Năm 1986, lần đầu tiên ra Hà Nội, ngỡ ngàng trước "trái tim của tổ quốc". Phố xá đìu hiu, chỉ toàn xe đạp (có gắn biển số), thỉnh thoảng mới thấy chiếc java ngựa trời của Tiệp hoặc chiếc simson của Đức chạy nghe tè tè.
Ô tô vonga của Nga thì có khi cả ngày mới thấy vài chiếc. Nhưng những gánh hàng rong thì nhiều, trong đó có thịt chó. Hình ảnh mấy anh bán thịt chó dạo, lần đầu tiên trong đời mình bắt gặp và thưởng thức thật là ấn tượng. Hai tay cầm hai giỏ đệm, một giỏ đựng rượu và dao thớt, giỏ kia đựng thịt chó, rau, mắm tôm và một cuộn giấy báo, chủ yếu là báo Nhân Dân, báo Hà Nội Mới. Mấy chàng ta đi bộ, rong ruổi khắp phố phường, miệng hô to: thịt cầy, thịt cầy....
Khách, có khi từ trong nhà gọi ra, anh ta cân, chặt, xong rồi đi. Nhưng gặp khách nhậu ở vỉa hè, công viên thì anh ta phải phục vụ tại chỗ, nghĩa là anh ta trải tờ báo ra, lấy thịt chó, cân, dao thớt chặt, rồi nào là mắm tôm, nào rau, nào riềng, nào rượu... thành một mâm nhậu để phục vụ khách cho đến khi tàn tiệc.
Nghĩ mà thương dân mình, cái thời đói khát, cái thời kinh tế quốc doanh, không được tự do buôn bán từ cọng rau con cá đừng nói chi tới quán xá, nhà hàng. Có lẽ lúc bấy giờ chỉ có thịt chó là nhà nước không quản lý nên nó không chỉ là mồi nhậu mà còn là một món ăn trong bữa cơm gia đình để lắp vào khoảng thiếu thịt. Ngồi trong mâm nhậu mọi người thường kháo nhau dân ta thắng Mỹ là nhờ đến năng lượng vitamin gâu gâu từ chó Đến khi thị trường mở cửa, người dân được mở quán thì làng chó Nhật Tân bùng phát, có lực tiêu thụ đến 25 tấn thịt chó một ngày. Những toa xe lửa đầy chó từ trong nam chở ra, nạn trộm chó cả nước bắt đầu xuất hiện... chưa hết họ còn nhập khẩu chó từ các nước láng giềng nhiều nhất từ Lào.
Bây giờ thì những quán thịt chó đã thưa dần, cũng có thể do thực phẩm, cao lương mỹ vị ngày càng đa dạng phong phú, nhưng cũng có thể bởi thị trường tự do làm cho thịt chó bão hòa hay con người đã thừa... CHẤT CHÓ.
Võ Đắc Danh
No comments:
Post a Comment