Monday, December 30, 2024

Mỹ đã kiểm soát Kênh đào Panama thế nào và Panama lấy lại ra sao?

Ngày 31/12/1999, lá cờ Mỹ hạ xuống và lần đầu tiên trong lịch sử cờ Panama tung bay như biểu tượng duy nhất của Vùng Kênh đào. Những người Panama có mặt ở đó đã ăn mừng.
Cảnh tượng này đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên được định nghĩa bằng các cuộc biểu tình, căng thẳng và cả cái chết.


"Thật ấn tượng khi chứng kiến ​​phản ứng của người dân Panama," Alberto Aleman Zubieta, người từng là nhà quản lý của kênh đào trong nhiều năm, nói với BBC.


25 năm sau, chủ quyền của tuyến đường liên đại dương một lần nữa lại thu hút sự chú ý sau những tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Hình ảnh,Getty Images/BBC

"Chúng ta đang bị lừa," ông Trump nói gần đây, ám chỉ đến khoản phí mà tàu thuyền Mỹ phải trả để sử dụng kênh đào.


Ông Trump nói bóng gió rằng nếu điều này không thay đổi, "chúng tôi sẽ yêu cầu Kênh đào Panama được trả lại cho Mỹ một cách đầy đủ, nhanh chóng và không cần phải hỏi bất kỳ câu nào."


Đáp lại trên mạng xã hội, Tổng thống Panama José Raúl Mulino viết:


"Mỗi mét vuông của kênh đào vẫn sẽ thuộc về Panama."


Mọi chuyện bắt nguồn từ đâu?

Một cuộc nội chiến và một cơ hội


Sự cần thiết của việc xây dựng một tuyến đường thủy nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương đã được những người định cư châu Âu tại châu Mỹ quan tâm từ thế kỷ 16.


Vào thời điểm đó, lối tiếp cận duy nhất đến các vùng biển phía nam là qua eo biển Magellan, ở miền nam Chile. Điều này đồng nghĩa với việc phải đi qua những quãng đường rất xa và đối mặt với thời tiết khắc nghiệt tại Cape Horn (Mũi Sừng).


Một lối đi qua eo đất Panama, vào thời điểm đó là lãnh thổ của Colombia, là tuyến đường đầu tiên được thử nghiệm vào thế kỷ 19. Bogota đã cấp quyền xây dựng kênh đào cho Ferdinand de Lesseps, một kỹ sư Pháp đã xây Kênh đào Suez ở Ai Cập.


Nhưng dịch bệnh đã ảnh hưởng đến công nhân, trong số đó có nhiều người là nô lệ châu Phi. Độ ẩm của đất và mưa liên tục đã khiến dự án phá sản.


Đây là lúc Mỹ quan tâm hơn về tuyến đường thủy này.


Vào thời điểm đó, Colombia đang dần thoát khỏi một cuộc nội chiến đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng và phải đối mặt với tình trạng căng thẳng chính trị leo thang. Điều này đã tạo điều kiện cho Panama giành độc lập.


Mỹ lúc đó là một cường quốc mới nổi đã kiểm soát cả Puerto Rico lẫn Cuba và coi cuộc khủng hoảng nội bộ của Colombia là cơ hội lớn: họ đề xuất trả 40 triệu đô la để được nhượng quyền xây kênh đào.


Điều này hình thành nên cơ sở của Hiệp ước Herrán-Hay giữa Colombia và Mỹ, đặt ra các điều khoản cho sự nhượng quyền.


Đó là một cuộc đàm phán phức tạp và vào ngày 5/8/1903, chính phủ Colombia tuyên bố rằng họ đã bác bỏ đề xuất này, cho rằng nó vi phạm chủ quyền của đất nước.


Khi ấy, Panama - lúc đó là một phần của Colombia - đã phớt lờ việc bác bỏ hiệp ước và với sự hỗ trợ của Mỹ, đã tuyên bố độc lập vào ngày 3/11/1903. Mỹ đã khẳng định sẽ can thiệp nếu Colombia trả đũa về mặt quân sự.


Mỹ xem sự bất mãn của Panama là "cơ hội tuyệt vời để đảm bảo hiệp ước mà họ muốn mà không bị Colombia cản trở", theo lời của nhà sử học người Panama Marixa Lasso.
Hình ảnh,Getty ImagesChụp lại hình ảnh,Kênh đào Panama. Ảnh chụp ngày 28/12/2024

Một quốc gia bị chia cắt và sự khởi đầu của căng thẳng

Sau khi Panama độc lập, Mỹ và nước này đã ký Hiệp ước Hay-Bunau-Varilla, đảm bảo độc lập cho Panama trong khi Panama cấp cho Mỹ quyền khai thác kênh đào vĩnh viễn, cùng với quyền kiểm soát đối với khu vực có tên là Vùng Kênh đào, gồm 8 km trên mỗi bên của tuyến đường thủy chiến lược. Panama sẽ nhận được 10 triệu đô la tiền bồi thường.


Sau khi công trình hoàn thành vào năm 1913, tàu hơi nước Ancón trở thành con tàu đầu tiên thuộc loại này chạy qua kênh đào, tượng trưng cho sự mở cửa của Panama ra thế giới.


Nhưng căng thẳng sớm nảy sinh. Trên thực tế, đất nước đã bị chia cắt thành hai phần. Hàng ngàn người Mỹ và gia đình của họ sống trong khu vực theo luật riêng của chính họ khi làm việc trên kênh đào - được khánh thành chính thức vào năm 1914.


Người Mỹ sống trong khu vực đó không tiếp xúc với người dân Panama - những người không thể vào khu vực của người Mỹ mà không có sự cho phép đặc biệt.


Sự bất bình trong người dân Panama ngày càng tăng và dâng lên thành nhiều cuộc biểu tình yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở đó cũng như giành lại Kênh đào Panama.


Năm 1958, Chiến dịch Chủ quyền đã được một nhóm sinh viên đại học phát động. Những người này đã cắm 75 lá cờ Panama một cách hòa bình vào nơi chính thức là lãnh thổ của Mỹ.


"Họ nói với chúng tôi rằng đây không phải là lãnh thổ dành cho người Panama bước vào. Vào hôm đó, chúng tôi nói rằng chúng tôi không sợ nữa và muốn có một hiệp ước mới để chấm dứt sự tồn tại vĩnh viễn của chế độ thực dân," Ricardo Ríos Torres, một trong những nhà lãnh đạo của cuộc biểu tình sinh viên đó, nói với BBC Mundo vào năm 2019.


Sự kiện khác tác động đến quá trình đòi lại tuyến đường liên đại dương là Cuộc diễu hành yêu nước năm 1959. Người dân Panama khi ấy đã tiến vào Khu vực Kênh đào, mang theo lá cờ nước mình.


Cuộc diễu hành bắt đầu trong hòa bình, nhưng khi những người biểu tình bị cấm vào khu vực, các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa người Panama và cảnh sát, khiến hàng chục người bị thương.


Cả hai sự kiện đều dẫn đến một câu nói sau này trở nên phổ biến ở Panama:


"Những người trồng cờ đã 'thu hoạch' chủ quyền."

Ngày Cảm tử

Những sự kiện này đã kích động thêm các cuộc biểu tình trong những năm tiếp theo.


Các cuộc đàm phán đã dẫn đến một thỏa thuận vào năm 1962 giữa Tổng thống Panama khi đó là Roberto Chiari và Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Theo đó, cờ của cả hai nước phải được treo ở các khu vực dân sự trong Vùng Kênh đào.


Nhưng khi ngày 1/1/1964 đến - ngày mà thỏa thuận được cho là có hiệu lực - những người sống trong Vùng Kênh đào đã phớt lờ mệnh lệnh của thống đốc Vùng khi từ chối treo cờ Panama.


Ngày 9/1/1964, hàng chục sinh viên từ Viện Quốc gia Panama đã đến Vùng Kênh đào mang theo lá cờ của trường mình, yêu cầu nó được treo tại Trường Trung học Balboa.


Tuy nhiên, một số cảnh sát Mỹ đã ngăn cản họ. Cuộc đối đầu đã kết thúc với hơn 20 người biểu tình thiệt mạng và hàng trăm người bị thương còn lá cờ Panama thì bị xúc phạm. Sự kiện sau này được gọi là Ngày Cảm tử.


Tổng thống Roberto Chiari khi đó đã phản ứng bằng cách cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington cho đến khi một hiệp ước mới được ký kết giữa hai nước.


Nhiều nhà phân tích coi sự kiện này là chất xúc tác chính cho việc chuyển giao Kênh đào Panama về tay người Panama hơn 35 năm sau đó.
Hình ảnh,Getty ImagesChụp lại hình ảnh,Cảnh sát đối đầu với học sinh, sinh viên Panama tại Vùng Kênh đào

Hiệp ước Torrijos-Carter

Sau tháng Một đen tối đó, vào ngày 3/4/1964, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Panama chính thức bắt đầu.


Cả hai nước đều đồng ý bổ nhiệm các đại sứ đặc mệnh toàn quyền để tiến hành các cuộc đàm phán.


Nhưng phải mất thêm 10 năm nữa, dưới thời Tổng thống Mỹ Richard Nixon, một tuyên bố chung mới được ký kết tại Thành phố Panama giữa Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và Ngoại trưởng Panama Juan Antonio Tack.


Điều này đã cung cấp khuôn khổ rõ ràng thiết yếu để thúc đẩy một thỏa thuận cuối cùng về tương lai của Kênh đào Panama với kỳ vọng sẽ được cả hai bên chấp nhận.


Trọng tâm của vấn đề này là cần phải thay thế Hiệp ước Hay-Bunau-Varilla, vốn đã cấp quyền đối với kênh đào cho Mỹ cũng như quyền tài phán đối với một phần lãnh thổ Panama.


Đó là cơ sở cho thỏa thuận được ký kết chính thức giữa Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Tư lệnh Cảnh vệ Quốc gia Panama Omar Torrijos vào ngày 7 /9/1977.


Nói một cách đơn giản, họ đã đồng ý rằng chủ quyền của Vùng Kênh đào phải tuân theo pháp luật của Panama và ấn định ngày chuyển giao quyền sở hữu tuyến đường liên đại dương cho Panama: ngày 31 tháng 12 năm 1999.


Ông Carter nói bằng cách trả lại kênh đào cho người Panama, người Mỹ đã chứng minh rằng "với tư cách là một quốc gia lớn và hùng mạnh, chúng tôi có khả năng đối xử công bằng và tôn trọng với một quốc gia có chủ quyền, tự tôn dù nhỏ hơn".

Trao trả


Sau một thời gian chuyển giao, chỉ vài ngày trước khi bước sang thế kỷ mới, các quan chức từ khắp nơi trên thế giới đã có mặt tại Panama để tham dự buổi lễ chính thức của điều mà người dân nơi đây hằng mơ ước. Chính ông Jimmy Carter cũng có mặt ở đó.


Các màn hình khổng lồ được đặt ở các vị trí khác nhau trong Thành phố Panama cùng với đồng hồ đếm ngược.


Khi Tổng thống Panama Mireya Moscoso kéo lá cờ Panama lên tại Tòa nhà Quản lý Kênh đào thì việc chuyển giao chính thức hoàn tất.


"Panama, kênh đào thuộc về người Panama," vị tổng thống đã nói vào ngày hôm đó.


"Panama cuối cùng đã trở thành một quốc gia có chủ quyền trọn vẹn."

No comments:

Jimmy Carter và cái giá của tổng thống một nhiệm kỳ- Julian E. Zelizer, Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Giống như năm 1980, Đảng Dân chủ đang nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng đảng. Cựu Tổng thống Jimmy Carter, người đã qua đời vào ngày ...