rong số đó có môt tay tự xưng là Tổng Quản Giáo, mỗi buổi chiều, sau khi chúng tôi làm lao động khổ sai về, thì đến lều chúng tôi mà nói huyên thuyên trên trời dưới đất, nhưng cái ý chính cũng chỉ quanh đi quẩn lại có “các anh là ngụy quân, ngụy quyền, lầm đường lạc lối, phản bội dân tộc, Trời không dung, đất không tha, nhưng cách mạng thông cảm với các anh, cho các anh cơ hội để học tập, mà chuộc lại lỗi lầm…”
Noel Cali và Noel Trại Tù Cà Tum
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Bài mới nhất là chuyện mùa giáng sinh
***
Buổi tốigiữa tháng 12 lành lạnh. Đã sắp tới Noel. Quận Cam, nơi tôi ở, mấy hôm nay thiên hạ đua nhau đi mua sắm tưng bừng. Trên các cột điện ngoài đường, đã lấp lánh những dây kim tuyến. Ngay trong khu tôi ở, mấy căn nhà hàng xóm đã giăng những hàng dây điện nhấp nháy trên các cây cao trước nhà và dưới những gờ mái nhà, bất chấp các cơn gió Santa Ana đang hung hãn thổi những cành lá dừa của nhà hàng xóm cuộn tung về một bên.
Nhìn sự quằn quại của hàng lá dừa, đột nhiên tôi thấy chúng giống như làn tóc của ai đang xỏa tung trong gió rồi chợt liên tưởng đến thân phận lênh đênh của những người phụ nữ, vợ các người tù cải tạo, lúc đi thăm nuôi tù tại các trại tù từ Nam ra Bắc, tóc tai cũng rũ rượi. Lúc lên thác xuống ghềnh, khi xe đò, xe trâu hay lội bùn, leo dốc, gồng gánh mang cho chồng chút lương thực để sống sót qua những năm tháng tù ngục, người vợ tù cải tạo địu trên lưng cả tâm hồn Việt Namvà những nét đẹp tuyệt vời của tình yêu, tình chồng vợ mà chỉ người phụ nữ Việt Nam mới có thể thực hiện được. Những thiên bi hùng ca của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, thật ra, không thể so sánh với những thiên trầm ca của các bà vợ chiến sĩ. Có những câu chuyện nhỏ nhoi, không ghi chép trong lịch sử, nhưng lại có sức mạnh hơn ngàn viên đạn trái phá, vì nếu không có các người vợ nuôi tù đó, thì số người chết bệnh, chết đói trong các trại tù tập trung sẽ tăng lên rất nhiều. Có thể nói, các bà vợ nuôi tù chính là một lực lượng vô danh nhưng cảm tử, đã che chở và bảo vệ cho cả trăm ngàn lính Cộng Hòa, từ đó, dòng quân sử mới có thể ghi chép lại lời khai của các nhân chứng sống sót trong các trại tù khổ sai từ Nam ra Bắc.
Cùng với cơn gió lạnh Santa Ana và cũng từ dòng suy tưởng lan man này mà tôi chợt nhớ lại ba mùa Giáng Sinh đầu tiên với cá nhân tôi trong hai trại tù cải tạo: Trảng Lớn và Cà Tum. Năm 1975, tôi ngồi tù ở Trảng Lớn. Sau vài tháng lao động,tù nhân tự dựng lều lên để ở, đi đào mìn, phá lô cốt lấy “ki” sắt cho cai tù làm dao, làm dụng cụ lao động, thì có những tay gọi là Cán Bộ Quản Giáo đến tẩy não anh em chúng tôi. Trong số đó có môt tay tự xưng là Tổng Quản Giáo, mỗi buổi chiều, sau khi chúng tôi làm lao động khổ sai về, thì đến lều chúng tôi mà nói huyên thuyên trên trời dưới đất, nhưng cái ý chính cũng chỉ quanh đi quẩn lại có “các anh là ngụy quân, ngụy quyền, lầm đường lạc lối, phản bội dân tộc, Trời không dung, đất không tha, nhưng cách mạng thông cảm với các anh, cho các anh cơ hội để học tập, mà chuộc lại lỗi lầm…” Chúng tôi ngồi xếp bằng trên các tấm trải làm bằng bao cát, mệt mỏi và đói, mắt nhắm mắt mở, lòng thầm nhủ: “kệ cha nó, nói gì thì nói, mình cứ nín thở qua sông, chờ cơ hội phục hận.” Nhưng vì bản tính ba gai, ương ngạnh, nên thỉnh thoảng tôi phát pháo, phản đối hắn. Như khi tay này nói bậy về đạo Công giáo: “Các anh mê tín dị đoan để cho mấy thằng cha cố, linh mục nó dụ dỗ làm bậy. Lễ lạy gì mà đang lễ lại tắt hết đèn đi! Để sờ mó nhau hả?”, tôi giơ tay đòi phát biểu. Hắn hất hàm: “Nói gì? Nói đi!” Tôi bình tĩnh nói: “Anh nói sai rồi, chúng tôi không có tắt đèn để sờ mó nhau. Trong lễ Phục Sinh, nhà thờ tắt hết đèn để thể hiện việc Chúa chết, sau đó lại bật nến lên, để chỉ việc Chúa sống lại. Thế thôi! Làm gì có chuyện tắt đèn để sờ mó?” Tay cán bộ này không lý luận được, liếc nhìn tôi hậm hực rồi chuyển sang chuyện khác.
Một lần nữa, hắn nói: “Mấy anh biệt phát là tội ác to lớn lắm, vì được điều chuyển đi làm gián điệp, rình mò quân đội Giải Phóng!” Tôi lại giơ tay, sửa lưng hắn: “Điều này anh nói không đúng! Danh từ biệt phái mà chúng tôi sử dụng là để chỉ những người đang ở trong Quân đội, vì lý do chuyên môn mà được chính phủ cho bỏ quân đội trở về hành chánh, làm việc như môt người dân sự, chứ không có nhiệm vụ làm gián điệp như các anh.” Tên Tổng Quản Giáo giận sôi lên, tuy nhiên vì nhiệm vụ phải “tẩy não” chúng tôi, nên cố nhịn tôi, nhưng đến lần phát biểu thứ ba của tôi, thì hắn để tâm trả thù. Buổi tối hôm đó, những cơn gió lạnh của tháng 12 thổi vào làm chúng tôi run lên trong mấy tấm khoác làm bằng bao cát, nghe tên này thao thao bất tuyệt nói về “Bác Hồ và lòng nhân ái”, tôi bất chợt giơ tay lên, nói: “Nghe anh nói về lòng nhân đạo của Bác, của Đảng, tôi có ý kiến. Bây giờ là tháng 12, sắp đến lễ Giáng Sinh. Nếu thật sự đây là trường cải tạo, anh phải cho người Công giáo chúng tôi dự lễ Giáng Sinh. Tôi biết ở trại bên, có rất nhiều tuyên úy. Nếu anh đồng ý cho chúng tôi dự nghi thức này, thì nhờ anh liên lạc với bên trại bên, cho một vị tuyên úy đứng giữa sân làm lễ cho chúng tôi. Sẽ không có giảng, không nói một lời nào hết. Được không?” Tên Tổng Quản Giáo nghe tôi nói thì ngơ ngác, suy nghĩ một lúc rồi gật đầu: “Được! vài ngày nữa, tôi trình lên cấp trên rồi cho anh biết!” Sau khi tan hàng, anh em xúm lại, lo lắng: “Ông gan quá! Thế nào chúng cũng trả thù!” Tôi cười: “Có Chúa lo liệu, chẳng sợ!” Thực tế, xẩy ra đúng như anh em dự đoán. Chừng 2 hôm sau, mới 5 giờ sáng, chưa có ai dậy, một tên vệ binh bước vào, huơ mũi súng về tôi: “Anh kia! Lên văn phòng làm việc!” Tôi ngồi dậy, và bình tĩnh đi theo tên vệ binh. Qua vài khúc quanh lắt léo, đến môt phòng không có đèn, chỉ có ánh mặt trời mới mọc, tôi thấy tay Tổng Quản Giáo đứng chờ sẵn trong đó. Tôi nhún vai, bước vào. Tay kia nhìn tôi soi mói một lúc, như muốn tra tấn tôi bằng mắt một lúc rồi hỏi với giọng khác hẳn ngày thường:
-Mày đẻ ở đâu? Cha mẹ mày tên gì? Làm nghề gì? Mày có bao nhiêu anh em? Mấy thằng là ngụy?
Tôi trả lời từng câu hỏi một, với một thái độ thản nhiên làm tên kia dần dần nóng máu. Bất ngờ hắn gầm lên:
-Tao nói cho mày biết! Cách mạng đã tha mạng sống cho chúng mày rồi, chứ vào tay tao thì tao cắt cổ hết lũ chúng mày! Đạo đức cái đéo gì! Mày đòi đi lễ, đi lạy hả? Địt mẹ! Mấy cái thằng tuyên úy đúng ra là phải treo cổ hết. Chúng nó là lũ ác ôn, chuyên dấu súng trong áo dòng, rồi dí súng hãm hiếp người ta. Địt mẹ cả lò nhà chúng mày! Vào tù đây rồi mà còn đòi đi xem lễ. Địt mẹ chúng mày!
Nói xong, hắn hùng hổ xông tới, vung tay, vung chân, coi tôi như cái bao cát để tập đấm đá. Giây phút đầu tiên, với bản tính con nhà võ, tôi đã định phản công, nhưng chợt nhớ đến một câu châm ngôn quan trọng mà tôi đã dặn lòng mình trước khi bước vào cổng trại tù: “Phải chịu nhục như Câu Tiễn ngày xưa, không để cho chúng bắn chết mình, mình sẽ mất cơ hội...” Vì thế, tôi trân mình chịu trận, không đánh trả và cũng không cất tiếng. Tên Tổng Quản Giáo đánh mãi thì cũng hả giận, hắn ngưng tay, hầm hầm nhìn tôi, thấy tôi tỉnh bơ chùi máu miệng, hắn quát: “Cút ngay! Về trại!”
Tôi không nói một câu nào, chỉ quay lưng đi ra. Về đến lều tù, thấy anh em đang lúi húi mỗi người mỗi việc, không ai ngước lên nhìn mình, có lẽ có tên gác nào đang rình mò đâu đó, tôi thở dài, ngẩng mặt nhìn lên trời, thầm ghi trong lòng một Giáng Sinh đầu tiên trong tù, không được ở gần những người thân yêu, chỉ gần đấm đá và súng đạn.S au đó, tên Tổng Quản Giáo không thấy xuất hiện nữa mà có một tên khác đến thay.
Giáng Sinh năm 1976. Rừng Cà Tum, Tây Ninh.
Mùa Noel năm ấy, tôi ở gần một anh bạn vốn là tu xuất, có nhiều liên hệ với các vị Linh Mục. Để đáp lại việc tôi sang láng của anh mỗi buổi tối, để kể chuyện “chưởng” cho anh và các bạn nghe (hồi đó, tôi kể 2 bộ chuyện đắc ý nhất: Lộc đỉnh Ký và Đồ Long Đao tức Cô Gái Đồ Long, liên tục mấy năm liền), nên anh đặc biêt mời tôi đến dự lễ Noel tại nhà bếp, nơi anh làm quản bếp. Việc làm lễ trong tù này là chuyện đại kỵ, nếu “ăng ten” báo cáo là bị đập dập xương, cho nên anh chỉ mời tôi và hai người bạn thân tham dự. Tối 24 tháng 12 năm 2016, bốn người chúng tôi ngồi chúi trong một xó bếp, chụm đầu vào với nhau, đọc kinh. Anh bạn có dấu được một cuốn Thánh Kinh nhỏ xíu bằng bàn tay, đưa cho tôi đọc phần sách Thánh, còn anh đọc Phúc Âm. Dưới ánh sáng leo léo của một ngọn nến nhỏ đặt giữa trung tâm, chúng tôi đọc kinh mà dàn dụa nước mắt. Nỗi nhớ nhà da diết, nhớ Chúa, nhớ nhà thờ, nhớ những đêm Noel bừng sáng thành phố Saigon làm chúng tôi không ai cầm được cơn khóc nghẹn ngào. Những giọt nước mắt cứ thay nhau nhỏ xuống sàn đất đầy bụi tro tưởng như những tiếng đàn Piano thánh thót trong một buổi lễ nào đó, nơi có đôi mắt người yêu long lanh, có hơi ấm gia đình và hạnh phúc. Chúng tôi đọc kinh cầu nguyện xong, mà không ai đứng dậy, cứ chụm đầu vào nhau mãi mà thổn thức. Một lúc sau, nghe có tiếng người ho hắng đâu đây, bốn người chúng tôi vội đứng dậy, tản đi, về láng của mình cũng chỉ để nằm mà nhớ và khóc gần như suốt đêm.
Giáng Sinh năm 1977. Cũng trong rừng Cà Tum.
Hồi ấy, chúng tôi phải đi đốn cây làm đường cho xe bộ đội đi, làm nhà cho quản giáo, vệ binh. Rừng Cà Tum có ít cây lớn, mà tràn ngập các loại Le, tức là một giống trúc, nhưng đặc ruột. Giống cây Le này lại sinh trưởng theo hình nấm, nghĩa là chúng tập họp với nhau thành từng bụi cao, ngọn tre mỏng uốn vòng xuống, tỏa ra bốn phía làm thành những cây nấm khổng lồ, rỗng ruột, cao từ 5 đến 7,9 mét. Chúng tôi thường hái măng Le ở trong ruột nấm bằng cách bò sát xuống đất, vạch ngọn tre ra, trườn vào tận trung tâm và cắt những măng le dài ngoằng như cây nến, đem về nấu ăn thay thịt cá. Tôi suýt chết ở một trong những cây nấm khổng lồ này, bây giờ nghĩ lại vẫn còn sợ. Hôm đó, tôi cũng bò vào hái măng. Đang trườn mình sát đất, trên lớp lá le dầy, hí hửng vì vừa thấy có vài ngọn măng cao bên trong, chợt tôi lạnh mình, tay chân tê cứng, vì ngay trước mặt tôi, cách đầu tôi chừng 4,5 gang tay, một cái đầu rắn lục trong đống lá, bất ngờ ngóc lên, xanh lè! Cặp mắt rắn nhìn trừng trừng vào mắt tôi. Môt cảm giác lạnh buốt đột nhiên chạy từ đầu xuống chân. Tôi thầm nghĩ: “Thế là mình sắp chết rồi! Chỉ một cử động nhỏ, là cái mỏ rắn sẽ cắm phập vào trán mình!” Tôi biết là giống rắn sẽ mổ vào bất cứ vật gì cử động, một chớp mắt cũng có thể làm nhiệt độ trong không khíthay đổi và con rắn sẽ phản ứng bằng cách là phóng nọc độc nằm ngay trong hai cái răng nhọn cong cong kia vào cái vật cử động đó… Loại nọc độc của rắn lục xanh này rất mạnh, chỉ vài phút là cong người, dẫy chết, nhất là lại bị trúng ngay vào đầu, trung tâm thần kinh! Nghĩ đến đó, cả cơ thể tôi căng cứng lại. Tôi cố dùng hết sức mạnh tinh thần của mình để cố căng mắt ra, không dám chớp, đồng thời, thầm thĩ cầu nguyện: “Lạy Chúa, cứu con! Lạy Chúa, cứu con!” Có lẽ vì lời cầu nguyện của người sắp chết đã được nhận lời, một sức mạnh vô hình đã giữ cho mắt tôi không chớp trong một thời gian rất lâu, một khoảng thời gian mà tôi tưởng chừng như dài vô tận, đến khi con rắn kia từ từ hạ đầu xuống và trườn đi…
Khi thấy con vật kinh khiếp kia đã đi khỏi, tôi thở ra và từ từ chuồi ngược người ra ngoài bụi. Hồi tưởng lại, tôi thấy chưa bao giờ tôi bị một cơn sợ hãi như thế, nhất là với giống rắn, là giống mà tôi ghét nhất, từ hồi ở rừng, đã 3 lần, vừa thấy có rắn là tôi rượt theo, đập chết, và mang về nấu cháo… Một lần, tôi đã đánh nhau với một con rắn Hổ Chúa, dài đúng 3 thước từ đầu đến đuôi, sau nhiều lần nhẩy tránh nọc độc nó phun ra, tôi đã chụp được đuôi nó rồi lấy chân đạp lên lưng nó, nhưng vì thân nó dài quá, nên không gây ảnh hưởng gì. Tôi vội nhặt một khúc tre ngắn đập nát đầu nó, bất chấp cái đuôi dài gần 2 thước kia quật dẫy tung bụi. Mang con rắn hổ chúa này về nhà, mấy người bạn tôi xúm lại xem và sau đó là những giây phút tê mê với nồi cháo rắn… Nhưng giây phút vừa qua, chỉ có một con rắn dài không đến 1 thước mà tôi sợ đến tê cứng… Nỗi sợ ấy đã theo tôi về lán, và hạ gục tôi, khiến tôi lên cơn sốt ròng rã gần 3 ngày mê man…
Trở lại với mùa Giáng Sinh Cà Tum. Hôm đó, tôi cùng hai người bạn rủ nhau chui vào trong bụi le, đọc kinh, xem lễ. Bạn tôi có mang theo một hộp nhỏ đựng Bánh Thánh. Ba đứa chúng tôi ngồi xổm trên đất và đọc sách Thánh, Phúc Âm và cầu nguyện. Sau đó, bạn tôi cho chúng tôi rước lễ. Điều không ngờ là vừa rước lễ và cầu nguyện xong, ba đứa mới ngẩng đầu lên thì một tên vệ binh lách mình vào, chĩa súng vào chúng tôi và quát to:
-Ba tên này làm gì ở đây?
Tôi trả lời:
-Chúng tôi mới vừa chặt cây xong, mệt quá, vào đây nghỉ chút rồi ra làm tiếp.
Tên vệ binh hầm hừ nhìn chúng tôi, rồi hất hàm:
-Ra làm đi! Không được ngồi đây!
Chúng tôi nhún vai, cười khì rồi đứng dậy. Tạ ơn Chúa! Đã xong một lễ Giáng Sinh trong tù…
Mấy chục năm trôi qua như giấc mơ. Năm nay, trong khí lạnh của mùa Đông, tôi bồi hồi nhớ lại những khuôn mặt bạn thân, nhiều người đã mất tăm tích, có thể chết trong biển Đông, một số trôi giạt đất nước nào, không biết bao giờ mới gặp lại..
Mùa Giáng Sinh 2017,
Vô cùng xúc động cám ơn các bạn đã góp ý với bài viết vội này. Những dòng chữ chân tình của các bạn đã làm cho trái tim tôi lại đau thắt, nhớ đến những năm tháng tù ngục khổ sai, nơi mà mạng người rẻ hơn con sâu, cái kiến. Nhiều người bạn của tôi đã chết trong tù, chết đau đớn vì bệnh mà không có thuốc, chết vì bị công an đánh thâu đêm, chết vì tai nạn lao động (có lần sập hội trường, chết hơn 20 mạng), chết vì bị rết cắn, rắn cắn, ong cắn, chết vì ăn nhằm nấm độc, hoặc chết vì bị bắn tàn khốc. Một bạn không chấp nhận ra hội trường học tập, bị vệ binh lôi xồng xộc ra trước hội trường, đẩy ngã sấp xuống đất, rồi hô to: “bắn bỏ mẹ nó đi!” thế là cả chục cây súng nhắm vào người nằm dưới đất mà nhả từng tràng đạn. Đến khi tên quản giáo bảo ngưng và bắt 4 người ngồi gần đó mang xác đi thì phải đi nhặt từng miếng thịt vương vãi trên đất. Một anh vừa mới chui ra khỏi hàng rào, cách đầu tôi nằm chừng vài mét, đã bị lộ, anh nhẩy xuống hố gần đó, thúc thủ. Tên lính gác chạy lại, chĩa súng vào đầu anh ở dưới hố mà nhả đạn. Tiếng đạn vang trong đầu tôi như đạn đại bác làm óc tôi muốn nổ tung. Sau đó, tên này còn nói lớn với tên gác khác: “Địt mẹ! Tao bắn chết một con rồi!” Ở trong này, tôi đập đầu xuống đất mà khóc nức nở! Trời ơi! Chúa ơi! Khốn nạn quá! Chúng nó coi người như những con chó hoang vậy! Tôi muốn gào lên, nhưng tiếng gào không ra khỏi cổ vì nước mắt đã làm nghẹt họng rồi. Sáng dậy sớm, tôi lấy cây đàn ra, viết luôn bản nhạc “Hãy để ngày ấy tàn đi” với những câu như sau: (Lời 1:)Hãy để ngày ấy tàn đi, không bao giờ còn đến nữa. hãy để ngày ấy tàn đi, không bao giờ còn tái diễn. Hỡi những bất công. Hỡi nỗi xót xa. Hỡi những oán thù. Đời con người không là phút phù du. (Lời 2:) Giam cầm tay chân được thôi. Ai có quyền cùm trí óc? Trong một cuộc sống tự do, ta với ngươi cùng máu nóng! Cứ bắn nữa đi! Cứ giết nữa đi! Cũng không xóa nhòa. Rồi mai này, niềm tin sẽ vùng lên. (điệp khúc:) Đâu? Trong cuộc sống nào đâu? Anh là người? Đâu trong vùng tối nào đâu? Anh đọa đầy? Vì mầu da? Vì ngôn ngữ? Hay vì yêu chân lý? (lời 3:) Hãy để ngày ấy tàn đi, ta lên đường say tranh đấu. Cho một cuộc sống tự do, cho công bình và sự sống! Xóa hết bất công! Vất hết dã man! Bước qua oán thù. Để cho đời cùng chung khúc tình ca.
Chu Tất Tiến
No comments:
Post a Comment