TỔNG QUÁT
Zvezda Kh-35 (Mã GRAU: 3M24, NATO gọi là AS-20 “Kayak”) là phiên bản phóng từ máy bay phản lực của một loại hỏa tiễn chống tàu do Nga sản xuất. Cùng một loại hỏa tiễn có thể phóng từ trực thăng, các tàu mặt nước và các khẩu đội phòng thủ bờ biển với sự trợ giúp của tầng đẩy phản lực, trong trường hợp đó nó được gọi là Uran (SS-N-25 Switchblade). Loại hỏa tiễn này cũng có biệt danh Harpoonski vì trông bề ngoài khá giống loại tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon của Mỹ. Nó được thiết kế để tấn công các tàu thuyền có tải trọng lên tới 5,000 tấn. Loại hỏa tiễn này được dùng để thay thế cho các hỏa tiễn P-15 Termit bị lỗi thời cũng như dùng cho việc xuất khẩu.
Từ 2001 đến 2015, Nga Sô cung cấp cho Việt Nam khoảng 198 Kh-35E gắn trên các chiến hạm với tầm xa 150 km. Từ tháng 6/2016 đến tháng 5/2020, Việt Nam bắt đầu sản xuất hàng loạt loại chống hạm KCT-15 và gần đây nhất là biến thể VCM-01 với tầm xa 300 km và đầu nổ 300 kg với 3 chủng loại phóng trên các chiến hạm, phi cơ và phòng thủ duyên hải. Riêng về phòng thủ duyên hải, hệ thống này là một phần trong hệ thống tích hợp phòng thủ bờ biển di động 3K60 Bal/SSC-6 Sennight.
Kh-35
Đặc tính:
Loại: Hỏa tiễn không đối hạm, đất đối hạm, hạm đối hạm – Bắt đầu sử dụng từ 1983.
Nơi chế tạo: Liên Xô năm 1983 – Biến cải: Ấn Độ - Việt Nam.
Thiết kế: Tập đoàn hỏa tiễn chiến thuật Zvezda của Nga.
Giá thành: Khoảng $500,000 USD/quả.
Tầm hoạt động: Kh-35: 130 km (70 nmi) - Kh-35U: 250 km.
Tốc độ: Mach 0.8.
Hệ thống dẫn đường: quán tính và radar chủ động.
Nền phóng: Phi cơ – Chiến hạm – Bờ biển.
Loại KCT-15 do Việt Nam chế tạo: Loại này dựa theo phiên bản Kh-35E của Nga.
Loại KCT-15 của Việt Nam
Bài viết trên Sputnik cho biết, gần đây, trên cổng thông tin Đất Việt (baodatviet.vn) đăng tải một bài viết tiếp theo về triển vọng Việt Nam hợp tác quân sự - kỹ thuật với nước ngoài. Đó là khả năng Việt Nam sẽ mua một phần công nghệ chế tạo tên lửa chống hạm “Exocet” của Pháp (RCC). Bài báo đã nêu ý kiến Việt Nam sẽ mua công nghệ sản xuất hệ thống dẫn đường của tên lửa Pháp và tích hợp nó vào hỏa tiễn chống hạm KCT-15 do Việt Nam chế tạo dựa trên nguyên bản tên lửa Kh-35 của Nga. Tác giả tin rằng việc này “sẽ cho phép hỏa tiễn Việt có được những lợi thế tốt hơn so với Kh-35 phiên bản gốc”.
Tác giả bài viết trên Sputnik là ông Dmitry Shorkov nhấn mạnh, để chứng minh quan điểm của mình, tác giả bài báo (Đất Việt) dẫn chứng kinh nghiệm của Ấn Độ, được cho là sử dụng công nghệ Pháp để cải thiện tính chính xác cho tên lửa PJ-10 “BrahMos” – sản phẩm hợp tác chế tạo với Nga. Ông Dmitry Shorkov trích dẫn một đoạn trong bài báo của Đất Việt làm dẫn chứng: “hỏa tiễn BrahMos - sản phẩm hợp tác với Nga được Moscow cung cấp động cơ còn New Delhi phát triển hệ thống dẫn đường. Nhưng trình độ có hạn của phía Ấn Độ đã khiến thời gian đầu xác suất trúng mục tiêu của PJ-10 rất thấp. Để nhanh chóng cải thiện tình hình, Quốc Vụ khanh phụ trách quốc phòng Ấn Độ – ông Inderjit Rao Singh trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đề nghị Paris trợ giúp kỹ thuật. Kết quả thu được là rất đáng khích lệ, tỷ lệ trúng đích của BrahMos hiện nay đã lên tới 100%. Có lẽ cũng nên tham khảo cách làm của Ấn Độ bằng việc nhập khẩu công nghệ dẫn đường của hỏa tiễn Exocet rồi tích hợp lên KCT-15, điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ công việc, thậm chí còn giúp hỏa tiễn của Việt Nam sở hữu nhiều ưu điểm hơn cả Kh-35 nguyên bản.
Tên lửa chống hạm KCT-15 của Việt Nam được thiết kế như một loại vũ khí bổ sung (hoặc một sự thay thế có thể trong điều kiện chiến đấu thực tế) nguyên bản hỏa tiễn Nga Kh-35 “Uran-E” đã được trang bị cho hai loại tàu mặt nước của Nga trong biên chế Hải quân Việt Nam là tàu tên lửa lớp “Molniya” và tàu hộ vệ tên lửa lớp “Gepard”. Hỏa tiễn hành trình chống hạm KCT-15 khi được áp dụng một vài thay đổi về công nghệ dẫn đường có thể trở thành phiên bản tấn công mặt đất.
Dự tính Việt Nam sẽ tự sản xuất với số lượng rất lớn, ước chừng lên tới con số 3,000 quả hỏa tiễn chống hạm KCT-15, bao gồm cả 3 biến thể: phóng từ tàu mặt nước, phóng từ trên không và phóng từ đất liền.
Ngoài ra Việt Nam cũng có quyền xuất khẩu KCT-15 sang bất kỳ nước nào, giống như trường hợp Ấn Độ xuất khẩu hỏa tiễn BrahMos. Sự bổ sung số lượng lớn vũ khí tối tân trên sẽ giúp năng lực phòng thủ của chúng ta tăng vượt bậc so với hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh đó, tiềm năng phát triển của KCT-15 được cho là vẫn chưa khai thác hết. Cần lưu ý rằng hiện nay hầu hết tên lửa chống hạm đều đã có thêm cả biến thể tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Việc chỉnh sửa nhằm hoán đổi công năng theo nhận định cũng không quá khó khăn, chỉ cần thay thế đầu dò radar chủ động bằng đầu dò so khớp ảnh địa hình, kết hợp với hệ thống tham chiếu, hiệu chỉnh đường bay thông qua định vị toàn cầu GPS hoặc GLONASS … thì sẽ có một vũ khí như ý muốn.
Nếu chế tạo thành công tên lửa KCT-15 đối đất, các chiến hạm hiện nay của Hải quân Việt Nam như Gepard 3.9, Molniya 1241.8 hay cả BPS-500 sẽ chẳng cần nâng cấp để mang hỏa tiễn Kalibr cũng có thể tung đòn tấn công tầm xa cực kỳ lợi hại. Với trọng lượng nhỏ, nhẹ, giá thành ước tính chỉ bằng 1/3 so với Kalibr và dự kiến còn được ứng dụng công nghệ dẫn đường cùng thuật toán điều khiển tiên tiến giúp tầm bắn tăng vọt lên 300 km (so với 130 km của Kh-35 Uran-E), một tàu cỡ nhỏ như Molniya 12418 cũng có thể mang theo ít nhất 8 quả KCT 15 bản đối đất để bất ngờ tiếp cận căn cứ đối phương rồi tung đòn sấm sét. Rõ ràng việc chế tạo thêm phiên bản đối đất của hỏa tiễn KCT-15 sẽ mang lại lợi ích rất lớn, công nghệ cũng không còn là điều quá cao siêu như một vài thập niên trước nữa. Vì vậy không loại trừ khả năng sau khi đã làm chủ quá trình sản xuất KCT-15 đối hạm, Việt Nam sẽ cho ra đời nốt biến thể cuối cùng.
Phiên bản VCM-01 do Việt Nam chế tạo: VCM-01 được xuất hiện vào năm 2017. Trong phóng sự "Viettel hướng đến Tập đoàn công nghệ - viễn thông toàn cầu" của Kênh Truyền hình Quốc phòng ngày 31/3/2017 đã có một thông tin rất đáng chú ý. Trong buổi làm việc, tập đoàn đã cho biết sẽ chuyển dịch từ một công ty viễn thông truyền thống thành một công ty sáng tạo dịch vụ mới, phấn đấu trở thành một tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, phát triển được các công cụ vũ khí về tác chiến không gian mạng.
Thật sự nếu nhìn từ bề ngoài thì VCM-01 chẳng khác gì BCT-15. Hai cải tiến mới từ KCT-15 qua VCM-01:
Động cơ phản lực turbojet SSE-750K: Việt Nam được cho là đang xúc tiến đàm phán với phía Hàn Quốc để mua động cơ phản lực Turbojet SSE-750 do Samsung chế tạo. Tạp chí Military Review cho biết, phía Hàn Quốc đang trong quá trình đàm phán với Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu động cơ phản lực SSE-750K nhằm phục vụ chương trình chế tạo tên lửa hành trình chống hạm nội địa. Sự khác biệt chính giữa các động cơ SSE-750K thế hệ mới và động cơ SS-760K đời cũ là mức độ nội địa hóa ở những thành phần quan trọng, còn về bề ngoài và cấu tạo thì hoàn toàn tương đồng. Nếu như động cơ SS-760K sử dụng nhiều thành phần nhập khẩu từ nước ngoài thì SSE-750K lại dùng phần lớn linh kiện trong nước, giúp giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường vũ khí quốc tế. Ngoài cung cấp nguyên chiếc, nhà sản xuất động cơ phản lực cỡ nhỏ SSE-750K còn cho biết họ sẵn sàng chuyển giao công nghệ để đối tác có thể sản xuất tại chỗ, đây chính là yếu tố cực kỳ hấp dẫn khách hàng nước ngoài. Được biết Việt Nam đã quan tâm đến việc nhập khẩu động cơ tên lửa từ Hàn Quốc trong một thời gian dài nhưng chưa tìm thấy nhà cung cấp phù hợp, bởi không dễ để bộ phận động lực phù hợp với khung vỏ tên lửa có sẵn. Với thực tế trên, chưa rõ sắp tới Việt Nam có ý định lắp các động cơ phản lực turbojet SSE-750K cho một dòng tên lửa hành trình chống hạm hoàn toàn mới hay không. Phương án khác được nhắc tới là Việt Nam sẽ chế tạo hàng loạt tên lửa KCT-15 (phiên bản sản xuất theo giấy phép dựa trên Kh-35 Uran-E của Nga) với cải tiến như đã nói ở trên.
SSE-750K
Hệ thống dẫn đường mới của Viettel: Trong buổi làm việc, đơn vị đã cho biết sẽ chuyển dịch từ một công ty viễn thông truyền thống thành một công ty sáng tạo dịch vụ mới, phấn đấu trở thành một tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, phát triển được các công cụ vũ khí về tác chiến không gian mạng, với mục tiêu xây dựng Viettel trở thành một tập đoàn công nghệ viễn thông toàn cầu. Sau khi nêu ra hướng đi như trên, Viettel đã giới thiệu với đoàn công tác một vài sản phẩm tiêu biểu của mình như đài radar cảnh giới P-18 nâng cấp, hay radar bắt thấp VRS-2DM, cùng máy bay không người lái Viettel Patrol … Tuy nhiên nổi bật phải là tấm bảng "Hệ thống sản phẩm theo mô hình C4ISR". Bên cạnh các sản phẩm từng được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, đã xuất hiện hình ảnh của một loại tên lửa đối hải mới với tên định danh VCM-01.
VCM-01
Những chi tiết được giấu kín: Cho đến cuối năm 2020, Việt Nam vẫn chưa có những tin tức về giá cả nội địa của loại tên lửa này cũng như Việt Nam đã sản xuất được bao nhiêu. Những tin tức về việc Việt Nam mua Brahmos của Ấn Độ cũng không được tiết lộ.
KẾT LUẬN
Việt Nam là một nước nhỏ với khả năng giới hạn. Bí quyết để chống lại nước lớn như Trung Quốc là mua một phần công nghệ chế tạo của các cường quốc tiên tiến trên thế giới rồi tích hợp lại chế tạo trong nước với giá thành rẻ hơn. Nếu Việt Nam có thể chế tạo được khoảng 3,000 tên lửa chống hạm nội địa thì khả năng phòng thủ của mình sẽ được cải thiện rất nhiều.
THAM KHẢO
Kh-35 from Wikipedia, the free encyclopedia - Wikipedia tiếng Việt
Bài Viết “Tên lửa KCT 15 Việt Nam sẽ có thêm phiên bản tên lửa tấn công mặt đất” đăng trên mạng Admin ngày 5/1/2020.
Bài viết “Việt Nam mua động cơ Hàn Quốc để tích hợp vào tên lửa chống hạm nội địa?” đăng trên mạng Doanh Nghiệp Việt Nam ngày 25/02/2020.
Nguyễn Mạnh Trí
No comments:
Post a Comment