Wednesday, November 21, 2018

Đường dẫn tới Cuộc chiến Đông Dương lần Ba - Tiến sĩ Nguyễn Liên Hằng

GETTY IMAGES-Vợ chồng Đặng Tiểu Bình cùng vợ chồng tổng thống Mỹ Jimmy Carter tại Nhà Trắng ngày 31/1/1979

Trong cuộc "kháng chiến chống Mỹ cứu nước", cách mạng Việt Nam có vẻ là ngọn cờ đầu không chỉ của cuộc đấu tranh giải phóng và chống thực dân ở Thế giới thứ Ba, mà còn là biểu tượng tiên phong của chủ nghĩa quốc tế cộng sản khi chống lại một "đế quốc" và chính thể "tư sản suy đồi".

Giành được ủng hộ mạnh mẽ của cả phe cộng sản lẫn lực lượng tiến bộ trong Phong trào Không liên kết và cả ở phương Tây, sự sụp đổ của Sài Gòn dường như là lý do để cả thế giới ăn mừng.

Nhưng, 5 năm sau, Cộng hòa XHCN Việt Nam đã dính vào cuộc chiến với Campuchia và chịu các đợt tấn công của Trung Quốc. Mặc dù Việt Nam đủ sức lật đổ phe Khmer Đỏ tàn ác và đẩy lùi cuộc tấn công từ phương Bắc, Hà Nội bị quốc tế chỉ trích nặng nề vì những hoạt động quân sự. Phương Tây, cũng như ASEAN, đã đi theo Trung Quốc để cáo buộc Việt Nam là vệ tinh của Liên Xô, nuôi dưỡng xu hướng bành trướng. Kết quả Việt Nam rơi vào hố sâu chính trị sau 1979, và mãi đến 10 năm sau mới bước ra khỏi tình trạng cô lập.

Để hiểu được "sự lên voi xuống chó" của Việt Nam, ta cần đặt cuộc chiến Đông Dương lần Ba trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh và quan hệ giữa các nước châu Á cuối thập niên 1970.

Trong thập niên này, các liên minh thay đổi đã tác động mạnh tới diện mạo toàn cầu và khu vực. Bắt đầu bằng chính sách hòa hoãn với Liên Xô và làm thân với Trung Quốc của Nixon, và cùng với chính sách mở rộng chiến tranh sang Campuchia đầu thập niên 1970, quan hệ của Hà Nội với các đồng minh gặp trắc trở. Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu cạnh tranh, thay vì hợp tác, tại Đông Dương.

Dù vậy, nhu cầu đánh Mỹ và các đồng minh trong vùng khiến Hà Nội khi đó phải duy trì hữu hảo với Bắc Kinh và Moscow.GETTY IMAGES-Ảnh tư liệu thập niên 1970: Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tiếp lãnh đạo Khmer Đỏ Pol Pot (giữa) và Ieng Sary

Nhưng sau 1975, không phải mọi vết thương đều lành. Đặc biệt, quan hệ của Việt Nam với các đồng minh Á châu tiếp tục xấu đi vào thời điểm Hà Nội cần bạn nhất. Trước khó khăn chồng chất do sự chuyển đổi từ chiến tranh sang hòa bình, Việt Nam không thể chỉ dựa vào Liên Xô mà tìm viện trợ tái xây dựng của Mỹ, nhất là khi hỗ trợ của Trung Quốc giảm bớt. Trong lúc Việt Nam đối diện các vấn đề nội ngoại chồng chất, Khmer Đỏ thôi che dấu tình cảm bài Việt Nam để theo đuổi chính sách thù nghịch cùng lúc với chiến dịch diệt chủng trong nước sau 1975.

Lợi dụng quan hệ Việt - Trung xấu đi, chính quyền Pol Pot giáng cú đấm cuối cùng vào liên minh cộng sản Á châu. Trung Quốc cũng lợi dụng mâu thuẫn Xô - Mỹ và lo ngại về sự bành trướng của Liên Xô ở thế giới thứ Ba, để thu phục ủng hộ của phương Tây trong việc trừng phạt Việt Nam. Khác với cuộc chiến chống Mỹ, bộ máy ngoại giao Hà Nội không đấu được với sự công kích của đối phương và sau 1979, Việt Nam hứng chịu sự cô lập quốc tế.
Từ chiến tranh tới hòa bình (1975-77)

Mặc dù giao tranh giữa Mỹ và Việt Nam cộng sản kết thúc năm 1973 và chấm dứt hoàn toàn năm 1975, Washington và Hà Nội tiếp tục cuộc chiến ngoại giao.

Chính quyền Ford đóng băng tài sản Nam Việt Nam ở Mỹ và sau đó áp đặt cấm vận ngày 16.5.1975. Hà Nội thì muốn bình thường hóa thật nhanh chóng với Washington với điều kiện Mỹ đồng ý viện trợ kinh tế như đã cam kết trong Điều khoản 21 của Hiệp định Hòa bình Paris.

Khi Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối nhượng bộ, lấy lý do Việt Nam vi phạm hiệp định từ 1973 tới 1975, Hà Nội dùng vũ khí còn lại trước Washington: bác bỏ quyền tìm kiếm 2000 lính Mỹ mất tích (MIA).

Mặc dù Việt Nam không muốn cắt đứt trao đổi ngoại giao với Washington, họ vẫn bám chặt đòi hỏi viện trợ kinh tế làm điều kiện bình thường hóa và giải quyết vấn đề MIA. Trong thời gian sắp tới bầu cử tổng thống 1976, Ford gia tăng ngôn từ thù địch với Hà Nội, nhấn chìm quan hệ song phương trong phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống.

Hà Nội quay sang các đồng minh cộng sản. Mùa thu 1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn đi Trung Quốc và Liên Xô. Trong khi Trung Quốc la rầy Lê Duẩn vì chính sách ngoại giao, Nga cam kết viện trợ lâu dài cho Việt Nam.

Sau khi giành chính quyền, Pol Pot đuổi dân Việt Nam ra khỏi Campuchia và không chịu thương lượng các vấn đề biên giới với Việt Nam. Vào năm 1976, mặc dù Trung Quốc thân thiện hơn với Campuchia, quan hệ Việt - Trung cũng chưa hoàn toàn đổ vỡ vì Bắc Kinh vẫn thúc giục Campuchia tìm giải pháp ngoại giao về vấn đề biên giới với Việt Nam. Tạm gác khao khát giành lại lãnh thổ Khmer Krom ở miền Nam Việt Nam, Khmer Đỏ tiến hành cuộc cách mạng mà rồi sẽ giết chết hàng triệu người Campuchia.
Từ hòa bình sang chiến tranh (1977-79)

Nhưng sang năm 1977, chính quyền Pol Pot hướng ra bên ngoài và như thế, đã thay đổi không chỉ bức tranh khu vực mà cả quan hệ quốc tế thời cuối Chiến tranh Lạnh.

Tháng Tư 1977, quân Khmer Đỏ đánh sáu tỉnh biên giới Việt Nam. Bắc Kinh cũng gia tăng viện trợ quân sự và ủng hộ chính trị cho Khmer Đỏ. Đáp lại, Việt Nam bắt đầu thắt chặt kiểm soát với người Hoa trong nước, khuyến khích người Hoa nhập tịch và chuyển họ ra khỏi các vùng biên giới. Khi Khmer Đỏ tấn công lần nữa vào tháng Chín, Hà Nội không còn thái độ hòa hoãn mà phản công vào ngày 25.12. Sáu ngày sau, Campuchia từ chối đàm phán và xóa bỏ quan hệ với Việt Nam.

Trong năm 1977, quan hệ với chính quyền Carter có vẻ khấp khởi hy vọng. Phái đoàn Mỹ đầu tiên của Leonard Woodcock đến Việt Nam. Mặc dù Woodcock thuyết phục được Hà Nội hợp tác đầy đủ về vấn đề MIA, nhưng Việt Nam vẫn đòi có cam kết viện trợ trước khi bình thường hóa.

Hà Nội tưởng rằng việc công bố cam kết viện trợ bí mật của Nixon sẽ làm mạnh thêm đòi hỏi, nhưng nó lại chỉ càng làm dư luận Mỹ giận dữ. Mặc dù Quốc hội Mỹ không thừa nhận lời hứa của Nixon và cấm mọi viện trợ cho Việt Nam, chính quyền Carter vẫn dự định có thêm hội đàm với Hà Nội đầu năm 1978.

Nhưng năm 1978 chứng kiến sự chấm dứt ngoại giao và chiến tranh mở màn trong lúc các sự kiện khu vực và quốc tế vượt ra ngoài kiểm soát của Hà Nội.

Tháng Hai 1978, lãnh đạo Việt Nam quyết định bảo trợ cho một cuộc tổng nổi dậy ở Campuchia để lật đổ Pol Pot trong khi quân của họ đụng độ với Trung Quốc ở biên giới phía bắc.

Sang mùa xuân năm ấy, người Hoa bắt đầu chạy khỏi các thành phố và thị trấn của Việt Nam. Ngày 28.6, Việt Nam gia nhập Comecon nhưng vẫn hy vọng có quan hệ tốt hơn với Mỹ.

Không may cho Hà Nội, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Zbigniew Brzezinski, chiến thắng trong cuộc đấu với Ngoại trưởng Cyrus Vance trong câu hỏi bình thường hóa với Việt Nam. Carter đồng ý với Brzezinski rằng bình thường hóa với Hà Nội sẽ gây tổn hại cho quan hệ với Bắc Kinh.

Ngày 3.11, Hà Nội ký hiệp định tương trợ quốc phòng với Moscow (nhắm trực tiếp vào Trung Quốc) và lên kế hoạch tiến vào Campuchia. Ngày 25.12, quân Việt Nam, với hỗ trợ của Liên Xô, vượt đường biên giới phía tây.

Quân Việt Nam giải phóng Phnom Penh ngày 7 tháng Giêng 1979, lật đổ chính thể Khmer Đỏ tàn ác. Nhưng những trận đánh lớn hơn của Hà Nội còn chưa đến.

Vào giữa tháng Hai, Bắc Kinh hiệp lực với các lãnh đạo Asean và Mỹ để trừng phạt và cô lập Việt Nam vì sự xâm lấn và chiếm Campuchia. Mặc dù bác bỏ mọi can dự, Washington bật đèn xanh cho Bắc Kinh tấn công Việt Nam.

Ngày 17.2, Trung Quốc bắt đầu "trừng phạt", nhưng cuối cùng vẫn không đạt được mục tiêu buộc Việt Nam đưa quân từ Campuchia về biên giới phía bắc.

Dẫu vậy Bắc Kinh thành công khi cứu tàn quân Khmer Đỏ, lực lượng được cho tá túc ở Thái Lan và cũng thành công trong mô tả Hà Nội như một nước hiếu chiến trên trường quốc tế.

Bài viết từng đăng ở BBC Tiếng Việt năm 2009. Khi đó tiến sĩ Nguyễn Liên Hằng đang dạy ở Khoa Lịch sử, Đại học Kentucky, Hoa Kỳ. Hiện nay bà đang dạy ở Đại học Columbia, New York.

Tiến sĩ Nguyễn Liên HằngGửi cho BBC Tiếng Việt

No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...