Monday, December 23, 2024

Tập nghi ngờ động cơ thực sự đằng sau lời mời của Trump

Tổng thống Mỹ đắc cử đã mời Tập đến lễ nhậm chức trong lúc đang lập mưu với Macron và Zelenskyy.

Trong một động thái phá vỡ truyền thống, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự lễ nhậm chức của ông tại Washington vào ngày 20/01 sắp tới, khiến Bắc Kinh vô cùng quan ngại về ý định thực sự của ông.

Câu hỏi lớn là liệu Tập có chấp nhận lời mời hay không?


Một số chuyên gia ở Trung Quốc còn đi xa hơn khi nói rằng Trump hẳn đang âm mưu chống lại Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ không có thông tin nào để công bố. Các hạn chế đã được áp dụng đối với các báo cáo truyền thông liên quan ở Trung Quốc.

Lời mời này lần đầu tiên được CBS News đưa tin vào ngày 11/12, trích dẫn nhiều nguồn tin khác nhau. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 12/12, Karoline Leavitt, người phát ngôn của đội ngũ chuyển giao của Trump, đã xác nhận báo cáo của CBS.

“Đây là một ví dụ về việc Tổng thống Trump tạo ra một cuộc đối thoại cởi mở với các nhà lãnh đạo của không chỉ các quốc gia đồng minh của chúng ta, mà còn cả các quốc gia đối thủ cạnh tranh của chúng ta,” thư ký báo chí Nhà Trắng sắp nhậm chức cho biết, đồng thời nói thêm rằng “chưa xác định” liệu Tập có chấp nhận lời mời hay không.
Bài đang hot

Vào ngày 07/12, Volodymyr Zelenskyy, Emmanuel Macron, và Donald Trump đã gặp nhau tại Paris, một cuộc họp làm dấy lên câu hỏi về việc liệu các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Ukraine và Nga có đang được tiến hành hay không. © Reuters

Theo hồ sơ của Bộ Ngoại giao Mỹ đã có từ một thế kỷ rưỡi trước, chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của một tổng thống Mỹ. Vậy tại sao Trump lại dám phá vỡ truyền thống lâu đời như vậy?

Người ta tin rằng đội ngũ của Trump đã bắt đầu liên lạc với Bắc Kinh ngay sau khi ông đắc cử tổng thống vào đầu tháng 11. Các diễn biến bắt đầu tăng tốc sau khi Trump gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Paris.

Một nguồn tin thân cận với quan hệ Mỹ-Trung tin rằng cuộc gặp Trump-Macron-Zelenskyy vào ngày 07/12 có liên quan chặt chẽ đến lời mời của tổng thống đắc cử tới Tập.

Đích thân Trump đã nói về việc liên lạc với Tập trong một cuộc phỏng vấn với NBC News được ghi hình vào ngày 06/12 và phát sóng vào ngày 08/12, một ngày sau khi diễn ra các cuộc hội đàm tại Paris của ông với Macron và Zelenskyy. “Lần gần nhất chúng tôi liên lạc là trong tuần này,” ông nói.

Trump, Macron, và Zelenskyy đã gặp nhau tại Điện Elysee, dinh thự chính thức của tổng thống Pháp, bên lề buổi lễ được tổ chức để chào mừng việc mở cửa trở lại của Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng thế giới, công trình đã được khôi phục sau vụ hỏa hoạn tàn phá vào năm 2019.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của Trump với Zelenskyy kể từ cuộc bầu cử, và đã thu hút sự chú ý của quốc tế trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang leo thang.

Trong chiến dịch tranh cử, Trump từng tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine chỉ trong một ngày. Ông cũng đã đề cập đến khả năng cắt giảm viện trợ cho Ukraine sau đó.

“Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, Trump có thể đã có một cuộc trò chuyện bí mật qua điện thoại với Tập,” một nguồn tin khác am hiểu về quan hệ Mỹ-Trung nhận định, chỉ ra khả năng Trump đã trực tiếp mời nhà lãnh đạo Trung Quốc đến dự lễ nhậm chức của mình.

