Wednesday, June 27, 2018

Tập trận hải quân RIMPAC 2018: Không có tàu Việt Nam tham dự - Trọng Nghĩa




Tàu chiến của Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines và Singapore đang trên đường tới Haiwaii, để tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018
Năm nay, Việt Nam chính thức được Mỹ mời tham dự, nhưng chỉ gởi một phái đoàn sĩ quan đến, trong lúc Trung Quốc đã tham dự hai lần trước đây (2014, 2016), thì năm nay không được mời.
Theo thông báo từ phía Mỹ, cuộc tập trận RIMPAC 2018 kéo dài hơn một tháng, từ ngày 27/06 cho đến ngày 02/08, sẽ diễn ra tại hai khu vực chính: Vùng biển quanh quần đảo Hawaii, và phía nam tiểu bang California (Hoa Kỳ).
Lực lượng tham gia rất hùng hậu, bao gồm 47 tàu mặt nước đủ loại, từ tàu sân bay, tàu khu trục, cho đến tàu đổ bộ, tàu tiếp liệu, cùng với 5 tầu ngầm. Bên cạnh đó, còn có hơn 200 phi cơ đủ loại, cùng với 25.000 quân nhân.
Trong một bản thông cáo, Hạm Đội 3 của Mỹ xác nhận, nội dung các bài tập bao gồm các kịch bản cứu trợ thiên tai, đổ bộ, chống cướp biển, bắn tên lửa, tháo gỡ mìn, an ninh hàng hải, chống tàu ngầm và phòng không. Nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật cũng được dự trù, từ việc phóng tên lửa tầm xa chống hạm do chiến đấu cơ Mỹ thực hiện, hay bắn tên lửa chống hạm từ đất liền do một đơn vị Lục Quân Nhật Bản tiến hành. Lần đầu tiên Lục Quân Hoa Kỳ cũng tham gia tập trận.
Cùng với Sri Lanka, Brazil và Israel, Việt Nam năm nay lần đầu tiên được Mỹ mời tham gia tập trận (hai năm 2012 và 2016, Việt Nam chỉ dự trong tư cách quan sát viên). Cho dù vậy, Việt Nam cũng quyết định chỉ gởi một phái đoàn sĩ quan đến tham gia tập trận mà thôi.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 26/06, đó là một đoàn gồm 8 sĩ quan tham mưu, tới đảo Hawaii, tham gia nội dung « diễn tập Sở chỉ huy hợp phần Hỗ trợ nhân đạo - giảm nhẹ thiên tai ».
Sự tham gia của Việt Nam như vậy là quá khiêm tốn, nếu so sánh với các nước Đông Nam Á khác, từ Indonesia, Malaysia, cho đến Singapore, thậm chí Philippines, tất cả đều cử một hoặc hai tàu đến tập trận.
Một sự kiện nổi bật khác là việc Trung Quốc đã bị Mỹ loại ra khỏi cuộc tập trận RIMPAC vì những hành vi quân sự hóa Biển Đông.
Khi loan báo quyết định không mời Trung Quốc, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan nói rõ, đó là « phản ứng bước đầu đối với tình trạng Trung Quốc liên tục quân sự hóa Biển Đông… đẩy căng thẳng leo thang và gây bất ổn cho khu vực… không phù hợp với nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận Vành Đai Thái Bình Dương ».
Tàu sân bay Mỹ ghé Manila
Song song với cuộc tập trận RIMPAC 2018, Hải Quân Mỹ cũng đã cho triển khai một hàng không mẫu hạm thứ ba trong năm nay để tuần tra Biển Đông. Chiếc USS Ronald Reagan, chở theo hơn 70 phi cơ đã đến neo đậu tại vịnh Manila của Philippines từ ngày 26/06 sau khi tuần tra vùng Biển Đông.
Theo chuẩn đô đốc Marc Dalton, quân đội Mỹ hiện diện trong khu vực để phát huy quyền tự do hàng hải, hoạt động thương mại không bị cản trở, ngăn chặn xung đột, và tạo điều kiện tuân thủ các quy tắc quốc tế.
Trước chiếc Ronald Reagan, hai hàng không mẫu hạm khác khác của Mỹ cũng tuần tra tại Biển Đông trong năm nay.

No comments: