Wednesday, June 7, 2023

Khi chết Marx vẫn 'vô tổ quốc' vì không được nhập tịch Anh Nguyễn Giang



HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Tượng Karl Marx ở nghĩa địa Highgate, London thu hút nhiều đoàn thăm viếng từ các nơi trên thế giới


Vào tháng 1 năm 1845, Karl Marx, vì các hoạt động báo chí cấp tiến, bị trục xuất khỏi Pháp theo yêu cầu của chính phủ Phổ (Prussia).
Tờ báo 'Tiến Lên' bị chính quyền Pháp đóng cửa và quyết định trục xuất, do Bộ trưởng Nội vụ François Guizot ký, buộc Marx phải cùng vợ ôm đứa con gái đầu lòng, Jenny Caroline, sang trú ngụ ở Brussels.


Tại đây, gia đình Marx sống tới năm 1848 và cũng ở Brussels, Marx lập ra Đảng Công nhân Đức và hoạt động mạnh trong Liên đoàn Cộng sản.


Brussels cũng là nơi ông cùng Friedrich Engels ra Tuyên Ngôn Cộng sản.


Nhưng nước Bỉ theo dõi kỹ Marx và các hoạt động 'mang tính phản loạn' của ông.


Marx và các đồng sự bị lôi ra tòa vì các tội như 'phỉ báng quan chức', 'tẩy chay thuế' và cuối cùng, ông bị Bỉ coi là "kẻ cực đoan" và trục xuất về Đức.


Ông sống tại Cologne và làm chủ bút báo Neue Rheinische Zeitung vào tháng 6/1848.


Những điều có lẽ chúng ta phải biết ơn Marx


5 điều đáng nhớ về Karl Marx


Karl Marx được tôn thờ từ khi nào?


HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Triển lãm tại Trier, nước Đức nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông


Chưa đầy một năm sau, vào tháng 5/1848, tờ báo bị chính phủ Phổ trấn áp và Marx bị đuổi khỏi quê hương.


Marx lại trở về Paris nhưng đến tháng 9 thì Pháp trục xuất ông một lần nữa.


Không còn biết đi đâu, ông đưa cả gia đình sang Anh.


Marx bị bác đơn xin nhập tịch Anh ra sao?


London thành nơi gia đình ông sống cho đến khi cả Jenny và Marx qua đời.


Khi Marx đến Anh, chính phủ nước này đang do thủ tướng, Lord John Russell, thuộc đảng Whig lãnh đạo.


Marx tiếp tục viết nhiều tác phẩm kinh tế, chính trị và không quên có bài đả phá chính giới Anh và đích thân thủ tướng John Russell.

Chụp lại video,

Karl Marx sẽ nói gì nếu ông còn sống thời nay?


Ông gọi bá tước John Russell là 'kẻ nhỏ mọn, lùn, ham quyền lực, giỏi dối trá' và công kích cả các luật mà đảng Whig đưa ra tại Anh.


Có vẻ như các bài Marx đăng trên báo Neue Oder-Zeitung (1855) bên Đức về cá nhân John Russell không ảnh hưởng gì đến chuyện Anh cho Marx định cư.


Chính phủ Russell phải lo các vấn đề lớn như Nạn đói ở Ireland, cạnh tranh với Pháp về hàng hải, chiến tranh Crimea nên hẳn không để ý đến một người Đức lưu vong viết bài đăng trên báo tận bên Đức.


Quả vậy, trong thời gian sống tại London, Marx nói và viết vẫn bằng tiếng Đức, và hay đến diễn thuyết tại các cuộc tụ họp của kiều dân Đức.


Sống tại 28 Dean Street, khu Soho (không xa một quán ăn Việt Nam ngày nay ở số 42-43), hàng ngày, ông đến Thư viện Anh Quốc (British Library) để đọc và viết.


Cũng tại Reader Room trong British Library ông đã viết 'Das Capital' bằng tiếng Đức, cuốn sách được cho là Kinh Thánh của chủ nghĩa cộng sản toàn cầu.


Các tác phẩm của ông chỉ xuất bản được tại Anh nhờ tiền và ý tưởng của người bạn tốt, Friedrich Engels, nhà tư bản có xưởng máy ở Manchester.


 HÌNH ẢNH,CARL COURT

Căn nhà ở số 28 Dean Street, khu Soho, London có tấm biển nhỏ về Karl Marx


Nhưng cảnh sát Anh thời Victoria, vốn luôn theo dõi các nhóm nhập cư và hoạt động chính trị của họ, đã để ý đến Marx.


Trong các bài báo của mình, Marx vận động cho phong trào xã hội chủ nghĩa và ý tưởng cộng sản, cả hai thứ đều không được chính giới Anh chấp nhận.


Ông cũng nhắc nhiều đến người Ireland và phong trào độc lập của họ, chủ đề hết sức đau đầu cho giới chức Anh.


Thành phố Đức 'nhấp nháy đèn Karl Marx'


Không đồng ý bài 'VN, con thuyền không bến'


Có ý kiến rằng vì Marx là người 'tự nguyện vô tổ quốc' nên chủ nghĩa cộng sản ông cổ xúy cũng là một thứ ý thức hệ phi dân tộc, phi tổ quốc.


Thực tế lại hơi khác: Marx đã xin nhập tịch Anh nhưng bị chính quyền bác.


Tài liệu từ thư khố National Archives nói hồ sơ cảnh sát London năm 1874 viết rằng Karl Marx nộp đơn xin nhập tịch.


Ông còn nhờ một số người khác chứng nhận ông 'là một công dân khả kính'.


Ngoài chuyện cảnh sát Anh coi ông là "một người Đức chuyên xúi bẩy", và vận động cho tư tưởng cộng sản nên "khó có thể thành kẻ trung thành với Nhà Vua", ông cũng bị cho là không có thu nhập.


Khoản thu duy nhất của ông là bản sao ghi nhận cổ phần của ông là 4 bảng Anh, đầu tư vào tờ Industrial, một báo bình dân.


Đây cũng là khoản đầu tư duy nhất mà người ta biết cho tới này về ông tổ của chủ nghĩa cộng sản.


Trong mục nghề nghiệp, Karl Marx ghi: 'doctor of philosophy' (tiến sĩ triết học), học vị của ông ở Đức, nhưng bị coi là 'nghề nghiệp không ra tiền' (no gainful employment).


Không nghề nghiệp, không quốc tịch, ông lại đã từ bỏ quốc tịch quê hương cũ và không được chính phủ Phổ cho tái nhập tịch.


Vì thế, chính thức là từ năm 1845 khi bị trục xuất khỏi Pháp lần đầu cho đến lúc chết, Marx là một người vô tổ quốc.


Khi ông qua đời, cảnh sát London cũng ghi nhận tư cách của ông như vậy: stateless.

Từ cao sang xuống bần cùng


HÌNH ẢNH,HULTON ARCHIVE

Karl Marx và con gái lớn Jenny Caroline. Ông và vợ có bảy co nhưng chỉ ba người sống được đến tuổi trưởng thành

Sự tôn thờ Karl Marx như một lãnh tụ tinh thần còn đến từ các nét chính trong cuộc đời sôi động và vất vả của ông, tạo sự gần gũi với giới bình dân.
Bỏ sang một bên các nỗ lực thần thánh hóa Marx, cuộc đời ông thực sự đầy các bước thăng trầm.

Xuất thân từ gia đình khá giả, có vợ là nữ bá tước, em gái của thủ tướng nước Phổ, ông trở nên nghèo túng, bệnh tật suốt đời.

Cuộc đấu tranh tư tưởng 'vì cộng đồng nhân loại' theo lý tưởng của mình cũng khiến Marx rơi vào cảnh lưu đày.


Ông chết tại Anh vì viêm phổi năm 1883, ba năm sau khi vợ ông, Jenny von Westphalen-Marx chết vì ung thư gan.


Hai ông bà có bảy người con nhưng vì cuộc sống túng thiếu, chỉ có ba người sống đến tuổi trưởng thành.


Dù cả gia đình theo đạo Tin Lành và có ông nội Levy Mordechai là giáo sĩ Do Thái, khi chết Karl Marx được chôn cất ở khu cho người vô thần trong nghĩa địa Highgate, London.


Những gì Marx viết ra nay đúng sai ra sao còn nhiều bàn cãi.


Chủ thuyết của ông thì qua mỗi thế hệ, người ta lại tự biên tự diễn đi một chút cho hợp với nhu cầu của họ.


Nhưng đọng lại cuối cùng có lẽ vẫn là cuộc đời 'sống nghèo chết khổ' của một trí thức tỵ nạn đến từ Đức.


Ông muốn dùng ngôn ngữ, lập luận triết học để thay đổi xã hội tư bản, tựa như từ 'đấu tranh từ trong lòng địch'.


Ngày nay, nước Anh và London đã thay đổi nhiều nhưng cũng không quá nhiều.


Nơi Marx sống ở Dean Street, Soho không còn là nơi cho người nhập cư nghèo, mà thành khu phố ăn chơi, thời thượng, đầy các quán xá tấp nập tối ngày.


HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Tuyên ngôn Chủ nghĩa Cộng sản, bản tiếng Thổ Nhĩ Kỳ


Nghĩa địa Highgate nhờ ngôi tượng ở mộ Marx mà thành nơi hành hương của các fan, và họ bán vé vào cửa để thu tiền.


Nhưng Anh Quốc vẫn có vua, hoàng tử, công nương, công chúa và một thị trường chứng khoán to.


Họ cũng cố giữ những nghi lễ quý tộc và chế độ tư hữu đất đai và đồng vốn tư không hề đổi.


Khoảng cách giàu nghèo về thu nhập trung bình tại Anh 10 năm qua tạm coi là không đổi: giàu thì vẫn giàu, nghèo thì khó khăn hơn một chút nhưng chưa quá tệ.


Người nhập cư, tỵ nạn, và cả 'người rơm' tứ xứ vẫn cố vào Anh, và nếu đủ thời gian sẽ xin quốc tịch.


Riêng năm 2017, 220 nghìn người vào Anh từ EU và 285 nghìn từ bên ngoài EU.


Không ít người trong số này, giống Marx ngày xưa, sẽ muốn nhập tịch để làm thần dân Nữ Hoàng chứ không muốn sống cảnh vô tổ quốc.


Xem thêm về chủ nghĩa cộng sản:


Chủ nghĩa tư bản 'khuyết tật nhưng phát triển'


Việt Nam 'đổi mới nhưng không đổi màu'?


Thế nào là 18 'suy thoái' và 9 'tự diễn biến'?


https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44002850

No comments: