Monday, September 2, 2019

KHOÁ 7 HẢI QUÂN VNCH - ĐỆ NHẤT THIÊN XỨNG - Nguyễn Văn Quang cựu SVSQ HQ Nha Trang (ngành Cơ khí) Khoá 7 Đệ Nhất Thiên Xứng


Lời người viết :
Nhân dịp Nhà Thơ Hải Quân Tôn Thất Phú Sĩ có mỹ-ý đề nghị các Niên Trưởng Khoá 7 Đệ Nhất Thiên Xứng là sẽ dành trang " Lưu Niệm Khoá 7 " trên Blog site http://tonthatphusi.centerblog.net/27-tt-t-n-m-o-2011 . Bài viết sau đây xin đóng góp vào trang Lưu Niệm.
Khoá 7 nhập trường Xuân năm 1956, đúng 56 năm trôi qua, hơn nửa thế kỷ ; bao đổi thay trên Quê Hương đối với Quân Chủng Hải Quân và cho bản thân của các cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 7 Trưởng Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, "mái đầu sương điểm" (*) !
Vì vậy, bài viết đã được tham khảo ý kiến với sự hiệu đính của Quý Bạn đồng khoá Thủ khoa và Á khoa ngành Chỉ huy Nguyễn Văn Thiện và Nguyễn Văn Hoa, Thủ khoa ngành Cơ khí Đoàn Văn Tiếng. Kính đa tạ. N.V.Q.

- (*) Thơ Tô Thùy Yên.



Trong bối cảnh xây dựng đất nước sau ngày 7 tháng 7 năm 1954, Chí sĩ Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam không ngừng được cải tổ, để đương đầu với chủ nghĩa Cộng Sản manh nha xâm chiếm toàn cõi Đông Nam Châu Á.

Trong giai đoạn này, các đơn vị Hải Quân kể cả các chiến hạm còn do các Sĩ quan Hải Quân (SQ HQ) Pháp đảm nhiệm. Bên cạnh Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (QĐQGVN)  chỉ có một  " Ban Hải Quân " do Đại Tá Récher Hải Quân Pháp phụ trách (1).

Ngày 20 tháng 8 năm 1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ký nghị định bổ nhiệm Hải Quân Thiếu Tá Lê Quang Mỹ làm "Trưởng Ban Hải Quân, Phụ Tá Hải Quân, cạnh Tổng Tham mưu Trưởng QĐQGVN"(2).

Tháng 7 năm 1952, HQ Pháp đã chính thức mở Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang (3) để đào-tạo Sĩ Quan bổ sung cho chiến hạm và Hải đoàn Xung phong, và huấn luyện Đoàn viên cho chiến đĩnh, chiến hạm . Theo đà phát triển Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, Pháp đã trao quyền chỉ huy cho HQ Việt Nam,  hai Hải đoàn Xung phong ở Cần Thơ và Vĩnh Long, tháng 4-1953.

Tại Sài Gòn, tháng 3-1954,  ba Trục-lôi-hạm Hàm-Tử HQ 11, Chương Dương HQ 12,  Bạch-Đằng HQ 13 được chuyển giao cho HQ Việt Nam trong buổi lễ trọng-thể ;  thực tế các chiến hạm này đã mang quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà từ ngày 11 tháng 2-1954 nhưng vẫn còn Hạm Trưởng Hải Quân Pháp (4) .

Kế hoạch quân số của QĐQGVN  sau Hiệp định Genève năm 1954, chí giới hạn 100.000 quân ; Hải Quân Việt Nam  (HQVN) và Thuỷ Quân Lục Chiến  (TQLC) chỉ có 3.250 người. Sau đó, tháng 6 năm 1955, quân số này được nâng lên 150.000, Hải Quân và Thuỷ Quân Lục bao gồm 3.858 (5) .

Lần lượt HQ Pháp bàn giao thêm nhiều loại chiến hạm: Giang Pháo Hạm LSIL , Trợ Chiến Hạm LSSL , Hộ Tống Hạm PC , Hải Vận Hạm LSM ; và một số đơn vị trên bờ như các Duyên Khu Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc.

Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang được bàn giao ngày 7 tháng 11 – 1955 ;  Hải Quân Công Xưởng (HQCX) Sài Gòn , ngày 14 tháng 9 – 1956 ; thời đó Hải Xưởng này đứng vào bậc nhất nhì ở Đông Nam Á ; Trung Tâm Tiếp Liệu Sài Gòn ; các Thuỷ Xưởng Miền Tây Cần Thơ, Miền Đông ở Sài Gòn…

Đào tạo Sĩ Quan Hải Quân và diễn tiến huấn luyện

Giữa năm 1955,  HQVN đã đào tạo được các Khoá Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) tại Quân trường Nha Trang :  Khoá 1 , vỏn vẹn 9 SQ ; Khoá 2, 12 SQ ; K3, 22 SQ ; K4, 14 SQ ; K5, 22 SQ.  Khoá 6, với 20 SVSQ, chưa ra trường. Kể thêm Khoá 1 Brest,  6 SQ đã tốt nghiệp ở Trường Hải Quân Pháp tại Brest tháng 2 - 1955 (6) .

Trước nhu cầu cấp-thiết về cấp số Sĩ Quan cũng như Đoàn viên Hải Quân để đảm nhận các chiến hạm, đơn vị hành quân, tiếp vận trên bờ và quân trường do Hải Quân (HQ) Pháp chuyển giao cho HQ Việt Nam ; HQ Thiếu Tá Lê Quang Mỹ, Phụ Tá Hải Quân đã tiến hành kế hoạch phát triển Hải Quân ;  tăng-cường việc đào tạo Sĩ Quan và huấn luyện Đoàn viên.

Từ cuối năm 1955, HQVN bắt đầu tổ chức ở Sài Gòn các kỳ thi tuyển thêm SVSQ . Và Khoá 7 đã lên đường nhập học ở Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang ngày 16 tháng 1 năm 1956. Chương trình học được nâng lên 2 năm, với đầy đủ kiến thức và thực hành cho cả hai ngành Chỉ huy và Cơ khí (7).

TTHLHQ Nha Trang đã được HQ Pháp bàn giao cho Việt Nam từ cuối năm 1955, nên khi Khoá 7 nhập trường ;  Bộ Chỉ Huy do Hải Quân Đại Uý Chung Tấn Cang làm Chỉ Huy Trưởng (về sau Phó Đô-Đốc, Tư Lệnh Hải Quân),  HQ Đại Uý Nguyễn Vân, Chỉ  Huy Phó, HQ Trung Uý Cơ Khí Trần Phước Dũ Trưởng Ban Kỹ Thuật của Trường, kiêm Đại Đội Trưởng SVSQ Khoá 7.  Thời gian tiếp theo đó, HQ Đại Uý Nguyễn Đức Vân thay Đại Uý Nguyễn Vân thuyên chuyển ; và Kỹ Sư Hải Quân Trung Uý Ủ Văn Đức thay thế Trung Uý Trần Phước Dũ,  vừa là Trưởng Ban Kỹ Thuật của TTHLHQ kiêm Đại Đội Trưởng ; Đại Đội Phó Trường Sĩ Quan  là Thượng Sĩ Mai Tiến Tiệm, tu-nghiệp tại Pháp ngành Trọng Pháo HQ Pháp mới về nước (về sau là HQ Thiếu Tá).

Việc giảng dạy tại Trường này hoàn toàn do Phái bộ Hải Quân Pháp cạnh Hải Quân Việt Nam đảm-trách  (Délégation de la Marine Française auprès de la Marine Vietnamienne). Đứng đầu Phái bộ này là Hải Quân Trung Tá Reynaud la Croze ; Hải Quân Trung Uý Lucien Provençal, Giám Đốc Quân Huấn(8)(Directeur des Études) , gần mãn Khoá thêm Hải Quân Đại Uý Jacques Tutenuit, Cố Vấn Hải Quân Pháp.

Tham gia giảng dạy còn có HQ Thiếu Uý Kỹ Sư Cơ Khí Roland, HQ Trung Uý Điện Khí Le Béver, HQ Trung Uý Vô Tuyến Điện Gouillou và một số Hạ Sĩ Quan Pháp thuộc các ngành Cơ Khí, Điện Khí, Vận Chuyển, Giám Lộ.

Tất cả SQ và Hạ Sĩ Quan thuộc Hải Quân Pháp,  phụ trách giảng huấn hay tham-gia chương trình huấn luyên chuyên môn đều ở ngoài quân trường Nha Trang, tại các biệt thự cũ của Hải Quân Pháp ở gần phi trường ; hay một số khác ở gần thành phố.

Việc đào tạo Sĩ Quan tương lai cho Hải Quân, cho cả hai ngành Chỉ Huy và Cơ Khí,  nhắm vào cả hai phương diện học lý-thuyết tại trường kết hợp với thực hành ngay trên chiến hạm hải hành cận duyên, viễn dương. Về điểm này, chương trình thực tập hải hành hằng tuần, được ghi trên thời-khoá-biểu do HQ Trung Uý Lucien Provençal ký tên, được gọi là "Corvette Hebdomadaire ".

Trong suốt cả năm học đầu tiên, chuyến hải hành hằng tuần bắt đầu từ 7 giờ sáng thứ Bảy, cả Khoá lên xe GMC (loại xe chở quân), để về Cầu Đá Nha Trang. Khi xe đến Càu Đá, các Thầy Hải Quân Pháp, SVSQ và một số Hạ Sĩ Quan HQ Pháp huấn luyên viên đã lên tàu, thì tàu gở dây buộc, tách bến ;  cho đến 14 giờ chiều Chủ nhật mới thấy lại Cầu Đá.

Có tất cả 3 Trục lôi hạm HQ 11, HQ 12 và HQ 13 dành cho các chương trình đi biển hằng tuần do Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân ấn-định. Nếu vì lý do chiến hạm về Sài Gòn sửa chữa, ít nhât tại Cầu Đá cũng có 2 chiếc túc trực thường xuyên. Hai chiến hạm này thường hải hành, tuỳ theo chương trình huấn luyện ở biển, đi thực tập tác xạ,  thực tập vận chuyển chiến thuật, thực tập truyền tin cờ, đèn.

Tại quân trường, có Thư viện sách kỹ thuật chung cho các ngành và một số kho chuyên biệt như kho dụng cụ Giám lộ, kho dụng cụ Vô tuyến điện và một số xưởng thiết-trí trong những nhà vòm, cao, rộng bằng  " tôn " gọi là "Quonset"  phía sau trường như : xưởng Hải pháo, xưởng Cơ khí Tiện Nguội Hàn, xưởng tháo ráp Động cơ, xưởng Điện khí…

Riêng xưởng Buồm Dây tại Cầu Đá, trước mặt Hải học viện Nha Trang (Institut Océanographique). Cũng ở bến Cầu Đá còn có các thuyền gỗ (baleinière) dùng để tập chèo, chạy buồm, tàu nhỏ LCVP, LCM  để tập lái.

Phần thực tập vận chuyển bao gồm : chèo thuyền bằng tay, hơn chục cây chèo ;  học cách lắp buồm, sử dụng dây kéo buồm, lái và đổi hướng  thuyền buồm chạy theo gió ; thao-tác thắt buộc dây "nơ" (nœuds) đều do Hạ Sĩ Quan HQ Pháp thâm niên, vui tính, hướng dẫn chung cho SVSQ cả hai ngành Chỉ huy và Cơ khí. Sinh viên hai ngành cũng học chung về vận chuyển tàu nhỏ, lái, cập cầu, tách bến, ở hải cảng Cầu Đá Nha Trang.

Nếu đêm trăng sáng gợi thi-cảm cho thi-nhân, sao đếm trên trời đem dệt thành thơ; thì chàng trai áo trắng còn miệt mài trên ghế quân trường, còn lênh đênh trên chiến hạm thực tập hải hành đêm khuya, những vì sao dẫn lộ còn là bạn đồng hành (9) . Mười hai chòm sao trên Hoàng Đạo như biểu tượng liên-hoàn của một năm, chòm sao thứ Bảy là Thiên-Xứng.  Đó cũng là tên đặt cho Khoá 7 SVSQ. Mười hai khoá đầu tiên của Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang thuộc nhóm Đệ Nhất, và muời hai khoá kế tiếp là Đệ Nhị , rồi Đệ Tam (10).

Khoá 7 SVSQ HQ Nha Trang, gọi là Đệ Nhất Thiên Xứng.

Thực tập dài ngày trên biển

Sau thời gian dự-bị 3 tháng đầu mới nhập Khoá, và sau khi thi cuối giai-đoạn I , Khoá 7 thăng cấp Chuẩn Uý, alpha vàng không còn trên vai của SVSQ ; chỉ có cấp hiệu Chuẩn Uý ; và tiếp tục học giai-đoạn II. (Các Khoá về sau, học năm thứ hai, vẫn còn alpha trên cầu vai chung với cấp hiệu Chuẩn Uý).

Cầu vai mới cấp bậc Chuẩn Uý, kim-tuyến vàng óng-ánh, được chận ở hai đầu bằng chỉ màu xanh dương ; phân biệt hai ngành Chỉ huy, cấp hiệu nền nỉ xanh đậm Hải Quân (bleu marine), và Cơ khí, nền nhung tím.

Để chuẩn bị bước vào giai-đoạn II, toàn thể SVSQ chuẩn bị đi thực tập dài ngày trên biển.

Thời-khoá-biểu hằng tuần do Thầy Provençal ký tên, đã ghi rõ thời gian đi thực tập trên biển (longue sortie d’application en mer). Ba Trục lôi hạm Hàm Tử HQ 11, Chương Dương HQ 12, Bạch Đằng HQ 13 đưa SVSQ Khoá 7 và các Thầy cùng huấn luyện viên Hải Quân Pháp nhập-hạm để thực hiện hành trình gần hai tuần lễ sống trên chiến hạm, học tập và thực hành .

Sinh viên ngành Chỉ huy, đảm nhiệm phiên trực hải hành, xác định toạ độ khi chiến hạm vận chuyển dọc theo duyên hải Trung phần hay ứng dụng hàng hải thiên văn trong "ca" trực đêm (quart). Ngành Cơ khí, luân phiên trực ở phóng máy chánh máy điện, đảm bảo an toàn cho tất cả các loại động cơ, điện cơ , và an toàn cả cứu hoả cứu thuỷ, phục vụ hải hành ; cùng sinh viên ngành Chỉ huy tham gia nhiệm sở tác chiến của chiến hạm, khi còi hụ báo động khẩn cấp bất luận đêm ngày (11).

Hải trình vạch ra bao gồm các hải đảo, hải cảng và thành phố : Port Dayot (vịnh Văn Phong), Cảng Qui Nhơn, Cù lao Ré, Đà Nẵng. Một buổi sáng, ba chiến hạm vào vịnh Đà Nẵng, SVSQ và Thuỷ-thủ-đoàn quân phục trắng, chiến hạm bắn đại bác chào mừng thành phố ; và vào cập cầu tàu Toà Thị chính Đà Nẵng, trên sông Hàn. Thật vui mừng cho SVSQ Khoá 7, được viếng thành phố Đà Nẵng, Cổ Viện Chàm, Sư Đoàn 2 Bộ Binh,  phố cổ Hội An. Sau cùng ra viếng cố đô Huế,  giòng Hương Giang nước trong xanh, hàng phượng đỏ, cầu Tràng Tiền sơn dụ-bạc… Ở khung trời đất thần kinh, các chàng trai áo trắng dừng bước ; thoáng quên lãng  những ngày lênh-đênh trên biển  ; khi đứng trước thắng cảnh Huế với điện đài , lăng tẩm. Hai ngày qua đi thật mau.

Trở lại Cầu Đá quen thuộc,  về Trường Nha Trang, Khoá 7 vào giai đoạn II , chương trình học chuyên sâu hơn cả lý thuyết và thực hành. Sinh hoạt của SVSQ có phần nới rộng về quân kỷ của Trường như bớt lệ kiểm tra quân phục trước khi "đi bờ" do Sĩ  Quan trực  thực  hiện ( Hải Quân quen dùng thành ngữ ‘ aller à terre đi bờ ’ , ra phố ). Buổi chiều hàng ngày, sau giờ học, các SVSQ được phép mặc quần tắm (caleçon de bain)  đi ra trước Trường tắm biển, chỉ cần ghi tên ở Phòng Nội Vụ (còn gọi là BSI, Bureau du Service Intérieur) , khi vô lại Trường thì ghi giờ vào.

Huấn luyện quân sự

Như đã trình bày trên, chương trình huấn luyện Khoá 7 do Phái bộ Hải Quân Pháp giảng dạy. Nhưng môn học về quân sự thì do Trung Uý Thuỷ Quân Lục Chiến Trần Văn Nhựt (12) (thời gian sau, Chuẩn Tướng, Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh), gần mãn Khoá, bổ sung thêm Trung Uý Phạm Văn Chung (năm 1972, Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369/TQLC)  cũng thuộc Tiểu Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến (TQLC) đóng quân gần Trưởng Hải Quân Nha Trang, phụ trách. Riêng phần thực tập tháo ráp và tác xạ vũ khí cá nhân, bắn bích-kích-pháo ở sân bắn gần sau Trường, học căn bản quân sự đi đều bước, cách bắt súng lên vai, quân kỷ và chào kính thượng cấp do Hạ Sĩ Quan Hải Quân Việt Nam hướng dẫn (theo phương cách của Quân đội Mỹ, rất nhiều điểm khác với Quân đội Pháp).

Khoàng thời gian đầu Hè 1956, Tiểu Đoàn Thuỷ Quân mở cuộc hành quân tảo-thanh lên núi Bà Chúa (ngọn núi xanh sau Trường Hải Quân), theo tin tình báo, để lục soát vị-trí  trú-ẩn của du-kích và quân Miền Bắc xâm nhập vào Nam. Là cơ hội rất tốt để huấn luyện di-hành và tác chiến trên bộ cho các SVSQ Hải Quân, HQ Đại Uý Chung Tấn Cang, Chỉ Huy Trưởng TTHLHQ đã thảo luận với Giám Đốc Quân Huấn Pháp, để dành thời-khoá-biểu cho SVSQ Khoá 7 tham gia cùng Tiểu Đoàn TQLC hành quân lên núi Bà Chúa-Nha Trang ; và đặt SVSQ Khoá 7 dưới quyền chỉ huy của Trung Úy  Trần Văn Nhựt.

Trong túi quân-trang của SVSQ không có áo quần trận (treillis) của Lục-quân, nên Trường cũng đã mượn áo quần trận, nón sắt hai lớp,  bên Thuỷ Quân Lục chiến cho SVSQ di-hành (lúc đó TQLC chưa trang bị quân-phục màu lá cây rừng và rong biển).  Dày trận là dày đinh rất  nặng (brodequin) của Hải Quân Pháp để lại tại Trường.

Tờ mờ sáng ngày hành quân, đèn của Trường Sĩ quan và Phòng ăn dành cho SVSQ  thắp sáng trưng, quân xa GMC lần lượt tập trung.  Kho vũ khí của Trường rộn rịp phát vũ khí, toàn là súng Garant M1 với một cấp số đạn. Nai nịt vũ khí gọn gàng, lương thực, nước uống, tư thế xuất trận ! Đoàn xe lăng bánh, rời Trường qua Tiểu Đoàn TQLC ; nhập với đoàn xe chuyển quân, chạy lên Thành, bọc vô núi, và đổ quân. Sương mù buổi sáng.  Theo lệnh của Trúng Uý Trần Văn Nhựt, đã chỉ định một Trung đội TQLC đi sau, "bảo vệ" các chàng trai mới tập mặc đồ trây-di hành quân, nếu có súng nổ  !

Rừng dày đầy cỏ gai, mây, nứa đến gần trưa gặp đá cheo leo, có tiếng súng nổ. Đoàn quân dừng lại, súng lên đạn răn-rắc, tìm chỗ ẩn núp.  Lát sau im tiếng súng, có tin binh sĩ hành quân đã xâm nhập hang-động tịch thu cờ và tài liệu của đối phương. Đã tối, SVSQ rất vất vả mới lên tới đỉnh núi. Ngày hôm sau, xuống núi, đến chiều có tàu đổ bộ nhỏ của Trường đón ở phá Đồng Bò ; cùng Tiểu Đoàn TQLC lên xe về đơn vị. Những chàng thanh niên năm xưa, mặc đố trận, nón sắt, cây súng Garant M1, ít nhất nay cũng nhớ lại thế nào là hành quân băng rừng, lội suối !

Hội ngộ Hải Quân Hoàng Gia Thái Lan

Cũng vào muà Thu năm 1956, Hộ Tống Hạm MAEKLONG , Hải Quân Hoàng Gia Thái Lan, trong tải 1400 tấn, chở gần trăm SVSQ Hải Quân Thái Lan viếng Nha Trang. Khoá 7, quân phục ngày Hè theo Hải Quân Pháp, áo ngắn tay và quần short trắng, viếng thăm chiến hạm Thái Lan cập Cầu đá Nha Trang, được tiếp đón theo nghi-thức Hải Quân, tinh thần thân hữu, chụp hình lưu niệm.

Buối tối, tại sân trước Bộ chỉ huy của Trường, có cuộc tiếp tân dành cho Hạm Trưởng, Sĩ Quan chiến hạm và toàn thể SVSQ HQ Thái Lan, quân phục tiểu lễ trắng; ngôn ngữ sử dụng tiếng Anh. Cả Khoá lúc đó chỉ có một SVSQ , cựu sinh viên Việt Nam du-học Đại Học Philippines, nói lưu loát tiếng Anh, làm Sĩ Quan tuỳ viên cho HQ Đại Uý Chung Tấn Cang , Chỉ Huy Trưởng của Trường xuống thăm xã-giao chiến hạm Maeklong.

Duyệt binh Quốc Khánh, tham gia chiến dịch, chuyến viễn-du

Năm 1956, còn đánh dấu sự kiện quan trọng đối với Khoá 7 :  về Sài Gòn tham dự cuộc duyệt binh ngày 26 tháng 10 – 1956,  Tổng Thống Ngô Đình Diệm tuyên bố Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hoà vào buổi sáng, đến buổi chiều Tổng Thống duyệt hạm đội Việt Nam và viếng Tuần Dương Hạm Los Angeles của Hải Quân Hoa Kỳ, cập cầu ‘ B ’ Bến Bạch Đằng, tham-dự  lễ Quốc Khánh.

Gần cuối năm 1956, đang học ở Nha Trang, Khoá 7 được Bộ Tư Lệnh Hải Quân gọi về Sài Gòn, nhập-hạm tham-dự chiến dịch Hồng Nhạn (13).  Hạm đội Việt Nam dưới quyền chỉ huy của HQ Trung Tá Lê Quang Mỹ, Tư Lệnh Hải Quân, rời Vũng Tàu ngày 6 tháng 11-1956, trực chỉ Phú Quốc, để xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hoà trên các đảo Poulo Tang, Poulo Wai, Poulo Panjang trong Vịnh Thái Lan. Về sau, cuối năm 1959, Trợ Chiến Hạm Linh Kiếm HQ 226 mà trên tàu đã có SQ Khoá 7, Hạm phó,  thực hiện công tác thám sát --  sau khi Quân đội Cam-pu-chia chiếm đóng --  hai Hòn đảo Kiến Vàng và Keo Ngựa ở mạn Bắc Quần Đảo Hãi Tặc chừng 2 hãi lý và cách Hà Tiên độ chừng 10 hãi lý về phía Tây .  Qua năm 1960, Hải Vận Hạm Hát Giang với Hạm Phó Khoá 7,  chở nhân viên thuộc Hải Quân Công Xưởng Sài Gòn đi Phú Quốc dựng bia chủ quyền dạng đài kỷ-niệm hình thù  " obélisque " cao chừng 1 thước rưởi; tại các đảo lớn trong Vịnh Thái Lan. Trên bia có gắn bảng đồng khắc chữ, xác nhận chủ quyền Quốc Gia Việt Nam. Bia dựng trên các đảo :
1.- Hòn Nam Du ở quần đảo Poulo Dama.
2.- Hòn Sơn Rái (Lại Sơn hay hòn Tamassou).
3.- Hòn Minh Hòa (Hòn Nghệ) ở mạn Bắc Hòn Sơn Rái chừng 13 hải lý
4.- Hòn Tre ở gần vịnh Rạch Gía cách khoản 15 hãi lý về phía Tây.
5.- Hòn Đốc thuộc Quần Đảo Hải Tặc (Iles des Pirates)
6.- Hòn Heo ở Quần Đảo Bà Lụa.
7.- Hòn Thơm ở phiá Nam xã An Thới thuộc nhóm Iles d' An Thới (Đảo Phú Quốc).
8.- Hòn Thổ Châu (Poulo Panjang).

Giữa năm 1957, Hội đồng Giám khảo do Bộ Tư Lệnh HQ (BTL HQ) ở Sài Gòn đề-cử ra Nha Trang, để tổ chức kỳ thi cuối giai đoạn II, mãn khoá. Thi xong, biên bản của Hội đồng, Bộ Chỉ Huy Trường, và Phái Bộ HQ Pháp công bố danh sách : Thủ khoa ngành Chỉ huy là Nguyễn Văn Thiện, thời gian về sau thăng cấp HQ Đại Tá Tư Lệnh Hải Quân Vùng IV Duyên Hải ;  Thủ khoa ngành Cơ khí là Đoàn Văn Tiếng về sau HQ Trung Tá Cơ Khí, Trưởng Ty Điều Hành Cơ Xưởng, Hải Quân Công Xưởng Sài Gòn.  Biên bản của kỳ thi được gởi về BTL HQ để trình Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Quốc Phòng. Nghị định thăng cấp Thiếu Uý và Bằng Sĩ Quan Hải Quân đều do Bộ trưởng Phụ Tá Quốc Phòng Trần Trung Dung ký tên.

Ngay hôm sau, có lệnh của BTL HQ gọi SVSQ Khoá 7 về Sài Gòn gấp, làm thủ tục đi thực tập viễn dương và Hải Quân Việt Nam chính thức thăm viếng thiện-chí các quốc gia Đông Nam Á. Khoá 7 về Sài Gòn, theo chuyến tàu lửa, tạm trú ở Trại Bạch Đằng. Xem như không có lễ mãn khoá. Một buối sáng, tập họp như thường lệ ở sân Trại Bạch Đằng, Kỹ Sư HQ Trung Uý Ủ Văn Đức cho lệnh Khoá 7 mang cấp bậc Thiếu Uý. Hai lằn chỉ xanh chận hai đầu vạch kim-tuyến "lon Chuẩn Úy" được cắt bỏ.  Tiếp theo đó, Khoá 7 tổ chức đêm dạ-vũ mừng ngày ra trường, ở Trại Cửu Long (14) tại Câu lạc bộ cũ của SQ Hải Quân Pháp, bên cạnh kinh Văn Thánh.

Khoá 7 đã đi may lễ phục ‘spencer’ của Sĩ Quan để dùng trong các buổi tiếp tân ở ngoại quốc ; và nhận lệnh công tác bằng tiếng Pháp (ordre de mission) đi làm passeport ; đã xin chiếu khán nhập cảnh của Toà Đại Sứ Thái Lan, Phi-luật-tân… Với passeport thì được đổi tiền lấy ngoại tệ ở Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Uỷ Viên Hải Quân Thiếu Tá Đổ Đăng Công, Giám Đốc Nha Kỹ Thuật HQ / Bộ Quôc Phòng, có triệu tập buổi họp cho biết đã điều chỉnh ngân sách để có đủ kinh-phí cho Hạm đội HQ Việt Nam thực hiện chuyến viễn-du (croisière).

Trong thời gian chờ đợi cả tháng, HQ Đại Tá Lê Quang Mỹ, Tư Lệnh HQ  chỉ thị tổ chức cho Khoá 7 thăm viếng các đơn vị Hải Quân quanh vùng Sài Gòn như Hải Quân Công Xưởng ; Căn Cứ Hải Quân Cát Lái rất rộng, trước đó là cơ-sở yểm-trợ cho thuỷ-phi-cơ HQ Pháp hoạt động ở Đông Dương ; Kho Nhiên Liệu HQ Thạnh Mỹ Tây ; Trung Tâm Vật Liệu trong Trại Cửu Long (CADMA, Centre Administratif de la Marine) , tiền thân của Trung Tâm Tiếp Liệu ; Thuỷ Xưởng Miền Đông cũng trong Trại Cửu Long …

Nhưng cuối cùng chuyến viễn-du hoản lại, nên các tân Thiếu Uý Khoá 7 nhận được lệnh thuyên chuyển đến chiến hạm hay về hải đoàn …

Thuyên chuyển đơn vị biển , đơn vị bờ

Khoá 7 mang cấp bậc Thiếu Uý tháng 6 năm 1957,  đảm nhiệm các chức vụ Hạm Phó, hay Sĩ Quan Đệ Tam trên chiến hạm và Chỉ huy Phó ở các Hải Đoàn Xung Phong (về sau được cải tổ thành Giang Đoàn Xung Phong). Tình hình quân số Sĩ Quan đang thiếu, nên trên hầu hết chiến hạm không có Sĩ Quan Đệ Tam, và thiếu Sĩ Quan Cơ khí.

Nhiều Sĩ Quan Cơ khí Khoá 7, vừa ra trường đã phải qua Subic Bay để đáo-nhậm nhiệm-sở trên  Hộ Tống hạm Tây Kết  HQ 05 , và Giang Pháo Hạm ; vì các chiến hạm này đang được sửa chữa Đại kỳ tại Hải Quân Công Xưởng Hoa Kỳ  ở Vịnh Subic, Philippines (15).

Vừa mới thuyên chuyển đến chiến hạm HQ 451, hai SQ Khoá 7 cũng đã tham-gia  công tác đặc biệt nghiên cứu hải-dương-học , nhân dịp năm Địa Cầu Vật Lý Học Quốc Tế (Năm ĐC VLH QT -- Année Géophysique Internationale) ; do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.

Sau ngày 26 tháng 10 năm 1957, HQ Đại Tá Lê Quang Mỹ du-học Hoa Kỳ, HQ Trung Tá Trần Văn Chơn, tân Tư Lệnh HQ, đã tham dự buổi tiếp tân nhân dịp Năm Địa Cầu VLH QT, tổ chức trên Lương Vận Hạm Hoá Giang  HQ 451, cập cầu tàu Cửu Long gần cầu A. Buổi lễ này, có sự hiện diện của một số đại diện ngoai-giao-đoàn,  Ông Viện Trưởng Hải Dương Học Nha Trang (nguời Pháp), Cha Trương, Giáo Sư Viện Đại Học Sài Gòn, Ô. Giám Đốc Nha Khí Tượng / Bộ Công Chánh, Y Sĩ HQ Trung Úy Trần Ngươn Phiêu, cùng chuyên viên Sở Thuỷ Đạo- Hàng Hà / Bộ Công Chánh.

Sau khi tiễn Tư Lệnh HQ và ngoại-giao-đoàn ra về,  HQ 451 khởi hành đi quan sát quần đảo Trường Sa (Spratley) với các thành phần tham-gia nêu trên; dự-trù đi hai tuần,  nhưng đi nửa đường gặp bảo, phải quay về Cù Lao Thu (đảo Phú Quý gần Phan Thiết), xuống phía Nam, Poulo Obi (hòn Khoai) , Poulo Panjang (đảo Thổ Chu) và Phú Quốc. Chuyên viên nhiếp ảnh , quay phim (người Pháp) thuộc Viện Hải Dương Học Nha Trang đã thực hiện bộ phim dài của quá trình khảo sát, đo-đạt kỹ thuật của phái đoàn.  Ngày bộ phim hoàn thành, đã mời SQ, HSQ và Đoàn viên HQ 451 tham-dự buổi chiếu phim ra mắt ở Viện Đại Học Sài Gòn.

Khoá 7 ra trường, trên các Hộ Tống Hạm, Hải Vận Hạm, Trợ Chiến Hạm, Giang Pháo Hạm đều có bóng dáng của Đệ Nhất Thiên Xứng, kể cả một số Hải Đoàn Xung Phong. Sau hai năm, từ 1957 đến 1959, Khoá 7 được thăng cấp Trung Uý ; đánh dấu một giai đoạn mà uy-tín của Khoá lên rất cao, xứng đáng với khả năng chỉ huy, tinh thần hăng hái và thiện chí phục vụ.

Ra trường : chiến hạm, lãnh tàu, giang đoàn, du-học, tiếp-vận, thương cảng

Ngay trong năm 1959, đã có nhiều SQ được gởi du-học Hoa Kỳ, và 3 SQ Cơ Khí K7 được chọn để lần lượt cùng Hạm Truởng và SQ , Thuỷ-thủ-đoàn sang Hoa Kỳ nhận lãnh 3 Trục Lôi Hạm MSC, vừa được đóng mới, tại Hải Quân Công Xưởng Hải Quân Hoa Kỳ Mare Island Naval Shipyard, gần thành phố Vallejo, tiểu bang California, trong Kế hoạch MDAP (Mutual Defense Assistance Program).

Ngày 10 tháng 12 năm 1959 , lễ chuyển giao tàu MSC 282 cho Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà , trở thành HQ 115 Chương Dương II (16) .  Hộ Tống Hạm  HQ 06 được chuyển giao cho HQVN ngày 23 tháng 11 – 1960 tại Seattle(17), tiểu bang Washington ; SQ Khoá 7 là Hạm Phó (năm 1975, HQ Trung Tá, Tham Mưu Trưởng BTL Lực Lượng Thuỷ Bộ Hải Quân). Các chiến hạm này vượt Thái Bình Dương về Sài Gòn.

Muà Thu 1960, BTL HQ đã đưa bốn SQ Cơ khí K7 đi học ở Hải Quân Công Xưởng Subic Bay, Hải Quân Hoa Kỳ, tại Philippines. Trở về nước, được thuyên chuyển đến Hải Quân Công Xưởng Sài Gòn cuối năm 1960 đảm nhiệm chức vụ Trưởng Xưởng,  Sĩ Quan Điều hành công tác, hay SQ Kế Hoạch đóng 13 Ghe Hải Thuyền Chủ lực bằng gỗ cho Bộ Chỉ Huy Duyên Lực. Tiếp theo đợt du-học này, thêm nhiều SQ Khoá 7 được gởi qua Hoa Kỳ học về Tiếp vận, Kỹ thuật rà mìn.

Kể từ năm 1961, đã có nhiều SQ đảm nhiệm Hạm Trưởng Giang Pháo Hạm, và lần lượt đến Hạm Trưởng Hộ Tống Hạm, Trục Lôi Hạm, Hải Vận Hạm… Các đơn vị trên bờ, Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn Xung Phong, Chỉ Huy Trưởng Thuỷ Xưởng Miền Tây.

Thời gian này, HQ xây dựng Lực Lương Hải Thuyền, sử dụng thuyền gỗ chạy buồm hay chạy máy, và bắt đầu huấn luyện Người nhái. Một SQ K7 phụ trách chương trình huấn luyện đoàn viên hải thuyền và người nhái, về sau là Hạm Trưởng Khinh Tốc Đĩnh PTF , chức vụ cuối cùng Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Người Nhái, ý chí dũng cảm, thuộc cấp rất kính trọng (mất ở Hoa Kỳ năm 1998).

Phái Bộ Viện Trợ Cố Vấn Quân Sự  Hoa Kỳ ở Việt Nam (MAAG), thành lập từ năm 1950, không còn phù hợp với chiến trường Việt Nam,  nên từ năm 1962 được thay thế bằng BTL Yểm Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV). Quân số Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng lên và đồng thời tăng thêm viện trợ cho VNCH. Từ đó, Quân chủng Hải Quân phát triển cả về quân số và cả số lượng chiến hạm được chuyển giao tại Hoa Kỳ : Dương Vận Hạm LST, Hộ Tống Hạm PCE.

Từ năm 1964, chiến tranh Việt Nam lan rộng, quân Mỹ đổ bộ Đà Nẵng, Hải Quân Công Xưởng Sài Gòn không  tăng kịp chuyên viên kỹ thuật và công nhân các  ngành sửa tàu thuỷ. Trên phương diện tiếp vận, tiếp liêu, cơ phận phụ tùng cung-cấp  từ Hoa Kỳ cũng chưa đáp ứng được ; nên Bộ Tư Lệnh Hải Quân HQVN với sự thoả-thuận của Hải Quân Hoa Kỳ, đã đưa một số chiến hạm sang sửa đại kỳ tại Hải Quân Công Xưởng Guam (18) , phía Đông Philippines ; quần đảo Mariannes thuộc Hoa Kỳ. Ngày hoàn tất sửa chữa, chiến hạm trở về Việt Nam.  Khi về tới Sài Gòn, chiến hạm chạy ngang kỳ đài Bộ Tư Lệnh HQ, Thuỷ-thủ-đoàn quân phục trắng dàn chào về bến, Hạm Trưỏng Khoá 7 trên đài chỉ huy. Hành trình trở về đã vượt hơn 2300 hải lý (1 hải lý : 1852 mét).
Khoá 7 Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang từ hình thành đến ra trường, phục vụ Hải Quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà

Lực Lượng Hải Tuần ở Đà Nẵng, một trong những Lực Lượng chủ lực của HQ, đã có sự hiện diện của 4 SQ Hạm Trưởng Khinh Tốc Đĩnh PTF và một SQ Cơ Khí.

Cũng tại Đà Nẵng có 2 SQ ngành Chỉ huy làm Giám Đốc Nha Thương Cảng Đà Nẵng theo hệ thống dọc của Phủ Thủ Tướng (biệt phái ngoại ngạch) và một SQ Khoá 7 đã giải ngủ, Giám Đốc Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín.  Ngoài ra, còn thêm SQ K7 biệt phái, đảm nhận chức vụ Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Phú Quốc, nhiệm kỳ 4 năm.

Tháng 2 năm 1965, chiến trường Việt Nam sôi-động sau trận Ấp Bắc, Tỉnh Tiền Giang  (2 tháng 1 – 1963) và trận Bình Giả, Tỉnh Phước Tuy (28 tháng 12 – 1964) (19) ; Cộng Sản Miền Bắc đã vận chuyển vũ khí, xâm nhập Miền Nam bằng đường biển. Ngày 16 tháng 2 – 1965, trực thăng tản thương của Lục Quân Hoa kỳ, bay ngang bờ biển Đại Lãnh đã phát hiện tàu lạ nguỵ trang lá cây ở Vũng Rô. Liền đó BTL HQ Vùng II Duyên Hải đã thông báo cho Không Quân ở Nha Trang, để oanh tạc đánh chìm tàu lạ. Và điều động chiến hạm đến Vũng Rô với Đại đội Biệt kích Dù dùng đại bác tấn công tàu ngụy trang,  hoả lực của địch trên bờ bắn trả dữ-dội. Trong trận này, vinh dự cho Khoá 7 là Hạm Trưởng Hộ Tống Hạm HQ 04 (sau này là HQ Đại Tá, Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị BTL/HQ) đã dũng cảm đứng trên đài chỉ huy để chỉ thị hải pháo chống trả, trước những lằn đạn của địch quân bắn thẳng vào chiến hạm (20) .

Chiến trường sôi động ở Vùng IV Chiến Thuật (về sau là Quân Đoàn IV Quân Khu IV), một SQ ngành Chỉ huy Khóa 7 đảm nhiệm Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 22 Xung Phong, cùng bạn đồng khoá là Hạm Trưởng Giang Pháo Hạm HQ 330 ; đã tham gia Chiến dịch "Sóng Tình Thương" (xuất phát từ  tháng 12 – 1962). Hai đơn vị này thường xuyên yểm trợ hành quân bình định vùng Năm Căn / Cà Mâu giải tỏa áp lực của du-kích quân cộng sản, đem lại cuộc sống ổn định cho người dân địa phương.

Rời chức vụ Hạm Trưởng HQ 330, sang Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 23 Xung Phong (GĐ XP) , trong cuộc giải cứu đồn Nghĩa Quân ở rạch Nha Mân (Vĩnh Long), ngày 24 tháng 1 – 1965 , Chỉ Huy Trưởng GĐ 23 XP bị thương nặng. Đến ngày 16 tháng 3 – 1965, trong cuộc hành quân hổn hợp Cái Tàu Hạ (Vĩnh Long), Cố Vấn GĐ 23 XP là HQ Đại Uý Harold “Dale” Meyerkord bị tử thương. Dù còn đi với đôi nạn gỗ, Chỉ Huy tưởng GĐ 23 XP vẫn đến phi trường Tân Sơn Nhứt bên cạnh Phó Đề-Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân, để tiễn đưa linh-cữu của cố HQ Đại Uý Harold “Dale” Meyerkord về Hoa Kỳ.  Tấm hình đầy kỷ niệm khó quên này đã trưng bày trong dịp Họp Khoá 7, ngày 11 tháng 10 – 2003 tại Huntington Beach, Nam Cali.

Năm 1969, bắt đầu Viêt-Nam-hoá chiến tranh(Vietnamization), thêm nhiều chiến hạm được chuyển giao cho HQ VN tại Hoa Kỳ.

 Tháng 5 năm 1970, Hộ Tống Hạm Vạn Kiếp II,  HQ 14, sau thời gian huấn luyện, chiến hạm rời Căn Cứ HQ Norfolk, bang Virginia, hướng về phia Nam Đại Tây Dương, xuyên kênh đào Panama, vượt Thái Bình Dương để về Sài Gòn . Hạm Trưởng Khoá 7 Đệ Nhất Thiên Xứng.

Tại Việt Nam sau vụ " Vịnh Bắc Bộ" ngày 2 tháng 8 năm 1964, Khu Trục Hạm Hoa Kỳ Maddox (21) bị Ngư Lôi Đĩnh tấn công, Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ đã tăng cường hoạt động trong hải phận Việt Nam và Biển Đông. Khi cuộc chiến ngày càng mở rộng, trong lãnh vực kiểm soát sự xâm nhập bằng đường biển của địch quân, không những chỉ có chiến hạm và máy bay "không tuần" của Hải Quân Hoa Kỳ mà còn có sự tham dự của chiến hạm sơn màu trắng thuộc Lực Lượng Phòng Vệ Duyên Hải Hoa Kỳ (LLPVDH - US Coast Guard) , trong chiến dịch mang tên "Operation Market Time" (22).

Một số chiến hạm của HQ Hoa Kỳ (US Navy) và của LLPVDH ,  lần lượt được chuyển giao cho HQVN. Khu Trục Hạm đầu tiên Trần Hưng Đạo HQ 1  loại DER , được Hải Quân Hoa Kỳ bàn giao cho HQ VN tại Hawaï ngày 13 tháng 2 – 1971,  Hạm Trưởng và Trưởng Ban Cơ Điện (trước gọi là Cơ Khí Trưởng) đều là SQ Khoá 7.  Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ 5 , loại WHEC, thuộc LLPVDH Hoa Kỳ, bàn giao ngày 21 tháng 12 – 1971, Hạm Trưởng Sĩ Quan Khoá 7.

Trong lãnh vực Tiếp-Vận, rất nhiều SQ Cơ khí K7 , đảm nhiệm Trưởng Phòng thuộc Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ Tiếp Vận ở Sài Gòn để phát triển hệ thống căn cứ sửa chữa chiến hạm, chiến đĩnh khắp vùng duyên hải và sông ngòi, cung ứng kịp thời nhu cầu hành quân, trong kế hoạch ACTOVLOG (23). Theo cách phân vùng yểm trợ, HQVN có 7 Căn Cứ Yểm Trợ Tiếp Vận : Đà Nẵng, Cam Ranh, Cát Lở (Vũng Tàu), Nhà Bè, Đồng Tâm (Mỹ Tho), Bình Thuỷ (Cần Thơ) và An Thới (Phú Quốc) ; với bốn Chỉ Huy Trưởng là SQ Cơ khí K7.

Những đại đơn vị Tiếp Vận như Hải Quân Công Xưởng và Trung Tâm Tiếp Liệu Hải Quân ở Sài Gòn, đều do các Vị đàn anh trong ngành Cơ khí Khoá 1 SQ HQ Nha Trang và Khoá  1 được đào tạo từ Trường HQ Pháp BREST đảm nhiệm chức vụ chỉ huy ; nhưng các phụ tá thiết yếu do SQ Khoá 7 phụ trách, có kinh nghiệm hải nghiệp (đi lãnh tàu ở Hoa Kỳ, phục vụ trên chiến hạm) và đã thực tập tại các Hải Xưởng , đào tạo từ  trường tiếp vận hay tu-nghiệp ở Hoa Kỳ (Naval Postgraduate School Monterey, California).

Suốt 19 năm trong quân ngủ, cho đến khi Hạm Đội ra khơi "trong những ngày tháng tối tăm " (24), với ý chí tôi luyện từ Quân trường, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ giao phó, cùng đoàn viên thuộc quyền xông pha trận tiền, bóng dáng  SVSQ HQ Khoá 7 Nha Trang nay đã phôi pha theo năm tháng, cũng có nhiều Bạn đồng khoá đã ra đi vĩnh viễn ; nhưng ký ức khó phai mờ hình ảnh thời thanh niên hết lòng phục vụ Hải Quân …



Strasbourg PHÁP,  ngày 9 tháng 2 – 2012


NGUYỄN VĂN QUANG

cựu SVSQ HQ Nha Trang Khoá 7

No comments: