cách tự phát. Đó là kết quả của sự tích tụ ý tưởng và sáng tạo được nuôi dưỡng và phát huy qua nhiều năm trong xã hội tự do nhân bản của miền Nam trước 1975.
Hình ảnh người lính trong ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ tượng trưng cho những người lính Việt Nam Cộng Hòa:
Bài ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ không những diễn tả ước mơ và những dự tính của một người lính Việt Nam Cộng Hòa sau cuộc chiến, mà còn thể hiện hình ảnh trung thực của anh lính đó, như đã phân tách ở trên. Anh là một người can đảm, kiên trì, nhũn nhặn, có trách nhiệm với tổ quốc, tôn trọng lễ nghi, trọng ân nghĩa với bạn bè, hiếu đễ với cha mẹ, trung thành với người yêu. Bản chất anh đơn sơ, mộc mạc, hiền hòa, chân thật, và vị tha.
Tôi tin rằng hình ảnh đó tượng trưng cho đa số người lính Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam trước 1975 như trình bày sau đây.
Trước hết, bài ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ rất được ưa thích trong miền Nam ngay khi bản nhạc ra đời. Nhật Ngân viết bản nhạc ngay sau khi Hiệp Định Paris ký năm 1973. Ông cho biết ông rất ‘’phấn khởi’’ và ‘’xúc động’’ vì hòa bình sắp đến và do đó ông viết một loạt bài hát cùng với Trần Trịnh và riêng ông. Bài ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ là bài ông viết một mình (Thúy Nga 2002). Bài hát trở thành một trong những bài hay nhất trong khoảng thời gian 1973-1975 và được rất nhiều lính Việt Nam Cộng Hòa ưa thích. Nguyễn Ngọc Ngạn, MC chương trình nhạc Thúy Nga, xác nhận tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đều ưa thích bài hát: ‘’Chính tất cả những người đồng ngũ như chúng tôi cũng đều có nỗi xúc động giống như anh’’ (trích lời Nguyễn Ngọc Ngạn, Thúy Nga 2002).
Thứ nhì, khuynh hướng ưa thích âm nhạc của một người phản ảnh bản chất và cá tính người đó. Đã có rất nhiều nghiên cứu, tìm tòi, thăm dò ý kiến về sự tương quan giữa sở thích âm nhạc và cá tính (Xem, thí dụ như, North và Hargreaves 2008; Collingwood 2008). Các mối liên hệ giữa cá tính và sở thích âm nhạc có vẻ là rõ ràng (North và Hargreaves 2008, 116). ‘’Các sở thích âm nhạc phản ảnh...những khía cạnh đặc thù của bản chất một cá nhân’’ (sđd.). ‘’Các sở thích âm nhạc của chúng ta phản ảnh và củng cố đặc điểm cá tính hiện hữu’’ (trích lời David M. Greenberg trong DeFore 2013). Quả vậy, ‘’biết loại nhạc nào mà bạn nghe có thể thực sự dẫn đến tiên đoán chính xác bất ngờ về cá tính bạn’’ (Cherry). Tuy những nghiên cứu này thường kết luận có sự liên hệ về cá tính với thể loại (genre) nhạc, ta cũng có thể dự đoán rằng mối liên hệ đó hiện hữu không những giữa cá tính với thể loại nhạc, mà còn, một cách rõ rệt, giữa cá tính với một bài hát đặc thù, nhất là khi bản nhạc đó nói về một nhân vật, ước mơ, và những dự tính của nhân vật đó. Đó là vì có sự tương quan mật thiết giữa con người và cái tự ý thức (self-awareness) của con người.
Tự ý thức là tính chất căn bản của mọi động vật. Với con người sống trong một xã hội, tự ý thức lại còn quan trọng hơn vì con người được bao quanh bởi những người khác. Từ tự ý thức, con người phát huy niềm tin tưởng (trust) vào những người khác. Niềm tin tưởng này là niềm tin tưởng vào sức mạnh làm nhiều chuyện, thí dụ như ‘’sức mạnh nhận ra mình là một nhân vật trong một câu chuyện’’ (‘’the power to recognize oneself as a character in a narrative’’) (Ricoeur 1995, 22). Khi đọc một truyện tiểu thuyết, chứng kiến một cảnh tượng nào đó, hoặc nghe một bản nhạc, người ta có được nỗi cảm xúc là vì họ nhận ra mình là, hoặc có những chuyện trải qua như, nhân vật trong truyện, cảnh tượng, hoặc bản nhạc đó.
Những người lính Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1973-1975, khi nghe bài ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí,’’ họ có cảm xúc đặc biệt vì họ nhận ra anh lính trong bài nhạc là chính họ. Họ là những người trong cuộc, do đó họ thấm thía hơn ai hết thẩy. Dĩ nhiên không phải ai cũng thấy mình như là anh lính trong bài hát. Hiện nay, có biết bao nhiêu người trẻ yêu thích bài này, kể cả biết bao nhiêu người không cùng chiến tuyến với anh lính trong bài hát. Họ yêu thích vì những lý do khác, không phải vì họ nhận ra mình là anh lính. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1973-1975, là những người trong cuộc, cái cảm xúc đặc biệt của những người lính Việt Nam Cộng Hòa khi nghe bài ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ phần lớn là vì họ nhận ra họ là anh lính trong bài hát, vì bài hát viết cho họ...
Thứ ba, Nhật Ngân hẳn nhiên là phải diễn tả anh lính trong bài hát là một người lính tiêu biểu cho chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông không những là một nhạc sĩ tài ba, ông còn là một sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa làm việc về tâm lý chiến. Là một nhạc sĩ, ông phải biết viết cho số lớn thính giả. Khối thính giả hẳn nhiên là toàn dân Việt Nam, nhưng với bài ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí,’’ ông nhắm chính yếu vào những người lính Việt Nam Cộng Hòa vì bài hát là về ước vọng của một anh lính Việt Nam Cộng Hòa. Là một sĩ quan hoạt động trong lãnh vực tâm lý chiến, ông phải biết tâm lý những người lính Việt Nam Cộng Hòa và ông phải có óc quan sát tinh tế. Trong những năm hoạt động văn nghệ, ông đã có dịp tiếp xúc với những người lính này, kể cả lúc họ còn đang huấn luyện trong quân trường. Nhờ vậy, ông biết rõ họ là ai, bản chất họ thế nào, mơ ước họ ra sao. Do đó, để cho bài hát được cảm nhận nhiều và nồng nhiệt, ông phải cố diễn tả anh lính trong bài hát tiêu biểu cho lính Việt Nam Cộng Hòa, đại diện cho mọi binh chủng, từ Không Quân, Hải Quân, Bộ Ninh, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Pháo Binh, Thiết Giáp, Người Nhái, Biệt Kích, kể cả Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, và mọi cấp bậc, gốc gác (thành thị, thôn quê). Lẽ dĩ nhiên, ông không thể mô tả được hết mọi người, nhưng ông có thể diễn tả bản chất và cá tính của phần lớn lính Việt Nam Cộng Hòa. Như đa số các nhạc sĩ khác trong miền Nam trước 1975, ông chỉ muốn đem lời ca tiếng nhạc để phục vụ khán thính giả và ông cố làm trọn nhiệm vụ bằng cách diễn tả trung thực tâm trạng và con người của người lính Việt Nam Cộng Hòa.
Với các lý do trên, tôi tin rằng anh lính trong bài ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ tượng trưng cho đa số người lính Việt Nam Cộng Hòa. Người lính Việt Nam Cộng Hòa đó là một người can đảm, kiên trì, có trách nhiệm với tổ quốc, nhũn nhặn, tôn trọng lễ nghi, trọng ân nghĩa với bạn bè, hiếu đễ với cha mẹ, trung thành với người yêu, và có bản chất đạo đức, đơn sơ, mộc mạc, chất phác, hiền hòa, chân thật, và vị tha. Lẽ dĩ nhiên, không phải bất cứ người lính Việt Nam Cộng Hòa nào cũng vậy. Như trong bất kỳ một xã hội nào, cũng có những lính Việt Nam Cộng Hòa tàn ác, hèn nhát, xảo trá, bất lương, bất nhân, bất nghĩa; nhưng những thành phần này rất ít. Nhật Ngân, khi viết bài ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ trong giai đoạn đó, phải cố gắng biểu hiện hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa một cách trung thực để cho bài hát có giá trị. Cách hay nhất để tạo giá trị cho bài hát là viết sự thật. Tuy có rất nhiều bài hát về lính, nhưng bài này thể hiện bản chất người lính Việt Nam Cộng Hòa đầy đủ nhất với cách diễn tả tuyệt vời.
Kết Luận:
Bài ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ là một bài hát rất được ưa chuộng trong miền Nam trước 1975, và ngay cả bây giờ. Nhật Ngân thể hiện anh lính trong bài hát với lời lẽ đơn sơ, thiết tha và đầy tình cảm. Ý tưởng bài hát sâu sắc và tinh tế được trình bày qua kỹ thuật diễn tả điêu luyện. Quan trọng nhất, anh lính trong bài hát phản ảnh đa số lính Việt Nam Cộng Hòa.
Những người lính Việt Nam Cộng Hòa sống trước năm 1975 chiến đấu cho tự do dân chủ, bảo vệ dân chúng và quê nhà, và họ sẽ sống mãi trong lòng người dân nhờ những bài hát ở miền Nam trước 1975. Nếu bạn muốn biết họ là ai, bản chất cá tính họ thế nào, họ nghĩ gì, họ ước muốn gì, họ đã làm gì, bạn chỉ cần nghe những bản nhạc về chinh chiến của miền Nam trước 1975.
Thiên đường của những người lính Việt Nam Cộng Hòa chỉ là cuộc sống đơn sơ thanh đạm với những hình ảnh thanh bình như mỗi chiều nghe tiếng chuông chùa vọng từ xa, nhìn khói bếp bốc lên từ mái nhà tranh, và ăn một bát cơm rau với gia đình.
So với thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa, quả là một trời một vực.
Cao Đắc Tuấn
Tài Liệu Tham Khảo:
- Cao-Đắc, Tuấn. 2014. ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’. 6.8.2014
- Cherry, Kendra. Không rõ ngày. Music and Personality - What Does Your Taste In Music Reveal About Your Personality ?
psychology.about.com/od/ personalitydevelopment/a/ music-and-personality.htm ( truy cập 13.8.2014).
- Collingwood, J. 2008. Preferred Music Style Is Tied to Personality. Psych Central.
(truy cập 13.8.2014).
- Defore, Katherine. 2013. Do music preferences reflect personality? 10.12.2013.
(truy cập 13.8.2014).
- Nhật Ngân. 2012a. Một mai giã từ vũ khí. 30.6.2012.
(truy cập 11.8.2014).
- Nhật Ngân. 2012b. Mot mai gia tu vu khi Ngan Khanh, Nhat Ngan trình bày. 16.6.2012.
- Nhật Thịnh. Không rõ ngày. Chết Sau 20 Năm.
(truy cập 11.8.2014).
- North, A. C. và Hargreaves, D. J. 2008. The social and applied psychology of music. Oxford University Press, Oxford, U.K.
- Ricoeur, Paul. 1995. Oneself as Another. Translated from the French by Kathleen Blamey. University of Chicago Press, Chicago, U.S.A.
- Thúy Nga Paris by Night 66. 2002. Người Tình và Quê Hương.
youtube.com/watch?v=0Cr_ kRCGsr4 (truy cập 13.8.2014).
- Wikipedia. 2014. Nhật Ngân. Thay đổi chót: 30.7.2014.
/vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1% BA%ADt_Ng%C3%A2n (truy cập 11.8.2014).
Wood, Monica. 1995. Description. Writer's Digest Books, Ohio, U.S.A.
~~~oOo~~~
Về Đâu Mái Tóc Người Thương.
Link:
Trên Bốn Vùng Chiến Thuật
Link:
Tản Mạn Chuyện Tóc Xưa
Link:
24 Giờ Phép
Link:
Người Binh Sĩ Trong ‘’Ly Rượu Mừng’’ là ai ?
Link:
Nhạc Sĩ Lê Thương & 70 Năm Hòn Vọng Phu
Link:
Căn Nhà Ngoại Ô
Link:
Chuyến Đò Vĩ Tuyến
Link:
Con Đường Xưa Em Đi
Link:
Để Con Đường Xưa...Ta Lại Đi
Tám Nẻo Đường Thành
Link:
Người Lính
Link
No comments:
Post a Comment