Thursday, June 11, 2015

Trung Cộng sẽ là 'hổ giấy' nếu bị Mỹ thách thức ở Biển Đông

 Khu trục hạm USS Mustin (DDG 89) của Hải quân Mỹ đang hải hành trên
 Biển Đông cùng trực thăng MH-60R Sea Hawk ngày 3.6.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ




Mỹ cần phải thách thức bằng sức mạnh lẫn chứng cớ lịch sử đối với các tuyên bố chủ quyền hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông để vạch trần sự yếu kém của Bắc Kinh, theo phân tích của một giáo sư Đại học George Washington (Mỹ).


Trong bài phân tích đăng trên The Diplomat ngày 10.6, ông Richard C. Thornton, giáo sư nghiên cứu lịch sử và các vấn đề quốc tế thuộc Đại học George Washington (Mỹ), cho rằng lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngừng xây đảo phi pháp tại Biển Đông sẽ chẳng lọt tai các quan chức Trung Quốc vì 2 lý do.
“Thứ nhất, việc tạo sự đã rồi tại Biển Đông để khẳng định chủ quyền nằm trong lợi ích của Bắc Kinh. Và lý do thứ 2 là vì chẳng ai có thể ngăn cản họ”, ông Thornton bình luận.
Mỹ đã nói rõ rằng nước này không đứng về phía nào trong các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng muốn duy trì tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở khu vực này.
Không may cho cả Washington và Bắc Kinh là mục tiêu của 2 nước, gồm hoạt động xây đảo và tự do hàng hải, lại đối nghịch nhau. Theo nhận định của giáo sư Thornton, sớm muộn gì cũng sẽ có đụng độ giữa quân đội 2 bên, rồi các sự cố sẽ xảy ra tiếp theo và có lẽ sẽ gia tăng về số lần. 

Truyền thông Trung Quốc đang yêu cầu Mỹ phải rút khỏi Biển Đông trước khi quá muộn, đồng thời khẳng định Trung Quốc kiên định với chiến lược hiện diện tại Tây Thái Bình Dương.

“Mỹ nên chấp nhận lời thách thức của Trung Quốc càng sớm càng tốt”, giáo sư đề xuất.
“Nếu Trung Quốc thực sự muốn thống trị vùng biển Tây Thái Bình Dương, thì Mỹ nên thách thức các tuyên bố chủ quyền của nước này, trong khi Trung Quốc vẫn còn khá yếu về hải quân và Mỹ vẫn tương đối vượt trội hơn”, ông nói.
Mỹ nên sử dụng biến thể của “Chiến thuật Hàng hải” từng được dùng để đối phó Liên Xô trong những năm 1980 để chống lại Bắc Kinh ngày nay, giáo sư Thornton “hiến kế”.
“Lúc đó, Hải quân Mỹ đã cho tàu áp sát các tiền đồn hải quân của Liên Xô ngoài khơi thành phố cảng Murmansk, tây bắc Nga hiện nay, và Biển Okhtsk (phần mở rộng của Bắc Thái Bình Dương) để ngăn không cho hải quân Liên Xô có chỗ trú ẩn nếu xảy ra xung đột giữa 2 bên. Và đó là điều Hải quân Mỹ cần làm ngày nay để đối phó Trung Quốc”, theo vị giáo sư Mỹ.
“Cần phải làm rõ rằng các căn cứ hải quân của Trung Quốc chẳng tạo ra lợi thế nào khi xảy ra xung đột. Có lẽ một màn phô trương sức mạnh bằng việc cho nã pháo vào các đảo san hô không người ở sẽ có tác dụng. Hoặc một màn trình diễn hỏa lực của một hạm đội tàu trang bị khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Mục đích là để cho công chúng thấy được các điểm yếu mà Trung Quốc cố che đậy thông qua bộ máy tuyên truyền lớn lối”, ông nói thêm.
Giáo sư Thornton cho biết có một việc cần làm ngay là phơi bày cho công chúng quốc tế thấy các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông không hề có cơ sở lịch sử.
Tại thời điểm hiện tại, Mỹ đã thất bại trong việc thách thức các tuyên bố này, khiến tạo ra cảm giác rằng chúng có thật, trong khi thực tế lại trái ngược, theo ông Thornton.


An MH-60R Seahawk assigned to Helicopter Maritime Strike Squadron (HSM) 73
 flies in front of the littoral combat ship USS Freedom (LCS 1), Feb. 22 in the Pacific Ocean.
(U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 1st Class James R. Evans)





“Bắc Kinh tuyên bố quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là của Trung Quốc, nhưng điều này không đúng. Nếu Senkaku thuộc chủ quyền của nước nào đó thì đó phải là Vương quốc Ryukyu, vốn bao gồm nhiều nhóm đảo trải dài từ Senakaku đến Okinawa. Vương quốc này tồn tại từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19 trước khi dần bị sáp nhập vào tộc Satsuma ở miền nam Nhật Bản”, giáo sư Mỹ cho hay.
“Trung Quốc, trên thực tế, đã thừa nhận Senkaku thuộc Nhật Bản mãi đến thời gian gần đây. Sau Thế chiến thứ 2, Mỹ kiểm soát Senkaku, Okinawa và những hòn đảo từng do Nhật quản lý như một phần trong hiệp ước hòa bình ký kết với Nhật”, ông Thornton cho biết.
“Chỉ đến năm 1968, khi Mỹ đề xuất đàm phán với Nhật về việc trao trả những đảo này cho Tokyo, Bắc Kinh đánh hơi thấy đây là cơ hội để tuyên bố chủ quyền. Mục đích thực sự từ động thái này của Trung Quốc là nhằm thách thức sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, vì quần đảo Senkaku vẫn nằm trong điều khoản thuộc Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, trong đó quy định Washington sẽ bảo vệ Senkaku như một phần lãnh thổ của Nhật”, theo giáo sư Mỹ.
“Quần đảo Hoàng Sa ngoài khơi Việt Nam cũng không liên quan đến Trung Quốc về mặt lịch sử. Pháp đã sáp nhập quần đảo này vào thuộc địa Đông Dương và sau đó là Nhật chiếm đoạt từ tay Pháp hồi Thế chiến thứ 2. Trung Quốc là kẻ đến sau, và chiếm lấy Phú Lâm, đảo lớn nhất của Hoàng Sa vào năm 1950 rồi chiếm trọn các đảo còn lại vào tháng 1.1974 khi Việt Nam vẫn còn bị chia cắt và không đủ sức kháng cự”, theo lập luận của giáo sư Thornton.
“Còn quần đảo Trường Sa nằm cách lãnh thổ Trung Quốc đến gần 2.000 km. Hành động của Trung Quốc tại đây là một sự xâm lược trắng trợn không thể chấp nhận được. Nếu Trung Quốc được phép chiếm vùng lãnh thổ nằm cách bờ biển nước mình đến hơn 1.000 dặm, thì còn nước nào được yên?”, giáo sư Mỹ đặt vấn đề. 


Sở dĩ Trung Quốc hiện có những hành động hung hăng tại Biển Đông là vì Mỹ, cường quốc duy nhất có khả năng ngăn nước này lại, đã chẳng có hành động gì. 
“Washington cần thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, bằng cả về sức mạnh lẫn lịch sử. Ít nhất, Washington cũng nên yêu cầu Trung Quốc trưng ra các cơ sở lịch sử cho vô số tuyên bố mà Trung Quốc đã đưa ra để cho thấy rằng theo lịch sử ghi nhận, thì Trung Quốc chỉ là 1 con hổ giấy”, giáo sư Thornton kết luận.


TVQ chuyển 

No comments: