Ngày 2 tháng 7 năm 1972 là ngày anh Ba của tôi đang được sinh ra đời nhưng ba của tôi không có mặt bên cạnh mẹ trong lúc vượt cạn tại bệnh viện Lê Hữu Sanh ở xã Rừng Cấm, quận Thủ Đức. Ba tôi đang bận lơ lửng trên không trung và chứng kiến chiếc máy bay số 21 phía trước chở đại đội chỉ huy của Thủy Quân Lục Chiến (không có tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đăng Hòa tự là Hòa Râu trên đó) bị trúng đạn của Việt Cộng cháy và rơi xuống…máy bay đang chở 2/3 đại đội 4, tiểu đoàn 1 Quái Điểu của ba tôi là Đại úy TQLC Trịnh Văn Thềm cũng bị bắn quá dữ cho nên phi công Mỹ phải đáp gấp xuống bờ sông thả mọi người xuống cách làng Bích La 2 km lúc 12 giờ trưa ở quận Triệu Phong.
Bối cảnh của trận chiến khốc liệt này chính là vì lúc đó miền Nam đã mất Quảng Trị vào tay cộng sản Bắc Việt vài tháng rồi. Lệnh của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là thừa thắng xông lên và bằng mọi cách phải chiếm lại cho được Quảng Trị. Binh chủng Dù và TQLC luôn đánh cặp kè với nhau, người trên núi, kẻ dưới biển nhưng cũng không dễ gì đẩy lùi được lực lượng của cộng sản Bắc Việt. Quân đoàn 1 VNCH họp chín tiểu đoàn tác chiến lại và đã quyết định chọn Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu của TQLC để xông trận một mất một còn với cộng sản. Chiến lược rất táo bạo của TQLC là phải nhảy trên đầu địch tức là đổ bộ ngay trong lòng địch ở quận Triệu Phong. Vị trí chiến lược của nơi này là gần ngay cửa khẩu Cửa Việt, nơi Việt Cộng xâm nhập vào miền Nam và là điểm mấu chốt tiếp tế quân lương, đạn dược cho phe Việt Cộng. Chính vì vậy mà phía VNCH chưa đẩy lùi cộng sản Bắc Việt nổi.
Do vậy, Tiểu đoàn 1 Quái Điểu của binh chủng TQLC phải hy sinh để nhảy vào lòng địch nhằm cắt đứt nguồn viện trợ, cắt đứt mạch máu của quân đội Bắc Việt. Vì thế, phía VNCH đã gặp phải sự chống trả dữ đội và quyết liệt nhất của phe địch. Để đánh lạc hướng Việt Cộng, TQLC phải thông báo ngày ra trận giả và mời các phóng viên, nhà báo quốc tế và Việt Nam đến ở làng Điền Môn. Theo ba tôi nói thì đúng ra VNCH dự định đổ bộ ngày 11 tháng 7 năm 1972 nhưng máy bay do thám của Mỹ đã quan sát chiến trường và hỏa lực phòng không của Việt Cộng bắn rất dữ dội cho nên phải dời ngày đổ bộ sang ngày 12-7. Đến ngày đổ bộ thật sự thì 5 đại đội của tiểu đoàn 1 Quái Điểu đã có mặt tại bờ biển làng Điền Môn và sắp xếp đội hình chờ 33 chiếc máy bay từ Đệ thất hạm đội hải quân Mỹ bay vào đưa tiểu đoàn vô đổ bộ ở mặt trận Bích La. Sau khi chỉnh đốn đội hình xong thì Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân đứng trước hàng quân chúc mọi người sẽ chiến thắng. Kế đến là vị Lữ Đoàn Trưởng 147, Đại Tá Nguyễn Năng Bảo đã có lời chào gần như là vĩnh biệt với hàng quân. Đại Tá Nguyễn Năng Bảo nói rằng ra trận mạc lúc nào cũng có cái rủi và cái may nhưng chuyến đi này thì khả năng rủi ro là 10/10. Do vậy, ông yêu cầu mỗi người hãy nương cậy vào đức tin của riêng mình mà có lời cầu nguyện.
Làng Bích La là nơi mà Đại đội 4 là đại đội TQLC đầu tiên được đổ độ từ máy bay xuống trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 để tái chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị. Mặt trận chính là làng Bích La tức là quê hương của Việt Cộng Lê Duẩn và cuộc chiến rất ác liệt đã xảy ra tại đây. Nhưng vì đại đội ba tôi bị buộc phải đổ bộ lẻ loi cho nên phải tự chiến đấu với sự yểm trợ của pháo binh và hải quân của Mỹ từ xa cho đến khi hội ngộ được với Tiểu đoàn 2 Trâu Điên TQLC hơn mười ngày sau đó.
Sau khi đổ bộ xuống thì đại đội 4 của ba tôi bị mất liên lạc cả tiếng đồng hồ với bộ chỉ huy vì những người lính truyền tin bị thương, máy móc bị hư hỏng và đại đội chỉ huy đang phải bận chống trả quyết liệt với cộng sản Bắc Việt tại làng Bích La. Trong khi đó thì đại đội ba tôi cũng đánh nhau với Việt Cộng tới tối. Sau khi nối liên lạc được thì ngày hôm sau, đại đội ba tôi nhận được lệnh cấp trên là phải đi kiếm chiếc máy bay đã bị bắn rơi và cứu những người nào còn sống sót.
Ba tôi cử Đại đội phó Thiếu Úy Nguyễn Linh Thánh dẫn đầu trung đội đi tiền đồn đến khu vực máy bay bị bắn rơi. Sau khi tìm kiếm thì chỉ thấy xác máy bay, bao quân trang và xác người chết nhưng không thấy người Mỹ hay người VNCH nào sống sót cả. Trong số những người đã chết thì không có ai là người Mỹ. Họ vòng về báo cáo thì nhận được lệnh là phải đi tìm ra cho xác những người Mỹ hay phải tìm ra họ nếu họ còn sống sót. Lệnh nhấn mạnh rằng phải kiếm cho ra xác hay phải cứu cho được những người Mỹ này thì Đệ thất hạm đội hải quân Mỹ mới yểm trợ cho trận chiến. Trung đội đi tiền đồn do Đại đội phó Thiếu Úy Nguyễn Linh Thánh vòng trở lại khu vực đó lần nữa và lần này ba người Mỹ mới ra khỏi nơi họ đang ẩn núp. Bởi vì lần trước họ thấy trung đội tiền đồn nhưng tưởng rằng đây là Việt Cộng nên họ trốn. Sau đó, trung đội tiền đồn mở rộng tầm tìm kiếm thì mới phát hiện ra thêm được một vị bác sĩ VNCH là ông Nguyễn Văn Hoàng và một thượng sĩ VNCH tên là Chính. Những người trên chiếc máy bay số 21 đã hy sinh gần hết ngoại trừ năm người bao gồm ba người Mỹ và hai người của QLVNCH. Quần áo của những người Mỹ này bị cháy trụi. Họ gần như là trần truồng cả và trung đội tiền đồn đã đưa họ về nơi đóng quân. Họ rất đói khát và nhờ trung đội tiền đồn tìm thấy rất nhiều thực phẩm, thức uống từ bao quân trang nơi máy bay bị bắn rơi cho nên đã cho họ ăn uống đầy đủ. Ngay đêm đó thì hải quân Mỹ được thông báo và họ đưa máy bay vào bốc 3 người Mỹ và vị bác sĩ bị thương ra khỏi khu vực. Sau đó, bác sĩ Trung Chỉnh đã được điều ra mặt trận Quảng Trị để thay thế vị bác sĩ Hoàng đã bị thương này.
Vị Lữ Đoàn Trưởng 147, Đại Tá Nguyễn Năng Bảo đã nói là sẽ có rủi nhiều may rất ít và quả là đúng như vậy. Bởi vì đúng ra là Tiểu Đoàn Trưởng tiểu đoàn 1 Nguyễn Đăng Hòa đã ngồi trên chiếc máy bay chỉ huy bị bắn rơi. Nhưng ba tôi nói rằng phía Mỹ đã yêu cầu ông Hòa nên ngồi trên một chiếc máy bay khác chỉ chở có 20 người để lên xuống cho dễ dàng. Người cố vấn Mỹ đi cùng với ông Hòa cũng bị bắn vào bụng và ruột bị lòi ra ngoài nhưng ông không chết. Bản thân ông Hòa cũng bị thương nhưng vẫn có thể chỉ huy trận đánh được. Đó là những cái may mắn cho phía VNCH của chúng ta.
Ba tôi nói là hỏa lực phòng không của Việt Cộng ở khu vực này rất dữ dội cho nên máy bay Mỹ không có dám bay cao mà chỉ bay là đà trên các ngọn cây mà thôi. Trong 33 chiếc máy bay tải quân và lương thực thì đã có 29 chiếc bị trúng đạn của Việt Cộng, 2 chiếc bị bắn rơi, 1 chiếc bị bắn cháy trên trời và rơi xuống là chiếc số 21 và chiếc còn lại số 22 thì đáp gấp ở bờ sông. Xui rủi là cái máy bay chỉ huy còn phải chở một bao quân trang to kềnh và nặng cả 2 tấn dưới bụng. Cho nên máy bay chỉ huy di chuyển rất khó khăn, chậm chạp và vì vậy mới bị trúng đạn của Việt Cộng. Trên chuyến bay đó có chở một đại đội chỉ huy tức là không phải đại đội tác chiến cùng với một trung đội địa phương quân, truyền tin, công binh và nhiều vũ khí, đạn được, quân trang. Xui rủi là máy bay số 22 đang chở 2/3 đại đội của ba tôi bị bắn quá dữ cho nên phi công Mỹ đã phải đáp gấp máy bay xuống bờ sông gần cầu Ba Bến. Sông này là một nhánh của dòng sông Thạch Hãn và địa điểm này nằm sát nách với cổ thành Quảng Trị. Bụng chiếc máy bay số 22 thì nằm trên đất còn phần đuôi thì ở dưới nước. Do đó, mọi người phải nhanh chóng thoát ra khỏi máy bay và lội sông vào bờ để máy bay rút đi. Cũng may là Việt Cộng chưa hay biết ngay sự hiện diện của đại đội 4 vì đây không phải là mục tiêu dự định đổ bộ của TQLC. Cho nên đại đội ba tôi mới có thời gian chiến đấu lẻ tẻ ban ngày rồi kiếm chỗ đóng quân. Tới tối thì Việt Cộng mới rõ là có đại đội VNCH ở đây vì vậy chúng đã điều chiến xa tới để dập nơi đóng quân. Nhưng Việt Cộng chưa xác định được chính xác địa điểm đóng quân của đại đội thì đã bị ba tôi gọi viện trợ pháo binh dập và nướng cháy 2 chiếc xe tăng của tụi nó. Tuy xui rủi bị đổ bộ lẻ loi nhưng cũng nhờ vậy mà đại đội của ba tôi mới cứu được những người Mỹ còn may mắn sống sót. Bởi vì đâu có ai ở gần địa điểm này và càng không dễ gì di chuyển dưới làn pháo đạn khủng khiếp của bọn Việt Cộng đã làm ổ vài tháng nơi này.
Nếu như đại đội ba tôi không tìm ra những người Mỹ này thì họ có thể mất tích trong tù cộng sản hay mất xác hỏng chừng? Chưa kể là phía Mỹ đã biết người của họ còn sống mà phía VNCH không cứu được thì họ đâu có chịu yểm trợ cho chúng ta đâu? “Leave no one behind” là tiêu chí của quân đội Mỹ. Quân đội Mỹ không bao giờ chịu bỏ rơi bất cứ đồng đội nào của họ cả. Người VNCH của chúng ta cũng vậy. Chúng ta không bỏ rơi đồng đội của mình trong tim…chúng ta vẫn luôn nhớ đến họ…và làm mọi cách để giúp đỡ đồng đội của mình trong âm thầm lặng lẽ…hay công khai ngoài kia…đó là lý do 42 năm sau…chúng ta vẫn KHÔNG BAO GIỜ QUÊN THÁNG TƯ ĐEN!
New Hampshire, Saturday April 29, 2017
Bảo Châu Kelley từ Level 5 Media.
Nguồn từ Facebook:
(Tác giả ghi chú: kính nhờ chuyển tiếp thông tin đến quý đồng hương giùm. Xin cám ơn! Bảo Châu)
Posted on February 22, 2021 by dongsongcu
29/04/2017
TVQ Chuyển
No comments:
Post a Comment