Sunday, April 16, 2017

Trận Thủy chiến Thị Nại Trần Huy Thạch

5.jpg
Lời mở đầu
Đầm Thị Nại, xưa tên Hải Hạc Đàm, là một vịnh biển ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Xưa kia, nơi đây diễn ra trận thủy chiến kinh hồn  giữa quân Gia Định của Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long) và thủy quân Tây Sơn.
Đứng trên cầu Thị Nại nhìn ra hướng cửa biển, phong cảnh đẹp hữu tình nhưng mấy ai biết nằm dưới đáy vịnh là di cốt của biết bao người lính của hai bên đã ngã xuống và yên giấc ngàn thu. Thời Pháp thuộc, nhà thơ Quách Tấn có bài thơ hoài cổ rằng:
Thị Nại xưa kia vũng chiến trường,
Nổi chìm thế sự mấy triều Vương…
Non mây nghi ngút nơi binh dữ,
Biển ráng chưa tan bọt máu hường.
Nhạn lãnh sóng vờn gương đế bá
Phương Mai rừng đắp vết tang thương.
Bùi ngùi ngắm cảnh quay trông lại
Lớp lớp xe ai rộn phố phường!
Với mong ước chuyên chở những kiến thức lịch sử đến với mọi người một cách sinh động và dễ hiểu, tôi đã cố gắng tìm hiểu, tập hợp thông tin để viết về trận Thủy chiến Thị Nại này. Việc tái hiện lại bối cảnh lịch sử của một trận chiến diễn ra cách đây hơn 200 năm không phải là một việc dễ dàng. Các sử liệu chính thống và những nguồn tài liệu khác nhau như những lát cắt phản ánh một mặt nào đó của lịch sử, do đó nếu nghiên cứu chúng một cách riêng rẽ, người đọc sẽ khó hình dung được bối cảnh lịch sử một cách tổng quát và trọn vẹn. Chưa kể sách sử Việt Nam có truyền thống chỉ ghi chép một cách vắn tắt, thậm chí còn mâu thuẫn nhau. Mục tiêu của tôi khi soạn bài này là xâu chuỗi các nguồn sử liệu ấy thành một thể thống nhất, đồng thời vận dụng suy luận logic để mô tả trận chiến một cách chân thực và dễ hiểu nhất.
Quy Nhơn chụp từ núi Vũng Chua. Bên trái là đầm Thị Nại, dải đất phía xa là bán đảo Phương Mai.
1. Bối cảnh trận chiến
Từ khi quân Gia Định chiếm được thành Quy Nhơn (trước là thành Đồ Bàn của Champa) vào tháng 7/1799, Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh) cho đổi tên thành Bình Định và phái Võ Tánh cùng Ngô Tòng Châu trấn giữ rồi rút quân về Gia Định để phòng thủ và củng cố lực lượng. Đầu năm sau, tức năm Canh Thân (tháng 2/1800), quân Phú Xuân do Trần Quang Diệu chỉ huy vào đánh lấy Thị Nại giao cho Võ Văn Dũng trấn giữ, rồi kéo quân lên vây đánh thành Quy Nhơn.
2. Các tướng lãnh tham gia cuộc chiến, tuổi tác tính vào thời điểm năm 1800.
Bên phía quân Tây Sơn
Võ Văn Dũng (không rõ năm sinh) – đại tư đồ kiêm đô đốc thủy quân, đứng đầu trong Tây Sơn thất hổ tướng. Với tài ngoại giao khôn khéo, ông là người được vua Quang Trung tin tưởng cử đi sứ nhà Mãn Thanh bên Trung Quốc nhiều lần.
Trần Quang Diệu (1760 – 1802) – 40 tuổi, thái phó, một trong Tây Sơn thất hổ và được mệnh danh là Nguyễn Huệ thứ hai.
Nguyễn Quang Huy (không rõ năm sinh) – phó đô đốc, được mệnh danh là Triệu Tử Long của Tây Sơn.
Bên phía quân Gia Định
Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh) (1762 – 1820) – 38 tuổi, vua Nam Hà (Gia Định).
Đặng Đức Siêu (1751 – 1810) – 49 tuổi, Quân sư (tham mưu trưởng).
Nguyễn Văn Trương (1740 – 1810) – 60 tuổi, lính gọi là ông Giám quân. Trước làm Chưởng cơ Tây Sơn. Tháng 8/1787, Nguyễn Văn Trương đem 300 quân tinh nhuệ và 15 chiến thuyền về theo Nguyễn Ánh, được phong chức Khâm sai Chưởng Cơ, quản đạo Tiên phong Thuỷ dinh Trung quân. Sau ông trở thành đại tướng thống lãnh toàn bộ thuỷ binh của Nguyễn Ánh, lập công lớn trong các trận Thị Nại 1792, Thị Nại 1801, Quảng Nam, Phú Xuân, Trấn Ninh… và được nhà Nguyễn phong tặng danh hiệu Đệ nhất Ngũ hổ Tướng Gia Định. Thuộc tướng dưới quyền là Tống Phước Lương.
Võ Di Nguy (1745 – 1801) – 55 tuổi, quân lính gọi là Ông Tổng thủy, cao lớn, miệng méo, giọng nói oang oang.
Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) – 37 tuổi, quân lính gọi là Ông Tổng Đồn Tả, tướng nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn và can đảm. Nhờ mưu lược ông được Nguyễn Ánh tin dùng và làm việc trong ban tham mưu.
Philippe Vannier (tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Chấn) (1762 – 1842) – 38 tuổi, Khâm sai thuộc nội Cai đội, thuyền trưởng tầu đồng Phượng Phi (Le Phoenix) từ năm 1800. Tính thực thà, ít nói nên lên chức rất chậm.
Jean-Baptiste Chaigneau (tên tiếng Việt Nguyễn Văn Thắng) (1769 – 1832) – 31 tuổi, Cai đội, thuyền trưởng tàu Long Phi (Le Dragon). Mới đi chữa bệnh từ Malacca về.
Godfrey De Forçanz (tên tiếng Việt Lê Văn Lăng) (không rõ năm sinh) – Cai đội, thuyền trưởng tàu Bằng Phi (Le Aigle). Râu quai nón, nhìn giống diễn viên Russell Crowe. Tính tình ngổ ngáo ngông cuồng, thích làm mọi việc theo ý mình.
3. Sự chuẩn bị
Tháng 2/1800, tin cấp báo của Võ Tánh ở Quy Nhơn về đến Gia Định.
Tại Gia Định, Nguyễn Vương cùng các bộ tướng phân tích tình quân Tây Sơn. Thám báo cho biết mặt bộ Tây Sơn có năm vạn quân, có voi, ngựa, đại bác, theo quyền điều khiển của Trần Quang Diệu vừa vây đánh thành, vừa chia giữ các nơi hiểm yếu. Trần Quang Diệu cho đắp lũy dài vây bọc thành Bình Định, chu vi hơn 4.000 trượng, mỗi trượng 2 người tuần giữ, bộ binh vây thêm vài vòng, cô lập Võ Tánh và Ngô Tòng Châu trong thành. Những nơi Chủ Sơn, Vân Sơn, Hoa Yên, Thị Dã, La Hai lập hơn chín chục đồn. Đồn nào cũng cực kỳ kiên cố. Phía nam có tướng Nguyễn Quang Huy trấn giữ. Mặt thủy, Võ Văn Dũng thống lãnh hai vạn thủy quân cùng trên dưới 2.000 chiến thuyền đóng trong đầm Thị Nại.”
Vua Chân Lạp vừa viện trợ cho Nguyễn Vương 20 cặp voi trận, số voi này đã về đến Gia Định và sung vào cơ số tượng binh của Nguyễn Văn Thành.
Nguyễn Vương lệnh cho Nguyễn Văn Thành cùng Lê Chất, Nguyễn Đình Đắc, Trương Tiến Bảo, chia ra làm ba đạo đánh lấy đồn Hội An ở Phú Yên, rồi kéo ra đánh ở Thị Dã.
Nguyễn Vương đích thân thống lãnh thủy binh tấn công hạm đội của Võ Văn Dũng ở Thị Nại.
Theo lệnh Nguyễn Vương, mọi người đều khẩn trương sửa soạn ra trận. Nguyễn Vương cũng lệnh cho cai đội Ba-la-di (Barisy) họp thuyền bè, dự bị quân nhu, chiến cụ đợi lệnh. Đồng thời lại cho Nguyễn Văn Chấn coi Phụng Phi Đại hiệu thuyền chở 26 đại bác, có Renon phụ tá. Tàu Long Phi của Nguyễn Văn Thắng có 32 đại bác, tàu Bằng Phi của Lê Văn Lăng có 26 đại bác, mỗi tàu chở trên 300 người.
Tháng 4/1800, Nguyễn Vương thân chinh xuất quân giải vây thành Bình Định, để hoàng tử Cảnh trấn giữ Gia Định cùng với Nguyễn Văn Nhơn và Nguyễn Từ Châu. Hải đội xuất phát qua cửa Cần Giờ, Nguyễn Vương đem hoàng tử Hy (khoảng 18-20 tuổi) và hoàng tử Đảm (tức vua Minh Mạng sau này), mới 9 tuổi đi theo.
Cuối tháng 5/1800, Nguyễn Vương ra tới Nha Trang. Hoàng tử Hy ở lại Diên Khánh và Nguyễn Vương cho đánh Phú Yên. Tại đây, quân Tây Sơn đã dựng tới 80 cái đồn kiên cố, nhưng sau trận đụng độ bị phá hủy khá nhiều. Nhờ tướng Nguyễn Văn Thành lập thành tích, nên Nguyễn Vương xây dựng được nhiều kho quân lương tại Xuân Đài để tiếp tế cho đội quân của mình.
Một lực lượng quân Vạn Tượng (Lào) dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Văn Thụy và Lưu Phước Tường xâm nhập vào Nghệ An để đánh úp quân Tây Sơn. Được tin này, hai tỉnh Thanh Hóa và Hưng Hóa cũng nổi lên nhiều cuộc biến động khiến quân Tây Sơn ở các vùng biên giới bị cầm chân.
Quân Gia Định thắng một số trận, chiếm được Phú Yên, nhưng vẫn không sao tiếp cận được thành Bình Định.
Thủy quân Gia Định lảng vảng ngoài biển năm sáu tháng trời. Đạo thủy vẫn chưa liên hiệp được với đạo bộ. Ở giữa vẫn còn mắc nhiều đồn quân Tây Sơn.
Nguyễn Vương cho thủy quân đóng tại vịnh biển Cù Mông. Ngài rất sốt ruột mỗi khi quân mình ra trận, và những khi nghe bọn mật sai (thám tử) trình báo tình hình bên địch.
Một lần Nguyễn Vương dẫn một đoàn chiến thuyền từ vũng Cù Mông vượt ra, định tập kích Thị Nại trong đêm. Chẳng ngờ tới hòn Đất (Thổ dự) lại bị gió bắc thổi ngược, đành phải quay về.
Không giải tỏa nổi thành Bình Định, tình trạng này kéo dài luôn một năm khiến Nguyễn Vương vô cùng bực tức. Trông thấy quân địch đội ngũ nghiêm chỉnh, đồn ụ vững vàng, Nguyễn Vương thở dài than: “Trời chưa muốn diệt giặc Tây hay sao? Cớ sao cứ bắt lương tướng của ta phải khổ mãi ở trong đó?”
Tình hình chiến trận giằng co cũng làm cho đám cai đội người Pháp chán nản. Chaigneau biên thư kể lể cho bạn thân từ thuở nhỏ là Laurent Barisy, lúc đó đang ở bên Pháp, rằng:
“Trước đây chưa trông thấy địch, tôi có ý khinh thường, nhưng bây giờ mới biết là mình lầm. Thật vậy, quân của Tây Sơn đã làm một phòng tuyến không sao vượt được. Bây giờ thời tiết lại xấu, binh sĩ bịnh tật nhiều. Lính Gia Định và Cao Miên phải trả về nguyên quán, những quân tướng về hàng trước đây trở lại với chủ cũ, tình thế thật nguy vô cùng…”
Thư từ Gia Định báo hoàng tử Cảnh, lúc đó mới 21 tuổi, lâm bệnh nặng đi không nổi phải nằm liệt giường càng làm Nguyễn Vương thêm rối trí.
Nguyễn Vương đánh mãi không xong tính dùng kế “vây Ngụy cứu Triệu” đi vòng đánh Phú Xuân trước. Các tướng đều cho rằng trước khi tiến ra Phú Xuân thì hãy phá tan thủy quân của Tây Sơn ở đây đã. Kẻo ra tới Phú Xuân, bị quân Tây Sơn cả hai mặt thủy bộ ép lại thì nguy.
Để phá được hạm đội của Võ Văn Dũng cách hay nhất là dùng hỏa công, đợi lúc có gió nam nổi lên sẽ cho thủy binh tiến đánh Thị Nại. Vương cho là phải, lệnh cho quân lính chuẩn bị thuyền nhỏ, chất sẵn những đồ dẫn hỏa, thuốc nổ
Đầu tháng giêng năm Tân Dậu (1801), gió nam thổi mạnh. 
Về phía Tây Sơn cũng đã có chuẩn bị, tám năm trước đây (trận Thị Nại 1792) Nguyễn Vương cũng đã một lần dùng hỏa công đốt cháy hạm đội của vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc).
Võ Văn Dũng cho hai chiến hạm Định Quốc trang bị đại pháo và hơn 100 chiến thuyền dàn ngay phía trong eo Thị Nai. Trên dãy núi Tam Tòa bên hữu và bãi Nhạn bên tả bố trí trận địa pháo phục sẵn. 
Ng Hue
Mô hình chiến thuyền Tây Sơn

Về phía quân Gia Định, nhận thấy gió nam đã nổi, Nguyễn Vương họp bàn với các tướng lãnh chiến thuật đánh vào thủy trại Tây Sơn.
4. Diễn Biến
Thủy quân Nguyễn chia thành nhiều đội thuyền chèo tay nhỏ, vốn nhẹ và cơ động để có thể nhanh chóng áp sát thuyền địch để phun lửa. Ngoài ra thuyền chèo đi nhanh nên có thể né tránh hỏa lực pháo kích của địch một cách hiệu quả. Cửa biển hẹp nên các chiến hạm lớn sẽ khó xoay xở.
5.jpg
Chiến thuyền của thủy quân triều Nguyễn (mô phỏng)

Nguyễn Vương giao ba thuyền đại hiệu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi đỗ lại ở đầm Cù Mông cho Phạm Văn Nhơn cai quản. Nguyễn Văn Trương sẽ lãnh ấn tiên phong, Võ Di Nguy làm phó tướng, Nguyễn Vương đích thân xuống thuyền đi sau đốc chiến.
Lệnh cho Nguyễn Văn Thành cầm đầu bộ binh và tượng binh tập kích vào các căn cứ của quân Tây Sơn trên bộ.  Lại điều 1.200 lính trang bị súng trường bí mật tấn công trận địa pháo của Tây Sơn trên bãi Nhạn. 
Ngày 27/2/1801 đúng vào dịp rằm tháng giêng, hạm đội Gia Định bắt đầu xuất quân từ đầm Cù Mông, bao gồm 26 chiếc thuyền chèo tay loại lớn (50 đến 70 mái chèo) + 65 ghe đại bác (chaloupes canonnières – 40 đến 44 mái chèo). Đoàn chiến hạm vỏn vẹn 91 cánh buồm này khởi hành để đi tấn công một quân đội khoảng 50.000 người và 45.000 quân đổ bộ và quân canh gác các đồn phòng vệ cửa biển.
Tới tối, cánh quân tiên phong của Nguyễn Văn Trương tới hòn Đất (Thổ dự) qua bến Tiêu Cơ, cai đội dưới quyền Trương là Trần Công Hiến chặn bắt được Đô ty của Tây Sơn là Nguyễn Văn Độ cùng đám lính tuần của Tây Sơn, tra lấy được mật khẩu, liền cấp báo cho Nguyễn Vương.
Nguyễn Vương sai Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương cho lính cải trang thành quân Tây Sơn dùng 18 chiếc thuyền thoi chất đầy hỏa khí, giả thuyền Tây Sơn đi tuần tiễu lên trước lẻn vào đốt thủy trại quân Tây Sơn phía trong đầm. Lại sai Võ Di Nguy dẫn quân tiên phong, Lê Văn Duyệt đốc quân tiếp theo. Khâm sai thuộc nội Cai đội Nguyễn Văn Chấn (Vannier), Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau), Lê Văn Lăng (De Forçanz) mỗi người cầm một chiếc thuyền chèo lớn hộ tống thuyền chỉ huy của Nguyễn Vương.
Chiều 28/2, toàn hạm đội nhổ neo tiếp tục di chuyển về phía Thị Nại.
Đến chiều tối 28/2, khi đoàn chiến hạm tới đúng tầm súng của đảo Hòn Đất, Nguyễn Vương ra hiệu cho Phó Vệ Uý Hoàng Văn Khánh đem 1.200 quân túc trực (quân thiện chiến) đổ bộ lên bãi cát.  Ngoài biển, 26 chiếc thuyền chèo do Lê Văn Duyệt chỉ huy áp sát bãi Nhạn.
Đoàn thuyền cải trang len được vào giữa hai hàng tàu chiến của đối phương, lẻn vào tận bên trong cùng của vịnh, là Hổ Cơ. Nguyễn Văn Trương từ trong thuyền nhảy ra, lệnh cho lính nhắm thẳng vào tháp canh trên thủy trại Tây Sơn bắn phát súng đại bác đầu tiên.
Nghe tiếng súng, bên ngoài Nguyễn Vương hạ lệnh tổng tấn công.
Bên tả, Lê Văn Duyệt chỉ đạo 26 tàu ga-le bắn liên hồi lên bãi cát. Quân Tây Sơn đồn trú ở đây bị bất ngờ chạy tán loạn. Loạt đại bác dồn dập từ các thuyền ga-lê đã phá hủy phần lớn các tháp canh và ụ pháo của quân đồn trú của Tây Sơn đóng trên bãi cát, dọn đường cho quân cảm tử của Nguyễn Vương vừa đổ bộ xông lên. 1.200 lính tay cầm súng trường đầu có lưỡi lê, tấn công vào sau lưng quân Tây Sơn đóng trên bãi cát, đánh úp tất cả những gì còn lại. Sau đó họ tập trung các khẩu đại bác vừa chiếm được chĩa thẳng về phía trong bến cảng.
Bên hữu, một cánh quân khác đổ bộ lên núi Tam Tòa tập kích đồn lũy Tây Sơn, quyết tâm tiêu diệt trận địa pháo của Tây Sơn. Tuy nhiên cánh quân vì bị bất lợi về địa hình, vướng lũy đá phòng thủ kiên cố và vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Tây Sơn nên bị thiệt hại nặng.
Võ Văn Dũng nghe tin cấp báo liền chỉ đạo phòng thủ, phái 30 chiến thuyền ra trợ giúp quân đồn trú trên bãi Nhạn
Nguyễn Vương quan sát trận địa, thấy chiến thuyền Tây Sơn từ trong cửa vịnh bắt đầu túa ra, hướng về 26 chiến thuyền ga-lê đang tấn công bãi cát. Nguyễn Vương liền ra hiệu cho Võ Di Nguy nắm đội tiên phong tiến lên tiếp ứng. Đồng thời cánh quân bộ trên bãi cát cũng tập trung hỏa lực bắn túi bụi vào các chiến thuyền Tây Sơn vừa kéo ra.
Sau khi chặn đứng và tiêu diệt các chiến thuyền đợt đầu của Tây Sơn, Võ Di Nguy nắm đội tiên phong bắt đầu tiến vào cửa vịnh xung kích ba chiến hạm Định Quốc. Thấy thuyền địch, các khẩu đại pháo từ trên các chiến hạm Định Quốc đồng loạt khạc lửa. Đồng thời trận địa pháo của quân Tây Sơn trên núi Tam Tòa bên hữu cũng nã liên hồi về phía đoàn chiến thuyền gia Định. Đạn bay như mưa, Võ Di Nguy trúng đạn đại bác mất đầu, ngã lăn ra. Nhìn thấy cảnh tượng khủng khiếp, quân sĩ của Võ Di Nguy kinh hãi tính rút về. Lê Văn Duyệt hò hét thúc quân xông pha lửa đạn quyết tiến lên. Lúc đó, sự quần thảo mới trở nên đẫm máu. Đạn bắn tứ phía, từ các đồn lũy, từ các chiến hạm; trận mưa đại bác rú vang rền trên đầu mọi người. Lửa cháy và tiếng súng đại bác kinh hoàng không thể diễn tả nổi. Cả hai bên đều chiến đấu kịch liệt.
Nguyễn Vương thấy sĩ tốt nhiều người tử thương, cho tiểu sai đến dụ Lê Văn Duyệt cho tạm lui quân để bảo toàn lực lượng. Duyệt không nghe thề chết vẫy quân xông lên. Gió to và thủy triều lên mạnh làm đoàn thuyền của Duyệt lao nhanh vun vút, đến 12 giờ lọt vào được cửa biển, Duyệt hò hét quân lính dùng đuốc hoả chiến thừa chiều gió phóng đánh thuyền đại hiệu của Tây Sơn. Lửa bén vào các chiến hạm Định Quốc được gió tiếp sức cháy phần phật, chẳng mấy chốc lan ra khiến quân Tây Sơn không cách nào dập tắt kịp.
Phía trong vịnh, toán quân cải trang của Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương mặc sức đốt phá. Đô đốc Trà bên phía Tây Sơn cưỡi thuyền chống cự, liền bị Văn Trương chém chết. Quân Tây Sơn hoang mang, hàng ngũ bắt đầu rối loạn.
De Forçanz mặc dù đang phải làm nhiệm vụ hộ tống Nguyễn Vương, không dằn lòng nổi trước cơn hăng say chiến đấu, tự cho thuyền mình tiến vào cảng đốt cháy tầu chiến của quân Tây Sơn. Vannier và Chaigneau cũng sốt ruột muốn tham chiến, nhưng phải hộ tống nhà vua.
Thuyền đắm ùm ùm. Khắp nơi lửa cháy, các chiến hạm Tây Sơn, cái thì nổ, cái thì chìm. Người chết như rạ. Tiếng la hét kêu khóc vang cả một góc trời.
Tiếng còi rúc, tiếng người reo, tiếng trống ngũ liên thúc rền hòa với tiếng sóng biển nghe ầm ào như một trận động đất.
Trong thành Bình Định, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu cùng các tướng đứng nhìn về phía đầm Thị Nại thấy lửa cháy sáng rực cùng tiếng đại bác vang trời biết rằng thủy quân của Nguyễn Vương đang tấn công.  Võ Tánh cho tập hợp quân chờ bên địch rút quân sẽ dốc sức đánh ra phá vòng vây.
Trần Quang Diệu đóng quân ở ngoài thành, biết tin nhưng vẫn chỉnh đốn quân ngũ, giữ nguyên vòng vây
Quân Tây Sơn kiên trì chống trả. 
Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương đã phá được vòng vây của quân Tây Sơn, lại kéo ra phía cửa biển tiếp tục giao chiến. Văn Trương, Phúc Lương liền hợp lại với cánh quân của Lê Văn Duyệt đốc quân lên bộ phá đồn Tam Tòa. Quân Tây Sơn khiếp đảm bỏ cả dinh trại mà chạy.
Võ Văn Dũng thấy  Nguyễn Vương chỉ với một ít quân và vài chục chiếc thuyền chèo tay, đã làm tan ra tro hạm đội thuỷ quân hùng hậu của mình, bèn thu nhập tàn quân lên ngựa chạy về phía Trần Quang Diệu.
10 giờ sáng 1/3/1801, trận chiến kết thúc. Nguyễn Vương cho quân lập đồn trấn giữ.
5. Tổng kết 
Nguyễn Vương cho thợ lặn chỗ các tầu chìm vớt được 500 khẩu đại bác cỡ lớn và vô kể vũ khí khác
Tổng kết, quân Gia Định bị thiệt hại khá nặng: 4.000 người chết. Nhưng tổn thất của quân Tây Sơn còn lớn hơn nhiều: họ mất ít nhất 20.000 người. Tất cả lực lượng thủy binh kinh hồn của họ; tất cả thuyền bè chuyên chở gồm 1.800 cánh buồm; 6.000 khẩu đại bác đủ loại; vũ khí đạn dược, lương thực vô kể. Vàng, bạc, châu báu của các tướng sĩ đều làm mồi cho sóng nước.
6

Trong lúc nạo vét luồng lạch trên đầm Thị Nại, TP.Quy Nhơn (Bình Định) vào ngày 27/5/2013, đơn vị nạo vét đã phát hiện thêm khẩu súng thần công này. Khẩu súng được đúc bằng hợp kim gang, nòng tròn, miệng loe, thân tròn to, hai bên có hai tai ngang. Súng dài 1,96 m, đường kính nòng 0,33 m, chu vi nòng 0,84 m, chu vi thân 1,24 m, nặng khoảng 600 kg. Tới nay bộ sưu tập súng thần công đang lưu giữ tại Bảo tàng Bình Định liên quan đến trận thủy chiến giữa quân nhà Nguyễn và quân Tây Sơn trên đầm Thị Nại vào năm 1801, đã lên đến 13 khẩu.

Súng thần công của Tây Sơn được trục vớt lên ở đầm Thị Nạ
Kết thúc trận chiến, Nguyễn Vương sai quân báo tin thắng trận về Gia Định, đồng thời hỏi thăm tin tức hoàng tử Cảnh.
Sáng 2/3/1801, Chaigneau viết thư cho Barisy thông báo tình hình. Thư viết:
“Ngày 19 tuần trăng thứ nhất
Barisy thân mến,
Ta vừa đốt sạch thuỷ quân của địch không sót một ghe nào. Trận chiến đẫm máu nhất chưa từng có ở Nam Hà. Quân địch chống trả tới chết. Quân ta đánh giỏi hơn. Bên ta có rất nhiều người chết và bị thương, nhưng chẳng đáng gì so với thắng lợi mà nhà vua đạt được. Các anh Vannier, Forcanz và tôi cùng tham dự, và cùng trở về bình an vô sự.
Trước kia, khi chưa thấy hải quân của địch, tôi có ý coi khinh, nhưng tôi bảo đảm với anh là tôi lầm: họ có những chiến hạm chở tới 50, 60 đại bác cỡ lớn.
Nhà vua sẽ đi đánh Hoàng Cung, người chắc chắn ở đó chẳng có sự kháng cự nào. Những người lính Tây Sơn chắc rất mất tinh thần; nhiều người muốn ra hàng, nhưng ta từ chối. Vua cho phép họ sống yên lành ở nhà mà không phải đánh nhau nữa. Năm nay chúng tôi không về Sài Gòn. Nhà vua gửi tất cả những chiến hạm lớn đi chở gạo cho người. Thời giờ gấp gáp, tôi không nói được dài hơn…
Xin anh báo tin này cho ông Liot
J. B. Chaigneau”
Ngày 18 tháng Giêng Tân Dậu (1801), Nguyễn Vương truyền lệnh hợp toàn quân thủy bộ tiến ra Phú Xuân. Nhưng vẫn giao cho tướng Nguyễn Văn Thành cầm năm ngàn quân ở lại kìm hãm Trần Quang Diệu, hẹn hạ thành Phú Xuân xong sẽ quay lại giải vây cho Võ Tánh.
Thuyền bọc đồng được chạm trên Cao Đỉnh đặt tại Hoàng cung Huế. Phải chăng đây là một trong ba thuyền Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi danh bất hư truyền của vua Gia Long?
9
Một dạng thuyền chiến chèo tay (ga-lê)
 
 
Tài liệu tham khảo:
  1. Hoàng Lê Nhất Thống Chí
  2. Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện
  3. Sử ký Đại Nam Việt (1903)
  4. Việt Nam Sử lược – Trần Trọng Kim
  5. Việt Sử Tân Biên – Phạm Văn Sơn
  6. Nước non Bình Định – Quách Tấn
  7. Lịch sử nội chiến Việt Nam – Tạ Chí Đại Trường
  8. Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long – Thụy Khuê
  9. Gia Định Tổng Trấn Tả Quân Lê Văn Duyệt – Ngô Tất Tố
  10. Một số hình ảnh lấy từ Internet.
 Nguyen San chuyen

No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...