Thursday, November 22, 2018

Singapore và cái giá phải trả để giữ sạch thành phố - Tim McDonald

Hình ảnhGETTY IMAGES

Khoảng 200 tình nguyện viên sục sạo các khu nhà ở để tìm rác ở Khatib, một khu vực phía bắc Singapore.
Họ là những gia đình có con nhỏ và tình nguyện viên đến từ một bệnh viện địa phương.



Một ít tình nguyện viên, chủ yếu là người lớn tuổi, đến từ 'Câu lạc bộ đi bộ Tây Bắc' cũng có mặt ở đó.

Một số người lách vào trong bụi rậm để nhặt vài cái đầu lọc thuốc lá.

Những người khác tìm thấy mẩu khăn giấy lẻ tẻ bị bỏ trên mặt bàn.

Thật lòng mà nói, ngày quét dọn này có vẻ như là gọi sai tên vậy. Mọi thứ đã sạch sẵn rồi. Không ai trở về với những chiếc bao rác căng phồng cả.

Nhưng đó là điều có thể đoán được ở Singapore. Đất nước này từ lâu đã bị ám ảnh về vấn đề vệ sinh và sạch sẽ.

Và tháng 10/2018 đánh dấu một cột mốc lớn: kỷ niệm tròn 50 năm ngày ông Lý Quang Diệu, người cha lập quốc và là thủ tướng đầu tiên, phát động chiến dịch 'Giữ cho Singapore Sạch sẽ'.

Các chiến dịch sạch sẽ tính đến khi đó đã có sự lan tỏa, nhưng lần này có sự khác biệt.

Hồi 50 năm trước, đó là lần đầu tiên chính phủ Singapore áp dụng phạt tiền như một biện pháp kiểm soát xã hội.

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế của Singapore dường như đã giúp đưa nhanh đến thành công ban đầu.

Dù xét trên bình diện nào, Singapore cũng đã sạch. Nhưng không phải vì lý do mà bạn nghĩ.
Xanh và Sạch

Nếu bạn đã từng đi cùng hướng với xe tải gom rác khi nó đang đi chầm chậm trên đường trong buổi thu gom rác hàng ngày ở Singapore này, bạn sẽ hiểu ngay lập tức tại sao thành phố này được quét dọn không ngừng nghỉ như thế.

Mùi nước hoa từ thùng rác thật sự phả vào mặt bạn.

Ở những thành phố có khí hậu mát mẻ thì có lẽ cũng không sao nếu thời gian đi gom rác giữa các hộ gia đình lâu hơn một chút. Nhưng ở những vùng nhiệt đới khí hậu nóng ẩm, đó là một nhiệm vụ khẩn cấp.




Rác sinh hoạt và rác kinh doanh tồn đọng có thể gây nguy hiểm tức thì.

"Nếu bạn có rác thải như bạn thấy ở những nước khác, nó có thể sinh ra chuột, ruồi và gián. Tất cả chúng đều là vật mang vi khuẩn và mầm bệnh," ông Edward D'Silva, Chủ tịch Hội đồng Vệ sinh Công cộng, nói.

Muỗi thậm chí còn là một nỗi lo lớn hơn. Ở đây thì không có bệnh sốt rét, nhưng vào một năm không may thì có thể có đến hàng chục ngàn ca sốt xuất huyết.
Hình ảnhGETTY IMAGES

Khi đưa ra chính sách Xanh và Sạch, trong đầu Lý Quang Diệu có mục tiêu cao hơn.

Nó nằm trong một chiến dịch rộng lớn hơn bao gồm sửa đổi các đạo luật y tế công cộng, gom những người bán hàng rong vào những nhà bán thức ăn thức uống, xây dựng hệ thống cống thoát đàng hoàng và đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, người dân chuyển từ Kampongs (làng kiểu Malay với những túp lều gỗ) vào những khu nhà ở với cơ sở hạ tầng tốt hơn.




"Chúng ta đã xây dựng, chúng ta đã phát triển. Nhưng không có chứng nhận thành công nào đặc thù cho bằng đạt được vị thế của chúng ta như là thành phố xanh và sạch nhất ở Nam Á," ông Lý phát biểu vào năm 1968.

Bên cạnh các quảng cáo còn có các hoạt động giáo dục công chúng, các bài thuyết trình của quan chức y tế và chính quyền kiểm tra cơ sở thường xuyên. Còn có sự ganh đua để tìm ra văn phòng, cửa hàng, công xưởng, công sở, trường học và xe cộ công cộng nào sạch nhất và dơ nhất.Hình ảnhTIM MCDONALD

Sau chiến dịch đó là hằng ha sa số các chiến dịch khác. Trong suốt những năm 1970 và 1980, đã có những chiến dịch kêu gọi người dân Singapore giữ cho nhà vệ sinh, nhà máy và trạm xe buýt sạch sẽ.

Trong chiến dịch 'Dùng Đôi tay của Bạn' hồi năm 1976, học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo, hiệu trưởng và công chức quét dọn trường học vào cuối tuần. Còn có rất nhiều ý tưởng trồng cây.

Mục tiêu không chỉ là làm cho thành phố trở nên đáng sống hơn. Một thành phố sạch sẽ hơn, Lý Quang Diệu lập luận, cũng sẽ tạo ra một nền kinh tế mạnh hơn.

"Những chuẩn mực này sẽ giữ cho người dân có tinh thần cao, tỷ lệ bệnh tật thấp và do đó cũng tạo ra những điều kiện xã hội cần thiết cho tăng trưởng kinh tế cao hơn trong ngành công nghiệp và du lịch. Điều này sẽ góp phần tạo ra lợi ích chung và cuối cùng đem đến lợi ích riêng cho mọi người," ông nói.

Trên tất cả những lĩnh vực này, Singapore đều làm tốt. Tuổi thọ bình quân đã tăng từ 66 đến 83 (tuổi thọ cao thứ ba thế giới).

Vào năm 1967, lượng du khách đến thăm chỉ cao hơn 200.000 một chút, nhưng trong quý ba của năm 2018 thì con số này đã đạt gần 10 triệu lượt.

Đầu tư nước ngoài đã bùng nổ, tăng từ chỉ 93 triệu đô la vào năm 1970 lên đến 39 tỷ đô la vào năm 2010.

Hiện giờ Singapore là nước đón nhận đầu tư nước ngoài nhiều thứ năm trên thế giới, với 66 tỷ đô la vào năm 2017.Hình ảnhGETTY IMAGES

Không ai cho rằng tất cả những thành công này đều chỉ do chiến dịch chống xả rác mà ra, nhưng những lợi ích sức khỏe thì có.

Sẽ là điều dễ hiểu nếu như du khách sẽ thích quay trở lại một nơi sạch sẽ. Và những đường phố sạch sẽ là chỉ dấu đối với các nhà quản lý nước ngoài rằng thành phố này có khả năng và tuân thủ pháp trị.

Khó mà nói nó có ý nghĩa đến đâu nhưng trong một cách nào đó, về hình thức hay phương thức, chiến dịch này có ý nghĩa.

Có một quy tắc là các chiến dịch vận động này không chiếm một ngân khoản lớn trong ngân sách địa phương hay chính phủ.

Chẳng hạn như trong giai đoạn từ năm 2010 cho đến 2014, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore chi ra trung bình 3 triệu đô la mỗi năm cho các chiến dịch chống xả rác và các hoạt động tiếp cận.
Thành phố phạt

Các cửa hàng giảm giá và cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Singapore thường có bán áo phông có in dòng chữ: 'Singapore - Thành phố phạt' và ở dưới là rất nhiều thứ mà bạn có thể bị phạt.

Điều đó không sai.

Singapore có thói quen cấm đoán những gì mà họ cho là hành vi không mong muốn và thực thi lệnh cấm đó bằng hình thức phạt tiền.

Chiến dịch 'Giữ cho Singapore Sạch' vào năm 1968 cũng là lúc lần đầu tiên chính phủ Singapore cố gắng điều chỉnh hành vi của người dân thông qua tiền phạt.

Kể từ đó, Singapore đã rất hăng hái áp dụng chính sách phạt tiền.

Điển hình, giới chức ở đây ra hàng chục ngàn giấy phạt mỗi năm về tội xả rác. Mức phạt tối thiểu là 300 đô la Singapore, tương đương 217 đô la Mỹ.

Nỗ lực làm cho Singapore trở nên không tì vết đã bắt đầu từ thời của Thủ tướng Lý Quang Diệu. Bản thân ông sẽ can thiệp bằng cách gửi lời nhắn đến các bộ trưởng và các quan chức khi ông thấy cái gì đó đặt sai chỗ.

Ông tin rằng mỗi điều nhỏ nhặt đều quan trọng và lo ngại rằng người dân sẽ 'lợi dụng sự lơi lỏng của chính quyền' nếu những vi phạm nhỏ được bỏ qua.Hình ảnhGETTY IMAGES

Có những luật thành văn mà luôn có vẻ nghiêm khắc một cách lạ đời đối với người ngoại quốc. Singapore nổi tiếng là cấm nhập khẩu kẹo cao su (sở hữu không phải là bất hợp pháp). Việc phạt tiền cũng áp dụng đối với những ai đem sầu riêng lên xe điện hay không dội nước bồn cầu công cộng (điều cấm này hầu như không còn ý nghĩa nữa do các toilet giờ đây đều dội nước tự động).

Ngoài ra còn có phạt tiền cho hành vi khạc nhổ hay dùng ké wifi của ai đó mà không được phép.

Vào năm 2009, một tài xế taxi bị phạt tiền vì khỏa thân ngay chính trong nhà của ông mà để cho người khác nhìn thấy. Hút thuốc điện tử cũng đã bị cấm.

Có lẽ việc phạt tiền như vậy không có gì bất thường cho lắm. Đúng là phương Tây chắc chắn có khác biệt khi nói về quyền dân sự và chính trị, và các hình phạt ở Singapore có thể là hết sức khắc nghiệt, trong đó có án tử hình dành cho các tội phạm ma túy.

Nhưng Singapore còn lâu mới là quốc gia duy nhất hăng hái áp dụng phạt tiền để làm giảm các tội vặt.

Bang New South Wales ở Úc đã thu được 121 triệu đô la Mỹ tiền phạt đậu xe sai chỗ trong năm tài chính vừa rồi, trong khi các hội đồng ở Anh thu được 820 triệu bảng trong cùng giai đoạn (đậu xe thật sự là một thách thức hành chính ở Singapore bởi vì chính quyền muốn giảm tỷ lệ sở hữu xe).
Phạt tiền có hiệu quả?

Trước hết, chính sách này có tác dụng, theo ông Liak Teng Lit, chủ tịch Cơ quan Môi trường Quốc gia, cho biết. Sự kết hợp của chiến dịch nâng cao nhận thức và các biện pháp trừng phạt đã tạo nên sự khác biệt. Nhiều người hơn đã biết nhặt rác của mình. Thành phố đã trở nên sạch hơn.

"Singapore không phải là một thành phố sạch, đó là thành phố được làm sạch," ông Liak nói.

Vào năm 1961, Singapore có 'lữ đoàn quét chổi' bao gồm 7.000 công nhân làm việc vào ban ngày, do Bộ Y tế tuyển dụng trực tiếp. Cho đến năm 1989, 'lữ đoàn quét chổi' chỉ còn 2.100 người.

Nhưng mọi việc đã thay đổi. Thành phố này trở nên giàu có hơn và họ dễ thuê mướn lao động giá rẻ cho việc quét dọn hơn.

Ngày nay, ông Liak nói, Singapore không phải sạch là vì người dân sợ bị phạt, mà nó sạch là vì có một đội công nhân lau chùi đông đảo. Hơn bất cứ ai khác, họ giữ gìn cho Singapore sạch sẽ.

Có 56.000 công nhân quét dọn đăng ký với Cơ quan Môi trường Quốc gia. Ngoài ra có thể có đến hàng ngàn công nhân hợp đồng độc lập không đăng ký với chính quyền. Phần lớn họ là những lao động nước ngoài chấp nhận mức tiền công thấp, hoặc

Để so sánh thì ở Đài Bắc có khoảng 5.000 công nhân quét dọn, ông Liak nói thêm.

Edward D'Silva cảm thấy không vui với cái cách mà sự xuất hiện của đội ngũ công nhân quét dọn này đã thay đổi văn hóa Singapore.

Với lượng công nhân quét dọn đông đảo như thế, Singapore đã bắt đầu xem việc quét dọn là công việc của người khác. Ngày nay, dân Singapore thường xuyên để khay thức ăn lại trên bàn tại các trung tâm ăn uống sau khi ăn xong, bởi vì họ không xem đó là xả rác, hoặc họ cho rằng công việc dọn dẹp bàn ăn là việc của người phục vụ.

D'Silva nói rằng học sinh cũng không còn tự dọn dẹp những gì mình xả ra nữa bởi vì họ luôn cho người dọn dẹp giúp họ làm công việc này.

Đó là vấn đề mà Hội đồng Vệ sinh Công cộng đang muốn giải quyết ở các trường học. Nói một cách đơn giản, ông cho rằng dân Singapore đã quá dễ dãi trong thời gian dài và họ cần phải thay đổi.

"Chính quyền lau dọn tòa nhà căn hộ ngay sát bên hành lang của bạn hai lần mỗi tuần. Khi bạn có dịch vụ quét dọn cực kỳ hiệu quả và nếu hàng xóm của bạn ăn ở lộn xộn thì bạn không đổ lỗi cho người hàng xóm đó, bạn đổ lỗi cho người quét dọn vì đã không dọn dẹp," ông nói.Hình ảnhTIM MCDONALD
Thay đổi hành vi

Ở Nhật, Úc hay Anh, không có sẵn lao động giá rẻ như vậy để làm công việc quét dọn. Còn ở Singapore, công nhân vệ sinh chủ yếu xuất phát từ trong số gần một triệu công nhân nước ngoài cũng như những người lớn tuổi tại chỗ.

Nhưng khi dân số Singapore tăng lên và giá thuê lao động trở nên đắt đỏ hơn thì việc thuê mướn nhiều người quét dọn như vậy đơn giản là vượt quá khả năng.

Edward D'Silva nói rằng một phần của chiến dịch Singapore sạch hơn ban đầu là lý do kinh tế. Quét dọn những nơi công cộng rất tốn tiền và do đó ngân quỹ sẽ mất đi những khoản tiền đầu tư cho những thứ có giá trị hơn.

Ông nói điều này hiện giờ vẫn đúng, và Singapore cần phải nhanh chóng thay đổi hành vi. Singapore bỏ ra ít nhất 87 triệu đô la một năm để quét dọn nơi công cộng.

"Nếu bạn có thể xây dựng thói quen không vứt rác bừa bãi thì số tiền tiết kiệm được do không phải trả cho người quét dọn, hàng triệu đô la có thể được chi cho y tế và giáo dục," ông nói.

Bản tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

No comments: