Saturday, February 19, 2022

Lễ Thượng Kỳ Đầu Năm Nhâm Dần tại Thành Phố Maribyrnong, Brimbank và Greater Dandenong Tiểu Bang Victoria – Australia

“Ngày hôm nay chúng ta tề tựu về đây để làm Lễ Thượng Kỳ đầu năm. Đối với thế hệ trẻ, lá Cờ Vàng tượng trưng cho lịch sử, cho di sản [của người Việt tỵ nạn] và cũng là hành trang cho giới trẻ mang theo trên bước đường hướng đến tương lai” – đó là lời mở đầu bài phát biểu của Anthony Trần, Thị Trưởng TP Maribyrnong, trong buổi lễ Thượng Kỳ đầu năm Nhâm Dần.
Nhân dịp đầu năm Nhâm Dần 2022, CĐNVTD/VIC đã tổ chức Lễ Thượng Kỳ tại các thành phố Maribyrnong (Thứ Bảy, 05/02/2022), Brimbank (Chủ Nhật, 06/02/2022) và Greater Dandenong (Thứ Bảy, 12/02/2022).

Trong dịp này, các bạn trẻ thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba là những thế hệ tiếp nối đã có được cơ hội đóng góp vào các buổi lễ Thượng Kỳ qua các vài trò hướng dẫn chương trình, hát quốc ca, kéo cờ và văn nghệ:

– MC (lưu loát Anh & Việt ngữ): Tuệ Nguyễn (Maribyrnong), Nathan Tri Nguyễn (Brimbank), Jenny Đan Anh Trần (Dandenong)

– Hát Quốc Ca (Úc & Việt): Annabelle (Maribyrnong & Brimbank), Jenny Đan Anh Trần (Dandenong)

– Thượng Kỳ: Benjamin Minh Nguyễn và Matthew Tiến Nguyễn

– Văn nghệ phụ diễn: Annabelle Trần, Jenny Đan Anh Trần cùng với sự đóng góp của cô Anh Đào, BS Hoàng Trang, nhóm múa AVA và quý cô, quý bà thuộc Hội Phụ Nữ Cộng Đồng với các tiết mục ca, múa mang ý nghĩa mừng xuân, ca ngợi cuộc sống tươi đẹp, tình tự quê hương dân tộc và luôn nhớ về nguồn gốc Việt Nam.

Làm cho giới trẻ lên tinh thần và hãnh diện là sự tham dự của thế hệ đi trước đặc biệt sự hiện diện toán rước Quốc Quần Kỳ của hội CQN QLVNCH/VIC đã làm tăng thêm phần long trọng của buổi lễ và hình ảnh của quý cô, quý bà trong những tà áo dài đầy màu sắc đã tô điểm cho sắc xuân, mang lại một bầu không khí rất Tết.

Sau phần chào đón đồng bào và các thân hào nhân sĩ, một số quan khách được lần lượt được mời lên phát biểu, chia sẻ cảm nghĩ về buổi lễ, về lá Cờ Vàng và có những lời chúc Tết mang ý nghĩa tinh thần, văn hóa và truyền thống.

Tại Thành Phố Maribyrnong

Anthony Trần, vị Thị Trưởng trẻ nhất trong lịch sử của TP Maribyrnong và của cả Úc Châu, đã có một bài phát biểu ngắn gọn nhưng rất sâu sắc:

Ngày hôm nay chúng ta tề tựu về đây để làm Lễ Thượng Kỳ đầu năm. Đối với thế hệ trẻ, lá Cờ vàng tượng trưng cho lịch sử, cho di sản [của người Việt tỵ nạn] và cũng là hành trang cho giới trẻ mang theo trên bước đường hướng đến tương lai. Người Việt tỵ nạn đã liều mình vượt qua bao hiểm nguy đi tìm tự do, đặt chân đến Úc và đã chịu khó làm việc cần mẫn để đóng góp cho cộng đồng của chúng ta. Giờ đây, đến lúc thế hệ thứ hai người Úc gốc Việt đứng ra tiếp nhận cùng một di sản để lại cho chúng con … Việc công nhận lá Cờ Vàng là biểu tượng cho căn cước người Việt tỵ nạn đã giúp chúng ta (chính quyền địa phương) có thể nói lên lời cảm ơn đến với tất cả người Việt tại Úc về những sự đóng góp và dấn thân phục vụ cộng đồng địa phương … [Hình ảnh] kéo cao ngọn Cờ Vàng đã nói lên tinh thần dấn thân, đáp lời kêu gọi tranh đấu cho nhân quyền, bảo vệ nền dân chủ, và nói lên sự thật lịch sử, sự tôn trọng [và tình yêu thương] đối với [quê hương,] đất nước mà mình đã phải rời bỏ ra đi. Và quan trọng hơn hết, lá Cờ Vàng là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất diệt cho tự do.

Cô Phượng Vỹ (Chủ Tịch Hội Đồng Đa Văn Hóa Sự Vụ) cho rằng lá Cờ Vàng là một biểu tượng, một báu vật, một tài sản rất quý giá đối với mỗi người Việt trong chúng ta, đối với bất cứ những ai mang trong lòng cái di sản của một người Việt tự do dầu ở hải ngoại hay ở quê nhà.

Ông Nguyễn Việt Long (Chủ Tịch Hội RSL Footscray) dõng dạc – Lá Cờ Vàng có một ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử cận đại của dân tộc Việt Nam – lá Cờ Vàng đã được bảo vệ bằng máu của quân và dân VNCH trong cuộc chiến đấu tự vệ 20 năm chống lại cuộc xâm lăng của CS Bắc Việt. Ngày nay lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là một biểu tượng cho cộng đồng người Việt trên toàn thế giới và cũng là biểu tượng cho sự tự do, dân chủ. Chính vì lá Cờ Vàng có chính nghĩa cho nên các thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại đã nối tiếp truyền thống của cha anh.

Ông Long tỏ ra rất cảm kích và ngỏ lời cám ơn các bạn trẻ đã tiếp nhận, vinh danh, bảo vệ và dương cao ngọn Cờ Vàng.

Nghị Sĩ Bernie Finn (Quốc Hội Victoria) nói rằng – Đối với tôi, lá Cờ Vàng tượng trưng cho tự do, bất cứ khi nào thấy lá Cờ Vàng là tôi nghĩ đến tự do, cho nên bất cứ ai ngăn cản, cấm đoán việc dương cao hình ảnh lá Cờ Vàng là kẻ thù của tự do và đó là điều không thể nào dung thứ.

Nghị Sĩ Kiều Tiến Dũng (Quốc Hội Victoria) chia sẻ – Đây là một buổi lễ Thượng Kỳ rất quan trọng nhằm bày tỏ lòng tôn trọng đối với lá cờ mà đã có hàng vạn người chiến đấu và hy sinh dưới lá Cờ Vàng.

Mỗi khi chào cờ và hát quốc ca ông rất xúc động vì ông đã sinh ra, lớn lên trong thời chiến và cha mẹ của ông cũng đã phục vụ dưới lá cờ này.

Ông Dũng nói tiếp – Đây là dịp để chúng ta duy trì lịch sử, biểu tượng cho người Việt tỵ nạn trên toàn thế giới.

Bà Nghị Viên Cúc Lâm (TP Maribyrnong) bày tỏ cảm nghĩ – Cờ Vàng làm dấy lên một sự xúc động trong lòng và bà xin chân thành cám ơn tất cả những người đã hy sinh dưới lá Cờ Vàng. Cờ vàng là một biểu tượng làm cho chúng ta cảm thấy thân tình, gần gũi với nhau.

Ông Nguyễn Hồng Ký (Chủ Tịch Hội Thương Gia Á Châu Footscray) cho rằng – Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là biểu tượng thiêng liêng cao quý của cả cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Úc Châu và trên thế giới.

Ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD/VIC) khẳng khái – VNCH đã bị CSVN cưỡng chiếm trong suốt bốn mươi mấy năm qua nhưng VNCH vẫn còn ở trong lòng của từng người Việt Nam chỉ vì chính thể VNCH rất nhân đạo, không thủ đoạn, tàn ác như CS, nếu không thì giờ này hình ảnh VNCH và lá Cờ Vàng không còn tồn tại trong tâm trí của chúng ta. Đó là điều mà ông Bon đã tỏ ra vô cùng tự hào về lá Cờ Vàng, về chính thể VNCH. Do đó ông Bon rất đau lòng khi lá Cờ Vàng được đem ra bàn thảo, đặt nghi vấn khi mà vị trí của lá Cờ Vàng trong lòng mọi người không thay đổi trong bao năm qua vì đó là niềm hãnh diện, là căn cước của người Việt tỵ nạn.

Ông Bon minh định rằng – Sự hiện hữu của lá Cờ Vàng trong lòng của chúng ta không thể thay đổi vì đã có hàng trăm ngàn quân dân cán chính VNCH và quân đội đồng minh trong đó có quân đội Hoàng Gia Úc đã hy sinh dưới lá Cờ Vàng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của VNCH. Nhân dịp này ông Bon cũng đã có những lời lẽ mạnh mẽ về sự đối xử bất công đối với những người Việt mang theo mũ, áo, khăn quàng,… có hình ảnh lá Cờ Vàng đi xem trận đấu giữa Úc và VC, để ủng hộ cho đội nhà – Socceroos.

Tại Thành Phố Brimbank

Nghị Sĩ Kiều Tiến Dũng (Quốc Hội Victoria) chia sẻ – Thượng Kỳ đầu năm là một buổi lễ mang đến nhiều cảm xúc, là dịp để tôn vinh lá Cờ Vàng là lá cờ mà quân dân cán chính VNCH và quân đội đồng minh đã nằm xuống, hy sinh để bảo vệ lý tưởng tự do, dân chủ cho Miền Nam Việt Nam. Đối với việc viết lại lịch sử của CSVN thì việc giương cao ngọn cờ là hành động nhằm bảo vệ sự thật lịch sử và đồng thời còn cho cả thế giới biết rằng công cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam vẫn còn tiếp diễn.

Nói về hai vị song thân, Ông Dũng cho biết cha mẹ của ông đã từng phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù, và mẹ đã có một cuộc đời binh nghiệp 16 năm trong một cuộc chiến 20 năm. Trong thời ấu thơ, ông đã theo cha mẹ đi nhiều nơi trên các nẻo đường Việt Nam và ông đã lớn lên với dòng sữa mẹ thì ít mà với các lon sữa đặc Quân Tiếp Vụ và bú nhờ các bà mẹ trong trại gia binh thì nhiều.

Đối với ông lá Cờ Vàng rất thiêng liêng và luôn mang đến một niềm xúc cảm sâu xa. Ông Dũng nhấn mạnh – Thời gian gần đây, lá Cờ Vàng đã bị tấn công vì vậy chúng ta càng phải đoàn kết, ra sức bảo vệ để lá Cờ Vàng luôn có một chỗ đứng xứng đáng.

Nghị Sĩ Bernie Finn (Quốc Hội Victoria) nói rằng – Ông nhận thấy cộng đồng người Việt là một thành tố quan trọng đối với sự sống động và lớn mạnh của các vùng Miền Tây Melbourne. Người Việt [với đức tính chịu khó, siêng năng, cần mẫn] đã đem lại những phúc lợi cho đất nước Úc. Đó là những người Việt tỵ nạn đã đào thoát ra khỏi Việt Nam để đi tìm tự do. Do đó lá Cờ Vàng là biểu tượng cho sự tự do và ai ai cũng hiểu được giá trị quan trong của hai chữ tự do mà không cần phải nói ra. Ông hy vọng rằng Việt Nam sẽ có lại tự do, dân chủ trong một ngày rất gần đây.

Ông cho biết hôm nay đánh dấu 70 năm trị vì của Nữ Hoàng Anh Elizabeth II là một ngày mà mọi người dân phải vui mừng vì Bà cũng là Nữ Hoàng của Úc Châu.

Cô Phượng Vỹ (Chủ Tịch Hội Đồng Đa Văn Hóa Sự Vụ) cho rằng – Đối với người dân Miền Nam Việt Nam, lá Cờ Vàng sẽ sống với mọi người suốt cuộc đời nhất là các vị Cựu Quân Nhân dầu bất cứ ở nơi đâu.

Cô Phượng Vỹ ngỏ lời cám ơn đồng bào và các bạn trẻ đã tham gia buổi lễ Thượng Kỳ tại Brimbank, đặc biệt cám ơn CĐNVTD/VIC luôn vận động, tranh đấu và hỗ trợ cho ngọn cờ được tung bay cũng như những nỗ lực tạo sự gắn bó trong cộng đồng.

Jasmine Nguyễn, Thị Trưởng trẻ nhất trong lịch sử TP Bimbank, chia sẻ – Được sinh ra tại Úc cho nên lúc còn nhỏ Jasmine rất thắc mắc về lá Cờ Vàng nhưng khi lớn lên, tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng Jasmine đã hiểu về ý nghĩa sâu đậm của lá Cờ vàng đối với người Việt tỵ nạn. Chúng ta thật may mắn được sống ở một đất nước tự do, dân chủ. Nhờ vậy và cùng với sự ủng hộ của cộng đồng người Việt mà Jasmine đã được đắc cử Nghị Viên Hội Đồng Thành Phố và nay trở thành người Thị Trưởng trẻ nhất của Brimbank.

Là thế hệ thứ ba của người Việt tỵ nạn ở Úc, Jasmine ý thức được rằng mình rất may mắn được sinh ra, lớn lên và giáo dục ở đất nước Úc. Jasmine rất trân trọng nhớ ơn ba mẹ, ông bà của mình cũng như tất cả người Việt thế hệ thứ nhất ở Úc đã và đang làm việc cực khổ, hy sinh nhiều cho con cháu, lúc nào cũng thương yêu, hỗ trợ cho gia đình con cháu mình có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhờ có Cộng Đồng và đất nước Úc mà hôm nay Jasmine được vinh dự tham gia buổi lễ giương cao ngọn Cờ Vàng. Jasmine hy vọng là giới trẻ ở trong nước cũng sẽ phát triển đất nước Việt Nam theo hướng tự do, dân chủ.

Nguyễn Định (Chủ Tịch Hội CQN QLVNCH/VIC) bày tỏ cảm nghĩ – Hôm nay là một ngày mang nhiều ý nghĩa về lịch sử và văn hóa, một ngày hãnh diện cho cộng đồng người Việt chúng ta, lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đã được hơn 100 thành phố trên thế giới công nhận và trong đó có thành phố Brimbank. Nhìn lá Cờ Vàng tung bay bên cạnh lá cờ Úc tạo cho chúng ta cái cảm giác vui buồn lẫn lộn. Vui và hãnh diện vì chúng ta được sống trong một đất nước thật sự có tự do, dân chủ. Một đất nước luôn hỗ trợ các phong trào tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cũng như viện trợ, giúp đỡ cho các quốc gia đang phát triển. Buồn là khi nhìn lá cờ, chúng ta nhớ đến hàng trăm ngàn quân dân cán chính, quân đội đồng minh trong đó có 521 chiến binh Úc đã hy sinh trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Miền Nam chống lại sự xâm lăng của CS. Nhìn lá Cờ Vàng nhắc nhở chúng ta về bổn phận và trách nhiệm mà chúng ta phải làm – tiếp tục tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Steve Lowe (Cựu Chiến Binh Úc) cho biết – Trong cuộc đời binh nghiệp 26 năm, ông đã phục vụ 2 năm tại Việt Nam. Chính trong khoảng thời gian này ông đã gặp cô Tuyết và hai người đã trở thành vợ chồng, chung sống với nhau trên 50 năm.

Ông đã may mắn tham gia sinh hoạt với cộng đồng người Việt trên 40 năm và đã hăng say, hết lòng ủng hộ các cuộc vận động cho Cờ Vàng được công nhận tại các thành phố Dandenong, Yarra, Maribyrnong và Brimbank. Các cuộc vận động trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, căng thẳng nhưng cuối cùng cũng đã đạt được sự thành công đầy xúc động – lá Cờ Vàng, lá cờ di sản, đã được công nhận là biểu tượng của cộng đồng người Việt.

Đã có hơn 50 000 chiến binh tham chiến tại Việt Nam từ 1963 đến 1973 cùng chiến đấu bên cạnh quân đội VNCH dưới lá Cờ Vàng. … Ông khuyến khích giới trẻ hãy tìm hiểu về sự thật lịch sử và mục đích của dự án xây dựng Viện Bảo Tàng là để bảo tồn lịch sử của người Việt tỵ nạn … Ngày hôm nay lá cờ di sản – Cờ Vàng được kéo lên để vinh danh và tưởng niệm những người đã nằm xuống vì chính nghĩa và cũng để nhắc nhở những người còn sống rằng bổn phận và trách nhiệm chưa chu toàn …

Ông nói rằng – Tôi đã chiến đấu cho lá Cờ Vàng 50 năm trước đây và sẽ tiếp tục tranh đấu cho lá Cờ Vàng được tung bay. Là một Cựu Chiến Binh Úc tôi xin chia sẻ sự quyết tâm đầy nhiệt huyết của công đồng người Việt trong công cuộc bảo vệ Cờ Vàng, là di sản của người Việt Nam.

Ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD/VIC), một lần nữa, như trong buổi lễ Thượng Kỳ tại Maribyrnong, đã có những lời lẽ mạnh mẽ với nhiều cảm xúc nói về vị trí của lá Cờ Vàng, về những gì đã xảy ra tại sân vận động AAMI trong trận đấu giữa hai đội banh Úc và VC vào ngày 27/01/2022. Sự đối xử bất công và không có một lời giải thích chính đáng từ phía cảnh sát đã làm mất đi sự hào hứng, niềm tự hào của những công dân Úc gốc việt trong việc ủng hộ đội banh Socceroos. Ông Bon giận dữ cho rằng có những lúc người Việt bị đối xử như là công dân hạng hai trong xã hội Úc, điều này không thể chấp nhận được và chúng ta cần phải lên tiếng.

Ông Bon kêu gọi mọi người tiếp tục gìn giữ giá trị tự do, dân chủ vì đã có bao anh linh chiến sĩ VNCH, đồng minh và những người vượt biên, vượt biển đã hy sinh dưới ngọn Cờ Vàng, vì lá Cờ Vàng. Đứng trước bao thách thức và đánh phá, ông Bon xin cố gắng hết sức, hết lòng, hết khả năng quyết tâm bảo vệ lá Cờ Vàng.

(Sau buổi lễ, một buổi họp đã diễn ra tại Đền Thờ Quốc Tổ để cho các nhân chứng trình bày những gì đã xảy ra ở sân vận động AAMI vào ngày 27/01/2022 và để cho đồng bào bày tỏ cảm nghĩ, đóng góp ý kiến – video: https://www.youtube.com/watch?v=h4dHFTY85WE)

Tại Thành Phố Greater Dandenong

Ông Jim Memeti (Thị Trưởng Greater Dandenong) phát biểu – Là Thị Trưởng của Thành Phố Greater Dandenong, tôi lấy làm rất vinh dự đại diện cho [cư dân của] một thành phố đa dạng và đa văn hóa nhất Úc Châu. Thật là ý nghĩa khi được tham gia buổi lễ Thượng Kỳ đầu năm Nhâm Dần. Đây là một sự kiện quan trọng đối với cộng đồng người Việt, là thời gian để tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên và nhất là những người đã phục vụ, hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Việt Nam, và cũng là thời gian để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Lá Cờ vàng là di sản quý giá của cộng đồng người Việt, là biểu tượng của tự do, dân chủ và cũng là một yếu tố đem lại sự đoàn kết, sự hài hòa trong những lúc bị thách thức hay gặp khó khăn.

Cô Phượng Vỹ (Chủ Tịch Hội Đồng Đa Văn Hóa Sự Vụ) cho rằng – Lễ Thượng Kỳ hàng năm nhắc nhở cho chúng ta biết về tầm quan trọng và ý nghĩa của sự kiện, của sự thật.

Cô kêu gọi mọi người hãy tiếp tục hỗ trợ Cộng Đồng để ngọn Cờ Vàng tiếp tục được tung bay và đặc biệt là lá cờ luôn ở trong lòng của mỗi người trong chúng ta.

Nghị Sĩ Kiều Tiến Dũng (Quốc Hội Victoria) bày tỏ cảm nghỉ – Lễ Thượng Kỳ đầu năm là một sự kiện truyền thống rất quan trọng đã được thực hiện trên 47 năm. Giương cao ngọn Cờ Vàng là để vinh danh và tưởng niệm những người đã chiến đấu và hy sinh [trong và sau cuộc chiến], và những người đã phải hứng chịu bao nỗi thống khổ dưới sự cai trị của CS. Hiện nay, trên đất nước Úc, lá Cờ Vàng là di sản, là niềm tự hào, là danh dự, là một biểu tượng lịch sử của cộng đồng người Việt tỵ nạn. Lá Cờ Vàng là một lá cờ thiêng liêng vì bao người đã chiến đấu, hy sinh dưới lá cờ này. Lá Cờ Vàng là di sản, là biểu tượng cho tự do, dân chủ, nhân quyền, và nói lên cái lịch sử của người Việt tỵ nạn đã đóng góp rất nhiều cho đất nước Úc.

Nói đến việc lá cờ đã bị xúc phạm trong một trận đấu giữa Úc và VC, Nghị Sĩ Kiều Tiến Dũng cho biết ông đã lên tiếng tại Quốc Hội Victoria, gởi thư cho Thủ Hiến, Bộ Trưởng về Cảnh Sát (Minister for Police), Bộ Trưởng về Thể Thao (Minister for Sport), Bộ Trưởng về Đa Văn Hóa Sự Vụ (Minister for Multicultural Affairs), vị Cảnh Sát Trưởng (Chief Police Commissioner) yêu cầu điều tra và trình bày sự việc và lên tiếng xin lỗi Cộng Đồng chúng ta.

Nghị Sĩ Bruce Atkinson (Quốc Hội Victoria) phát biểu – Sự đóng góp của cộng đồng người Việt tỵ nạn trong 47 năm qua thật lớn lao và nổi bật nhất là tại vùng Springvale. Xin có lời chúc mừng cộng đồng người Việt, nhất là giới trẻ, đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của Victoria về kinh tế, y tế, khoa học, chính trị,… về tất cả mọi lãnh vực cho một xã hội đa văn hóa. Một phút mặc niệm là để tưởng nhớ đến công đức của tiền nhân, tưởng niệm các chiến sĩ đã nằm xuống trong cuộc chiến, và bao người đã bỏ mình trên biển cả, trong rừng sâu hay trong ngục tù CS. Buổi lễ Thượng Kỳ hôm nay vô cùng quan trọng vì đó là một biểu tượng ghi nhận sự hy sinh của hàng trăm ngàn người.

Ông tỏ ra rất thất vọng về những điều không hay đã xảy ra trong trận banh giữa Úc và VC tại sân vận động AAMI. Ông cho rằng những người mang theo biểu tượng Cờ Vàng để ủng hộ cho đội banh Úc – Socceroos, là để nói lên sự “hòa nhập”, “kết hôn” giữa hai dòng lịch sử – lịch sử quê hương Việt Nam và lịch sử quê hương thứ hai (Úc Châu) của người Việt tỵ nạn. Ông vô cùng sửng sốt và thất vọng và có lời xin lỗi cộng đồng người Việt thay mặt cho những kẻ đã làm những việc sai trái (“I apologise for those people …”).

Nghị Viên Trương Lợi (HĐTP Greater Dandenong) cho đồng bào biết về dự án thành lập viện dưỡng lão “Saigon Age Care” để phục vụ cho những vị cao niên thuộc thế hệ thứ nhất là những người đã hy sinh rất nhiều trong việc xây dựng cuộc sống mới, làm nền tảng cho các thế hệ con cháu vươn lên và đã có những đóng góp đáng kể cho đất nước Úc.

Bà Bé Hà (Chủ Tịch Hội SICMAA) hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ được chào cờ tại Việt Nam quê hương thân yêu.

Ông Lâm Hữu Lộc (Ban Quản Trị kiêm Trưởng Ban Gây Quỹ của Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do Úc Châu – Director and Fundraising Lead) chia sẻ về tiến trình công nhận Cờ Vàng ở HĐTP Maribyrnong, 2015, mà ông đã tích cực đóng góp ý kiến và vận động từ những bước đầu tiên. Sau đó lá Cờ Vàng đã được liên tiếp công nhân tại nhiều thành phố trên các tiểu bang Victoria, New South Wales, South Australia, Queensland.

Nhân dịp này ông cũng xin có đôi lời giới thiệu về dự án Viện Bảo Tàng là một trung tâm bảo tồn di sản của người Việt tỵ nạn để truyền lại cho các thế hệ mai sau, bày tỏ lòng tri ân nước Úc, và hy vọng rằng Viện Bảo Tàng sẽ được hoàn thành vào năm 2025 đánh dấu 50 năm người Việt định cư tại Úc.

Nguyễn Định (Chủ Tịch Hội CQN QLVNCH/VIC) dõng dạc – Lá Cờ Vàng là một biểu tượng ý nghĩa nhất có thể giúp cho các cộng đồng sắc tộc bạn hiểu về lịch sử của người Việt tỵ nạn. Lá Cờ Vàng là một chứng cứ hùng hồn nhất để nói cho giới trẻ biết tại sao, bằng cách gì và vào thời điểm nào mà thế hệ cha ông đã đến Úc.

Ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD/VIC) cho biết sau khi ông Bon viết thư cho Nghị Sĩ Kiều Tiến Dũng trình bày về những gì đã xảy ra tại sân vận động AAMI thì ông Dũng đã lên tiếng về vấn đề này tại Quốc Hội Victoria. Và vừa rồi Nghị Sĩ Bruce Atkinson đã đứng ra xin lỗi cộng đồng người Việt thay mặt cho những người đã làm việc một cách sai trái. Điều này cho thấy cộng đồng người Việt nhận được sự hỗ trợ từ mọi phía – Đảng cầm quyền và Đảng đối lập, Chính quyền tiểu bang và liên bang, các Cựu Chiến Binh Úc, và văn phòng cảnh sát cũng đã liên lạc với ông Bon. Ngoài ra ông Bon đã gởi thư đến cho Thủ Tướng Úc, Thủ Hiến Victoria, Bộ Trưởng Di Trú và sẽ yêu cầu cảnh sát có một buổi họp mặt với cộng đồng người Việt để trình bày sự việc cho rõ ràng, đồng thời ông cũng sẽ đi gặp các Dân Biểu, Nghị Sĩ tiểu bang và liên bang để có một câu trả lời thỏa đáng cho cộng đồng người Việt.

Ông Bon đặt vấn đề – Những sự đóng góp của cộng đồng người Việt trong suốt 47 năm qua và nhất là việc kề vai sát cánh, phụ giúp chính quyền các cấp trong thời gian nạn đại dịch bùng phát thì đã được đón nhận vậy thì tại sao lá cờ di sản là văn hóa, là niềm tự hào của cộng đồng người Việt lại không được đón nhận? Điều này đã làm tổn hại đến cái giá trị tự do, dân chủ của đất nước Úc.

Ông Bon mạnh mẽ bày tỏ – Chúng ta đến đất nước Úc mang theo lá Cờ Vàng với tư cách là người Việt tỵ nạn vì chúng ta không thể nào sống dưới chế độ CS. Nhưng có những người cho rằng họ đến đây không phải với tư cách tỵ nạn mà là đi theo diện đoàn tụ, hôn nhân, kinh doanh, tay nghề, lao động, du học… Như vậy có nghĩa là họ đã xác nhận rằng Việt Nam không có tự do, dân chủ cho nên họ mới tìm đường trốn khỏi Việt Nam dưới mọi hình thức. Và như vậy cũng có nghĩa là họ đã chọn đi chung con đường của người Việt tỵ nạn dưới bóng Cờ Vàng là biểu tượng của tự do, dân chủ.

Cờ Vàng là biểu tượng cho căn cước của cộng đồng người Việt tự do và hình ảnh của Cờ Vàng được thể hiện dưới nhiều hình thức như phù hiệu, mũ, nón, dù, khăn quàng, áo thun,… đó là những hình thức quen thuộc mà bao hội đoàn, đoàn thể, trong đó có các đội thể thao, đã sử dụng để nói lên sự ủng hộ và niềm tự hào về căn cước, về nguồn gốc của mình khi tham gia vào một sinh hoạt, một sự kiện nào đó. Như thế, hình ảnh Cờ Vàng là một biểu tượng mang tính chất lịch sử, văn hóa, là biểu tượng của một cộng đồng sắc tộc trong một xã hội đa văn hóa, dân chủ, tự do.

Do đó, bày tỏ sự tôn trọng, quý mến đối với hình ảnh Cờ Vàng chưa đủ mà còn cần phải mạnh mẽ lên tiếng, phải đặt vấn đề với chính giới, với các cơ quan chính quyền các cấp khi biểu tượng của cộng đồng người Việt tự do bị xúc phạm là những gì mà ông Nguyễn văn Bon đã và đang làm.

Để kết thúc buổi lễ (ở tại cả ba thành phố), đồng bào hợp cùng với quý cô quý bà thuộc Hội Phụ Nữ Cộng Đồng hát vang ca khúc “Ly Rượu Mừng” gởi đến cho nhau những lời chúc Tết tốt đẹp – chúc cho mọi người được hạnh phúc ấm no, chúc cho đất nước được thanh bình tự do.

Melbourne
05, 06 & 12/02/2022

Nghị Sĩ Kiều Tiến Dũng (Lao Động) lên tiếng về vấn đề Cờ Vàng tại Quốc Hội Victoria

Nghị Sĩ Bernie Finn (Tự Do) lên tiếng về vấn đề Cờ Vàng tại Quốc Hội Victoria

Một số hình của các buổi Lễ Thượng Kỳ

Thành Phố Maribyrnong

Thành Phố Brimbank

Thành Phố Greater Dandenong

Hình ảnh của cô Phúc An

Thành Phố Maribyrnong

Thành Phố Brimbank





TVQ chuyen

No comments:

LỜI NÓI THẬT CỦA BÁC SĨ -Tác giả: Dr Hồ Hải /Dr Trinh Kim

Khi vào nghề Y đến nay đã hơn 30 năm, hễ cứ đến ngày này là nhận nhau những lời chúc tụng. Tôi không biết là mình có nên chúc tụng đồng nghi...