Tầu ngầm nguyên tử Trung Quốc Type 094A lớp Jin tại căn cứ Thanh Đảo (Qingdao), tỉnh Sơn Đông (Shandong), Trung Quốc, ngày 23/04/2019. AP - Mark Schiefelbein
Theo một nghiên cứu được Đại Học Y Khoa Hải Quân tại Thượng Hải công bố và được báo South China Morning Post ngày 31/01/2021 trích dẫn, « 1 thủy thủ trên 5 » trong hải đội tàu ngầm hoạt động trong vùng Biển Đông có vấn đề về tâm lý.
Nghiên cứu được thực hiện trên một nhóm 500 thủy thủ, tất cả đều là nam giới. Những người này phải trả lời một số câu hỏi về y tế, và 21% cho biết họ bị xáo trộn ít nhiều về tâm lý. Nhiều người bị trầm cảm, tự kỷ ám thị và số quân nhân tự nhận là thuộc diện này cao hơn mức trung bình so với các đồng nhiệm ở những nhánh quân sự khác.
Các tác giả bản nghiên cứu trên cho biết sẽ phải tiếp tục điều tra để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới những xáo trộn về mặt tâm lý của các đội thủy thủ liên quan. Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc không loại trừ khả năng do Biển Đông, khu vực thuộc trách nhiệm của lực lượng này, mang tính « chiến lược cao », áp lực do đó cũng rất lớn và đây có thể là « một trong những yếu tố » giải thích hiện tượng nói trên.
Một báo cáo của quân đội Mỹ hồi tháng 3/2020 dự đoán số lượng tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc hoạt động trong vùng Biển Đông sẽ tăng mạnh cho đến 2030.
Năm 2000, có 5 chiếc tàu ngầm của Trung Quốc hoạt động trong vùng. Năm 2019, đội ngũ này đã được nâng lên thành 7 chiếc và đến năm 2030, sẽ có khoảng 13 chiếc hoạt động thường xuyên tại Biển Đông.
No comments:
Post a Comment