Tuesday, June 11, 2019

KHÁI NIỆM VỀ TÀU CHIẾN TÀNG HÌNH - Lê Chánh Thiêm

USS Michael Monsoor DDG 1001
Hải-quân là lực-lượng quân đội vô cùng quan-trọng đối với những quốc gia có sông hồ trong lục địa hay tiếp giáp với sông, biển cả. Với tính di-động, ít lệ thuộc vào tiếp-liệu, có thể mang rất nhiều quân-trang quân dụng theo trong lúc thi hành công vụ, tàu chiến lại có thể di chuyển đến sát chiến trường để yểm-trợ... nên hải quân hoạt động rất đắc lực.
Qua nhiều nghiên cứu để sáng chế ra những chiếc tàu chiến to lớn, hiện-đại, được trang-bị những loại vũ-khí tối tân,...nhưng vẫn chưa đáp ứng được thỏa-mãn cho nhu-cầu chiến tranh trong thời đại mới. Những chuyên-gia quân sự đã và đang nghiên-cứu để sản-xuất những phương tiện chiến-tranh mới ngỏ hầu mang lại chiến thắng cho đội quân nào được trang-bị nó.
Với hải quân, nếu có được một chiếc tàu "tàng hình", chắc chắn sẽ làm nghiêng cán cân trong cuộc chiến trên hay dưới mặt nước, đó là mục tiêu của các chuyên gia quân sự.
Danh từ “tàng hình” ở đây không mang ý nghĩa như trong những chuyện thần thoại, trong phim ảnh mà là những chiếc tàu chiến có hình dáng, màu sắc,... để đối phương khó phác giác; được trang bị những dụng-cụ, thiết-bị nhằm vô hiệu-hóa các phương tiện dò tìm, phác giác ra nó từ xa hay đến gần.
Trong lịch sử chiến-tranh, khi chiếc Radar đầu tiên do người Anh chế tạo ra đời, hình-thái chiến-tranh bắt đầu bước qua khúc quanh khác, là cuộc cách mạng quân-sự. Radar không những hiệu-nghiệm trong phòng-thủ mà trong tấn-công nó cũng rất đắc lực, được trang-bị tại các căn cứ trên đất liền, trên tàu chiến, trên phi cơ.
Thế rồi trong nhu cầu chiến thắng, các chuyên gia quân sự lại nghĩ đến việc vô hiệu hóa hoạt động của radar. Ban đầu, người ta dùng phi-cơ để phóng ra Nitrat bạc, một hóa chất có thể làm nhiễu sóng, làm cho radar mất hiệu-dụng từng phần hay ít ra trong khoảnh khắc quí báu để máy bay có thể làm phận sự. Sau đó, người ta chế ra những loại dụng cụ khác làm nhiễu-xạ radar hay đề ra những kế-hoạch “đánh lừa” nó.
Các kỹ-sư, chuyên-gia của Quân-lực Mỹ, Quân-lực Hoàng-gia Anh đã cố công tìm kiếm, nghiên-cứu, thử nghiệm những phương cách nhằm “qua mặt” được radar. Tháng 3-1953 hãng Lockheed Martin Aeronatucis của Hoa-Kỳ yêu-cầu các kỹ-sư của họ nghiên-cứu để chế-tạo loại phi-cơ do thám bay xa và cao để đến ngày 15-7-1955, chiếc U-2A đầu tiên hoàn tất, là phương tiện do thám đầu tiên của con người vượt qua được hệ thống theo dõi bằng radar của khối Cộng ngay trên đất Nga.
Chiếc Lockheed Blackbird ra đời sau đó 10 năm cũng là phương-tiện qua mặt radar dễ dàng. Các chuyên gia của Hải quân Mỹ cũng không chịu kém, họ đã và đang nghiên cứu chế được các chiếc tàu chiến tàng hình, qua mặt được các phương tiện phát-giác, do-thám, theo-dõi của đối phương. Các tàu chiến loại tàng hình này sẽ được trang-bị những dụng-cụ tối-tân, vô hiệu hóa những tín hiệu phản hồi từ radar. Hải quân Hoa-Kỳ sẽ được trang-bị loại tàu chiến nầy qua công ty Northrop Grumman Ships Systems.
Theo dự trù, loại tàu nầy sẽ mang tên USS DD (1), đưa vào hoạt động năm 2011, là loại tàu chiến mang tính “cách mạng”, tương tự như loại tàu mang tên Dreadnought của Hải quân Hoàng-Gia Anh trong những năm đầu của thế-kỷ 20, khi kỹ-thuật đóng tàu chiến còn phôi-thai.
Nếu so với những chiếc khu-trục-hạm (Destroyers) hay những Hộ Tống Hạmï (Frigates) đã có, chiếc DD có nhiều khác biệt. Loại Khu-trục-hạm DD ít quân số hơn (200 người), đỡ tốn kém hơn. Thí dụ trên các Khu trục hạm đang có, bắn 1 quả hỏa-tiễn Tomahawk tốn mất 1 triệu USD, ở chiếc DD sẽ ít tốn hơn, có thể bắn ở tầm gần hơn. Giá ban đầu mỗi chiếc DD là 2,8 tỷ USD, tàu có chiều dài 682 feet, trọng lượng rẽ nước là 14 ngàn tấn, vận-tốc 30 hải-lý/ giờ, thân tàu đóng bằng thép.
Các quốc-gia khác cũng đang nghiên cứu chế tạo các tàu tàng hình. Hải-quân Hoàng-gia Anh đang chế-tạo loại Khu-trục-hạm tàng hình mang tên HMS Daring do xưởng đóng tàu Govan & Scotstoun thuộc BAE Systems đóng, dự trù đưa vào hoạt động năm 2007.
Hải-quân Hoàng-gia Thụy-Điển (Sweden) trong chương trình mang tên HMS Smyge đã hoàn-tất chuyến thử nghiệm với chiếc Visby. Tàu tàng hình Visby do Công-ty đóng tàu Kockums của Thụy-Điển thiết kế, được đóng tại xưởng đóng tàu Karlskona. Đây là chiếc tàu được đóng bằng thép loại làm khung gầm của xe đua, dùng sợi carbon, vật liệu được dùng để chế-tạo thân thuyền buồm đua. Các súng 57 ly trên tàu có thể thụt vào pháo tháp cũng như các góc của tàu có đặc tính làm giảm thiểu phản hồi tín-hiệu của radar.
Chiếc Visby dài khoảng 240 feet, trọng lượng rẽ nước là 600 tấn, vận-tốc 35 hải-lý/ giờ, thủy-thủ đoàn 43 người, giá 100 triệu USD. Ông John Nilson, một nhà thiết kế Visby phát biểu:
-“Chúng tôi có thể giảm tín-hiệu phản-hồi radar đến 99%. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa con tàu vô hình 99%. Nó đồng nghĩa với việc giảm phạm-vi bị radar phát hiện. Nếu Visby cách tàu chiến kẻ thù 100 km, nó có thể thấy kẻ thù bằng radar, song đối phương thì không. Nó có thể tiến đến tàu chiến đối phương cách 30 km trước khi bị phát hiện”.
Sợi carbon rất nhẹ so với thép thường nên chiếc Visby rất nhẹ. Trong chiến tranh chống Cộng quân Bắc Việt xâm lăng miền Nam, Hoa Kỳ đem sang chiến trường vùng Đồng bằng Sông Cửu-Long loại giang-tốc đỉnh PBR (Patrol Boat River), chiều dài 31 feet chiều ngang 10 feet rưỡi, tàu có vỏ làm bằng fiberglass nên rất nhẹ, chạy nhanh (32km/giờ), máy mạnh (2 máy 24.71), chạy bằng hơi đẩy (turbo), không có chân vịt nên lướt dễ dàng trên các sông rạch cạn có nhiều cỏ cây nhỏ. Các nhà nghiên-cứu biết rằng góc vuông vốn phản xạ tín hiệu radar vì vậy nên họ tránh thiết kế góc vuông trên vỏ tàu nên hình dáng không giống kiểu tàu thường mà giống như một chiếc hộp vuông.