Trump dường như có động cơ thầm kín, và một chuyên gia am hiểu về ngoại giao Trung Quốc tin rằng tổng thống đắc cử đã thực hiện động thái bất ngờ này nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

“Trump đang mong được Tập giúp đỡ trong việc chấm dứt sớm cuộc giao tranh giữa các lực lượng của Nga và Ukraine,” chuyên gia này cho biết. “Vì Vladimir Putin là người khó đối phó, Trump đang nhắm đến việc sử dụng ảnh hưởng của Tập với Tổng thống Nga.”
Tập và Vladimir Putin trao đổi trong phiên họp toàn thể của BRICS Plus/Outreach (BRICS mở rộng) tại Bolshiye Kabany, Nga, vào ngày 24/10. Liệu hai đồng minh này có tham gia vào chuyến tàu hòa bình của Trump không? © Tass/Kyodo

Kết quả là, Zelenskyy có thể đã chấp nhận một lập trường linh hoạt về các cuộc đàm phán ngừng bắn, ngay cả khi phải trả giá bằng việc tạm gác lại mục tiêu ban đầu là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng từ đầu cuộc chiến. Câu hỏi ở đây là liệu Nga, nước đã phát động cuộc tấn công Ukraine vào tháng 02/2022, có đồng ý “nhảy” lên chuyến tàu hòa bình của Trump hay không?

Bằng chứng cũng chỉ ra rằng Trump đang dựa vào ảnh hưởng của Tập khi đối phó với Putin.

Người ta nói rằng trước khi mời Tập đến dự lễ nhậm chức của mình, Trump đã đánh giá cao kế hoạch hòa bình của Trung Quốc dành cho Ukraine, trong đó nêu ra các nguyên tắc chấm dứt chiến tranh. Theo nghĩa nào đó, có thể hiểu đây là nỗ lực nịnh bợ của Trump để Tập giúp mình.

Sau khi chứng kiến Trump gặp Macron và Zelenskyy, và sau khi nhận được lời mời khó hiểu, Tập cũng bắt đầu có động thái riêng. Vào ngày 12/12, ông đã gặp cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người đã có chuyến thăm không báo trước tới Bắc Kinh.Dmitry Medvedev và Tập Cận Bình bắt đầu cuộc họp tại Bắc Kinh vào ngày 12/12. Medvedev đã có chuyến thăm không báo trước tới thủ đô Trung Quốc sau khi Trump bắt đầu tập hợp các nhà lãnh đạo khác hướng tới một cuộc đàm phán ngừng bắn. © Reuters

Medvedev đang đảm nhiệm nhiều chức vụ. Ông là chủ tịch đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất, giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đồng thời là đồng minh thân cận và là trợ lý của Putin. Trong chuyến thăm của mình, Medvedev đã trao cho Tập một lá thư riêng của Putin.

Vào ngày 12 tháng 12, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc do nhà nước điều hành đưa tin rằng: trong cuộc hội đàm với Medvedev, Tập đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn tình hình leo thang ở Ukraine càng sớm càng tốt. Do đó, Tập đã nêu rõ lập trường của mình – cảnh báo cả Nga lẫn Ukraine không được leo thang cuộc chiến của họ.

Trước hàng loạt sự kiện bất ngờ xảy ra trong tháng này, Tập luôn hết sức thận trọng khi giải quyết vấn đề Ukraine với Nga.

Cùng lúc đó, Trump đã bắt đầu sử dụng một trung gian khác để giúp ông thuyết phục Putin chấm dứt chiến tranh, Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Nhà lãnh đạo cực hữu thân cận với Putin này cũng được đồn đoán là sẽ có mặt tại lễ tuyên thệ nhậm chức của Trump.

Orban cũng có quan hệ cá nhân nồng ấm với Trump. Khi trở về từ Paris, Trump đã gặp Orban vào ngày 09/12 tại dinh thự Mar-a-Lago sang trọng của ông ở Palm Beach, Florida. Hai ngày sau, Orban đã có cuộc điện đàm với Putin.

Với tính cách tự do, Trump không cho phép mình bị ràng buộc bởi các tiền lệ. Ông sẽ sử dụng mọi lợi thế có thể để thuyết phục và đạt được thỏa thuận với Putin. Đây là một cách tiếp cận độc đáo, nhưng cũng tiềm ẩn nguy hiểm.

Macron cũng tham gia vào làn sóng ngoại giao khi cử cố vấn Emmanuel Bonne đến Trung Quốc vào thứ sáu và thứ bảy. Trong thời gian ở Bắc Kinh, Bonne đã trao đổi quan điểm với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị về tình hình Ukraine.

Còn Macron thì đến gặp Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tại Warsaw vào ngày 12/12. Truyền thông Ba Lan đưa tin rằng Pháp và Ba Lan đang thảo luận về khả năng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 40.000 lính từ các quốc gia nước ngoài tới Ukraine sau khi chiến tranh tại đây kết thúc.

Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine ngày càng leo thang khi, vào ngày 11/12, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng Ukraine đã tấn công một sân bay quân sự ở miền nam nước Nga bằng sáu tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn (Army Tactical Missile System, ATACMS) do Mỹ cung cấp.

Chỉ còn một tháng nữa là Trump sẽ trở lại Nhà Trắng. Nga và Ukraine đang rất muốn bảo vệ hoặc giành lại càng nhiều lãnh thổ càng tốt, và từ đó giành được đòn bẩy trong bất kỳ cuộc đàm phán ngừng bắn nào.Một máy bay không người lái của Nga đã tấn công tòa nhà chung cư này ở Ternopil, Ukraine, vào ngày 02/12. Chiến tranh đang leo thang trong lúc các bên có động thái để đưa Ukraine và Nga vào bàn đàm phán. © Reuters

Nhưng cần quay lại câu hỏi lớn: Liệu Tập có chấp nhận lời mời của Trump không? Theo báo cáo của CBS News thì là không. Báo cáo cho biết Tập không có kế hoạch đến Washington để dự lễ nhậm chức của Trump.

Ngoài việc Trung Quốc quan ngại về lời mời, thì lịch trình chính trị của nước này cũng đi ngược lại mong muốn của Trump. Tết Nguyên Đán sẽ bắt đầu vào cuối tháng 1 tới, nhưng các sự kiện dẫn đến chuỗi ngày lễ dài này rất quan trọng về mặt chính trị, và Tập sẽ bận rộn tham dự các sự kiện này.

Nhìn chung, rất khó để một nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện chuyến công du nước ngoài dài ngày vào khoảng ngày 20/01, ngày Trump nhậm chức.

Nhưng sẽ không khôn ngoan nếu Tập từ chối lời mời của Trump ngay lập tức, ngay cả khi Tổng thống Mỹ sắp tới đang thực sự âm mưu chống lại Trung Quốc, như những tin đồn râm ran ở Trung Quốc. Chí ít, Tập sẽ tìm cách hoãn lại và cam kết sẽ đến thăm Washington vào một thời điểm sau đó.

Vì hoàn cảnh có thể sẽ giữ Tập ở lại Trung Quốc, nên vở kịch chính trị quốc tế vẫn sẽ tiếp diễn và có thể dẫn đến lệnh ngừng bắn, với Trump, Zelenskyy, Macron, Putin, và Orban cùng chia sẻ sân khấu toàn cầu. Liệu Tập có gia nhập cùng họ hay không? Ông ấy có thời gian, và gần như không thể dự đoán được khi nào các cuộc đàm phán ngừng bắn toàn diện có thể bắt đầu, chứ đừng nói đến việc đạt đến đỉnh điểm.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi Jinping suspects ulterior motive behind Trump’s invitation,” Nikkei Asia, 19/12/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

No comments:

Ông Trump lại kêu gọi mua Greenland sau khi để mắt đến Canada, Kênh đào Panama

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tại Phoenix, Arizona, 22/12/2024 (REUTERS/Cheney Orr).  Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục kêu gọi Hoa K...