Thursday, August 6, 2020

Vì sao có khoảng cách cha mẹ Việt kiều và con ở Mỹ? - Lương Tạ

GETTY IMAGES

Việt Nam đang có dân số trẻ
Thời gian gần đây, bối cảnh xã hội nóng bỏng làm nổi bật sự khác biệt giữa một số đông của thế hệ trước được giáo dục qua trung học ở Việt Nam và thế hệ sau được giáo dục ở Mỹ gần đây. Cách đối xử, triết lý xã hội và chính trị hoàn toàn khác biệt.


Vì hai thế hệ không nói chuyện được với nhau về những tình hình xã hội, thế hệ sau không lãnh hội được kinh nghiệm của bố mẹ.

Ngược lại, thế hệ trước cũng không hiểu được môi trường và tư tưởng sống của con cháu mình, để có thể hướng dẫn các cháu tốt hơn.

Sự khác biệt văn hóa và cách đối xử với nhau giữa thế hệ trước và sau đang trở thành một vấn đề nhức nhối. Điều phàn nàn từ các cháu tôi được nghe nhiều nhất là tính gia trưởng, cố chấp, bảo thủ, tính nóng, và văn hóa đối xử thấp của một số người. Văn hóa Mỹ của các cháu không tạo ra con người như vậy.

Mặc dù tùy giáo dục hoàn cảnh, không ai cũng như vậy, nhưng mỗi một dân tộc có những mặt trái chung, trải nhiều trăm năm. Trong tinh thần cầu tiến, tôi xin đào sâu vào lịch sử để tìm nguyên nhân tại sao dân tộc của chúng ta có một số văn hóa, tính tình giống nhau, có cái tốt, và cái cần thay đổi? Mong rằng mình nhìn lại mình để hiểu tại sao và có cách đối xử với các cháu tốt hơn. Như thế, mình sẽ dễ hòa nhập với con cháu để có cơ hội chia sẻ lại kinh nghiệm xương máu của mình. Giúp cho các cháu có cái nhìn thực tế hơn, đi kèm với giáo dục Âu Mỹ các cháu đang có.








Việt Nam quê hương yêu dấu có một lịch sử buồn. Nỗi buồn và chịu đựng áp bức thể hiện trong thơ văn, ca cổ. Tôi còn nhớ mãi tiếng đàn bầu day dứt giữa đêm khuya. Nghe nát lòng. Mỗi ngày xa xứ thích nghe nhạc buồn để mang quê hương vào trong lòng. Văn thơ, ca nhạc Việt Nam chuyên chở nỗi buồn nhiều thế kỷ.





Văn hóa Khổng tử, hay nho giáo, ̣được du nhập vào Việt Nam hai ngàn năm trước, một mô hình chính trị. Rất hiệu quả để tập trung quyền lực vào thiểu số. Bởi nó kèm theo luân lý văn hóa, ràng buộc xã hội vào một chuẩn mực đạo đức.





Xã hội Nho giáo có thứ bậc tam cương: quân thần cương - bổn phận đối với Vua. Phụ tử cương - bổn phận với cha. Phu thê cương - bổn phận trong đạo vợ chồng. "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung" (Vua muốn bầy tôi chết. Bầy tôi không chết là không trung thành). Nét nho giáo này tạo thành một cái gì gần như tuyệt đối của quyền lực, kẻ trên người dưới.

Vai trò của phụ nữ trong nho giáo là phụ thuộc. 100% thi cử quan chức dành cho nam giới. Nữ giới phải theo tam tòng: Tại gia tòng phụ - Ở nhà theo cha. Xuất giá tòng phu - cưới xong theo chồng. Phu tử tòng tử - chồng chết theo con. Đặc điểm này, dẫn đến vấn đề gia trưởng thường thấy trong gia đình Việt Nam.

Đạo đức Nho giáo được dạy từ bé. Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn. Trai thì ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nữ thì tứ đức: Công, dung, ngôn, hạnh.





Nho giáo giúp cho xã hội có trật tự và văn hóa đạo đức từ trong gia đình, cho đến làng xã, đất nước. Nho giáo khi thực hành đúng nghĩa của nó, giúp cho xả hội vận hành trong một xã hội dân trí còn thấp. Nhưng mặt khác. Nó tạo ra môi trường cho người ta chọn thân an hơn là phấn đấu. Nhìn gần hơn tính xa, vì xã hội trật tự đã định, khó ngoi lên. Nho giáo dần biến thành hủ hóa vì làm cho con người bị tùng phục, mất sự sáng tạo, giáo điều theo khuôn mẫu. Không còn hợp với xã hội hiện đại đòi hỏi quyền bình đẳng và nhân phẩm của từng cá nhân.





Ảnh hưởng của Nho giáo đã ngấm vào mọi khía cạnh của xã hội. Theo dòng người xa xứ vượt biên. Có những điều đáng giữ nhưng những điều nên thay đổi. Vài ví dụ nhỏ. Cái khoanh tay cúi chào ông bà có thể trở thành cái ôm gần gũi. Truyền thống tôn kính vâng lời thầy cô tuyệt đối nên thay đổi thành liên hệ anh chị em tinh thần. Để sự kính trọng vẫn còn đó, nhưng giúp cho cả hai bên cởi mở trong sáng tạo và học hỏi.

HÌNH ẢNH,AFP

Một đầm sen ở Hà Nội

Giáo Dục Nho Giáo

Giáo dục Nho Giáo là giáo dục từ chương, theo truyền thống ông đồ làng. Nó ngăn cản tư duy sáng tạo, khả năng phản biện, cách phân tích vấn đề, tư tưởng, và cởi mở từ trong nhà cho đến trường học. Thuộc lòng và tuyệt đối nghe lời thầy cô thì mới có điểm cao.

Người Việt Nam qua giáo dục nho giáo, khó cảm nhận những tư tưởng mới, nhất là từ người mà mình coi là phận dưới.

Dần định kiến thành tính bảo thủ. Trong xã hội nho giáo, con đường duy nhất để đổi đời cho hầu hết người nghèo là mài kinh sử để thi làm quan. Quan niệm "Một người làm quan, cả họ được nhờ", giúp cho ta hiểu, tại sao người Việt mình, khi có cơ hội, rất hiếu học. Dùng nó làm con đường tiến thân.


Nó giải thích tại sao nhiều gia đình Việt Nam bên Mỹ trọng học vấn, đẩy con đi trong một cái khung đã định sẵn để đảm bảo tương lai. Ít thì ra kỹ sư. Chịu khó hơn nữa là bác sĩ, luật sư. Trong gia đình Việt tại Mỹ thế hệ đầu, hiếm có sự sáng tạo, dám nghĩ và làm khác. Kết quả là sự có mặt của người Việt trong các nghành nghề ngoài truyền thống, không nhiều. Chủ công ty lớn lại càng ít hơn theo tỉ lệ.




Văn Hóa Làng Xã

Nho giáo khi đi vào bối cảnh làng xã, biến thành Việt giáo, để phù hợp với văn hóa địa phương. "Phép vua thua lệ làng". Làng xã phân chia chức vụ, qui tắc và nghi lễ. Trong môi trường xã hội Việt Nam, Người ta phải "Bán gia tài mua danh phận" để có chỗ ngồi cho sĩ diện. Cho dù dốt học đến đâu cũng ngồi mâm trên, nếu đã mua được danh chức.





Bị ảnh hưởng nho giáo nặng nề, đàn ông Việt Nam nhiễm tính gia trưởng. Trong gia đình, người cha là người có tiếng nói tuyệt đối. Từ nho giáo "Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu" trở thành "Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư".


Chuyện con tranh luận với cha mẹ không thể chấp nhận được. Trên bảo dưới phải nghe. "Tao sinh ra mày được thì tao phải biết hơn mày" câu nói quen thuộc như thế rất thường xuyên, khi hai thế hệ tranh luận. Mặc dù một số gia đình đã có tính cởi mở theo văn hóa mới, nhưng nhiều gia đình vẫn còn truyền thống gia trưởng nghiêm khắc.

Ngày xưa, trí thức trong xã hội Việt không nhiều, vì không có điều kiện hoặc trường học. Kiến thức chỉ hạn hẹp chung quanh khu mình ở. Ai kiến thức nhiều thì được kính trọng hơn. Thế nên người Việt thích khoe hiểu biết hạn chế của mình với người khác, hàng xóm, trên bàn nhậu, để được trọng vọng hơn. "cãi gông cổ" để bảo vệ ý kiến của mình, sinh ra tính sĩ diện, tự cao, tự đại và cố chấp.




Xã Hội Tá Điền/Bần Nông





Người dân Việt Nam ngày xưa bị đàn áp triền miên trong một xã hội chủ yếu là nông nghiệp. bần nông/tá điền làm mướn và tầng lớp thống trị. Điền chủ có nhiều ruộng cho tá điền thuê mướn. Người nghèo thiếu thốn đủ bề. Phải dạ, bẩm, thưa. Tước hết nhân phẩm và nhân quyền của họ.


Thành ngữ "Thấp cổ bé miệng" là cảm giác của người dân nghĩ rằng phận mình là con kiến trong xã hội. Vì đói khổ, trộm cắp là chuyện tự nhiên, nên người dân mong muốn một xã hội trật tự. Đã sẵn thiếu tôn trọng nhân phẩm, họ sẵn lòng sống ít tự do hơn để được an thân.


Nhưng bản thân trong máu thịt họ cảm thấy thiếu thốn, khi có cơ hội, lại hành xử thiếu văn hóa. Có lợi cho mình là không kể thủ đoạn, thành tính khôn vặt, miễn không ai biết. Khái niệm tự trọng, nhân phẩm và bình đẳng của các nước văn minh, hiếm có trong văn hóa Việt Nam.


Ngay trong xã hội Việt Nam hiện tại, bản thân người dân không ý thức được là họ bị áp bức. Hay dù nhận thức được, cũng chỉ chấp nhận để được yên thân với chính quyền.

Trong xã hội bình đẳng của Mỹ, dân Việt Nam, so với dân bản xứ, không ý thức được quyền lợi của họ và nhận thức được nhân phẩm của người khác. Vì bản thân thiếu tự trọng, nên tinh thần tôn trọng nhân phẩm người khác kém. Họ không ngại dùng từ mạt sát cá nhân. Nếu vì hành xử của một người nào họ không cãi lại được, thì họ có thể đáp trả bằng những từ thiếu tự trọng như thằng, con, đứa, v.v. Ngoài xã hội, có nhiều người đáng bậc cha chú đã chửi rủa, nhục mạ các cháu trong trang Facebook, khi các cháu trình bày quan điểm của riêng mình. Điều này càng đẩy xa các cháu khỏi cộng đồng chung của Người Việt.







Tính Nóng





Chắc có nhiều người trong chúng ta đã trải nghiệm được tính nóng của người khác và nhiều khi của chính mình. Tính nóng chung của người Việt hội tụ từ những yếu tố kể trên: Gia trưởng, cố chấp, văn hóa nho giáo, kiến thức hạn hẹp nhưng không cởi mở để lắng nghe, thiếu tôn trọng nhân phẩm.


Sau cùng, mất khả năng tự kiểm soát, khi bị dồn vào thế kẹt. Giận quá mất khôn. Đây là sự khác biệt rất rõ ràng với giáo dục Tây Phương mà con cháu Việt Nam tại Mỹ tiếp nhận từ nhỏ. Phần đông các cháu lớn lên ở Mỹ không mắc phải tính này.

Nho giáo có những điểm sáng rất đáng giữ, vì xã hội Mỹ có những vấn đề mà một số tinh hoa của văn hóa Việt Nam có thể giúp làm tốt hơn. Nhưng đây là cơ hội cho nhiều người trong chúng ta, trong đó có tôi, nhìn lại chính mình, để gạn bỏ một số tính tình không còn ưu điểm.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. BBC

No comments:

Bút ký PHIM HÀNH TRÌNH 50 NĂM do Thanh Tâm Film thực hiện

Khoảng 1977/1978, đọc tin tức trên nhiều báo Việt Nam, tôi nhận ra thân phận rất mong manh của thuyền nhân trong câu được “truyền tụng” lúc ...