Sunday, September 29, 2019

Số phận Tuần Duyên Hạm HQ.611 Trường Sa trong đêm Hạm Đội VNCH di tản

Tôi HQ. Phạm quốc Nam, cựu sinh viên sĩ quan hải quân TN Khóa 21 SQHQ năm 1969, tốt nghiệp Khóa 2 Đặc Biệt SQHQ Nha Trang (bởi kế hoạch OCTOV – OJT của Hoa Kỳ) . Với trách nhiệm chỉ huy Tuần Duyên Hạm HQ.611 Trường Sa trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tôi xác nhận Tuần Duyên Hạm HQ.611 đã chìm trên đường di tản ra Côn Sơn đêm 29 tháng 4 năm 1975.
 Sự kiện này trước nay không thấy nhân chứng nào ghi lại, cũng như không được thấy ghi trong bất cứ tài liệu nào của VNCH và của Hoa Kỳ, cho đến cuối năm 2014 (40 năm sau) được đề cập đến trong hồi ký của Người Thủy Thủ Già (HQ Trung Tá Trần Hương K.9/NT), vị niên trưởng hải quân đã đưa Tư Lịnh hải quân Chung Tấn Cang và đoàn tùy tùng xuống xuống HQ 611 đêm 29 tháng 4 năm 1975….xem ghi chú phía cuối bài)
Sau hơn 7 năm tù cộng sản, tôi trở về cuối năm 1982 và được đứa em trai, cậu em ruột mà tôi thường hay dẫn xuống tàu chơi khi chiến hạm của tôi được nghỉ bến tại Bạch Đằng, nên cậu bé còn nhớ rất rỏ số tàu HQ 611, đã đưa tôi đến tận xác tàu được trục vớt và vứt nằm trên bải bùn mé sông Saigon phía bên kia Thủ Thiêm từ lâu. Chiến hạm chỉ còn là một khối sắt, nữa thân tàu bị rĩ bởi thủy triều của sông Saigon khi nước lên hay nước ròng …..Nhìn xác tàu lòng tôi se lại tủi thân và đớn đau, đôi mắt cay xè rướm lệ…
..
Hồi ký này như muốn ghi lại một sự kiện nhỏ của hải sử VNCH, trong đêm Hạm Đội Hài Quân VNCH di tản, đồng thời tôi có lời kính phục anh em thuỷ thủ đoàn của HQ 611, những thủy thủ trẻ đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của người lính Việt Nam Cộng Hoà đến tận giờ phút cuối cùng của cuộc chiến……ngày 30 tháng 4 năm 1975. .

Tuy là một sự kiện nhỏ nhưng TINH THẦN QUỐC GIA và TRÁCH NHIỆM của Người Lính VNCH như những thủy thủ nầy thật xứng đáng được tập thể hải quân VINH DANH và ghi vào hải sử.
Biến cố đêm 28 tháng 4 năm 1975 tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Saigon:
Sau chuyến công tác từ Vũng Tàu về đến bến vào giửa trưa ngày 26 tháng 4 năm 1975, chiến hạm của tôi nhận được lệnh chuẩn bị nhiên liệu, nước ngọt và thực phẩm đầy đủ cho một tháng (tất cả chiến hạm của Hạm đội). Đồng thời toàn thể thủy thủ đoàn được cấp phát mẫu giấy ghi danh thân nhân của mình theo tàu di tản (ra đi có trật tự). Công tác thiết lập danh sách cho thân nhân của thủy thủ đoàn cơ hữu được lên chiến hạm di tản tiến hành kín mật tuyệt đối. Tôi còn nhớ rất rỏ tựa đề mẫu giấy ghi danh cho thân nhân lên tàu có dòng chử to: “Di tản ra Côn Sơn Tránh Saigon Bị Pháo Kích”……
Công tác chuẩn bị di tản tiến hành tốt đẹp…..Đột nhiên giửa đêm 28 tháng 4 Bộ Tư Lịnh Hải Quân có lệnh khẩn cấp tập họp tất cả hạm trưởng các chiến hạm đang nằm dọc trên sông Saigon trước Bộ Tư Lịnh Hải Quân. Chiếc hạm của tôi đang nằm vị trí 1 của cầu A, nên chỉ đôi mươi bước băng qua đường, tôi đã có mặt trong một căn phòng nhỏ trên tầng lầu thứ hai của BTL/HQ sớm hơn ai hết. Không lâu lắm hằng chục vị hạm trưởng của các chiến hạm khác có mặt. Phòng họp không ghế ngồi, mọi người đều đứng chờ đợi, im lặng như tờ. Tất cả mọi người đang hồi họp, nóng lòng muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra. Mọi người cùng cảm nhận sắp có một biến cố trọng đại.
Không bao lâu, cờ xí được các nhân viên trực dựng lên phía trước. Tiếng kèn hiệu đón Tư Lịnh được trổi dậy cắt đứt cái không khí ngột ngạt đang trùm kín cả căn phòng. Nghi thức bàn giao quyền Tư Lệnh Hạm Ðội được tiến hành, mọi người ngơ ngác: Hải Quân Ðại Tá Phạm Mạnh Khuê đảm nhận chức tân Tư Lệnh Hạm Ðội thay thế đương kim Tư Lệnh Hạm Đội Nguyễn Xuân Sơn. Không ai hỏi ai một lời. Có lẽ mọi người trong phòng đều nghĩ sự kiện tối nay thế này tất là hậu qủa kế hoạch di tản của Tư lịnh Hạm Đội Nguyễn Xuân Sơn đã sớm bị tiết lộ ra ngoài…….Trước khi rời chức vụ Tư Lịnh Hạm Đội, HQ. Đai Tá Nguyễn xuân Sơn bùi ngùi chia tay với tất cả hạm trưởng hiện diện trong phòng. Lời chia tay của ông đẩy xúc động như bậc khóc:” những việc tôi muốn làm cho qúy vị và gia đình qúy vị….mà sau này qúy vị sẽ rỏ!” …..Ông đã tiên liệu hay ông đã biết trước miền Nam sẽ rơi vào tay cộng sản! Ông muốn bảo tồn hạm đội không bị rơi vào tay giặc, ông thương nhân viên thuộc cấp và yêu cả gia đình của họ, cho nên ông ngầm lên kế hoạch di tản toàn bộ hạm đội và cả thân nhân của thủy thủ đoàn trên từng các chiến hạm, Kế hoạch bị bại lộ, ông bị truất quyền. HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn là một vị Tư lịnh thật đáng kính.

Định mệnh của Tuần Duyên Hạm Trường Sa HQ 611:
‘ Sáng 30 tháng 4 năm 1975, Tuần duyên hạm HQ 611 đã biến mất tại cầu A……..Tôi từ chối di tản theo Tuần duyên hạm PGM của hạm phó OC. Nguyễn Văn Báu (Khóa 9/HQ/OCS), thằng bạn cùng gia nhập khóa 21 SQHQ đang cho tàu lấy nước ngọt tại cầu A. Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng….. Về đến nhà tôi thấy hằng chục thủy thủ đoàn của HQ. 611 đang chờ đợi tôi….anh em thủy thủ báo cáo tình trạng của HQ. 611….rồi tan hàng’…..

.
Trưa 27/4/1975, HQ.611 chở một số lượng lớn đồ đạt (của ai???) từ trên một chiếc GMC của hải 
quân đưa xuống để chuyển sang HQ. 802 (hoặc HQ.800 mà thời gian lâu qúa tôi đã quên) đang nằm phía Nam ngoài khơi Vũng Tàu. Ngoài khơi xa hơn, tôi thấy có rất nhiều chiến hạm lớn nhỏ khác.
Biển động mạnh. HQ. 611 chồng chềnh như trứng vịt khó lòng cập vào HQ. 802 để chuyển hàng. HQ. 802 phải dùng cần cẩu móc hàng mang về. Xong công tác, HQ. 611 lầm lủi quay trở vào cửa. Chiến hạm qua khỏi kho 5 Khánh Hội, tàu của chúng tôi chậm lại đôi chút và dạt về bên phải để nhường lối cho vài chiếc thương thuyển lớn từ Sàigon đang trên đường ra cửa biển. Các tàu hàng chở đầy ấp người, khi đi ngang qua HQ. 611, hàng trăm người trên thương thuyền vẩy tay và nón với chúng tôi như chuyển lời từ biệt. Nhiều thủy thủ trên HQ 611 quơ tay đáp lại. Trước cảnh tượng người dân Saigon đang tháo chạy cộng sản như vậy nhưng đầu óc tôi vẫn trống rổng….

.
Trưa ngày 28/4/1975 , HQ 611 nằm tại cầu A một lần nữa chúng tôi một số đứng trên đài chỉ huy, một số thủy thủ đứng trước mũi tàu dững dưng nhìn chiếc xà lan cạnh bến đò Thủ Thiêm, đối diện công trường Mê Linh đang khó khăn mở giây rời bến với hàng ngàn người đang chen chút trên sàn tàu, có người đu giây neo, nhiều người lội từ bờ ra, hàng chục người khác bám thành xà lan cố trèo lên. Trên công viên Bạch Đằng nhiều người đàn bà buông vội gánh hàng rong trên sân cỏ rồi hối hả chen lấn vào đám đông tìm cách trèo lên xà lan. Khối người trên sàn xà lan, dưới bờ sông và trên bờ chen lấn la hét hỗn độn. Khó khăn lắm, chiếc xà lan mới cởi được giây cột trên bờ và ì ạch tách bến. Bên cạnh bờ, đám đông vẫn còn nhảy chòm lên, la ó kêu réo. Nhìn cảnh tượng của chiếc xà lan cố tách bến. Chúng tôi chỉ biết nhìn và im lặng, không một nhân viên nào thắc mắc hay hỏi nhau tại sao … Có lẽ chúng tôi là những người lính trẻ, mù mờ hay đúng hơn không có khả năng tiên đoán thời sự chính trị. Đầu óc của một người lính chiến như chúng tôi đơn giản lắm, chỉ biết gìn giử kỷ luật quân đội, tuân hành mệnh lệnh thượng cấp và giử vững vị trí, trách nhiệm được bố trí trên chiến hạm.

HQ. 611 Trường Sa
Con tàu và thủy thủ như những thành viên trong một đại gia đình cùng chung dưới một mái nhà. Tàu còn thủy thủ còn……Chúng tôi biết được những diễn biến thời sự từ miền Trung vào miền Nam, chúng tôi được chứng kiến hằng loạt những biến cố tại Saigon, tại BTL Hải Quân và ngay hôm nay cảnh tượng người dân đang ùn ùn đổ về bến Bạch Đằng tìm phương tiện di tản ngay trước mắt. Nhưng tuyệt nhiên những ngưòi lính thủy chúng tôi không một ai rời tàu, bỏ ngủ hay âu lo sợ hãi. Trên đài chỉ huy, tôi nhìn những chàng trai trẻ thủy thủ; tôi an tâm vì thấy họ vẫn kiêu hùng, hiên ngang và bình thản…..Chiều xuống nhanh, phi trường Tân Sơn Nhất bị dội bom bốc cháy cả góc trời….Không khí chiến tranh như bao trùm lấy Saigon……Tuần duyên hạm HQ.611 của chúng tôi cũng như những chiến hạm khác trên dòng sông Saigon trong nhiệm sở sẳn sàng chiến đấu. Đêm đó, tôi ở lại tàu không về nhà như những đêm trước.
Sáng 29/4/75, lệnh báo động nâng lên mức độ đỏ. Cấm quân 100%. Sau buổi họp nhanh tại BTL/HQ, các chiến hạm nhận được lệnh sẽ khởi hành di tản trong đêm 29/4/1975. Hai đầu cổng Bộ Tư Lịnh hàng rào cản được kéo ngang từ sáng sớm. Quân cảnh và nhiều thủy thủ bồng súng canh gác nghiêm nhặt. Trong bất xuất và ngoại bất nhập lúc bấy giờ.
Trên đường từ BTL/HQ trở về tàu, tình cờ tôi gặp HQ. Trung Úy Võ Trường Xuân đang lái Honda chạy trờ đến chận tôi lại bên lề đường. Tôi và trung úy Xuân là bạn cùng khóa. Khi còn là tân khóa sinh hải quân tại trung tâm tạm trú Bạch Đằng II, cũng như khi học căn bản quân sự tại quân trường Quang Trung chúng tôi không quen nhau lắm vì chúng tôi ở khác đại đội. Tôi biết đến danh ca Võ Trường Xuân qua ban tam ca Trường Xuân, Vĩnh Nam và Phan Ngọc Hùng đại diện khóa 21 SQHQ về trình diễn văn nghệ tại đài tiếng nói quân đội trong dịp Tết năm 1970. Sau này Xuân tốt nghiệp khóa 1 Đặc Biệt SQHQ Nha Trang và khóa 1 Thuyền Trưởng Coast Guard và PCF. Tôi ra trường khóa 2 Đặc Biệt Hải Quân Nha Trang và sau khi tốt nghiệp Khóa 4 Thuyền Trưởng năm 1973, tôi được đưa xuống làm Thuyền Phó PCF-HQ.3909 thuộc Hải Đội 5 Duyên Phòng, khi đó Xuân đang là thuyển trưởng. Tôi và Võ Trường Xuân thân nhau từ đó. Mặc dù tôi đi biển nhiều năm hơn Xuân nhưng tôi đã học được ở Xuân nhiều cái hay khi về phục vụ Hải Đội 5 Duyên Phòng. Hải đội 5 Duyên Phòng là đơn vị gặp hiểm nguy hơn bốn hải đội duyên phòng khác vì Hải Đội 5 thường xuyên bị Việt cộng phục kích trên đường sông từ căn cứ Năm Căn ra đến cửa biển hay ngược lại lúc từ biển về nghỉ bến. Tuy nhiên tôi thấy rất an tâm khi công tác cùng tàu với Xuân. Xuân được xem là một thuyền trưởng giỏi của Hải Đội 5 Duyên Phòng. Xuân chứng tỏ được khả năng lảnh đạo chỉ huy của một thuyền trưởng: giỏi về chỉ huy và luôn cả kiến thức tàu bè. Xuân giỏi vận chuyển con tàu khi di chuyển trong sông cũng như trên biển. Ngoài kiến thức tổng quát về kỷ thuật cơ điện khí (lý thuyết khi học ờ quân trường), Xuân rành luôn cả thực hành. ( Cấp bậc thuyền trưởng Coast Guard hay PCF là hải quân trung úy theo như cấp số của Hải quân Hoa Kỳ. Vận chuyển con tàu do đích thân thuyền trưởng cầm tay lái. Chiến đĩnh PCF còn đuợc gọi là Duyên tốc đĩnh hay Kinh tốc đĩnh, tuy là loại tàu nhỏ nhưng có tốc độ rất cao, là loại chiến đĩnh mới của Hoa Kỳ đưa vào chiến tranh Việt Nam và trang bị cho Hải quan Cam Bốt và Thái Lan. PCF có khả năng hoạt động trong sông lẫn trên biển. Sở dĩ tôi ghi chú phần cấp bậc của thuyền trưởng chiến đĩnh PCF nơi đây vì rằng có lắm sĩ quan hải quân đã không am tường về tổ chức của đơn vị hải đôi duyên phòng. Họ cho là Thuyền trưởng chiến đĩnh chỉ với cấp hạ sĩ quan, nếu có thì cao lắm là Thượng sĩ hải quân.).

Võ Trường Xuân và tôi có máu ‘lãng tử’ nên rất hơp tánh nhau, và kết thành bạn tri kỹ rất nhanh từ đó cho đến tận ngày nay. Chúng tôi có lắm kỷ niệm tại Hải Đội 5 Duyên Phòng, từ hậu cứ nghỉ bến cho đến những tháng ngày lênh đênh tuần duyên trên biển cả: từ biển phía bắc Hòn đá Bạc, ghé vào sông Ông Đốc qua cửa Hải Yến xuống mũi Cà Mau, cập tàu ghé quán cô Lệ Bải Hạp , ra cửa sông Bồ Đề lên tận cửa biển Gành Hào ghé vào chơ mua thực phẩm tươi …….
Sau vài tháng đi chung tàu, Xuân thuyên chuyển về Hải Vận Hạm LSM – HQ 402 Lam Giang. Tôi 
lên làm thuyền trường và một hải quân trung úy khác thuộc hải quân OCS (Sĩ quan hải quân Việt Nam được đào tạo tại Hoa Kỳ) xuống tàu làm thuyền phó. Đầu năm 1974, Tôi mang tàu về tăng phái cho Hải đội 4 Duyên phòng. Sau vài chuyến tuần duyên trục Bắc đảo Phú Quốc, chiến đĩnh của tôi cùng 3 chiếc PCF khác tăng phái tuần duyên vùng biển Hòn Tre (Rạch Gía) và Hà Tiên. Đầu tháng 3/1975, tôi nhận được lệnh tuyên chuyển về Hạm Đội và xuống Tuần Duyên Hạm HQ 611 Trường Sa…….

.
Gần hai năm trời gặp lại thằng bạn thân. Chúng tôi mừng lắm:
– Ê thuyền trưởng Xuân. Đi đâu đây mậy?
Xuân nhếch môi cười méo một bên, cái lối cười muôn thuở:
– Tao đi tìm hạm trưởng Nam đây.
Tôi hỏi Xuân ngay:
– Khuya nay mày theo hạm đội di tản không?
Xuân cương quyết:
– Ði chứ mậy. Nhưng thằng 402 của tao bất khiển dụng.
Tôi mừng:
– Không sao, lên tàu của tao. Mày và tao lái đi khoẻ re…
Xuân ngạc nhiên:
– Hạm Trưởng mày đâu?
Tôi cười, trỏ ngón tay vào ngực:
– Hạm trưởng đang đứng trước mặt mày đây….. Tao đang chỉ huy HQ.611.
Thuận tay tôi chỉ về hướng cầu A:
– Chiếc PGM nằm phía ngoài chiếc hạm của tao là PGM- HQ.601 của Hạm trưởng Trần Minh Chánh, cùng khóa 1 Đặc Biệt với mày.
Tôi đùa:
– Nếu mày chê tàu tao què thì mày đi tàu của Trần Minh Chánh. Chẳng lẽ bạn bè cùng một khóa, mà Chánh là đương kim Hạm trưởng không cho mày lên tàu hay sao. Hay mày muốn mang theo 402 thì Chánh và tao sẽ kéo 402 mày theo.
Xuân cương quyết:
– Tao sẽ đi với mày. Nhưng tao phải về mang người nhà xuống tàu.
Tôi nhìn đồng hồ:
– Giờ còn sớm chán. Thôi, tao với mày đi tìm cái gì ăn trưa và lai rai vài chai rồi tính tiếp.
Cổng ra công trường Mê Linh đang đóng kín, khó ra được khỏi cổng. Tôi lên xe. Xuân quay xe chạy về hướng cổng Cường Để. Nơi đây cổng cũng bị kéo rào đóng. Chúng tôi đành tạt vào Hải Quân Công Xưởng, tìm lấy một chổ ngồi vắng vẻ trong câu lạc bộ. Chúng tôi kêu vài đĩa mồi và vài cập bia 33. (Hình như lúc đó có thêm một bạn hải quân nữa vào ngồi chung bàn nhưng tôi đã quên tên)
Tôi hỏi Xuân:
– Mày có danh sách thân nhân lên tàu không?
Xuân lắc đầu:
– Không có.
Tôi khoát tay:
– Không sao. Có tao trên tàu.
Cặp bia thứ hai vừa cạn. Xuân qủa quyết:
– Saigon sẽ mất. Mày hãy về mang gia đình vào đi luôn đi.
Để thúc giục tôi hơn, Xuân kể lại những cảnh bi thảm khi Hải vận hạm HQ. 402 của Xuân đã mấy lần ủi bãi và lòng vòng ngoài khơi để đón dân quân di tản miền Trung.

Với giọng ngậm ngùi, Xuân kể lại Tướng Ngô Quang Trưởng và hàng chục tướng tá khác bơi từ bờ ra Hải vận hạm LSM 402 và chính Võ Trường Xuân đã đón và mời nhóm tướng tá bộ binh xuống phòng ăn. Mì gói là bửa ăn sáng đạm bạc trên tàu được nấu lên mời khách. Tướng Trưởng không ăn sáng, ông ngồi ghế của Hạm trưởng với hai hàng nước mắt chảy dài.
Xuân không quên kể lại cảm xúc của mình khi thấy từng mãnh đất của miền Trung mất dần trong tay giặc Cộng theo tốc độ của HQ.402 đang xuôi về Nam. Chính vì Xuân đã thấy cái bi thảm tột cùng của cuộc lui binh và di tản miền Trung nên Võ Trường Xuân đã có sự lựa chọn nên hay không nên di tản một cách dứt khoát hơn tôi:
– Tao cá mày đó Nam. Saigon sẽ mất nay mai thôi. Phải đi mày Nam ơi.
Tôi ừ hử và nhúng vai:
– Dĩ nhiên tao phải có mặt và đi theo tàu chứ. Trách nhiệm của tao làm sao tao bỏ tàu và bỏ anh em thủy thủ đoàn được mậy.
Xuân muốn chắc ăn:
– Tốt! nhưng tàu mầy đi xa được không?
Tôi bảo đảm:
– Tàu của tao như 402 của mày, mới đi công tác về, đang chờ sửa chửa. Nhưng bò ra Vũng Tàu hay đến Côn Sơn thì thừa sức.
Xuân an tâm:
– Tụi mình chỉ cần đưa tàu ra giửa dòng sông là OK.
Tôi lại nhúng vai:
– Dễ thôi. Bây giờ tụi mình bàn đến kế hoạch an toàn.

Chúng tôi đi vào chi tiết của kế hoạch: Xuân đang là sĩ quan trực của LSM – HQ 402 ngay hôm 29/4/1975, Xuân sẽ đưa tất cả thủy thủ đoàn của HQ. 402 sang PGM- HQ.611 của tôi. Để tránh dân chúng phát hiện ùa lên tàu và đồng thời tập trung người nhà một nơi kín đáo đưa lên chiến hạm an toàn. Chúng tôi sẽ đưa tàu vào sau hậu trạm Vùng 5 Duyên Hải nằm đối diện công trường Mê Linh để đón người nhà. Nếu kế hoạch một không thành, chúng tôi sẽ cho tàu ở giửa dòng sông và nhờ các kinh tốc đĩnh PCF của Hải Đội III Duyên Phòng gần đó đón người nhà của chúng tôi đưa lên HQ.611 (nhờ các PCF của Hải Đội 3 Duyên Phòng không khó vì giửa năm 1972 đến 1975, hầu hết các thuyền trưởng, thuyền phó của Hải Đội Duyên Phòng bấy giơ đều do các sĩ quan Đặc Biệt Hải Quân Nha Trang và hải quân OCS đảm nhận. Phần lớn cùng là đồng khóa hay đồng môn nên đều quen mặt biết tên. Nhờ họ chuyển người nhà từ bờ ra hạm sẽ không thành vấn đề.
Đêm 29/4 rạng sáng 30/4 có vài sĩ quan cấp tá hải quân kẹt lại tại các đơn vị hay căn cứ dọc trên sông Saigon đã nhờ những PCF đưa lên chiến hạm lớn. Trong số cấp tá đó có HQ Đại tá Nguyễn Văn Hớn. Tại Portland, mỗi lần gặp tôi Đại tá Hớn cứ nhắc nhở nhờ tôi tìm cho ông thuyền trưởng PCF đã đưa ông ra chiến hạm để ông có lời cám ơn thuyền trưởng nọ, vì nhờ thuyền trưởng này mà ông đã theo được chiến hạm di tản ra nước ngoài năm 1975). Đêm cuối đó, PCF của Phan Ngọc Hùng sau khi tải thương HQ. Nguyễn Ngọc On từ Vũng Tàu về Saigon cũng đã đón vớt không it hải quân trên sông hoặc ven bờ đưa ra hạm lớn trên đường trở ra Vũng Tàu.
Xuân và tôi đồng ý kế hoạch an toàn nhất để đón người nhà lên HQ 611 xong. Chúng tôi vạch đến kế hoạch phòng thủ an ninh trên HQ. 611 khi đón thân nhân lên tàu và trên đường vận chuyển chiến hạm ra biển trong trường họp nếu chẳng may gặp phải tình huống xấu xảy ra khi di chuyển.
Khoảng 2 giờ trưa, Xuân đưa tôi trở về chiến hạm. Xuân cũng về tàu của mình sau khi cả hai hẹn đúng 6 giờ chiều sẽ gặp nhau ngoài cổng Bộ Tư Lệnh. Ngoài kia rào cản đầu đường vào Bộ Tư Lệnh, dân chúng đã đông nghẹt, có cả quân nhân của nhiều binh chủng khác. Mọi người ồn ào la hét đòi cho vào bến tàu. Bấy giờ, xe quân sự muốn chạy vào hay từ trong chạy ra ngoài đều bị ngăn chận. Trên bầu trời, từng chiếc trực thăng nối nhau chở lố nhố người từ hướng Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ bay ra Đệ Thất Hạm Đội. Thỉnh thoảng có vài trực thăng chở đầy ấp người, chân người thòng ra khỏi cửa, trực thăng bay thật thấp và đảo vòng vòng như muốn tìm chổ đáp xuống đâu đó tại bến tàu nhưng viên phi công tìm không được chổ đáp, cho trực thăng bay đi. Bầu trời xám ngắt không chút nắng. Tiếng động cơ của trực thăng ít phút lại bay ngang. Ngoài rào cổng và các nẻo đường nhiều đám người kéo nhau chạy về hướng bến tàu càng ngày càng đông hơn. Thỉnh thoảng hướng nhà hàng Mỹ Cảnh nổ lên từng tràng đạn M-16 làm cho không khí Saigon đang ảm đạm như rối loạn lên thêm. Cảnh tượng báo hiệu sắp có một biến cố lớn sẽ xảy đến.
Tôi nhìn đồng hồ đúng 3 giờ chiều. Tôi tập họp nhân viên hỏi có ai cần về nhà mang gia đình vào tôi sẽ ký sự vụ lệnh cho họ. Nhưng không nghe thấy nhân viên nào lên tiếng. Gọi nhân viên tiếp liệu mở kho vũ khí, tôi lựa lấy một khẩu colt 45 còn mới và một gấp đạn đầy dắt vào lưng. Sau đó tôi lên đài chỉ huy ký vội hai sự vụ lệnh một cho tôi và một cho Hạ sĩ vân chuyển Tô Nhật Hà. Tôi nhờ Hạ sĩ Hà lái xe gắn máy đưa tôi về nhà tận Bà Chiểu, Gia Định. Có sự vụ lệnh, chúng tôi ra cổng không gặp trở ngại nào.
Hạ sĩ Tô Nhật Hà dừng xe trước cửa nhà tôi. Hà trở về tàu. Tôi vào nhà đã hơn 4 giờ chiều, hối hả kêu mọi người trong nhà thu xếp đồ đạt theo tôi xuống tàu. Vợ tôi vội vàng thu xếp hành trang cho hai đứa con nhỏ.. Lúc ấy có hai bà lối xóm ở kế bên nhà thấy gia đình tôi đang nhốn nháo chuẩn bị đồ đạt ra đi, họ vào thẳng trong nhà to nhỏ bàn vô nói ra với ba mẹ vợ của tôi. Cuối cùng ba vợ chịu đi, mẹ vợ lại không chịu đi. Kẻ đi người ở trở thành đề tài rối rấm. Tôi nóng lòng muốn mọi việc thu xếp nhanh chóng để trở về tàu vì trách nhiệm đang chỉ huy một chiến hạm sẽ ra đi trong vài giờ đồng hồ tới. Vã lại tôi rời chiến hạm bằng sự vụ lệnh do chính tôi tự ký lấy để được ra khỏi cổng BTL Hải Quân là việc làm sai phạm kỷ luật quân đội (hậu qủa việc làm này như là định mệnh đã an bày dành cho tôi phải bị kẹt lại Việt Nam và đi vào tù cộng sản hơn 7 năm). Thu xếp bên gia đình vợ xong, tôi còn phải chạy sang gia đình của tôi ở tận bên Khánh Hội, quận Tư để kéo tất cả gia đình anh chị em xuống tàu. Chiếc đồng hồ đeo tay của tôi giờ đây như mắc dịch, nó chạy nhanh như gió, kim chỉ 5:10, tôi cuống quít cả lên dắt xe ra cửa chạy sang Khánh Hội.
Dựng xe gắn máy trước cửa nhà của anh em tôi bên Khánh Hội, nhìn xuyên qua cửa sổ, tôi thấy trong nhà lố nhố cả chục người mặc quân phục đứng ngồi tại phòng khách. Bước vào bên trong nhà không kịp chào hỏi ai, tôi gặp ngay ông anh cả của tôi:
– Tàu em đang nằm dưới bến Bạch Đằng, em muốn mọi người trong nhà xuống tàu ngay bây giờ để di tản ra Côn Sơn.
Anh cả tôi quay lại nói lớn với nhóm sĩ quan bộ binh trong nhà:
– Thưa Trung Tá và các anh em, có sẳn tàu của thằng em tôi tại bến Bạch Đằng, có ai chịu di tản thì xuống tàu ngay bây giờ.
Các sĩ quan bộ binh xì xầm bàn tán. Sau đó họ quyết định từ chối không xuống tàu của tôi. Thì ra nhóm sĩ quan bộ binh này là những sĩ quan làm việc tại Bô Tổng Tham Mưu, tất cả là sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ông Trung tá cấp bậc lớn nhất trong nhóm là tùy viên hay chánh văn phòng của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị (TTM/ Tổng Cục Quân Huấn), anh cả tôi khóa 24 Võ Bị, đại úy phòng Du Học. Chỉ có thằng em chú bác của tôi khóa 29 Võ Bị là cấp thấp nhất, ra trường sớm chưa kịp được mặc bộ quân phục Nhảy Dù mới toanh mà tôi đã chở nó đi bỏ sửa, mới lấy về hôm qua. Còn mấy sĩ quan khác tôi mới gặp lần đầu.

