Monday, June 4, 2018

“NÓI NGỌNG” VÀ CÂU CHUYỆN CỦA BỘ TRƯỞNG NHẠ



(NCTG) “Sự nhầm lẫn giữa “n” và “l” có thể không quan trọng đối với hơn 90 triệu người Việt Nam, vì chúng ta nghe đều hiểu nhau. Có điều, đối với cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì khác hẳn, là “tư lệnh ngành”, có hai phụ âm mà anh không tự sửa được thì anh đi “giáo dục” ai?”.

Nhầm lẫn “n” và “l” trong phát biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang bị nhiều cư dân mạng chỉ trích chua cay - Ảnh: Internet
Đi từ Nam ra Bắc, sẽ có nhiều vùng miền, dân địa phương ở đó nói mà bạn khó có thể hiểu được giọng tiếng Việt của họ. Lúc đó nhiều khi bạn ước họ hãy nói vài câu tiếng Anh để bạn có thể giao lưu dễ dàng hơn.

Về giọng nói thì muôn hình vạn trạng, ở nước ta thì quen với lối suy nghĩ phân biệt Bắc-Trung-Nam nên cái gì cũng chia rẽ theo hướng tiêu cực. Sợi dây văn hóa vùng miền tồn tại song song với sự phát triển của xã hội dẫu ta có chấp nhận hay không.

Chưa có bộ luật nào quy định giọng Bắc là “giọng chuẩn”, mặc dù qua đời sống ít nhiều đã có khái niệm đó. Nhiều người còn phân định rạch ròi hơn, nào là “giọng Bắc” phải là giọng Bắc cụ thể ở đâu, vào thời kỳ nào mới là giọng Bắc “chuẩn”. Đó là cách ứng xử định kiến thường thấy trong xã hội, thời nào, nước nào cũng có.

Làm trong ngành truyền hình thì phát thanh viên của mỗi đài đều phải sở hữu chất giọng dễ nghe. Hơn một năm trước, VTV cho thí điểm chương trình Thời sự buổi trưa với giọng Huế của BTV Anh Phương là dấu hiệu tích cực của ngành truyền hình (giờ tôi không biết còn không).

BTV Anh Phương nói giọng Huế nhưng dùng từ ngữ báo chí phổ biến, cô không dùng từ ngữ địa phương gây khó hiểu cho người xem. Nếu vì không quen nghe giọng Huế mà chê người ta nói khó nghe là điều không nên.

Trên các phương tiện truyền thông, bất cứ chương trình nào cũng nên được nhìn một cách tổng thể. Đối với thời sự thì nội dung vẫn quan trọng nhất. BTV dẫu có đẹp, giọng thánh thót cỡ nào mà nội dung mang tính giáo điều, không khách quan thì cũng vứt.

Sự đa dạng hóa mang tính chất “mở” để phát triển toàn diện, còn địa phương hóa mang tính lệ thuộc văn hóa vùng miền để phục vụ một mục đích nào đó (thường được áp dụng trong kinh doanh). Sự thay đổi trước đây của VTV phải nhìn nhận là bước tiến của đa dạng hóa chứ không thể gọi là địa phương hóa như có người đã ngộ nhận. (Chỉ khi nào trên 50% PTV của VTV đều nói giọng Huế hết thì lúc đó mới là địa phương hóa, và lúc đó VTV sẽ không còn là Đài Truyền hình Việt Nam nữa).

Cần nói thêm, BTV Anh Phương nói giọng Huế, theo nhận định của riêng bản thân tôi, nghe… dễ thương mà. Chứ nói giọng chuẩn mà văng tục như Lê Bình (đã rớt chức), nhảm như Tạ Biên Cương thì nói giọng chuẩn làm gì!?


Lẫn “n”, “l” có thể không quan trọng với hơn 90 triệu dân Việt Nam, nhưng lại là “vấn đề” với “tư lệnh ngành Giáo dục” - Ảnh: Internet

Có liên quan, gần đây có câu chuyện “nói ngọng” xuất phát từ một phát biểu bị nhiều người coi là “có vấn đề” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

“Nói ngọng” thường có hai trường hợp:

1. Thường bị xem như một dạng khiếm khuyết, một dạng bệnh: Những người nói ngọng sinh ra do có lưỡi ngắn hơn người bình thường, nên họ phát âm bất cứ từ nào cũng ngọng chứ không nhất thiết là “n” và “l”.

Đối với những người này thì tôi không cho rằng họ bị khiếm khuyết. Một người sinh ra với cái lưỡi ngắn cũng giống như một cô nàng ngực nhỏ, hay một chàng trai có dương vật bé mà thôi. Chẳng có gì phải “xoắn” trong trường hợp này. Trừ phi nói ngọng mà muốn làm phát thanh viên thì… hơi căng!

2. Nói ngọng do “thiếu giáo dục”: do từ nhỏ không để ý cách phát âm, dần dần phát âm sai, trở thành thói quen, rất khó sửa hoặc không chịu sửa.

Mục đích quan trọng nhất của giao tiếp suy cho cùng là tiếp nhận và trao đổi thông tin. Nói sao cho người nghe hiểu mình nói cái gì thì đã xem như hoàn thành nội dung giao tiếp. Thậm chí, nói cho người nghe biết mình là người nói ngọng, “chứ không thèm giấu”, như Bộ trưởng Nhạ cũng là một dạng giao tiếp.

Sự nhầm lẫn giữa “n” và “l” có thể không quan trọng đối với hơn 90 triệu người Việt Nam, vì chúng ta nghe đều hiểu nhau. Có điều, đối với cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì khác hẳn, là “tư lệnh ngành”, có hai phụ âm mà anh không tự sửa được thì anh đi “giáo dục” ai?

Nói đi cũng phải nói lại, nếu như Bộ trưởng Nhạ làm tốt công việc của mình, góp phần xây dựng được một hệ thống giáo dục ngon lành, không bao che đồng bọn, chấn chỉnh nề nếp cái ngành trót mang tên “giáo dục”… thì chắc cũng không ai xoắn vào thói quen nói ngọng “n” và “l” của ông ấy nữa đâu. 

Để khi kể về Bộ trưởng Nhạ, những thế hệ mai sau sẽ tự hào: “Bộ trưởng chúng em tuy nói ngọng nhưng là cán bộ tốt!”.

No comments: