Quang cảnh khu vực kênh đào Panama, tàu container quá cảnh. (Ảnh: Shutterstock)
Không thể để kênh đào Panama rơi vào tay ‘kẻ xấu’
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao đối với hải quân Mỹ và các công ty vận tải thương mại sử dụng kênh đào Panama. Nếu Panama không thay đổi, ông sẽ yêu cầu nước này trả lại quyền kiểm soát kênh đào. Trump cũng cảnh báo “sẽ không bao giờ để nó rơi vào tay kẻ xấu”. Có phân tích cho rằng kẻ xấu mà ông đề cập rõ ràng là ám chỉ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Thực tế phát biểu của Trump cho thấy lo lắng địa chính trị sâu xa hơn: Bàn tay của ĐCSTQ đã vươn tới Mỹ.
Hôm thứ Bảy (21/12), Tổng thống đắc cử Mỹ Trump cảnh báo trên Truth Social rằng ông sẽ không để kênh đào Panama rơi vào “tay kẻ xấu” và nói rằng “không nên do Trung Quốc quản lý”.
Bài đăng của ông đề cập rằng kênh đào Panama được xây dựng dưới thời Tổng thống Mỹ Teddy Roosevelt, đã tiêu tốn rất nhiều sinh mạng và tài sản của Mỹ. Nhưng kênh đào đã được giao cho Panama quản lý một cách “ngu ngốc”, nó không phải là để Panama tính phí cầu đường cao cho Mỹ, Hải quân Mỹ và các công ty làm ăn với Mỹ.
Ông Trump cho biết Mỹ là khách hàng số một của kênh đào Panama với hơn 70% hàng hóa vận chuyển đi hoặc đến từ các cảng của Mỹ. Kênh đào đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ và được coi là tài sản quốc gia quan trọng của Mỹ.
“Hải quân và Bộ Thương mại Mỹ đã bị đối xử rất không công bằng và không khôn ngoan”, và “hành vi ‘tống tiền’ hoàn toàn này đối với đất nước chúng tôi nên dừng lại ngay lập tức. Nếu không, chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại hoàn toàn và vô điều kiện kênh đào Panama cho chúng tôi,” ông Trump nói.
Ngay sau khi Trump đưa ra cảnh báo, ĐCSTQ – cách Panama 15.000 km – nhưng đã phản ứng như chính họ bị tấn công: Truyền thông nhà nước Tân Hoa xãcủa ĐCSTQ hôm 23/12 đã công bố bài báo bóp méo lịch sử, coi Mỹ là kẻ thực dân tà ác, mô tả Panama là anh hùng chống Mỹ, kích động tình cảm dân tộc của người Trung Quốc không biết sự thật.
ĐCSTQ kiểm soát một phần khu vực kênh đào Panama
Tại sao Trump lại nhắc đến Trung Quốc khi đưa ra ‘tối hậu thư’ cho Panama?
Ngoài Mỹ là khách hàng lớn nhất của kênh đào Panama, khách hàng lớn thứ hai là Trung Quốc. Trên thực tế, CK Hutchison Holdings – một công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Trường Giang của Hồng Kông – đã quản lý 2 cảng gần lối vào kênh đào Panama.
Theo Reuters, mỗi năm có đến hơn 14.000 tàu đi qua kênh đào Panama, chiếm 2,5% thương mại đường biển toàn cầu và rất quan trọng đối với nhập khẩu ô tô và hàng hóa thương mại của Mỹ từ châu Á, cũng như hàng xuất khẩu của Mỹ. Ngoài ra, các công ty nhà nước Trung Quốc cũng đang đầu tư vào một số dự án cơ sở hạ tầng xung quanh kênh đào.
Nhà bình luận thời sự Chu Hiểu Huy chia sẻ rằng ĐCSTQ luôn tìm cách thay thế ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này, đã đầu tư rất lớn vào kênh đào Panama, đồng thời đã đặt một số khu vực của kênh đào Panama dưới sự kiểm soát của họ.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ngày 23/4 năm nay, khi Đại sứ Từ Học Uyên (Xu Xueyuan) của họ tại Panama gặp ông Rojo (cựu Tổng thống Panama và Bộ trưởng phụ trách các vấn đề kênh đào Panama) đã cho biết, Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai của kênh đào Panama, Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại với Panama. Ông Rojo cảm ơn Trung Quốc trong thời gian dài đã ủng hộ mạnh mẽ đối với vấn đề kênh đào Panama, hy vọng hai bên tiếp tục nâng cao mức độ hợp tác, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, vận tải, năng lượng mới và chuyển đổi kỹ thuật số…
Tham vọng của ông Tập Cận Bình ở Panama
Bình luận viên thời sự Giang Phong cho biết trên chương trình tự truyền thông rằng ông Tập Cận Bình đã ném tiền lớn ở Panama, chứng minh tham vọng của ĐCSTQ ở Panama: “Năm 2016, công ty của ĐCSTQ đã chi 900 triệu USD mua lại quyền kiểm soát đảo Margarita (cảng lớn nhất ở phía Đại Tây Dương của Panama) và khu thương mại tự do Cologne lớn nhất ở Tây bán cầu. Tháng 3/2021, công ty con của Tập đoàn công nghiệp Trường Giang – Hồng Kông là Công ty Cheung Kong (Cheung Kong Holdings Limited) đã gia hạn hợp đồng với Panama để vận hành cảng Balboa và cảng Cristo Bar. Hai cảng này lần lượt là trung tâm xuất khẩu chính của kênh đào ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương”.
Ông Giang Phong cho biết, trong quá khứ vị thế độc lập của Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế và trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế là vấn đề không thể nghi ngờ. Nhưng từ năm 2019 sau khi phong trào chống Dự luật Dẫn độ nổ ra, đến vào năm 2022 ĐCSTQ ra Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông thì cả thế giới đều nhận ra rằng Hồng Kông không còn quyền tự trị – đã trở thành như một tỉnh của Trung Quốc. Vì vậy, hai đầu của kênh đào Panama rõ ràng đã bị ĐCSTQ kiểm soát.
Nhưng ĐCSTQ cũng kiểm soát đất đai dọc theo kênh đào thông qua Khu thương mại tự do Cologne, xây dựng cơ sở hạ tầng như sản xuất điện khí đốt tự nhiên và quản lý tài nguyên nước, có liên quan chặt chẽ đến hoạt động và sinh tồn của kênh đào
ĐCSTQ muốn tiếp quản Mỹ Latin?
Nhà bình luận Chu Hiểu Huy cho biết, các nước Mỹ Latinh từ Panama đến Puerto Rico, từ Bolivia đến Brazil đều có thể cảm nhận được sự tồn tại của ĐCSTQ.
Tính đến tháng 12/2021 có 20 nước Mỹ Latin đã ký kết với ĐCSTQ trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”. ĐCSTQ cũng đã thiết lập một hiệp định thương mại tự do và “quan hệ chiến lược” với Costa Rica; họ cũng đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Argentina, Brazil, Chile, Ecuador, Mexico, Peru và Venezuela. Ngoài ra họ cũng tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực bằng cách cung cấp đào tạo quân sự và cảnh sát cho một số chính phủ ở Mỹ Latin cũng như việc lắp đặt hệ thống viễn thông và giám sát.
Giáo sư Evan Ellis tại Học viện Chiến tranh Lục quân Mỹ (U.S. Army War College) năm 2022 nói với giới truyền thông: “ĐCSTQ sẽ không công khai ‘Chúng tôi muốn tiếp quản Mỹ Latin’, nhưng họ rõ ràng đã xây dựng chiến lược tác chiến đa chiều. Nếu họ thành công sẽ mở rộng đáng kể ảnh hưởng và gây vấn đề tình báo nghiêm trọng đối với Mỹ”.
Bàn tay của ĐCSTQ vươn tới Mỹ
Vì hơn 60% hàng hóa đi qua kênh đào có nguồn gốc hoặc cuối cùng vào thị trường Mỹ, nên về bản chất thì vấn đề đi lại tự do và công bằng của kênh đào có liên quan với an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của Mỹ.
Nhà bình luận Giang Phong cho biết việc ông Trump nói không thể để kênh đào rơi vào tay “kẻ xấu” rõ ràng là ám chỉ ĐCSTQ: “Chia sẻ của Trump cho thấy vấn đề ông ấy lo lắng địa chính trị sâu xa hơn: Bàn tay của ĐCSTQ đã vươn đến Mỹ. Panama cho phép các thế lực nước ngoài thực sự kiểm soát vùng yết hầu quan trọng này, và thế lực đó có thể vi phạm hiệp ước trung lập ban đầu”.
Lý Tịnh Dao, Vision Times
No comments:
Post a Comment