Những phê phán đến từ nhóm quan điểm dân tộc chủ nghĩa thường cho rằng đa số, nếu không phải tất cả người Công giáo ủng hộ các chiến dịch quân sự của Pháp-Tây Ban Nha đánh vào Đại Nam.
Ngoại lệ thì có trí thức theo Công giáo như Nguyễn Trường Tộ cố gắng giúp triều đình vua Tự Đức canh tân, nhưng bất thành, theo quan điểm nói trên.
Gần đây, một số cây viết Công giáo khai thác lại các nghiên cứu cũ hơn về vai trò của một trí thức Công giáo khác, sống và hoạt động sớm hơn Nguyễn Trường Tộ và có những đóng góp lớn cho văn hóa Việt Nam.
Đó là Linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874), người làm phiên dịch cho phái đoàn Phan Thanh Giản – Lâm Duy Hiệp điều đình với Pháp, ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862).
Chẳng hạn bài của Linh mục Gioan Võ Đình Đệ đăng hồi 2014 trên trang của Tòa Giám mục Quy Nhơn đã dùng lại nhiều tài liệu của hai tác giả Lam Giang và Võ Ngọc Nhã trong sách về Linh mục Đặng Đức Tuấn xuất bản ở Sài Gòn trước 1975 để dựng lại ít nhiều các giai đoạn trong cuộc đời sóng gió của người xưa.
Một số kết luận cho rằng hướng đi “hợp lý nhất” cho người Công giáo VN là “kính Chúa, yêu nước”.
Tuy thế, đó mới chỉ là yêu cầu nhắm tới hành vi, còn về tư tưởng, có lẽ người ta cần tìm đến phần sâu thẳm hơn của các truyền thống tôn giáo, văn hóa khác nhau, nhằm kiến thiết một ý thức chung.
Linh mục Đặng Đức Tuấn đã cố gắng làm điều đó và để lại nhiều suy nghĩ sâu sắc, như một bài tiếng Anh của nhà nghiên cứu Wynn Wilcox gợi mở ra.
Wynn Wilcox đã đi sâu hơn câu chuyện cuộc đời Đặng Đức Tuấn để nghiên cứu bối cảnh chính trị phức tạp giai đoạn nửa sau Thế kỷ 19, khi Pháp trực tiếp tấn công Vương quốc Đại Nam, và chính sách lúc thì cấm đạo, lúc nới lỏng của triều đình nhà Nguyễn đặt nhiều người Công giáo vào tình thế rất khó khăn.
Qua phân tích các hoạt động tôn giáo, văn hóa và ngoại giao của Đặng Đức Tuấn, Wynn Wilcox đã đi đến kết luận về tính đa dạng, đa chiều của bản sắc người Công giáo Việt Nam thời kỳ đó, và bác bỏ cái nhìn hạn hẹp rằng 'Ai là Công giáo cũng là tay sai của quân viễn chinh Pháp'.
Đặng Đức Tuấn và các khối Công giáo Việt Nam
Bài “Đặng Đức Tuấn and the complexities of nineteenth-century Vietnamese Christian identity” của Wynn Wilcox, đăng trong cuốn “Vietnam and the West, New Approaches” (Cornell Univeristy 2010) nhận định rằng vào thế kỷ 19, Công giáo Việt Nam không tồn tại như một cộng đồng thuần nhất.
Đầu tiên là về sự có mặt của đạo Thiên Chúa tại Đàng Trong và Đàng Ngoài, như Linh mục Đặng Đức Tuấn viết trong nhiều bài diễn ca tiếng Nôm của mình.
Đó là sự hiện diện trong hòa bình cùng triều đình và các cộng đồng dân cư khác đã hai thế kỷ, cho tới khi pháo hạm của Pháp tới (1858).
Wynn Wilcox chia người Công giáo làm ba khối, khác nhau về nguồn gốc, xuất xứ, địa vị xã hội.
- Một là các làng Công giáo ở duyên hải miền Bắc (Đàng Ngoài cũ), đa số là nông dân, ngư dân;
- Hai là các điền chủ Công giáo ở phía Nam, con cháu của những người được sự bảo hộ của Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt (các sách của Pháp gọi ông là Phó vương);
- Ba là người Công giáo di cư tới miền Trung và sống nhiều quanh kinh đô tại Huế, nhiều người làm quan, và từng có liên hệ với các nhóm Công giáo hoặc sĩ quan, bác sĩ Pháp đi theo vua Gia Long trong cuộc kháng chiến chống Tây Sơn.
Cả ba nhóm này đều có bản sắc riêng, thái độ khác nhau trước xung đột của vua chúa nhà Nguyễn với thực dân Pháp. Có người tin theo các vị cha của họ hoàn toàn, có người đi theo Pháp vì quyền lợi vật chất, hoặc để tìm chỗ che chở khi bị truy bức, sát hại, và có những người khác không hề ủng hộ quân Pháp, theo Wilcox.
Nói cách khác, với không ít người, đạo Chúa đến với họ từ người Hà Lan, người Bồ Đào Nha và đôi khi từ các vị truyền giáo Pháp những thời trước nên không liên quan gì đến thực dân Pháp. 'Chúa Trời không phải người Phú Lang Sa', theo một câu nói.
Đặng Đức Tuấn sinh ra trong một gia đình thuộc nhóm thứ ba. Ông nội ông là Đặng Đức Siêu, một vị quan bỏ vùng của Tây Sơn chạy về phía Nam theo Nguyễn Ánh và trở thành người hầu cận của Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh (1779-1801).
Làm quan ở Bình Định, Đặng Đức Siêu lập ra một dòng họ trí thức Nho học, thông thạo Tứ thư Ngũ kinh và đi thi, nhưng vẫn là người Công giáo.
Cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-35) ít nhiều có sự ủng hộ của người Công giáo Gia Định đã làm bùng lên một làn sóng chống đạo thời vua Minh Mạng.
Tuy thế, Đặng Đức Tuấn vẫn quyết định đi thi với mong muốn ra làm quan, phụng sự triều đình.
Thi trượt tú tài, ông về quê làm nghề dạy học.
Năm 1841, ông được Đức ông Etienne Theodore Cuenot (1802-61) cho sang Penang học đạo và học kiến thức Âu-Á gần 10 năm.
Thành tài và được thụ phong linh mục, ông làm việc ở Bắc Kỳ và sau đó phụ trách xứ đạo ở Châu Me và Trung Tín, Quảng Ngãi.
Cuộc tấn công vào Việt Nam của hạm đội Pháp-Tây Ban Nha khiến triều đình Tự Đức tăng cường truy bắt Công giáo, và Đặng Đức Tuấn phải đi trốn, tới 1862 thì bị bắt.
Triều đình thừa nhận tài năng và trình độ ngoại ngữ của ông nên đưa ông vào làm thông ngôn của phái đoàn Phan Thanh Giản đi đấu trí với Pháp nhằm đòi lại đất bị mất.
Các sử liệu tiếng Việt cho hay ông đã tư vấn cho hai đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp trong tinh thần kiên quyết không để mất đất (sáu tỉnh Nam Kỳ) dù phải bồi thường chiến phí.
Bài của Linh mục Võ Đình Đệ có đoạn:
“... cha Đặng Đức Tuấn bày tỏ lập trường cương quyết giữ vững chủ quyền và sự nguyên vẹn lãnh thổ của Tổ quốc: “Phan, Lâm đòi Tuấn hỏi han: Tây xin nhiều quá, Tuấn bàn làm sao? Tuấn rằng: “Ông lớn lượng cao, Đòi bồi thì chịu, đừng giao tỉnh thành. Ý tôi thời vậy đã đành, Mặc lượng quan lớn quyền hành chủ trương.” Sau khi hòa ước được ký kết, vua Tự Đức ra Chỉ dụ bãi bỏ lệnh phân sáp, giáo dân bị phân sáp được trở về quê cũ và được trả lại điền thổ. Đây là chính sách chung của triều đình, trong đó có phần đóng góp công lao khá quan trọng bằng những lời điều trần của cha Đặng Đức Tuấn.”
Còn theo Wynn Wilcox, sau khi triều đình phải ký Hoà ước Nhâm Tuất, Đặng Đức Tuấn về quê ở Bình Định làm linh mục và gửi lên vua quan các bản điều trần kêu gọi canh tân đất nước.
Giá trị văn học và tầm nhìn lịch sử
Ngoài ra, ông còn để lại các tác phẩm văn chương mà Wylcox cho là đã đặt ra một cái nhìn khác, “cố gắng dung hòa đạo Nho và đạo Thiên Chúa nhằm kiến tạo hoà bình, thịnh vượng cho xứ sở của ông”.
Triết lý của Đặng Đức Tuấn, thể hiện qua tác phẩm 'Thuật tích việc nước Nam', mô tả đạo Chúa đến Việt Nam trong hòa bình, an lành đã 200 năm, từ đời nhà Lê (các đoạn sau tác giả Wilcox để nguyên văn tiếng Việt, và có phần dịch tiếng Anh đi kèm):
“Đạo Thiên Chúa giảng truyền nam thổ
Lê Hoàng triều vĩnh tộ cửu niên
Thái hòa ngùi báu đắc yên
Phiêu nhạn vấn tiếng viễn biên không trần
Nửa nghìn gặp hội phong vân
Nước nhà thịnh trị muôn dân an hòa...
... và sự hài hòa đó chỉ bị phá vỡ bởi nhà Tây Sơn, theo quan điểm phò nhà Nguyễn, chống Tây Sơn của gia đình ông:
“Hai trăm năm đã có hơn
Chiêu Thống kế vị Tây Sơn dấy loàn
Cho hay thiên vận tuần hườn
Thạnh suy, biến diệc, nguy an đổi dời...
Theo Wynn Wilcox, vị thế của Linh mục Tuấn không hề dễ dàng trong thời gian triều đình bức đạo hoặc trừng phạt người Công giáo cho mọi hành động bị cho là gây bất ổn hoặc thách thức quyền lực triều đình.
Thời Minh Mạng truy bức Công giáo, xử tử cả các nhà truyền đạo nước ngoài là thời kỳ khó khăn cho Đặng Đức Tuấn.
Đặc biệt, khi xảy ra vụ Dương Sơn – Cổ Lão gần Huế, nơi hai làng lương và giáo vì tranh chấp đất mà dẫn tới đánh nhau to, và triều đình vào cuộc, trừng phạt người Công giáo nặng nề, Linh mục Tuấn vẫn phải lên tiếng... qua thơ văn.
Ông viết với niềm tin rằng một vụ việc nhỏ, mang tính địa phương không nên là lý do cho các hoạt động đàn áp lớn:
“Máy thiên tạo hoá xoay vần
Khôn lường ý nhiệm, không phận lý màu
Dương Sơn, Cổ Lão cơ cầu
Kiện nhau giới hạn, thanh nhau đất làng...”
Sau vụ việc, triều đình bắt Linh mục Pháp Francois Jaccard, kết án tử hình nhưng sau không thi hành mà chỉ bắt giam tại gia ở Huế.
Tuy thế, ý chí muốn dung hòa Nho giáo và Công giáo của Linh mục Đặng Đức Tuấn bị thách thức nghiêm trọng bằng sự kiện hạm đội của Rigault de Genouilly bắn phá Đà Nẵng với yêu cầu “bảo vệ người Công giáo”.
Ông viết với sự thất vọng:
“Ít ngày nghe chuyện rõ ràng
Tây Dương tàu sứ Cửa Hàn dạo chơi
Trước đà bày chuyện báo đời
Rày còn tái lại, trời ơi là trời!”
“Thay vì nhìn đoàn tàu đế quốc như đoàn quân cứu tinh, Linh mục Đặng Đức Tuấn coi cuộc xâm lăng của Pháp là thảm họa, lần nữa mở lại vòng quay oan nghiệt: truy bức đạo, bạo lực và chiến tranh,” Wynn Wilcox viết.
Tựu trung lại, cuộc đời đầy sóng gió ở buổi giao thời của Linh mục Đặng Đức Tuấn đã để lại nhiều ý nghĩa cho lịch sử Việt Nam cận đại.
Đóng góp lớn nhất của ông, qua văn chương tiếng Việt, là tạo ra một tự sự khác hẳn cách nhìn Nho giáo bảo thủ, cố thủ trước văn minh Phương Tây, cũng như cách nhìn thần phục người châu Âu.
Ông cổ vũ cho lý tưởng hòa bình, trật tự và hài hòa mà ông cho là đã có sẵn cả trong truyền thống Thiên Chúa giáo và truyền thống Khổng giáo.
“Khi Việt Nam có vua hiền, quân vương và có ảnh hưởng của người Thiên Chúa giáo tốt thì sự bình trị lên ngôi, còn khi vắng bóng cả hai thì hỗn loạn nổ ra. Cuộc chiến với Pháp chính là cú đánh phá vỡ trật tự và bình yên, nên nó có thể xem như là hậu quả tai hại của các cuộc bức hại người theo đạo, chứ không phải là hành vi chính đáng nhằm ngăn chặn các vụ truy bức,” Wynn Wilcox kết luận bài viết bằng lời đánh giá về tư tưởng của Linh mục Đặng Đức Tuấn.
Sau nhiều cuộc chiến vì xung đột quốc tế mà nội hàm luôn có xung khắc ý thức hệ, tư tưởng, tôn giáo giữa người Việt, bài học Đặng Đức Tuấn để lại cho trí thức Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị.
Đó là sự dũng cảm đi tìm điểm chung, dung hòa các truyền thống tưởng như trái ngược nhau, vì hòa bình cho quốc gia, dân tộc và sự hài hòa niềm tin.
Xem thêm bài cùng tác giả:
No comments:
Post a Comment