Wednesday, November 13, 2013

Ngày Cựu Chiến Binh 11/11/2013


Tác giả : Vi Anh
Thứ Hai, ngày 11 tháng 11, hàng năm là Ngày Cựu Chiến Binh của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ để vinh danh tất cả mọi cựu chiến binh từng phục vụ dưới quốc kỳ nước Mỹ. Năm nay 2013, vào ngày này, tin đài VOA, tiếng nói chánh thức của chánh quyền Mỹ cho biết, “Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã dùng bài diễn văn hàng tuần hôm nay để cám ơn các cựu chiến binh đã phục vụ tổ quốc trong các cuộc chiến tranh, trong đó có Thế chiến thứ 2, Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Việt Nam, cũng như các cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan.Tổng thống Obama nói phải có những hành động thiết thực hơn là chỉ cám ơn các cựu chiến binh trở về. Ông nói chính phủ đi đầu trong gương tuyển dụng cựu chiến binh, và chính phủ đang làm việc với các công ty tư nhân nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các cựu quân nhân có thể tìm kiếm được công ăn việc làm sau khi họ giải ngũ.Tổng thống Hoa Kỳ, tức là tổng tư lệnh quân đội, cũng nói rằng các cựu chiến binh phải có được mọi cơ hội công bằng để được hưởng một nền giáo dục chất lượng cao, và phải được hoan nghênh đón tiếp tại các trường cao đẳng và đại học trên cả nước.
Như đã biết lễ này có truyền thống lâu đời và danh xưng là Armistice Day, mãi đến thời TT Dwight D. Eisenhower ký sắc lịnh thay thế "Armistice Day" bằng "Veterans Day" (1-6-1954). Từ đó, ngày 11 tháng Mười Một hằng năm được gọi là "Veterans Day". Không những người Mỹ mà người Âu châu, người trong khối Thịnh Vượng Chung thuộc Anh "Commonwealth" với Anh, cũng dành 2 phút im lặng, mặc niệm, vào đúng 11 giờ sáng ngày 11 tháng Mười Một.

Nước Mỹ đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chiến tranh giành độc lập, thống nhứt, mở mang bờ cõi và chiến tranh chống độc tài tại nhiều nước trên thế giới. Cựu chiến binh là những người Mỹ, nam nữ, nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc, tình nguyện hay động viên, ra mặt trận làm nhiệm vụ giương cao chánh nghĩa tự do, dân chủ lịch sử của Mỹ mà nhân dân trên thế giới ước mơ. Hàng năm chánh quyền và nhân dân Mỹ cử hành Ngày Cựu Chiến Binh khắp nơi trên đất Mỹ. Đặc biệt tại thủ đô Washington DC, người dân Mỹ đi viếng các đài tưởng niệm. Đứng ngây người trước Tượng TT Lincoln với cái nhìn quyết tâm hy sinh cho nước Mỹ tự do và thống nhứt. Xúc động rung từng ngón tay sờ vào Bức Tường Đen với 58,000 danh tánh tử sĩ đã bỏ mình trong Chiến tranh VN và Đài Tử sĩ Chiến tranh Triều Tiên. Hồn thiêng các tử sĩ như còn phảng phất trong hơi thu se lạnh dưới bầu trời bao la của Tổ Quốc Mỹ.

Chánh quyền và nhân dân đất nước Mỹ này lúc nào cũng cảm thấy lương tâm chưa được yên vì chưa đãi ngộ xứng đáng những người con yêu của Tổ Quốc Mỹ. Những người đem mạng sống, tuổi hoa niên của mình để phục vụ Tổ Quốc Mỹ và các dân tộc trên thế giới cần Mỹ cứu khổn phò nguy. Theo thống kê được báo chí Mỹ phổ biến, cho đến năm nay còn khoảng 200,000 cựu chiến binh Mỹ không nhà, đa số là cựu chiến binh Chiến Tranh VN, Triều Tiên, Thế Chiến 2, và trong đó có 2000 người cựu chiến binh Chiến tranh Iraq hay Afghanistan. Số cựu chiến binh không nhà chiếm 1 phần 4 tổng số người không nhà ở Mỹ.

Bên cạnh cảnh không nhà người cựu chiến binh còn thêm một số nỗi khổ thân nữa. Bịnh hoạn cơ thể, thương tật. Bịnh hoạn tâm thần hậu quả căng thẳng sau chiến trận kéo dài. Có ít nhứt 70% cựu chiến binh Chiến tranh Iraq và Afghanistan đã từng cận kề cái chết, pháo kích, mìn bẫy, phục kích. Căng thẳng tinh thần tạo nhiều di chứng ngay sau khi rời quân ngũ, có người chịu không nổi phải tự tử.

Chánh quyền và nhân dân đất nước này hiểu và cảm thông sâu sắc nên có nhiều chương trình giúp đỡ và trị liệu. Làm không phải vì lý do nhân đạo như công tác từ thiện xã hội. Mà làm vì coi đó là nghĩa vụ của nhân dân và chánh quyền đối với những người chiến đấu, đi xa đánh trận vì danh dự, quyền lợi của đất nước và nhân dân Mỹ. Cựu chiến binh là những người ưu tiên trong chưong trình xin housing của nhà nước. Những người này cũng được hưởng phúc lợi chẳng những của Bộ Cựu Chiến binh mà của những người lợi tức thấp trong xã hội, của chánh quyền hành chánh nữa.

