Monday, November 25, 2013

Không quân Mỹ sẽ có máy bay ném bom siêu đẳng









"The Son of Blackbird" SR-72
Hãng Skunk Works của Tập đoàn Lockheed Martin đang bắt tay vào kế hoạch nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom siêu vượt âm SR-72.

Không quân là biểu tượng sức mạnh của quân lực Mỹ. Trong mọi cuộc chiến mà Mỹ tham gia, không quân luôn là con bài chủ lực trong việc tấn công phủ đầu, dọn đường cho các lực lượng quân đội khác tham chiến và không quân còn đóng vai trò tích cực trong việc do thám... 

Nhưng việc các quốc gia khác với kỹ thuật quân sự cũng liên tục có các bước tiến trong công nghệ phòng không thì quân đội Mỹ cần phải có một sát thủ đa năng trên không hoàn toàn vô hình trước các hệ thống radar đủ làm bất lực các hệ thống phòng thủ đối phương. Tin vui cho không quân Mỹ là Hãng Skunk Works của Tập đoàn Lockheed Martin đang bắt tay vào kế hoạch nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom siêu vượt âm SR-72, sản phẩm được gọi là “con trai của Black Bird”.


Tiền nhiệm SR-71 Blackbird

Bay nhanh hơn gió


Tiền thân của Lockheed SR-72 là chiếc Lockheed SR-71 vốn là niềm tự hào của không quân Mỹ cách đây nửa thế kỷ. Chiếc Lockheed SR-71 là một kiểu máy bay trinh sát chiến lược tiên tiến tầm xa, đạt được tốc độ Mach 3 tức 3 lần vận tốc âm thanh. Ưu thế để tự vệ của chiếc máy bay này là tốc độ và trần bay cao; khi phát hiện thấy tên lửa đất-đối-không được phóng ra hướng về phía mình, cách thoát ra đơn giản chỉ cần tăng tốc. Kiểu máy bay SR-71 được đưa vào phục vụ từ năm 1964 và đến năm 1998, sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, phi đội này được cho “nghỉ hưu”. 

Trong 34 năm phục vụ, hoạt động trong không lực Mỹ, có tổng cộng 32 máy bay Lockheed SR-71 mã danh Blackbird được chế tạo và đã có 12 chiếc bị mất trong các tai nạn khi hoạt động. Dù vậy, không quân Mỹ có thể tự hào là Lockheed SR-71 không có chiếc nào bị mất do hệ thống phòng thủ của đối phương. Tuy nhiên, việc Lockheed SR-71 không bị phòng không đối phương bắn hạ cũng có thể do nó chỉ đơn thuần phục vụ công tác trinh sát và do thám chứ không tham gia chiến dịch tấn công mang tính sát thương nào.

Khi cảm thấy bị đe dọa, nó có thể bay lên độ cao mà các chiến đấu cơ đối phương không thể với tới và “mở hết ga” để thoát khỏi trận địa về căn cứ an toàn. Tầm hoạt động của chiếc này là khoảng 6.000km trên không nên nó thường do thám quanh căn cứ quân sự của Mỹ trong bán kính khoảng 2.000km. Tốc độ gấp 3 lần âm thanh và độ cao đạt trên 24km chính là bí quyết để Lockheed SR-71 không thể bị bắn hạ. Thời gian đầu xuất hiện, Lockheed SR-71 là nhà vô địch tốc độ trên không khi không một máy bay nào có thể truy đuổi nó. Nhưng theo năm tháng, công nghệ của Lockheed SR-71 trở nên lạc hậu và không quân Mỹ buộc phải cho nó nghỉ hưu.

Nhưng hậu sinh khả úy, chiếc Lockheed SR-72 còn kinh khủng hơn nhiều so với tiền nhiệm 50 năm trước. Chỉ riêng về tốc độ, Lockheed SR-72 đã đạt gấp đôi so với tiền nhiệm, tức là nó có thể đạt tốc độ tối đa cao gấp 6 lần âm thanh còn về độ cao, nó vẫn giữ được ở mức hoạt động tối đa 24 cây số. Chưa có số liệu chính thức về tầm hoạt động của Lockheed SR-72 nhưng tin đồn cho biết nó có thể hoạt động rộng gấp đôi người tiền nhiệm tức là nó có thể bay liên tục trên bầu trời trong khoảng cách hơn 10.000 cây số.

Có rất nhiều bài toán được đặt ra trong việc phát triển Lockheed SR-72 đạt tốc độ tới ngưỡng 6 lần âm thanh. Thực tế là vào tháng 8 năm ngoái, không quân Mỹ cũng đã thử một kiểu máy bay với tốc độ 6 lần âm thanh và thất bại. Khi đó, chiếc X-51 A Waverider đã bị vỡ tung trên Thái Bình Dương sau khi được thả từ pháo đài bay B-52. Các kỹ sư NASA đã hy vọng nó có thể bay với tốc độ tối đa trong vòng 5 phút, tức gấp đôi thời gian một chiếc Waverider từng đạt được trước đây nhưng thực tế nó chỉ bay trên bầu trời đúng 16 giây.

Theo thông tin mới hé lộ, để đạt được tốc độ gấp 6 lần âm thanh, Lockheed SR-72 sẽ sử dụng một dạng động cơ gồm 2 phần. Sẽ có một tuốc-bin phản lực cho phép máy bay đạt tốc độ cao gấp 3 lần âm thanh. Khi đạt được tốc độ này thì sẽ có tên lửa đẩy kích tốc độ của Lockheed SR-72 đạt tới mức cực đại. 


Một nan đề khác là khi hoạt động ở ngưỡng cực đại, máy bay sẽ rất dễ nóng vì ma sát với không khí cũng như hoạt động từ động cơ. Để giải quyết bài toán này, phần vỏ máy bay được thiết kế đặc biệt để có thể giãn nở theo nhiệt mà không làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực cao. Ngoài ra, chất liệu bằng titan (một kim loại hiếm có khả năng chịu nhiệt và lực tốt) cũng đảm bảo cho máy bay có thể hoạt động ổn định ở mức giới hạn chịu đựng tối đa trong một thời gian dài.

Không ngưới lái và biết tấn công

Ngoài tốc độ cao gấp đôi, hai điểm cơ bản mà Lockheed SR-72 khác người tiền nhiệm đời 71 là không người lái và có khả năng tấn công. Trước kia, do đảm bảo môi trường an toàn cho phi công nên các máy bay đời 71 hạn chế hoạt động ở ngưỡng tối đa về gồm tốc độ và độ cao. Còn với chiếc máy bay đang nghiên cứu, những mối lo này bị triệt tiêu nên nó có thể hoạt động liên tục ở tốc độ tối đa trong thời gian dài mà không sợ phi công bị ngộp thở hay hấp chín trong máy bay bởi nhiệt độ gia tăng nhanh chóng trên cơ thể do tiếp xúc với luồng gió ở vận tốc Mach 3,2 lúc phóng ra sẽ lên tới 232oC /450oF . Hãng David Clark Company đã được thuê để chế tạo những bộ quần áo bảo vệ đặc biệt cho đội bay của SR-71. Những bộ quần áo này sau đó được cải tiến để sử dụng trên các phi vụ tàu con thoi khi hạ cánh. Rồi đây, khi những vấn đề trên đã không còn, Lockheed SR-72 có thể thỏa sức tung trời mà bị bất cứ một giới hạn nào nữa. 


Đội bay của SR-71 Blackbird với những bộ quần áo bảo vệ đặc biệt được chế tạo bởi hãng David Clark Company
Lý giải về chuyện không dùng người lái, các nhà phát triển cho biết, cách đây nửa thế kỷ, công nghệ UAV vẫn là một con số 0 nên phải có đội bay 2 người trên máy bay điều khiển trực tiếp. Thời đại phát triển tột bực của kỹ thuật UAV hiện đại cho phép máy bay có thể hoạt động tự động với các chương trình định sẵn. 
Con người cũng có thể can thiệp trực tiếp trong quá trình bay của Lockheed SR-72 thông qua các trạm điều khiển dưới đất với sự trợ giúp tín hiệu từ vệ tinh. Điều này không chỉ giúp máy bay có thể hoạt động ở những điều kiện khó tin mà còn giúp nó hoạt động chính xác hơn. Dù sao thì “phi công” dưới mặt đất cũng có tâm lý thoải mái và tinh thần tốt hơn phi công chui vào "cỗ quan tài sắt" trên không. Nên nhớ là máy bay SR-71 của thế hệ trước đã mất 12/32 chiếc vì tai nạn khi đang hoạt động nguyên nhân cũng bởi sự chịu đựng của phi công đã vượt quá giới hạn ở điều kiện cực kỳ về cao độ và tốc độ khiến họ không còn những thao tác, phán đoán kịp thời và chính xác. Và đó là tỷ lệ không hề nhỏ chút nào. 

Điều đặc biệt hơn là Lockheed SR-72 còn được trang bị vũ khí tấn công chứ không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ do thám như phiên bản trước. Ông Brad Leland, người đứng đầu kế hoạch phát triển máy bay Lockheed SR-72 cho biết vũ khí nào trang bị sẽ được quyết định vào năm 2020 nhưng đó không phải là vấn đề lớn. Lockheed SR-72 có thể được trang bị tên lửa thông minh và có thể gắn đầu đạn hạt nhân nếu cần thiết. Tất cả những gì mà đội ngũ thiết kế và chế tạo làm lúc này là giúp Lockheed SR-72 có thể đạt tốc độ trong mơ. 

“Khi hoạt động, Lockheed SR-72 có thể bay với vận tốc lớn và có tính năng tàng hình, đối phương sẽ không thể đánh chặn được loại máy bay này. Nó có thể phá hủy mục tiêu trước khi đối phương phát hiện ra nó và đây đáng gọi là "con trai của thần gió”, Leland nói. Theo dự kiến, máy bay này sẽ được giao cho không quân Mỹ vào năm 2030 và nhiều nước tỏ ra thận trọng trước bước tiến nhảy vọt của siêu phẩm quân sự tốc độ này. 

Bởi đơn giản khi có Lockheed SR-72, không quân Mỹ có thể tiến hành một mục tiêu định trước ở bất cứ điểm nào trên thế giới mà phòng không nước khác không làm gì được, họ cũng có thể một mình một bầu trời để tiến hành các hoạt động do thám mà chẳng có vũ khí nào đe dọa được. Nếu những máy bay này mà được Mỹ cung cấp cho các đồng minh ở châu Á thì nó sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy thật sự lo ngại.

Mai Luông chuyển

No comments: