Thursday, May 25, 2017

Chiến hạm Mỹ đi qua đảo nhân tạo Trung Quốc tại Biển Đông

Chiến hạm USS Dewey (trái) tại Biển Đông hôm 19/5/2017.
Hoa Kỳ vào sáng ngày thứ năm 25 tháng 5 cho chiến hạm đi vùng 12 hải lý một đảo nhân tạo do Trung Quốc lập nên tại Biển Đông. Đây là động thái được nói nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở khu vực này.

Truyền thông quốc tế dẫn phát biểu của một quan chức Hoa Kỳ về tin vừa nêu nói rằng đó là chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải đầu tiên tại khu vực Biển Đông dưới thời của tổng thống Donald Trump, và cũng là chuyến đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái.

Theo tiết lộ của vị quan chức Hoa Kỳ không muốn nêu tên thì chiến hạm USS Dewey đi vào vùng 12 hải lý của đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa.

Hoa Kỳ tửng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về việc tiến hành xây dựng đảo nhân tạo và thiết lập những cơ sở quân sự trên các thực thể ở khu vực Biển Đông. Những hoạt động đó bị cho dẫn đến quan ngại hạn chế hoạt động tự do hàng hải.

Dưới thời của tổng thống Barack Obama, hải quân Hoa Kỳ tiến hành một số chuyến tuần tra tự do hàng hải tương tự như chuyến vừa được tiến hành tại khu vực Biển Đông.

Theo giới quan sát thì chuyến tuần tra của chiến hạm Hoa Kỳ tại vùng tranh chấp Biển Đông như vừa nêu chắc hẳn sẽ làm tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Trung, mặc dù tình trạng này có giảm đi kể từ thi tổng thống Donald Trump đón tiếp chủ tịch Tập Cận Bình vào hồi tháng qua ở Florida.

Trung Quốc vào ngày thứ năm 25 tháng 5 lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ xâm phạm vùng lãnh hải của Hoa Lục.

Phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Bắc Kinh cho rằng khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Dewey của Hoa Kỳ đi vào vùng biển của Trung Quốc mà không được phép. Hành động như thế là xâm hại chủ quyền, an ninh của Trung Quốc, và chắc hẳn sẽ là nguyên nhân của những tai nạn hàng không, hàng hải không mong đợi.

Phát ngôn nhân Lục Khảng cũng lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ ngưng những hành động mà Trung Quốc cho là khiêu khích như thế.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như trọn Biển Đông trong phạm vi đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra. Tuy nhiên, Tòa Trọng Tài Thường Trực tại La Haye vào ngày 12 tháng 7 năm ngoái ra phán quyết đường 9 đoạn của Trung Quốc vạch ra ở Biển Đông không có cơ sở cả về mặt lịch sử và pháp lý quốc tế. Phán quyết được đưa ra theo đơn kiện của Philippines.

Ngoài Trung Quốc, còn có các nước khác trong khu vực gồm Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Việt Nam vào ngày 25 tháng 5 lên tiếng về chuyến tuần tra tự do hàng hải mới nhất của Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, phát biểu lập trường của Việt Nam là tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982- UNCLOS.

Theo lời của bà Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo vào chiều ngày 25 tháng 5 ở Hà Nội, thì Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền tại quần đảo Trường Sa cũng như Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên hiện nay quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm giữ hoàn toàn. Tại quần đảo Trường Sa như vừa nêu còn có 5 quốc gia khác tuyên bố chủ quyền tại đó như vừa nêu.



ĐML chuyển

Hải quân Mỹ tuần tra FONOP ở Biển Đông lần đầu thời Trump

25/05/2017

Đá Mischief thuộc quần đảo Trường Sa có tranh chấp ở Biển Đông (ảnh tư liệu, 21/5/2015)

Các quan chức Mỹ hôm thứ Tư cho biết Ngũ Giác Đài vừa tiến hành tuần tra hải quân ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên một hoạt động như vậy được thực hiện từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền. Mục đích cuộc tuần tra là nhằm gửi đi một tín hiệu đến Trung Quốc về chủ trương của Mỹ muốn duy trì tự do đi lại trên các tuyến hàng hải trọng yếu trong khu vực.
Cuộc tuần tra vì tự do hàng hải nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, gọi tắt là FONOP, diễn ra hôm thứ Tư quanh Đá Vành khăn, còn gọi là Mischief Reef, một trong những thực thể đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.
Các quan chức Mỹ cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey là tàu thực hiện cuộc tuần tra.
Hoạt động này phải diễn ra bên trong vùng 12 hải lý quanh một đảo hay thực thể để hội đủ tính pháp lý của một cuộc tuần tra vì tự do hàng hải.
Đây là lần đầu tiên hoạt động FONOP được thực hiện từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống hồi tháng 1 năm nay, và cũng là cuộc tuần tra đầu tiên từ tháng 10 năm ngoái.
Đại tá Jeff Davis, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, từ chối bình luận về cuộc tuần tra. Trong một tuyên bố, ông nói: “Chúng tôi hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương hàng ngày, kể cả ở Biển Đông. Chúng tôi hoạt động theo luật quốc tế”. Ông nói thêm rằng các cuộc tuần tra “không nhằm vào riêng một nước nào, riêng một vùng biển nào”.
Đưa ra quan điểm của Việt Nam về sự kiện này, hôm thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói lập trường nhất quán của Việt Nam là “tất cả quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế”.
Bà Hằng cho biết Việt Nam “tiếp tục đề nghị các quốc gia có đóng góp mang tính xây dựng và tích cực, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương".
Trong phát biểu của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại rằng “Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế”.
Trung Quốc hôm thứ Năm lên tiếng phản đối cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói với báo giới rằng nước này đã đề nghị các quan chức Mỹ giải thích về việc tàu Dewey “xâm nhập” vùng biển gần Đá Vành khăn, một trong những thực thể mà Bắc Kinh đã xây thành đảo nhân tạo để củng cố tuyên bố chủ quyền của họ ở vùng biển mang tính chiến lược này.
Tại cuộc họp báo hàng tháng ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói hai tàu khu trục nhỏ của nước này đã “cảnh báo” tàu Mỹ sau khi tàu này tiến gần Đá Vành khăn “mà không được Trung Quốc cho phép”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Chúng tôi thúc giục Mỹ sửa chữa sai lầm này và không có thêm các hành động tương tự để tránh làm tổn thương hòa bình và an ninh trong khu vực, cũng như cho hợp tác lâu dài giữa hai nước”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Việt Nam và một số nước khác cũng tuyên bố chủ quyền về nhiều phần chồng lấn lên nhau ở vùng biển.
Tổng thống Trump đã đánh đi những tín hiệu không rõ ràng với Trung Quốc về Biển Đông. Trong thời gian vận động tranh cử hồi năm ngoái, ông Trump chỉ trích chính quyền ông Obama là đã để cho Bắc Kinh xây và quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Sau khi nhậm chức, ông Trump quay sang Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để yêu cầu Bắc Kinh giúp kiềm chế chương trình hạt nhật của Bắc Triều Tiên.
Theo một bài báo gần đây của New York Times, dẫn lời các quan chức Mỹ, kể từ khi giữ chức tổng thống, ông Trump đã 3 lần từ chối tiến hành tuần tra FONOP.
Một nhóm thượng nghị sỹ lưỡng đảng hồi đầu tháng này hối thúc Tổng thống Trump tái tục các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải. Các nghị sỹ nói Biển Đông có tầm quan trọng quyết định đối với các lợi ich an ninh quốc gia của Mỹ cũng như đối với hòa bình ở châu Á-Thái Bình Dương.
(theo WSJ, Reuters, AP, Kyodo, truyền thông Việt Nam)

No comments:

Ông Trump lại kêu gọi mua Greenland sau khi để mắt đến Canada, Kênh đào Panama

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tại Phoenix, Arizona, 22/12/2024 (REUTERS/Cheney Orr).  Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục kêu gọi Hoa K...