Nhóm sĩ quan Bộ Tổng Tham Mưu lo ngại xuống tàu của tôi tại BTL/HQ chờ đến giờ di tản, họ đặt vấn đề nếu bến tàu bị phi cơ địch dội bom thì chạy đâu? Họ bị ám ảnh cuộc dội bom chiều hôm qua (28/4/1975) xuống phi trường Tân Sơn Nhất của phi đội Quyết Thắng (5 phi cơ A37) của cộng quân do giặc lái Nguyễn Thành Trung hướng dẫn từ phi trường Thành Sơn (Phan Rang) bay vào Saigon dội bom. Hơn nữa họ đang ngồi chờ lệnh của Trung tướng Nguyễn Bảo Trị để di tản bằng đường hàng không. (Cuối cùng Tướng Trị bặt tin, cho đến sáng 30/4/1975 sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, nhóm Võ Bị này chạy xuống khu kho 5 bến tàu Khánh Hội tìm phương tiện tàu hàng di tản….nhưng đã qúa muộn!)
.
Dằn co giửa tôi và nhóm Võ Bị làm cho tôi trờ về bên nhà vợ trời đã tối. Giờ hẹn với Võ Trường Xuân tại bến tàu lúc 6 giờ chiều cũng đã trôi qua. Vào nhà được tin ông bố vợ đổi ý không chịu đi vì đứa con gái đầu lòng của tôi đã nhóm bệnh hôm qua và chiều nay đang lên cơn suyễn nặng. Ông bà ngoại cháu và vợ chồng tôi thay phiên vác cháu trên vai cho con bé dễ thở . Con gái tôi trở cơn bệnh nặng là động lực lớn nhất đưa tôi đến quyết định ở lại nhà chờ con bé hạ cơn suyễn rồi tính sao. Giờ giới nghiêm lặng lẽ qua qua……

Sáng sớm ngày 30 tháng 4, với bộ quân phục hải quân còn mặc trên người từ hôm qua tôi lái xe chở theo thằng em
 vợ chạy xuống bến tàu với hy vọng chiến hạm 611 còn đó……. Bộ Tư Lệnh hải quân và bến Bạch Ðằng vắng tanh không còn một chiến hạm nào và HQ. 611 của tôi cũng đã biến mất. Trên bờ xe hơi, xe nhà binh, xe gắn máy và mọi thứ đồ đạt vứt bừa bải như một bải rác lớn. Cảnh tượng thật điêu tàng. Tôi thẩn thờ như kẻ mất hồn với tâm trạng buồn khó tả. Tôi lãng đãng nhìn một chiếc PGM đang chầm chậm tiến vào vị trí cập cầu A. Trên sàn tàu sau lái, một viên sĩ quan đang nhìn đám thủy thủ chuẩn bị quăng dây cập cầu.

– Ê! Nam. Mày có đi không.
Mặt trời đang nhú lên từ hướng bên kia Thủ Thiêm đỏ lòm và ánh nắng chói chan đã làm tôi chóa mắt. Lấy tay che nắng chói nhưng cũng chưa nhận ra viên sĩ quan trên PGM gọi tôi là ai với giọng Bắc kỳ nghe rất quen thuộc.

Tôi chạy đến gần chiến hạm hơn thì nhận ra viên sĩ quan có giọng nói Bắc kỳ khàn đục đó là Hạm phó Nguyễn Văn Báo (HQ/9OCS) cũng là thuyền trưởng Hải đội 5 Duyên phòng cùng thời với tôi.
Tôi lên sàn tàu. Báo bựa nói nhanh:
– Tao lấy nước xong là zulu. Mày có đi thì đi luôn.
Tôi lắc đầu từ chối:
– Không có vợ con, làm sao tao đi một mình được.

Nói xong, tôi rời khỏi PGM của Báo. Đứng chờ chiến hạm lấy nước ngọt xong, tôi giúp tháo dây cột. Chiếc hạm thâu dây và tách khỏi cầu. Một mình đứng trên bờ nhìn theo chiếc Tuần Duyên Hạm, chiến hạm cuối cùng của Hạm Đội VNCH mà tôi còn thấy được vào sáng 30/4/1975 đang lủi thủi hướng mủi ra giữa dòng sông. Hai dạt sóng nhỏ chạy dài từ mủi tàu chẻ đôi mặt nước sông. Gợn sóng nhấp nhô sau lái đẩy đưa chiến hạm đi xa dần. Nhìn lá quốc kỳ của VNCH đang rủ, thỉnh thoảng gió ban mai thổi nhẹ làm lá Quốc kỳ lai động nhẹ trên chóp cột cờ của chiến hạm như nức nở nghẹn ngào gĩa biệt Saigon mến yêu. Lòng tôi se lại……
Không hiểu sao lúc bấy giờ tâm trạng của tôi tràn ngập nổi buồn xa đơn vị, xa chiến hạm hơn là sợ hãi kẻ địch đang chiến thắng, tiến vào Saigon.
Tôi lên xe và nổ máy. Xe chưa lăn bánh thì Trung úy Nguyễn Tấn Luật (Luật Đen) lái chiếc Honda 67 dừng kế bên tôi:
– Ủa! mày không đi hả Nam. Bây giờ mày tính sao?
Tôi lắc đầu:
– Tàu thằng Báo bựa vừa tách bến. Nó bảo tao đi, nhưng tao từ chối.
Trí óc tôi trống rỗng và nói tiếp:
– Tính gì nữa. Về nhà tính sau mày Luật.
Trung úy Luật đề nghị:
– Hay mày theo tao về quê ở Cần Thơ.
Tôi ngạc nhiên hỏi trổng:
– về Cần Thơ làm gì?
Luật đề nghị:
– Rút theo lính mình vào rừng kháng chiến.
Tôi không có một chút suy tính gì lúc đó. Nhúng vai nhẹ:
– Để xem tình hình ra sau rồi tính. Trước hết là về nhà thay đồ trước đã. Tụi mình còn đang mặc quân phục. VC tràn vào, mình đi đứt.

Trung úy Phan Tấn Luật cũng chợt nhớ ra mình cũng còn đang mặc quân phục trong khi Tổng Thống Dương Văn Minh đã tuyên buông súng. Chúng tôi chia tay. (HQ. Trung Úy Nguyễn Tấn Luật, Khóa 1 Đặc Biệt NT và Khoá 1 Thuyền Trưởng Coast Guard & PCF, cựu thuyền trưởng HĐ5 Duyên Phòng đã qua đời vì ung thư gan tại Việt Nam năm 2011)
Trên đường về Gia Định, tại ngã tư Hàng Xanh, tôi thấy nhiều xe tăng M-113 của VNCH đang bố trí vị trí chiến đấu. Tôi cho xe chạy nhanh hơn để kịp về nhà thu dọn gia đình chạy sang Tân Định hay Khánh Hội để tránh xa trận đánh tại ngã tư Hàng Xanh nếu xảy ra.
Vừa vào nhà tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy có nhiều thủy thủ của HQ. 611 đang ngồi chờ trước phòng khách. Họ trong bộ đồ nữa lính nữa dân, có anh đi chân không. Tất cả vẽ mặt buồn hiu. Một anh hạ sĩ quan lên tiếng trước:
– 611 của mình chìm rồi ông thầy ơi.
Tôi sửng sốt:
– Ủa! Tại sao chìm……. mấy anh không sang tàu khác đi?
Một thùy thủ khác:
– Tối hôm qua, nhiều ông sĩ quan hải quân và cả bộ binh lên tàu. Họ có súng và uy hiếp tụi em nổ máy tàu tách bến không cần chờ hạm trưởng.
Tôi gằn giọng:
– Ai ra lệnh lấy tàu mình đi?
Người thủy thủ hiểu lầm câu hỏi của tôi. Anh ấy tưởng tôi hỏi ai ra lệnh di tản:
– Đại tá Đổ Kiểm.
Một thùy thủ khác buồn buồn:
– Khi tàu vô nước, tụi em xuống phòng ông thầy định phá tủ mang vali, đồ đạt ông thầy về đây. Nhưng không kịp. Tàu vô nước nhanh quá. Tụi em chỉ kịp phá hủy hồ sơ tài liệu mà thôi.
Một thủy thủ khác:
– Tụi em phá tủ tiền nhưng cũng không kịp. Tụi em bơi vào bờ rồi lội bộ về đây báo cáo cho ông thầy hay.
Hết rồi. Ðầu óc tôi trống rỗng. Tôi không còn muốn tìm hiểu thêm chi tiết chiến hạm chìm nơi đâu? tại sao chìm? ai cưỡng đoạt tàu:
– Tình hình sau này không biết thế nào. Tạm thời anh em nhà ai nấy về.
Tôi cũng không còn một đồng trong túi để gửi cho anh em thủy thủ ít tiền xe cô về nhà. Giấy tờ, tiền bạc và tất cả quần áo của tôi đã mất sạch dưới tàu. Sau 30/4/1975, tôi chỉ còn bộ quân phục đang mặc trên người. Tôi cám ơn các thủy thủ và tiển họ ra cửa.

Nhìn theo các anh thủy thủ áo quần xốc xếch đi xa đầu ngõ. Niêm trách ẩn rời tàu trổi dậy trong tôi cùng long cảm phục các thủy thủ đoàn HQ 611: các anh là những chiến sĩ hải quân that xuất sắc. Các anh đã hoàn thành trách nhiệm của người thủy thủ VNCH tận thời điểm cuối cùng của cuộc chiến.
Chẳng những các anh không bỏ tàu mà còn đến báo tin cho tôi biết tình trạng chiến hạm gặp nạn. Điều này đã nói lên tinh thần Quốc gia và trách nhiệm của người lính VNCH nơi các anh thật cao và thật đáng kính phục dường nào. Chính tôi đã bỏ tàu và bỏ rơi các anh!!
Hồi ký của HQ. Phạm Quốc Nam
Thân tặng thủy thủ đoàn PGM – HQ.611 Trường Sa
.

No comments: