Giống như năm 1980, Đảng Dân chủ đang nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng đảng.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter, người đã qua đời vào ngày 29/12/2024 ở tuổi 100, đã bị đánh giá thấp kể từ khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/1981. Trên thực tế, Carter là hình mẫu cho những gì một tổng thống một nhiệm kỳ có thể làm được. Trong thời đại mà hầu hết người Mỹ coi trọng giá trị của chiến thắng hơn bất kỳ điều gì khác, Carter đã chứng minh rằng một vị tổng tư lệnh sẵn sàng đốt cháy vốn chính trị và tập trung vào các mục tiêu cao cả thay vì lợi ích ngắn hạn có thể làm được những điều tuyệt vời cho quốc gia và thế giới.
Điều này có thể nghe lạ lùng đối với chúng ta ngày nay, nhưng kỹ năng của Carter trong vai trò nhà lãnh đạo và chính trị gia rất đáng gờm. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1976, vị cựu thống đốc Georgia vô danh đã đánh bại một số đối thủ nổi tiếng trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ và sau đó tiếp tục đánh bại Tổng thống đương nhiệm Gerald Ford.
Từ năm 1977 đến năm 1981, Carter đã đàm phán một thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa người Ai Cập và người Israel – một thỏa thuận vẫn tồn tại cho đến ngày nay; đưa chủ nghĩa môi trường vào chương trình nghị sự chính trị ở thời điểm mà hầu hết các quan chức được bầu đều không coi vấn đề này là trọng tâm, bao gồm cả việc thông qua Đạo luật Bảo tồn Đất đai vì Lợi ích Quốc gia Alaska năm 1980; và nâng cao quyền con người trong chính sách đối ngoại thông qua những thay đổi quan trọng đối với Bộ Ngoại giao, tất cả đều nhận được sự đánh giá cao từ các nhà viết tiểu sử như Jonathan Alter và Kai Bird.
Bài đang hot
Cho đến nay, Hiệp ước Trại David vẫn là một trong số ít đột phá ngoại giao ở Trung Đông, và việc Carter bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1979 từ lâu đã được xem là một thành phần quan trọng trong việc làm tan băng Chiến tranh Lạnh. Hơn nữa, việc Carter ủng hộ các luật có đạo đức là liều thuốc tiên chữa lành vết thương của Watergate, cũng như những nỗ lực của ông nhằm tước bỏ “chế độ tổng thống chuyên quyền” (imperial presidency) bằng cách cắt giảm quy mô của thể chế này. Ví dụ, Carter đã loại bỏ một số nghi lễ, chẳng hạn như yêu cầu không phát bài “Hail to the Chief” khi ông bước vào phòng.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống của Carter cũng chứa đựng những câu chuyện cảnh giác. Dù giá trị của các chính quyền tổng thống một nhiệm kỳ như Carter cần được nghiên cứu và ca ngợi, nhưng cái giá khổng lồ khi thất bại trong việc củng cố và bảo vệ đảng chính trị đóng vai trò nền tảng cho nhiệm kỳ của vị tổng thống đó cũng cần được lưu tâm.
Cuối cùng thì, bất chấp mọi thành công, Carter đã khiến Đảng Dân chủ rơi vào thế yếu vào năm 1980, và mở cánh cửa vào Phòng Bầu dục cho một phong trào bảo thủ sẽ tiếp tục làm suy yếu các ý tưởng và chính sách quan trọng nhất của ông cho đến tận ngày nay.
Chính trị đảng phái theo kiểu cũ chưa bao giờ là vùng an toàn của Carter. Ngay từ đầu, ông đã phải vật lộn để duy trì quan hệ chặt chẽ với Đảng Dân chủ tại Đồi Capitol. Nhiều đảng viên Dân chủ trong Quốc hội không tin tưởng ông và cho rằng thông điệp chống Washington của ông là có hại.
Trước khi nhậm chức, Carter đã có một cuộc trao đổi căng thẳng với Jack Brooks, Hạ nghị sĩ Dân chủ Texas, vào tháng 12/1976. Brooks, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về Hoạt động Chính phủ, đã lắng nghe khi tổng thống đắc cử giải thích cách ông dự định đề xuất một đạo luật vốn sẽ mở rộng thẩm quyền của mình, từ đó sáp nhập và thu hẹp các cơ quan liên bang nhằm theo đuổi hiệu quả cao hơn. Brooks đã cảnh báo tổng thống mới rằng Quốc hội sẽ không nhượng bộ thẩm quyền này cho ông. Nhưng Carter quyết không nhân nhượng. Căng thẳng trong phòng lên cao đến mức một trong những cố vấn hàng đầu của tổng thống, Bert Lance, đã phải can thiệp.
Quan hệ không mấy tốt đẹp với Đảng Dân chủ trong Quốc hội tiếp tục cản trở Carter tại thời điểm đang có một chính phủ thống nhất. Người liên lạc với Quốc hội thay mặt Tổng thống, Frank Moore, đã liên tục mắc sai lầm, làm xói mòn lòng tin đối với chính quyền mới ở cả Hạ viện và Thượng viện.
Có những sai lầm nhỏ nhặt, chẳng hạn như khi đội ngũ của Carter quyết định phục vụ bánh cuộn ngọt trên đĩa giấy, thay vì một bữa sáng đầy đủ tại một trong những cuộc họp đầu tiên của ông với các đảng viên Dân chủ từ Đồi Capitol. Các cuộc gọi điện thoại không được hồi đáp, và nhân viên của ông dường như không biết cách thức hoạt động của Washington. Trong một lần khác, đội ngũ của Moore đã không báo trước cho một nhà lập pháp của Đảng Dân chủ rằng tổng thống sẽ đến thăm quận của ông. Carter cũng chẳng giúp ích gì khi ông liên tục phản đối gần 300 dự án nước vào năm 1977 như một phần trong đề xuất ngân sách của mình, xem chúng là không cần thiết, theo đó làm phật lòng nhiều đảng viên Dân chủ cấp cao trong Quốc hội, những người đang trông chờ vào khoản chi tiêu đó.
“Họ chạy đua chống lại Washington, rồi trở thành một phần của Washington, nhưng lại không được trang bị về mặt tâm lý cũng như kỹ thuật để đối mặt với điều đó,” một hạ nghị sĩ của Đảng Dân chủ phàn nàn với tờ New York Times.
Cũng có những vấn đề lớn hơn, do chính Tổng thống Carter gây ra cho đảng của mình trong lúc theo đuổi một chương trình nghị sự tự do phi chính thống, hậu những năm 1960. Chẳng hạn, vào năm 1977 và 1978, Đảng Dân chủ chủ yếu quan tâm đến tình trạng ảm đạm của nền kinh tế, vốn đã bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp của nạn thất nghiệp, lạm phát, và cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra. Khi Carter quyết định rằng bảo tồn năng lượng sẽ là ưu tiên hàng đầu của mình, nhiều nhà lập pháp trên Đồi Capitol đã không hài lòng.
Một số ưu tiên của Carter đã đi ngược lại lợi ích cơ bản của những vị đại diện cho các khối cử tri muốn có nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn để cắt giảm chi phí, và việc bảo tồn năng lượng cũng không giải quyết được những nhu cầu thiết yếu, ngắn hạn của cử tri.
Như Chủ tịch Hạ viện Tip O’Neill hồi tưởng trong một bài viết chung với William Novak trên tờ Washington Post năm 1987, “Tôi đã nhiều lần phàn nàn về đội ngũ của Kennedy, nhưng chí ít họ còn quan tâm đến các thành viên Dân chủ của Quốc hội. Thái độ của họ là: Chúng tôi muốn các bạn được tái đắc cử, và chúng tôi đang nỗ lực giúp đỡ các bạn. Nhưng dưới thời Carter, những đảng viên Dân chủ trong Quốc hội thường có cảm giác rằng Nhà Trắng thực sự đang chống lại chúng tôi.”
Khi giải quyết các vấn đề trong nước, Carter thường xuyên làm các nhóm Dân chủ cốt lõi nổi giận. Gói kích thích kinh tế của vị tổng thống đắc cử năm 1977 đã hủy bỏ khoản hoàn thuế mà ông từng hứa với cử tri trung lưu, và đưa ra một luật chủ yếu tập trung vào giảm thuế. Carter phản đối mức chi tiêu công mà Đảng Dân chủ kêu gọi nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Nhiều nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi nhận thấy rằng Carter không ưu tiên nhu cầu của họ. Tổng thống cũng cản trở nỗ lực thúc đẩy bảo hiểm y tế quốc gia của Thượng nghị sĩ Massachusetts Ted Kennedy, cắt đứt mọi cuộc đàm phán với em trai của hai huyền thoại đã khuất của Đảng Dân chủ.
Các sáng kiến chính sách khác của Carter chỉ càng làm tăng tốc phong trào bảo thủ hiện đại, vốn tìm cách thúc đẩy chính trị hữu khuynh. Năm 1977, Carter quyết định trao lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama cho người Panama, tin rằng điều này sẽ làm giảm căng thẳng nội bộ mà Tướng Omar Torrijos Herrera đang chật vật giải quyết, và nói rộng hơn, là làm giảm tình cảm tiêu cực đối với Mỹ, vốn đã hình thành trong nhiều thập kỷ ở Mỹ Latinh.
Sau khi ký hai hiệp ước liên quan, Carter đã tìm đủ mọi cách bảo vệ chúng trong quá trình phê chuẩn của Thượng viện vào mùa xuân năm 1978. Ông yêu cầu các thượng nghị sĩ ủng hộ các hiệp ước, dù chúng không được ưa chuộng, bằng cách dựa vào quan hệ cá nhân và việc đưa các thượng nghị sĩ đến kênh đào để họ có thể tận mắt chứng kiến những gì đang bị đe dọa. Carter cũng tiến hành các cuộc họp với công nghệ điện thoại mới để ông và các thành viên chính quyền có thể trình bày trực tiếp quan điểm của mình với cử tri. Cuối cùng, chính sách chính trị cứng rắn đã có hiệu quả. Vào tháng 3/1978, Thượng viện đã phê chuẩn hiệp ước đầu tiên với tỷ lệ 68 trên 32. Sang tháng 4, Thượng viện tiếp tục phê chuẩn hiệp ước thứ hai với cùng biên độ.
Vấn đề là trong lúc Carter vui mừng về thành công của mình, thì phe bảo thủ cũng vậy, dù rằng họ đã thất bại. Những nhân vật bảo thủ như Ronald Reagan hiểu rằng hầu hết cử tri Dân chủ không quan tâm đến các hiệp ước này, dù một số người đồng tình với lời chỉ trích rằng chúng sẽ là dấu hiệu của sự kém cỏi. Trong khi đó, hầu hết các thành viên cánh hữu đều phản ứng dữ dội. Những người bảo thủ lên án hành động của Carter là không yêu nước và nguy hiểm.
“Chúng ta đã xây dựng nó, chúng ta đã trả tiền cho nó, nó là của chúng ta, và chúng ta sẽ giữ nó,” Reagan lập luận về kênh đào vào năm 1976.
Các tổ chức bảo thủ đã lợi dụng sự tức giận đối với hai hiệp ước để tăng số lượng thành viên và tiền quyên góp.
“Đó chính là lòng yêu nước, và đó là việc chúng ta làm tốt nhất,” Howard Phillips của tổ chức bảo thủ The Conservative Caucus tự hào nói.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1978, liên minh bảo thủ của các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa miền Nam đã được phục hồi sau năm 1976, một phần là nhờ các hiệp ước của Carter.
Đến cuối nhiệm kỳ của Carter, Đảng Dân chủ đã rơi vào khó khăn. Họ phải chịu thiệt hại trong các cuộc thăm dò khi các thành viên đối mặt với sự trỗi dậy nhanh chóng của Reagan. Ngoài ra, trong vòng bầu cử sơ bộ, Carter cũng phải đối mặt với thách thức tàn khốc từ Thượng nghị sĩ Kennedy, người đổ lỗi cho Carter vì đã từ bỏ các giá trị cốt lõi của Đảng Dân chủ khi theo đuổi đường lối trung dung. Với cuộc khủng hoảng con tin ngày càng trầm trọng hơn ở Iran, nơi có hơn 50 người Mỹ bị giam giữ, Đảng Dân chủ cuối cùng đã mất đi sự nhiệt tình bảo vệ Carter.
Dù Carter vẫn thắng thế trong vòng sơ bộ, ông đã bước vào đại hội đảng với thiệt hại nặng nề. Đảng Dân chủ hướng đến cuộc tổng tuyển cử cùng sự chia rẽ nội bộ, tinh thần suy sụp sâu sắc, và không đủ khả năng chứng minh với cử tri rằng họ đã làm hết sức mình sau bốn năm nắm quyền.
Kết quả của cuộc bầu cử năm 1980 là Reagan thắng với 489 phiếu Đại cử tri. Đảng Cộng hòa cũng giành được quyền kiểm soát Thượng viện, lần đầu tiên kể từ năm 1955. “Liên minh Dân chủ cũ vừa bỏ rơi Tổng thống Carter ngày hôm qua,” Adam Clymer của tờ New York Times nhận xét.
Trong tám năm tiếp theo, Reagan đã điều hướng chính trị sang cánh hữu, và trong nhiều thập kỷ sau đó, Đảng Cộng hòa đã tranh đấu dữ dội chống lại những gì Carter ủng hộ. Reagan mở rộng chi tiêu quân sự và ủng hộ kiểu lập trường quân phiệt trên trường quốc tế mà Carter đã chỉ trích – chí ít là cho đến khi Liên Xô xâm lược Afghanistan vào tháng 12/1979. Đảng Cộng hòa đã nhắm mục tiêu vào các chính sách liên bang nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch; một bộ phận của đảng thậm chí còn đi xa hơn khi đặt câu hỏi về chính khái niệm biến đổi khí hậu.
Từ Reagan đến Donald Trump, Đảng Cộng hòa đã nỗ lực khôi phục lại chế độ tổng thống chuyên quyền mà Carter đã chống lại vào năm 1976, khi ông đảm bảo với người Mỹ rằng họ có thể tin tưởng ông. Những lo ngại của Carter về đạo đức và tham nhũng đã bị gạt sang một bên. Đất nước dần chìm sâu trong kỷ nguyên mà tiền của tư nhân nhấn chìm nền chính trị, và ranh giới giữa chính trị kinh doanh và chính trị chuyên nghiệp đã bị xói mòn. Sự ngờ vực đối với chính phủ, bao gồm cả chức tổng thống, luôn ở mức cao.
Dù các nhà viết tiểu sử đã đạt được thành công lớn trong việc khôi phục lại những thành tựu bị lãng quên của Carter, hậu quả lâu dài của việc để lại một liên minh chính trị vỡ tan cũng không nên bị bỏ qua.
Chắc chắn, không phải tất cả các vấn đề mà Đảng Dân chủ phải đối mặt vào năm 1980 đều đáng bị đổ lên vai Carter. Đảng này đã phải đối mặt với những hạn chế và chia rẽ nội bộ của chính mình từ rất lâu trước khi Carter bước vào Nhà Trắng. (Hãy nhớ đến cuộc bầu cử năm 1972.) Nền kinh tế rơi vào tình trạng hỗn loạn và người Mỹ đang bị bắt làm con tin ở Iran là hai vấn đề có thể hủy diệt bất kỳ đảng nào.
Hơn nữa, kỹ năng chính trị sắc bén của Reagan và sự ủng hộ sâu rộng đối với phong trào bảo thủ cũng là những yếu tố quan trọng dẫn đến chiến thắng của phe bảo thủ vào năm 1980.
Tuy nhiên, các tổng thống, bao gồm cả Carter, không thể thoát khỏi những lời chỉ trích xuất phát từ những vấn đề mà đảng của họ phải đối mặt, đặc biệt là khi chính họ đã tạo ra lỗ hổng cho các thế lực phản đối. Khi các tổng thống gặp khó khăn trong việc xây dựng đảng, thì luật pháp, ý tưởng, và thậm chí là cơ hội tái đắc cử sẽ nhanh chóng bị lu mờ bởi việc chuyển giao quyền lực cho một nhà lãnh đạo mới và một liên minh mới, những người sẽ đấu tranh để phá bỏ hầu hết mọi thứ mà người tiền nhiệm của họ đã nỗ lực xây dựng.
Trong lúc Tổng thống Joe Biden chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, Đảng Dân chủ một lần nữa nhận ra được tầm quan trọng của việc xây dựng đảng. Biden, người đạt được nhiều thành công về mặt lập pháp hơn Carter, đã không thể cải thiện cục diện cho đảng của mình so với khi ông nhậm chức.
Cuộc bầu cử năm 2024 đã đưa chủ nghĩa bảo thủ MAGA lên đến đỉnh cao sức mạnh. Biden đã không cứu được linh hồn của nước Mỹ, như ông đã hứa khi vận động tranh cử vào năm 2019. Giờ đây, Trump – người mạnh dạn tuyên bố rằng ông sẽ giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama – sẽ tận hưởng thêm bốn năm quyền lực chính trị, được khuyến khích nhờ việc giành được cả phiếu phổ thông lẫn phiếu ở mọi tiểu bang dao động.
Trong bốn năm tới, và có lẽ là trong bốn thập kỷ tới, Đảng Dân chủ vẫn sẽ chật vật để bảo vệ hồ sơ lập pháp và chương trình nghị sự chính sách mà họ đã dày công xây dựng.
Julian E. Zelizer là giáo sư lịch sử và công vụ tại Đại học Princeton. Ngày 14/01 sắp tới, Columbia Global Reports sẽ xuất bản cuốn sách mới của ông, “In Defense of Partisanship.”
No comments:
Post a Comment