Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Houston, để hàn huyên/tâm sự. Buổi họp mặt đầy cảm xúc này do Luật sư Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng – Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Luật Khoa Việt Nam tại Houston – tổ chức.
Nha Trang Chiều Mưa - ( Minh Kỳ ) - Hoàng Oanh
Trong cuộc họp mặt này cũng có phần “hát cho nhau nghe” đầy thú vị. Tôi chỉ im lặng, vỗ tay sau khi MC (Master of Ceremonies) Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng giới thiệu và “ca sĩ” từ từ bước đến nơi để “micro”, cạnh đàn Organ và “One Woman Band”; cũng như sau khi “ca sĩ” hát xong.
Hôm nay, bất ngờ MC giới thiệu một quan khách từ DC đến. Điều đặc biệt là vị khách này sinh năm 1925 – năm nay đúng 100 tuổi. Nhiều tràng pháo tay vang lên. Tôi nhìn chăm chăm vào ông Cụ 100 tuổi mà trông như Cụ chỉ khoảng 80. Khi nghe MC giới thiệu quý danh của ông Cụ là Anh Ngọc, tôi nhíu mày, nhưng lại thầm nghĩ có lẽ người trùng tên.
Cụ Anh Ngọc từ từ bước về phía “micro” trong khi MC giới thiệu rõ hơn: “Ông Anh Ngọc là một ca sĩ ‘vang bóng một thời’ của nền âm nhạc miền Nam Việt Nam”. Tôi bàng hoàng và, rất bất ngờ, không hiểu tại sao, hai hàng nước mắt lại lăn dài trên khuôn mặt cằn cỗi của tôi! Vừa quẹt nước mắt vừa bước đến bên phu nhân của Cụ Anh Ngọc – bà Minh Phượng, cựu xướng ngôn viên đài VOA – tôi hỏi:
-Thưa chị, có phải Cụ Anh Ngọc này ngày xưa từng hát trong ban Tiếng Tơ Đồng với Thái Hằng, Thái Thanh, Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao... hay không?
-Vâng! Anh ấy đấy.
-Hồi đó, Anh Ngọc là một trong những ca sĩ “ruột” của em.
Sau vài câu thăm hỏi, bà Minh Phượng tiết lộ: Sau 30/04/1975 ca sĩ Anh Ngọc không bị cộng sản Việt Nam (csVN) bắt đi học tập/cải tạo. Nhưng, năm 1986 Anh Ngọc bị csVN bắt/giam tại trại cải tạo Đồng Hòa với bản án 03 năm; chỉ sau 11 tháng, Anh Ngọc được trả Tự Do.
Sau khi trở về chỗ ngồi, tôi vừa quẹt nước mắt vừa lắng nghe Cụ Anh Ngọc đọc – chứ không hát – lời ca bài Áo Lụa Hà Đông của cố thi sĩ Nguyên Sa.
Trong khi mọi người lắng nghe Cụ Anh Ngọc đọc lời ca, tôi vừa quẹt nước mắt vừa cảm nhận được niềm thương cảm từ đâu kéo về ray rứt hồn tôi! Buồn quá, tôi nhìn qua khung kính và thấy đường vắng xe, trời mưa lất phất. Chính lúc đó, từ tâm thức u hoài, tiếng hát xưa chợt ngân lên trong hồn tôi:
“Chiều nay mưa Thu Nha Trang im vắng không bóng người qua
Chiều nay âm u trong mưa trong gió ai đến thành Nha ...” (2)
Lời ca này, danh xưng “ca sĩ Anh Ngọc” và những giọt mưa chiều như gợi lại trong hồn tôi những kỷ niệm xưa, thời tôi mới lớn, tại Nha Trang, trong ban ca nhạc Bình Minh – do Ba tôi, cụ Điêp Linh Nguyễn Văn Ngữ thành lập và điều động – chuyên phụ trách văn nghệ cho Đài Phát Thanh Nha Trang vào tối thứ Năm và tối Chủ Nhật, vào giữa thập niên 50 đến đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. Thời điểm đó Ba tôi cũng là Trưởng Ban Văn Nghệ Miền Nam Trung Nguyên Trung Phần, thuộc Khu Công Chánh Nha Trang và Ba tôi cũng cộng tác với báo Đuốc Thiêng/Tin Sáng/Tia sáng, với bút hiệu Điệp Linh.
Đã nhớ đến Ba tôi/ban Bình Minh và thời thơ dại của tôi, không thể nào tôi quên được hai cây dừa xiêm được trồng gần nhau bên hông nhà của Ba Má tôi. Nơi chiếc võng được cột vào thân của hai cây dừa xiêm, mỗi tối, Ba tôi thường “ôm” radio, nằm trên võng, nghe nhạc. Không ai được đến gần, vì muốn dành giây phút riêng tư cho Ba tôi. Khi nghe nhạc ngoại quốc, Ba tôi chỉ nghe những nhạc phẩm bán cổ điển Tây Phương được hòa tấu; nhạc Việt, Ba tôi chỉ nghe ban Tiếng Tơ Đồng/ban Thăng Long. Các ca sĩ Ba tôi và tôi đều yêu thích là Thái Hằng/Thái Thanh/Khánh Ngọc/Minh Trang/Bích Chiêu/Mai Hương/Hoàng Oanh/Lệ Thu/Khánh Ly/Quỳnh Giao/Anh Ngọc v.v... Nếu ai từng thấy và nghe Bích Chiêu trình diễn – trên sân khấu – tình ca Nỗi Lòng của Nguyễn Văn Khánh, người đó sẽ không bao giờ muốn nghe bất cứ ca sĩ nào khác trình bày tình khúc “Nỗi Lòng”!
Trong khi Ba tôi nằm trên võng nghe nhạc, tôi học và làm bài cho ngày hôm sau. Sau khi học xong, tôi phải tập đàn Accordeon để hòa đàn cùng các Chú/Bác trong ban Bình Minh, sẵn sàng cho buổi phát thanh kế tiếp trên Đài Phát Thanh Nha Trang. Đôi khi, đang tập đàn, tôi thấy Ba tôi vào nhà, bảo: “Con! Con đàn lại phân đoạn đó cho Ba nghe. Dường như bên ‘bass’ con lỗi nhịp!” hoặc là: “Con đàn bài này ‘được’ lắm!”
Thập niên 90 của thế kỷ thứ XX, Ba Má tôi sang Mỹ theo diện ODP(3) do tôi bảo lãnh.
Chỉ vài tuần sau, Ba tôi tự xin được việc làm trong cơ quan ICC trên đường Fannin, Houston, với nhiệm vụ đọc/chọn bài cho nguyệt san Dân Ta. Mỗi buổi sáng, từ chung cư nơi ngã tư Kirkwood và Bellaire, Ba tôi đón xe “bus” xuống đường Fannin, làm việc; chiều, ba tôi lại đón xe “bus” trên đường Fannin, trở về.
Sau khi vô tình biết được sự việc Ba tôi đi làm, tôi ngạc nhiên, hỏi:
-Ba! Ba là giáo sư Pháp văn. Tiếng Anh Ba không biết; Ba không có xe; Ba không biết gì về computer; vậy thì làm thế nào Ba có thể biết cơ quan ICC cần người mà Ba đi xin? Và làm thế nào Ba đến cơ quan ICC được?
-Dễ mà, con! Báo “chợ” (báo biếu) thiếu gì, khi nào đi chợ với Má, Ba lấy một tờ; thêm nữa, báo Ngày Nay – với sự cộng tác thường xuyên và sự yêu cầu của Điệp Mỹ Linh – vẫn gửi đến Ba mà. Còn đi xe “bus”, tiếng Anh và tiếng Pháp cùng xuất phát từ tiếng La-tin, Ba viết ra, họ hiểu liền.
-Sorry, con bận quá, không thể lo cho Ba Má được tươm tất!
-Ba hiểu mà! Ba Má không trách gì con đâu, có điều Ba hơi lo cho con; vì Ba thấy tình trạng báo chí tiếng Việt trong cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại “lộn xộn” quá mà tính con thì “thẳng như ruột ngựa”!
-Hồi đó, khi dạy con viết, Ba đã dạy con là phải thành thật với ngòi bút và độc giả của mình mà!
-Đúng! Ba vẫn muốn ngòi bút của con “đi” trên con đường thẳng đó. Nhưng, muốn tiếp tục đi trên con đường thẳng đó, con phải “phớt lờ” mọi thị phi; vì tình trạng “viết lách” trong cộng đồng người Việt bây giờ giống như... “cái rỗ cua”, hể con cua này “lồm cồm bò” ra liền bị nhiều con cua khác kéo lại!
-Con cũng bị vài người “chọc/phá” rồi, nhưng con chỉ im lặng. Chỉ khi người nào xúc phạm đến Điệp Mỹ Linh các con của con sẽ “vào cuộc” – chữ của csVN – để người đó hiểu thế nào là Tự Do Ngôn Luận trong xã hội Hoa Kỳ.
-Con đừng dùng chữ của “tụi nó”!
-Dạ, con biết mà!
Dòng ý tưởng của tôi vừa đến đây, tôi chợt nhớ tôi đã hứa sẽ tham dự Đại Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức, được tổ chức sau Họp Mặt Luật Khoa một tiếng đồng hồ; vì em tôi – Nguyễn Phiêu Linh – xuất thân khóa 6/68 SQ/TB/TĐ.
Trước khi rời Hội Ngộ Luật Khoa, tôi quyến luyến chào tạm biệt ca sĩ Anh Ngọc, lòng thầm tiếc thương, nếu Ba tôi không bị csVN cầm tù nhiều năm trong trại tù Nghĩa Phú, có thể, Ba tôi cũng đã trở thành một trong những ông Cụ 100 tuổi, như ca sĩ Anh Ngọc!
Điệp Mỹ Linh
1.- Hình: Blog Nhạc Xưa.
2.- Nha Trang Chiều Mưa của Minh Kỳ/Yến Cận.
3.- The Orderly Departure Program.
No comments:
Post a Comment