Tin tức truyền thông cho biết, nhiều dịch vụ phục vụ, phúc lợi được tăng cường, không những cho người không nhà mà cho những người có bịnh, nhứt là làm sao tránh cho cựu chiến binh sống cảnh không nhà. Các đoàn thể ngoài chánh quyền cũng tích cực góp một bàn tay lớn. Hội Cựu Chiến binh Chiến tranh VN giúp cho đồng đội cựu chiến binh Chiến Tranh Iraq, Afghainistan…. Bộ Cựu Chiến Binh và các tổ chức ngoài chánh phủ đã tung cán bộ ra đường, xuống gầm cầu, trạm xe lửa, dười các mái hiên vắng người để thuyết phục cựu chiến binh đến quán ăn xã hội, phòng tạm trú qua đêm, đưa đến nhà thương để giúp đỡ.Có nhiều tổ chức nhân dân vì cựu chiến binh đi xa hơn, đứng đơn kiện tập thể, tại tòa yêu cầu nhà nước phải giải quyết nhanh chóng đơn xin hưởng phúc lợi thương tật cho những quân nhân giải ngũ trong vòng 90 ngày và 180 ngày nếu thượng cầu.

TT Bush hồi tháng 6 khi ký ban hành đạo luật ngân sách, trong đó kinh phí quốc phòng $162 tỷ, có kèm theo luật mới gọi là "G.I. Bill", tăng gia kinh phí dành cho quyền lợi giáo dục của những cựu chiến binh đã phục vụ từ sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, nước Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố.

TNS Barack Obama tổng thống đắc cử khi tranh cử tổng thống, đã nhấn mạnh đến vấn đề cựu chiến binh. Ông hứa sẽ giải quyết vấn đề quyền lợi cho cựu chiến binh, trong đó có một việc cụ thể là, tăng phúc lợi cho cựu chiến binh để bắt kịp với tỷ lệ vật giá gia tăng.

Đặc biệt cựu chiến binh Chiến tranh VN có sáng kiến làm nức lòng chiến sĩ Mỹ đi xa đánh trận về. Một buổi lễ tiêu biểu nhiều ý nghĩa đã được cử hành ngay ngày cựu Chiến binh ở Salemme / Oceanside, Thứ Ba 11 tháng 11, năm 2008. Cựu Chiến Binh Bob Wolford và đoàn cựu chiến binh Chiến tranh VN của Mỹ tặng mỗi ngưòi quân nhân của Đại Đội Quân Cảnh 293 ở Căn cứ Stewart hoàn thành nhiệm vụ trở về Mỹ, đặt chân lại trên đất Mỹ.

Sẽ thiếu nếu không nói đến những cựu chiến binh người Việt trên nước Mỹ. Đã tái tập họp trong đại hội toàn quân. Đã vào hàng từng quân binh chủng. Hầu hết những danh xưng đơn vị lớn và quân binh chủng đều có mặt trên nước Mỹ. Hầu hết những cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN đều có mặt những cựu chiến sĩ Quân Lực VNCH. Nhiều người dù sống đời dân sự trên con đường lưu vong, nhưng lòng còn ở trong Quân Đội, tự thấy mình chưa giải ngũ, còn vì dân chiến đấu, vì nước hy sinh trong cuộc “chiến tranh khác” là đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN.

Dù theo lễ nghi quân cách VNCH, việc phủ quốc kỳ dành cho quân nhân tử trận. Nhưng chữ chiến sĩ rộng hơn chiến binh là quân nhân. Nhiều quân dân cán chính VNCH sau Chiến tranh VN trở thành chiến sĩ đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền ở hải ngoại. Ngày cuối đời, trong phút lâm chung mong mỏi, dặn dò đồng đội, bè bạn quân dân cán chính, tổ chức mà mình đã gia nhập và sinh hoạt, và gia đình, lời dặn dò thiêng liêng và thống thiết:. “Xin được phủ quốc kỳ VN trên linh cữu của tôi”. Một lòng trung thành với Tổ Quốc VN tới chết. Một lời nhắn phục vụ chánh nghĩa Tự do, Dân chủ VN đến hơi thở cuối cùng. Như cựu Đái Tá Lý bá Phẩm, một tín đồ PGHH thuần thành, một quân nhân VNCH tình nguyện dặn gia đình xin với Ban Trị sự PGHH khi Ông từ trần ở Mỹ, xin được treo trần già tiêu biểu của PGHH trên cao của bàn thờ linh vị và xin với tổ chức cựu quân nhân VNCH xin được phủ quốc kỳ trên linh cữu. Một người “một đời một đạo đến ngày chung thân”. Một quân nhân vẹn tròn khí tiết với quốc gia dân tộc VN. Một truyền thống tốt đẹp của cựu chiến binh VNCH đang phát triển trên đất Mỹ./. (Vi Anh)
 
Nam Yết chuyẻn

No comments: