Đài Phát Thanh Saigon Dallas – 1600 AM
CHƯƠNG TRÌNH VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
Phỏng vấn Điệp Mỹ Linh
Phượng Vi
Thực hiện, Jan/27/2021
Phượng Vi.- Thưa quý thính giả, hôm nay Chương Trình Văn Học Nghệ Thuật mời nhà văn Điệp Mỹ Linh trình bày những câu chuyện rất thú vị về cuộc đời, qua những tác phẩm của bà, nhất là cuốn Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975. Đây là một tài liệu lịch sử quý giá và được biết bà đang chuyển ngữ sang tiếng Anh để thế hệ trẻ có thể đọc và hiểu được.
Kính chào cô Điệp Mỹ Linh, rất vui được cô nhận lời nói chuyện hôm nay. Cô khỏe không. Houston mưa nắng ra sao?
ĐML.- Điệp Mỹ Linh xin trân trọng kính chào quý thính giả, mến chào cô Phượng Vi. Houston mấy hôm nay trời âm u, mưa nhè nhẹ. Hôm nay nắng, đẹp.
Phượng Vi.- Thưa cô, cầm cuốn Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, Phượng Vi cảm thấy ngưỡng mộ một phụ nữ tài năng như cô, đã bỏ công viết một cuốn sách quân đội rất kỹ lưỡng. Để hoàn thành cuốn tài liệu này cô đã mất bao nhiêu thời gian? Bắt đầu như thế nào để cô có cảm hứng viết được một tác phẩm đồ sộ và giá trị như thế?
ĐML.- Cảm ơn lời khen tặng của cô. Tôi bắt đầu viết cuốn tài liệu Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 vào đầu năm 1976; xuất bản năm 1990.
Trong thời gian cuộc chiến Việt Nam ở vào giai đoạn quyết liệt, tôi muốn viết tường thuật về những trận chiến trong các vùng sông rạch; vì vậy, tôi thường tháp tùng các cuộc hành quân hỗn hợp trên sông của nhiều đơn vị tác chiến Hải Quân. Chính trong các cuộc hành quân hỗn hợp đó tôi mới thấy được tận mắt sự can cường, sự liều lĩnh đến độ phi thường cũng như sự hy sinh vô bờ của người Lính Việt Nam Cộng Hòa (V.N.C.H.). Cũng chính trong các cuộc hành quân trên sông rạch đã khơi dậy trong tim tôi tình yêu Quê Hương nồng nàn; vì tôi nhận ra vẻ đẹp thầm kín của Quê Mẹ đau thương ẩn hiện trên những dòng sông đầy mìn bẫy do cộng sản Việt Nam (c.s.V.N.) cài đặt.
Từ tình yêu Quê Hương, từ lòng cảm phục của tôi đối với người lính V.N.C.H. và cũng từ biến cố 30 tháng Tư, 1975, nhìn cả Hạm Đội Hải Quân V.N.C.H. lầm lũi tiến, cố đưa đồng bào và quân bạn thoát khỏi gông cùm của c.s.V.N., tôi dành cho quân chủng Hải Quân V.N.C.H. tất cả niềm thương mến. Thế là những truyện ngắn, tùy bút, hồi ký của tôi thường có liên quan đến Hải Quân.
Nhờ đọc những bút ký và truyện ngắn của tôi, cựu Trung Tướng Vĩnh Lộc –nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng cuối cùng của Quân Lực V.N.C.H. – khuyên tôi nên viết về cuộc di tản của Hải Quân V.N.C.H.
Nhận thấy viết về cuộc di tản của Hải Quân năm 1975 là một dự án quá lớn lao, tôi từ chối. Sau đó, bất cứ khi nào gặp tôi, cựu Trung Tướng Vĩnh Lộc cũng nhắc nhở, khuyến khích tôi viết về cuộc di tản. Tôi chỉ cười.
Hôm dự tiệc tại nhà tôi, Tướng Vĩnh Lộc ở lại sau cùng để kể cho ông Minh – Bố của các con tôi – và tôi nghe về trận chiến hào hùng, đẫm máu tại cứ điểm chiến lược Pleime, khi Tướng Vĩnh Lộc là Tư Lệnh Quân Đoàn II.
Tôi bị xúc động mạnh về sự chiến đấu hào hùng của quân nhân V.N.C.H. đồn trú tại Pleime. Thế là truyện ngắn Người Trở Lại Pleime ra đời và tôi nhận lời của Tướng Vĩnh Lộc để viết về cuộc di tản mang tích cách lịch sử của Hải Quân V.N.C.H.
Tôi khởi viết cuốn Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 bằng những cuộc phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại có thu băng. Nhiều vị không đồng ý trả lời qua điện thoại, ông Minh và tôi – vào cuối tuần – phải “bay” đến thành phố các vị đó cư ngụ để tôi lo việc phỏng vấn và ông Minh cũng có niềm vui riêng với bạn hữu.
Tất cả sĩ quan cao cấp, các vị Hạm Trưởng và hầu hết Chỉ Huy Trưởng các đơn vị tác chiến Hải Quân đều hết lòng giúp tôi. Thời điểm đó computer chưa được thông dụng. Tôi phải nghe băng, viết ra, chọn lựa, đúc kết, tổng hợp theo thứ tự đơn vị, thời gian và vùng hành quân. Tôi cũng phải mượn tài liệu từ thư viện Hoa kỳ để tìm hiểu về những chi tiết không thuộc phạm vi Hải Quân V.N.C.H.
Phượng Vi.- Khi liên lạc với cô, được biết phu quân của cô là Hải Quân trung tá Hồ Quang Minh, ông không thích cô đàn, không thích cô viết, như vậy trong khi cô viết rất nhiều, phỏng vấn nhiều nhân vật, thì cô phải làm sao để hoàn thành nhiều mục như thế? Nhất là trong những trận chiến cuối cùng, một mất, một còn với Việt cộng, như cuộc rút quân tại các vùng duyên hải: Qui Nhơn, Nha Trang, Thuận An, v.v...khi viết những tài liệu đó, cô phải làm sao?
ĐML.- Như phần trên tôi đã trình bày: Tôi không có mặt trong các cuộc rút quân từ vùng I Duyên Hải. Những chi tiết chính xác trong các cuộc rút quân bằng đường thủy dọc theo lãnh hải của V.N.C.H. là do sự tường thuật rất trung thực của tất cả Hạm Trưởng đã tham dự các cuộc chuyển quân và dân từ Vùng I, vùng II Duyên Hải về Phú Quốc và Saigon. Tôi chỉ là người ghi lại, sắp xếp theo thứ tự thời gian và không gian.
Về câu hỏi có tính cách riêng tư, tôi xin xác định: Thời mới lớn, tôi không có ước vọng cầm bút. Từ bé, tôi rất say mê và có năng khiếu về âm nhạc; nhưng Ba Má tôi nhất quyết không cho tôi trở thành nghệ sĩ trình diễn – dù nhạc sĩ Minh Kỳ và nhạc sĩ Canh Thân đã nhiều lần khuyến khích Ba tôi. Tôi từng đàn Accordéon và hát trong ban ca nhạc Bình Minh, đài phát thanh Nha Trang, từ giữa thập niên 50 đến đầu thập niên 60; dùng tên thật, Thanh Điệp.
Không ngờ, sau đám cưới, ông Minh mới tỏ ý không muốn tôi chơi đàn hoặc tiếp tục đường học vấn – thời điểm đó tôi đang học tại trường đại học Luật Khoa Saigon – vì ông Minh chỉ muốn tôi dành thì giờ cho chồng con.
Thấy tôi buồn vì không chơi đàn nữa, Ba tôi – bút hiệu Điệp Linh – dạy tôi viết văn. Tôi lại không ngờ ông Minh cũng không muốn tôi viết văn; thế là tôi phải dùng vài bút hiệu khác nhau như Nguyễn Thị Kiều Lam, Thủy Điện, Điệp Mỹ Linh.
Tôi đàn, ông Minh có thể biết, vì phát ra âm thanh; nhưng tôi viết, ông Minh khó biết. Những lần tháp tùng các cuộc hành quân hỗn hợp, trong khi ông Minh đứng gần mũi chiếc Command để trực tiếp chỉ huy, tôi ngồi bên trong, quan sát chiến trận và ghi chép. Khi ông Minh đi họp hành quân, tôi viết, cho vào phong bì, ghi địa chỉ tòa báo, gửi tiền, nhờ mấy anh hỏa đầu vụ – lúc đi chợ – ghé bưu điện, mua tem, gửi giùm tôi. Đó là lý do trước tháng Tư năm 1975 tôi không thể viết nhiều.
Sau khi tị nạn tại Hoa Kỳ tôi mới nhận ra vị thế của người phụ nữ không phải chỉ là cái bếp, ông chồng và đàn con. Thế là tôi “tuyên chiến” với ông Minh! Ông Minh chỉ im lặng. Sau đó, khi nào ông ấy vui, ông ấy để yên cho tôi viết; khi nào ông ấy không vui, tôi ra nhà lan hoặc garage để viết. Đó là lý do tại sao suốt mấy mươi năm qua, cuốn tài liệu Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 vẫn chưa được dịch ra ngoại ngữ; vì ông Minh bảo khi thực hiện cuốn tài liệu đó, chỉ tiền máy bay để tôi đi phỏng vấn cũng nhiều rồi. Gần đây tôi mới tìm được người để chuyển ngữ cuốn tài liệu Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975, từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Phượng Vi.- Bây giờ Phượng Vi xin được trích đọc đoạn Hải Vận Hạm Hương Giang, HQ 404, Đón Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I, trong phần Cuộc Rút Quân Tại Đà Nẵng, thuộc chương V của phần Những Biến Chuyển Quân Sự và Các Cuộc Rút Quân để quý thính giả hiểu được phần nào tình cảnh bi đát trong các cuộc rút quân.
“...Khuya 29 tháng 3, khoảng 12 giờ 30, Hạm Trưởng HQ 404 – Hải Quân Trung Tá Nguyễn Đại Nhơn – nhận được mật lệnh từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân: “Chỉ thị HQ 404 đúng 04 giờ 30 sáng 30 tháng 03 năm 1975, vào cách bờ 05 hải lý để đón Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I!”
30 tháng 3, đúng 4 giờ sáng, Trung Tá Nhơn báo cáo đã đến điểm hẹn. Bộ Tư Lệnh Hải Quân chỉ thị HQ 404 thả trôi lềnh bềnh, chờ lệnh trực tiếp từ Tổng Tham Mưu.
8 giờ sáng, không thấy lệnh mới, Trung Tá Nhơn liên lạc Bộ Tư Lệnh Hải Quân xin chỉ thị; được trả lời: “Cứ lềnh bềnh ở đó, chờ lệnh.”
10 giờ sáng, Hạm Trưởng HQ 404 sốt ruột, dùng máy truyền tin PRC 25 liên lạc bằng bạch văn với Tư Lệnh Hạm Đội – Hải Quân Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn – được trả lời: “Tôi không có thẩm quyền gì về chiến hạm của anh cả. Anh hãy chờ lệnh từ Tổng Tham Mưu. Tuy nhiên, cho anh hay là Trung Tướng Trưởng đang ở trên bờ, trước mặt anh đó.”
Khoảng 2 giờ trưa cùng ngày, từ Bộ Chỉ Huy Thủy Quân Lục Chiến ở căn cứ Non Nước, nhân viên canh phòng thấy HQ 404 vào, liền trình lên thượng cấp.
Biết chiến hạm vào đón, Thủy Quân Lục Chiến tận dụng phao, poncho và tất cả vật nổi để làm bè. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cùng bơi ra chiến hạm HQ 404 với những người lính đã từng sống, chết với Ông qua nhiều chặng đường binh nghiệp gay go!
Trên HQ 404, cũng như tại căn cứ Thủy Quân Lục Chiến ở Non Nước, Bộ Tham Mưu Thủy Quân Lục Chiến thảo công điện theo chỉ thị của Tướng Trưởng để gửi về Saigon.
5 giờ chiều, Bộ Tư Lệnh Hải Quân chỉ thị HQ 5 – Soái Hạm – đón Tướng Trưởng từ HQ 404 sang; vì HQ 5 đầy đủ tiện nghi.
Tuy cuộc rút quân thê thảm trong vịnh Đà Nẵng chưa chấm dứt, nhưng HQ 404 và HQ 5 vẫn chuẩn bị nghi lễ đúng truyền thống Hải Quân để đưa và đón Tư Lệnh Quân Đoàn I – Trung Tướng Ngô Quang Trưởng.
Hạm Phó HQ 5 – Hải Quân Thiếu Tá Hồ Văn Kỳ Tường – mang sang HQ 404 mật điện của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Thiếu Tá Tường được Hạm Phó HQ 404 hướng dẫn gặp Tướng Trưởng. Tướng Trưởng rời giường ngủ của đoàn viên, cầm mật điện, xé ra, đọc. Đọc xong, Tướng Trưởng ra lệnh cho Thiếu Tá Tường: “Báo cáo với Saigon là tôi xin được ở đây với anh em Thủy Quân Lục Chiến chứ không đi đâu cả.”
Yêu cầu của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được Tổng Thống Thiệu chấp thuận.”
Thưa cô, ngòi bút của cô đã cho thấy một cảnh chiến tranh rất khốc liệt một tháng trước khi kết thúc. Khi chứng kiến những cuộc hành quân, những trận đánh rất bi hùng, lúc ấy và cho tới khi ghi lại, cô có cảm giác như thế nào đối với quân đội V.N.C.H. nói chung và quân chủng Hải Quân nói riêng?
ĐML: Nhờ thấy tận mắt sự chiến đấu can cường và bền bỉ cũng như sự hy sinh vô tận của người Lính V.N.C.H., lúc nào tôi và ngòi bút của tôi cũng dành cho người Lính V.N.C.H. tất cả sự trân quý. Riêng về Hải Quân V.N.C.H., tôi nhận thấy có hai sự kiện rất đặc biệt trong lịch sử cận đại mà các quân, binh chủng khác không có cơ hội để thực hiện – đó là trận Hải Chiến chống Trung cộng tại Hoàng Sa và cuộc di tản rất bi hùng, vào cuối tháng Tư năm 1975.
Nhờ cuộc di tản vĩ đại do Hải Quân V.N.C.H. thực hiện vào cuối tháng Tư, 1975, đài BBC đưa tin, cho nên đồng bào trong nước mới biết người tị nạn được thế giới Tự Do đón nhận; thế là vạn vạn người liều chết, trốn khỏi sự trả thù dã man của c.s.V.N. để tìm Tự Do.
Cũng nhờ cuộc di tản bi hùng của Hải Quân V.N.C.H. và những cuộc vượt biển, vượt biên của người Việt liều chết, trốn chạy khỏi sự cai trị sắt máu của c.s.V.N. mà ngày nay chúng ta có được thế hệ di dân thứ hai với những thành quả rất tuyệt vời, trên mọi lãnh vực – kể cả chính trị và quân sự.
Phượng Vi.- Khi các chiến hạm rời Việt Nam, hướng về Subic Bay, lúc ấy cô biết miền Nam đã thất thủ phải không? Quân nhân Hải Quân có tiên liệu cuộc chiến đã đến hồi chấm dứt hay không? Trên chuyến hải hành cuối cùng, cảm giác của cô ra sao?
ĐML.- Trong phần phỏng vấn những nhân vật liên hệ đến Chuyến Ra Khơi Cuối Cùng của Hải Quân V.N.C.H., Tư Lệnh Hải Quân cuối cùng – Nguyên Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang – đã trả lời câu hỏi của Điệp Mỹ Linh như thế này: “Lúc đó tôi có ý định đưa gia đình binh sĩ Hải Quân ra tạm trú tại Phú Quốc để binh sĩ yên lòng trở lại miền Tây chiến đấu chứ tôi không có ý biến Phú Quốc thành một ‘Đài Loan Việt Nam’…” Câu trả lời của cựu Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang cho thấy rằng Hải Quân và gia đình Hải Quân V.N.C.H. không bao giờ nghĩ rằng miền Nam Việt Nam sẽ mất vào tay c.s.V.N.
Riêng cá nhân tôi, tôi xin trích một đoạn ngắn trong bài Nỗi Niềm Của Người Vợ Lính của Điệp Mỹ Linh để nói lên tình cảm của tôi. Đoạn ấy như thế này: “Năm 1973, sau khi ký hiệp định ngưng chiến tại Paris, Mỹ rút quân và cắt đứt mọi viện trợ – gồm có vũ khí, quân dụng, quân trang và tiếp liệu – cho V.N.C.H. trong khi c.s.V.N. vẫn âm thầm nhận viện trợ quân sự từ Trung cộng và Nga.
Ông Bà mình thường bảo: ‘Hai thằng đánh một, không chột cũng què’. Thời chiến tranh Việt Nam, V.N.C.H. bị đến ba “thằng” – c.s.V.N., Trung cộng và Nga – hùa nhau đánh thì một mình V.N.C.H. chống nổi hay không?” Đó chỉ là sự lo âu của tôi chứ tôi cũng vẫn không tin rằng c.s.V.N. sẽ chiếm được miền Nam.
Trên chuyến hải hành vô định, năm 1975, tôi rất buồn và đau khổ; vì em tôi, bạn hữu của tôi đã chiến đấu đến cùng, nhưng phải kẹt lại để nhận sự trả thù tàn độc của c.s.V.N.; và cũng vì em ruột của ông Minh đã tử trận tại Bình Long rồi hình ảnh người Lính V.N.C.H. bê bết máu mà tôi đã thấy tận mắt tại U Minh, Chương Thiện cứ chờn vờn trong tâm tưởng tôi!
Phượng Vi.- Sau đây, Phượng xin đọc một đoạn ngắn trong phần Hướng Về Subic Bay để thính giả có thể thấu hiểu được niềm đau khổ và nỗi thống hận của những người đã bị c.s.V.N. cướp đi phần đất mà chính c.s.V.N. đã ký Hiệp Ước chia đôi nước Việt, năm 1954: Miền Nam thuộc Quốc Gia; miền Bắc thuộc cộng sản.
Đoạn ấy như thế này: “… Tối 29 tháng 4, ông Richard Lee Armitage rời Saigon bằng trực thăng và đáp xuống chiến hạm Blue Ridge thuộc Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ.
Tại chiến hạm Blue Ridge, ông Armitage yêu cầu được gặp Đề Đốc Donald Whitmire, Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.
Khi gặp Đề Đốc Whitmire, ông Armitage thỉnh cầu Đề Đốc Whitmire liên lạc với Ngũ Giác Đài để được Ngũ Giác Đài xác nhận vai trò của Ông; đồng thời ông Armitage cũng nhờ Đề Đốc Whitmire xin Ngũ Giác Đài cho phép trợ giúp Hải Quân V.N.C.H.
Sau khi được Ngũ Giác Đài cho phép, ông Armitage trở lại Côn Sơn với hai chiến hạm Hoa Kỳ, gặp Hạm Đội Hải Quân V.N.C.H.. Tại Côn Sơn, ông Armitage chuyển sang Soái Hạm, HQ 3, và hướng dẫn Hạm Đội Việt Nam đến Phi Luật Tân.
Dù Quân Lực đã tan rã, dù Quê Hương đã rơi vào tay kẻ thù, dù chưa ai biết mình sẽ đi về đâu và dù rất nhiều quân nhân Hải Quân không đem gia đình theo được, v. v…truyền thống Hải Quân vẫn được thể hiện cao độ trong thời điểm bi hùng này! Nếu không có khối lượng đồng bào và quân bạn trên những chiến hạm; nếu không có những quân nhân Hải Quân, ban ngày thi hành khẩu lệnh của cấp trên, ban đêm tựa boong tàu, âm thầm lau nước mắt, nhớ đứa con thơ, thương người vợ trẻ còn kẹt lại quê nhà thì không ai có thể biết được đây là Hạm Đội của một Quân Lực vừa được lệnh buông súng, hàng giặc!
Trong quân sử chưa có cuộc rút quân của bất cứ một đại đơn vị nào mà quân dụng được bảo toàn tối đa, kỷ luật được tôn trọng tuyệt đối và tình người được dâng cao chất ngất như Chuyến Ra Khơi Cuối Cùng của Hải Quân V.N.C.H!
Lúc cử hành lễ hạ Quốc Kỳ V.N.C.H., tất cả quân nhân và đồng bào hát Quốc Ca trong tiếng khóc nghẹn ngào. Tiếng hát vang xa trong vùng biển lạ như nỗi đau đang len lỏi trong từng ngõ ngách tâm hồn! Chiều tím thẫm trên đại dương mênh mông như báo trước những bất trắc không lường được trong cuộc đời của những kẻ mất Quê Hương!
Thưa cô, khi đọc đoạn này Phượng Vi cảm thấy rất ngậm ngùi! Dầu đã thua, nhưng, như đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã nói "Can Trường Trong Chiến Bại" của trận Hoàng Sa. Để chấm dứt phần nói chuyện hôm nay và tưởng niệm Hoàng Sa ngày 19 tháng 01 vẫn còn dư âm, mặc dù năm nay covid-19 nên khắp nơi không có buổi lễ lớn tưởng niệm các chiến sĩ Hoàng sa. Xin cô cho biết trận chiến oai hùng này, mặc dù Trung cộng đã cưỡng chiếm Hoàng Sa.
ĐML.- Trước hết, tôi xin xác nhận: Quân lực V.N.C.H. không hề thua c.s.V.N. tại chiến trường mà chính phủ V.N.C.H. đã thua c.s.V.N. tại bàn hội nghị.
Để minh chứng, tôi xin trích phần Điệp Mỹ Linh trả lời phỏng vấn do phóng viên Huy Tâm của Hệ Thống Truyền Thông Việt Nam Hải Ngoại thực hiện. Đoạn ấy như thế này: “…Người Lính V.N.C.H. đã chu toàn trách nhiệm và bổn phận trước lịch sử. Ai hoài nghi thì mời người đó xem lại hồ sơ những trận đánh “để đời” của người Lính V.N.C.H. trong các trận chiến đẫm máu tại An Lộc, Bình Long, Hạ Lào, Cổ Thành Quảng Trị, Pleime, Tống Lê Chân, Đồng Xoài, Tam Giác Sắt, Vũng Rô, v.v…Với kỹ thuật tác chiến thần tốc của Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Bộ Binh, v.v…Người Lính và Quân Lực V.N.C.H. chưa bao giờ thua cộng sản Bắc Việt tại chiến trường mà chính quyền miền Nam đã thua c.s.V.N. tại bàn hội nghị – vì sự tráo trở, gian manh, lật lọng của c.s.V.N!
Tháng Ba 1975, lệnh rút quân khỏi Cao Nguyên, rồi lệnh rút quân khỏi Vùng I, Vùng II. Sáng 30-04-1975, ông Dương Văn Minh đầu hàng và ra lệnh người Lính V.N.C.H. buông súng!
Vào thời điểm nghiệt ngã như vậy, người Lính V.N.C.H. làm được gì khi vũ khí và đạn dược không được tiếp tế mà lệnh đầu hàng thì đến từ vị chỉ huy tối cao, Tổng Tư Lệnh Dương Văn Minh? …”
Đề cập đến trận Hải Chiến Hoàng Sa, tôi xin trích một đoạn ngắn từ bài Góp Ý Với Tướng cộng sản Lê Mã Lương của Điệp Mỹ Linh. Đoạn ấy như thế này: “…Năm 1973 và 1974 ,nếu quân Bắc Việt không lợi dụng thời cơ để tạo nên các trận chiến khốc liệt tại miền Nam Việt Nam thì lực lượng Hạm Đội của Hải Quân V.N.C.H. không phải bị phân tán mỏng để chuyển đạn ra vùng này, chuyển quân đến vùng kia, chuyển quân dụng đến vùng nọ, tuần tiễu dọc bờ biển, tuần tiễu xa bờ, v.v… thì Hạm Đội Hải Quân V.N.C.H. sẽ huy động các chiến hạm có khả năng tác chiến cao để đưa ra Hoàng Sa chứ Hạm Đội Hải Quân V.N.C.H. sẽ không bao giờ đưa chiến hạm đang đại kỳ hoặc tiểu kỳ (sửa chữa/tu bổ) – như Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 – ra Hoàng Sa!
Chi tiết này cho thấy, chính nhà cầm quyền c.s.V.N. và bộ đội cụ Hồ là những kẻ đã gián tiếp tiếp tay với Trung cộng để Trung cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa của miền Nam Việt Nam.
Phương Vi.- Thời lượng của cuộc phỏng vấn đến đây đã đủ. Cảm ơn cô.
ĐML.- Điệp Mỹ Linh xin trân trọng cảm ơn quý thính giả đã lắng nghe. Điệp Mỹ Linh cũng xin cảm ơn Ban Giám Đốc đài phát thanh Saigon Dallas, cảm ơn cô Phượng Vi đã dành cho Điệp Mỹ Linh cuộc phỏng vấn này. Kính chào.
Điệp Mỹ Linh
No comments:
Post a Comment