Nhược điểm của Visby là chỉ hoạt động vùng ven bờ, cận duyên. Visby có thể bị bắn bởi hỏa tiễn, có thể bị hacker phá hoại vì nó được điều-khiển bằng máy tính sử dụng hệ điều-hành Windows NT. Nếu bị hacker phá hoại, nó sẽ được điều khiển như kiểu thông thường trước nay.
Công ty đóng tàu Vosper Thornycroft của Anh đang thiết kế loại tàu tàng hình cho Hải quân Hy-Lạp mang tên Corvette. Tàu dài 100 m, máy chạy bằng Diesel, thủy thủ đoàn có 110 người. Ngoài ra, các chi tiết khác họ chưa công bố.
Hải quân Đức sắp được trang bị một loại tàu do hai công ty Blohm và Voss thiết kế có tên MEKO, kiểu Corvette và Hộ tống hạm (Frigate). Tàu có nhiều cỡ, chiều dài từ 82.8 m đến 121 m, chiều ngang từ 11.8 m đến 16.34 m, thủy thủ đoàn từ 93 đến 120 người.
Hải quân Nga cũng có chương trình chế tạo tàu tàng hình được công-bố vào tháng 4- 2001. Tư-Lệnh Hải quân Nga, Đô Đốc Vladimir Kuroyedov thông báo chương-trình đóng tàu mang ám số “2038.0 Corvette”. Những loại tàu nầy sẽ hoạt động theo duyên hải, để hộ tống và chống tàu ngầm tấn công của địch. Loại tàu có trọng tải 1.900 tone nầy do công ty Almaz Central Marine thiết kế. Theo dự trù, đợt thứ nhất sẽ được hạ thủy tại Severnaya Verf thuộc thành phố St. Petersburg.
Hải quân Pháp có loại La Fayette Class thuộc loại khu Hộ tống Hạm (frigate), được đóng bởi Direction des Constructions Navales (DCN International), chạy bằng động cơ Diesel, dài 125 m, rộng 15,5 m, thủy thủ đoàn 164 người.
13 chiếc tàu kiểu này của công ty Direction des Constructions được Pháp, Saudi Arabia và Đài Loan đặt đóng. Ngoài ra, BVG International Ltd, một công-ty của Pháp cũng đóng loại tàu cao tốc kiểu tàng hình cho Hải quân Pháp mang tên Trimaran. Tàu chạy bằng gas turbines, nhỏ hơn khu-trục hạm, các chi tiết khác chưa được công-bố.
Hải quân Qatar đặt mua 2 chiếc Corvette Mark 9 tàng hình do Công ty Vosper Thorneycroft Ltd. của Anh đóng. Tàu chạy bằng động cơ Diesel, dài 83 m, rộng 11,5 m, thủy thủ đoàn 60 người, có khả năng phản hồi tín hiệu radar rất cao.
Tàu tàng hình, loại tàu mà một số nhà quân sự ngày nay cho là "xương sống của Hải quân" đang được Hải quân các nước chú ý. Trong thời đại mà khoa học kỹ-thuật ngày một tiến-bộ, các thiết bị tối-tân được phát-minh, con tàu thường là mục-tiêu dễ dàng cho các loại vũ-khí nhắm vào. Nếu qua mặt được địch thủ, chắc rằng chiến thắng sẽ nằm trong tầm tay.
Lê Chánh Thiêm
San Jose, 2004
Ghi chú:
(1) Hải quân Mỹ đã có loại tàu mang tên DD, là những Khu-Trục-hạm (Destroyers), gồm có:
- Spuance-Class: 34 chiếc, từ chiếc USS Spurance DD 963 liên tục đến số 997 là chiếc USS Hayler DD 997.
- Arleigh Burke-Class: 34 chiếc, từ chiếc USS Arleigh Burke DDG 51 liên tục đến số 85 là chiếc USS McCampbell DDG 85.
Tài liệu tham khảo:
- Jane's Fighting Ships
- Tài liệu tổng hợp.

First posted: 06:32:58 June 19-2006
From: Hai Quan VNCH Facebook

No comments: