Friday, August 5, 2022

Loa phường Hà Nội: ‘Ông Thanh ơi hỡi ông Thanh’ - Sơn Anh

HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Loa phường ở Hà Nội, được coi là 'hệ thống thông tin cơ sở'

Người Hà Thành chưa kịp định thần trước cái tin ông thanh tra về làm quan Phủ doãn, “11 chức trong 16 năm”, lại nghe được thêm cái “tối kiến” phục hoạt lại loa phường, một “xác chết” từ thời bao cấp. Những tin này làm ông Trần Sỹ Thanh nổi tiếng ngay khi chưa nhậm chức Chủ tịch Hà Nội.
Điều an ủi, cái sáng kiến đầu tiên ấy gắn với tên tuổi ông dù không thành công (tôi dám chắc thế) cũng sẽ thành nhân. Tôi chắc có đứa nào đó nó “bẫy” ông nên xin được khuyên ông làm ngay hai việc tắp lự.


Thứ nhất, ông cho công khai ngay tên tuổi tay trợ lý nào đã dám xui ông như thế. Thứ hai, ông hãy đưa cái loa phường tới từng villa của các quan chức cao cấp ở khu Ba Đình, ngay trên đường Nguyễn Thọ Chân là tốt nhất. Hoặc ông gắn hẳn lên nóc nhà hay trước những biệt thư của các tay tướng tá ở khu Lý Nam Đế…


Hãy đo phản ứng của các quý vị ấy, trên những địa bàn ấy! Tôi đoan chắc, họ sẽ tìm mọi cách để cho ông biết, thế nào là “chùm nho nổi giận”. Họ sẽ tìm cách cho ông về vườn ngay khi ông chưa kịp ngồi ấm chỗ vào chiếc ghế Thị trưởng Hà Nội, xưa nay vốn nổi tiêng nó nóng như cái “ghế điện” ấy.


Vấn nạn loa phường là nỗi kinh hoàng khiếp đảm của người dân lao động, mãi mới thoát được, nhờ ông Nguyễn Đức Chung, người sau này xộ khám là do chuyến đấu đá nội bộ (xem thêm bài BBC).


Giờ ai đó lại như bị hội chứng “hậu Covid-19” khiến đầu óc con người ta hoạt động không bình thường thì phải, mlại đi hiến cái kế ấy cho ông.


Không cần làm đến Thị trưởng, ông cũng thừa biết, mỗi người làm việc và nghỉ ngơi với các giờ giấc khác nhau. Có bác sỹ, y tá trực cả đêm, sáng mới về nhà để ngủ. Có những người công nhân làm ca đêm, lấy ngày làm thời gian nghỉ ngơi. Vậy tại sao cứ cưỡng bức họ phải thức dậy để nghe loa phường? Làm vậy là không tôn trọng con người, là khôi phục sự áp đặt ấu trĩ, thô thiển lên con người, là phí tiền thuế của dân.


Ông hãy để cái thời “Ăn qua Loa, đi xe Cố vấn” ấy vào dĩ vãng.


Thiết nghĩ, hệ thống loa phát thanh là cần thiết đối với những thành phố, thôn bản có các rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và sự cố ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, loa phải được dùng đúng mục đích và không được phép lạm dụng.


Lắng nghe được âm thanh là một quà tặng đối với con người, nhưng ngược lại, phải nghe cái thứ âm thanh và thông điệp mình không muốn nghe thì đó là sự tra tấn. Cách như chúng ta dùng hệ thống loa phường hiện nay khiến nó sẽ bị thù ghét.

ẢNH,KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Ông Trần Sỹ Thanh được bầu giữ chức chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội hôm 27/7

Chuyện loa phường lợi cho ai?


Đã có những người trong chính quyền muốn trục lợi từ tiền ngân sách. Vẽ các loại dự án là cách để rút ruột ngân sách. Thế nhưng không phải muốn vẽ dự án thế nào cũng được, có nhiều dự án vẽ nửa chừng thanh tra mò đến, thế là ăn không được trọn vẹn nếu bị thanh tra đòi chia phần, hoặc có khi hỏng ăn nếu bị ách không cho thực hiện. Muốn vẽ dự án phải chọn loại dự án nào mà Đảng Cộng sản khó thanh tra nhất.


Khôi phục lại loa phường ở Hà Nội có phải lại là một loại dự án như thế, vẽ việc để chia?


Dự án loại này khó bị thanh tra gắt gao như dự án tăng giá sách giáo khoa của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, bởi nó thuộc về phần tuyên truyền giữ hồn cho lãnh tụ, giữ linh cho các anh hùng và tô son trát phấn cho sự cai trị của chế độ.


Tôi tin Tuyên giáo và Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội tính toán khá kỹ việc này. Nếu như bên Xây dựng “cạp” được đất thì Tuyên giao và Truyền thông “cạp” âm thanh. Lọc lõi qua bao đời Chủ tịch, họ rất biết chọn loại dự án nào sẽ né được thanh tra bóc phốt. Tuy nhiên, điều họ không tính tới là phản ứng của dân chúng (xem thêm).


Và đây là lời kêu cứu của Võ sư – Nhà văn Đoàn Bảo Châu, với hơn 146.000 người theo dõi qua Facebook: “Tôi xin các vị hãy dừng cái ý tưởng kì quặc này lại. Nếu có làm thì hãy làm một cuộc thăm dò tử tế với người dân trước đã”, ông Châu viết, có ý gửi một thông điệp đến nhà chức trách Hà Nội.


Ý kiến của ông Châu nhận được hơn 1.200 phản ứng yêu, thích, cùng với khoảng 350 lời bình luận mà đại đa số cũng thể hiện quan điểm không ủng hộ sự trở lại của loa phường (xem thêm trên VOA)


Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Tôi nghe những người theo thuyết âm mưu cho rằng, “sáng kiến” phục hoạt hệ thống loa phường nằm trong ý đồ của tân Thị trưởng thật, nhưng là ở một chiều kích khác. Cuối cùng, có thể ông Trần Sỹ Thanh sẽ “veto” cái quyết định chưa “ra lò” ấy.


Hoặc ít ra, ông cũng còn để đó, nghiên cứu một thời gian nữa, “wait and see”.


Nói thẳng ra thì kiểu gì ông cũng sẽ được tiếng với cấp trên. Phục hoạt trở lại hay bãi bỏ loa phường, làm theo hướng nào ông Trần Sĩ Thanh cũng sẽ có cơ hội nghi điểm cao, chỉ là với ai mà thôi.


Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Sơn Anh, hiện sống tại Hà Nội. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c72q70jpgl2o

No comments: