Trận hải chiến Hoàng Sa theo tài liệu Trung Cộng Phần 1 Phần 2
Trần Ðỗ Cẩm & Vũ Hữu San - Biên Khảo
Kính tặng thủy thủ đoàn các chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16 Hải Quân VNCH đã anh dũng tác-xạ vào tàu địch trong trận hải chiến lịch sử lẫy lừng nhất của quân sử Hải Quân VNCH.
Kính dâng hương hồn các tử sĩ Hoàng Sa.
Mở đầu
Trận hải chiến giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Hải Quân (HQ) Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa xảy ra vào ngày 19 tháng 1 năm 1974, tình đến nay đã được tròn 30 năm. Ngay sau đó, phát ngôn viên quân sự VNCH đã công bố một số chi tiết liên quan tới trận hải chiến. Báo chí tại Miền Nam Việt Nam cũng viết nhiều bài tường thuật dựa theo nguồn tin chính thức. Riêng Bộ Tư Lệnh (BTL) Hải Quân VNCH đã dành riêng một số báo Lướt Sóng viết về biến cố quan trọng này.
Gần đây tại hải ngoại, một số các nhân chứng trực tiếp tham dự cũng đã viết nhiều bài khá trung thực và giá trị. Tuy nhiên đa số những bài viết kể trên đều căn cứ vào tài liệu và quan điểm của VNCH. Vì cần phù hợp với tình hình chính trị và đường lối uyển chuyển trên lãnh vực ngoại giao vào thời điểm 1974, một số chi tiết quan trọng đã không được tiết lộ chính xác. Điển hình, phát ngôn viên quân sự VNCH trong một cuộc họp báo chính thức cho biết các chiến hạm Trung Cộng đã nổ súng trước nên phía VNCH phải bắn trả để tự vệ.
Thật ra, nhiều nhân chứng có mặt tại chỗ đã xác nhận trong những bài viết sau này, chính các chiến hạm VNCH đã nổ súng trước để đánh đuổi bọn xâm lăng. “Giặc đến nhà thì phải đánh,” hành động đầy chính nghĩa, hợp lý và hợp pháp này nếu chưa thích hợp để công bố vào năm 1974, thì bây giờ rất cần làm sáng tỏ để chứng minh người Việt Nam, nhất là Hải Quân VNCH dù phải đối đầu với quân xâm lược mạnh hơn gấp bội, vẫn không ngần ngại nổ súng để bảo vệ bờ cõi.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều bài viết về trận hải chiến Hoàng Sa, thiết tưởng việc tường thuật trung thực vẫn không thể đầy đủ nếu thiếu phần tài liệu của “phía bên kia” tức là Trung Cộng. Vào thời điểm 1974, vì có sự cách biệt quá lớn về ý-thức-hệ giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản nên những tin tức trao đổi giữa đôi bên rất giới hạn. Hầu như những tin tức từ phía Cộng Sản đều bị chế độ độc tài đảng trị cố tình ngăn chận bởi bức “màn sắt,” “màn tre” nên khó lọt ra ngoài. Thảng hoặc, nếu có chi tiết nào cố tình được “Đảng và Nhà Nước” công bố thì cũng chỉ thuộc loại tuyên truyền quá lố như “dân quân Trung Cộng bò tới gần các chiến hạm VNCH ném lựu đạn vào lỗ châu mai,” vì vậy chẳng có một giá trị nào trong việc truy nhận sự thật.
Rất may mắn, trong vòng mấy năm gần đây, cao trào Tự Do Dân Chủ đã khiến các nước khối Cộng hoặc tự động bị tan rã như Nga Sô và một số quốc gia Đông Âu. Trung Cộng và Việt Nam cũng bắt buộc phải “đổi mới” để sống còn. Dân chúng Trung Cộng nhờ thế, đỡ bị “bịt mồm, bóp miệng,” có thể nói lên phần nào sự thật.
Lại nữa, phương tiện truyền thông qua mạng lưới điện tử toàn cầu đã khiến việc trao đổi tin tức trở nên dễ dàng hơn. Vả lại, trận hải chiến Hoàng Sa xảy ra đã khá lâu, khía cạnh tuyên truyền không còn được đặt nặng bằng nhu cầu tìm hiểu sự thật. Vì vậy trong khoảng thời gian gần đây, chúng tôi đã may mắn tìm được một số các tài liệu Trung Cộng liên quan tới trận hải chiến do chính những nhân chứng tham dự thuật lại. Nhìn chung, tuy vẫn còn nặng mang hơi hướm “Mao Chủ Tịch,” nhưng nếu gạn bỏ khía cạnh tuyên truyền như đề cao dân quân quá đáng, che dấu thiệt hại, dành phần thắng về mình v.v. chúng ta vẫn có thể tìm được một số chi tiết khá giá trị. Khi tổng hợp những chi tiết này với những tài liệu đã được công bố từ trước, chúng ta có thể nhìn được khá gần sự thật.
Do đó, mục tiêu của bài này không phải tường thuật lại những chi tiết liên quan tới trận hải chiến Hoàng Sa là điều các tác giả khác đã viết khá chi tiết và đầy đủ. Chúng tôi chỉ muốn bổ túc một số chi tiết về trận hải chiến Hoàng Sa dựa theo các tài liệu của Trung Cộng mới sưu tầm được để tìm hiểu một số quyết định quan trọng của họ liên quan tới trận hải chiến như: kế hoạch lấn chiếm Hoàng Sa, các chiến hạm tham chiến, diễn-tiến trận hải chiến, hệ-thống chỉ-đạo, chiến lược chiến thuật, trường hợp hy sinh bi hùng của Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo. Ngoài ra chúng ta cũng có thể suy đoán được khá chính xác về những thiệt hại của phía Trung Cộng.
Ðể dễ theo dõi và tránh ngộ nhận “tuyên truyền cho địch,” tưởng cũng cần nhấn mạnh đa số những điểm chính nêu lên trong bài này đều là những ghi nhận và quan điểm căn cứ vào tài liệu và nhãn quan của Trung Cộng, do đó có những đoạn trích dẫn có thể gây xúc động cho những người “nhạy cảm.” Phụ thêm vào đó là một số nhận định riêng của người viết, không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Hải Quân VNCH.
Khi đề cập tới những chiến hạm VNCH, phía Trung Cộng thường dùng tên hiệu như Tuần Dương Hạm (TDH) Lý Thường Kiệt, Khu Trục Hạm (KTH) Trần Khánh Dư v.v. trong khi các bài viết của chúng ta lại hay sử-dụng chỉ số như HQ-16, HQ-4 thay vì tên hiệu như họ. Ðây là sự khác biệt khá quan trọng. Vì bài viết này căn cứ vào tài liệu Trung Cộng nên chúng tôi cũng xử dụng tên hiệu của các chiến hạm VNCH để phần tường thuật được rõ ràng và nhất quán.
Kế hoạch lấn chiếm Hoàng Sa của Trung Cộng
Sau khi cưỡng chiếm nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group) vào ngày 21 tháng 12 năm 1956, đến năm 1974, dùng chính sách ngoại giao “bóng bàn” bang giao được với Hoa Kỳ, Trung Cộng đã chuẩn bị khá kỹ càng kế hoạch bành trướng tại Biển Đông. Ngoài tầm quan trọng về mặt quân sự, với dân số quá đông trên 1 tỷ người, Trung Cộng cần tận dụng các tài nguyên về ngư sản và khoáng sản tại vùng biển chưa được khai thác này để sống còn. Người Mỹ lúc đó đã rút quân khỏi Việt Nam và cũng đã có kế hoạch triệt thoái khỏi toàn vùng Đông Nam Á bằng cách đóng cửa các cơ sở quân sự quan trọng tại Phi Luật Tân như căn cứ Không Quân Clark Air Base, căn cứ Hải Quân Subic Bay.
Lo ngại rằng sự vắng mặt của mình sẽ tạo cơ hội tốt cho Nga Sô bành trướng nên Hoa Kỳ cũng muốn có một lực lượng tương đối mạnh khả dĩ có thể thay thế họ ngăn chận và cầm chân lực lượng đối thủ chiến tranh lạnh hàng đầu. Trung Cộng đang có tham vọng bành trướng tại Biển Đông, còn Hoa Kỳ muốn ngăn chận ảnh hưởng của Nga Sô tại vùng này nên chúng ta không ngạc nhiên khi “kẻ cắp bà già” bắt tay nhau, Hoa Kỳ đã ngầm thỏa thuận để Trung Cộng ngang nhiên lấn chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH và sau này tiến xa hơn tới tận Trường Sa, cách lãnh thổ Trung Cộng cả ngàn cây số.
Để mở đầu kế hoạch lấn chiếm, trên mặt ngoại giao, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đột nhiên lên tiếng đòi chủ quyền tại Hoàng Sa, đồng thời lén lút cho ngư thuyền võ trang chở quân lính giả dạng dân đánh cá đổ bộ lên một số đảo do VNCH kiểm soát từ lâu trong vùng Hoàng Sa. Dự đoán thế nào phía VNCH cũng phản ứng mạnh mẽ, chính phủ Trung Cộng từ các giới chức cao cấp nhất như Chủ Tịch Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình, Châu Ân Lai và toàn bộ Quân Ủy Trung Ương đã đồng thanh quyết định sẽ dùng biện pháp quân sự để đánh chiếm Hoàng Sa từ tay VNCH nếu cần.
Khởi đầu, họ đổ quân lên các đảo, đồng thời cho tàu bè và chiến hạm khiêu khích lực lượng VNCH. Nếu các chiến hạm VNCH lặng lẽ cúi đầu bỏ đi như lời một viên chứa Hoa Kỳ tại Việt Nam đe dọa “nếu các chiến hạm Việt Nam nổ súng tại Hoàng Sa, Hải Quân VNCH sẽ bị xoá tên ngay,” Trung Cộng sẽ ngang nhiên chiếm Hoàng Sa theo chiến thuật tiệm tiến “tầm ăn dâu” lấy từng đảo một như họ làm tại Trường Sa sau này. Ngược lại, nếu Việt Nam Cộng Hòa tham chiến, dù các Hải Quân VNCH có chiến thắng đánh chìm tất cả các chiến hạm Trung Cộng tại chỗ nhưng vẫn không thể giữ được Hoàng Sa vì lực lượng tăng viện Trung Cộng gồm nhiều chiến hạm tối tân và có cả phi cơ tham chiến sẽ kéo tới đánh chìm các chiến hạm VNCH dễ dàng. Vì vậy, khi TDH Lý Thường Kiệt được phái ra Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 1 năm 1974 để thám sát, chính phủ Trung Cộng liền lập tức xử dụng phương tiện quân sự. Tài liệu Trung Cộng tóm lược kế hoạch lấn chiếm này như sau:
Lo ngại Việt Nam Cộng Hòa điên cuồng khiêu khích để chiếm Hoàng Sa, quân trên đảo báo cáo về Trung Ương và lập tức được trình lên thượng cấp. Các đồng chí Zhou Enlai và Phó Chủ Tịch nhà nước Ye Jianying đệ trình một kế hoạch phản công bằng quân sự và được chủ tịch Mao Zedong mau chóng chấp thuận. Kế hoạch này bao gồm việc tăng cường chiến hạm tuần tiễu và dùng biện pháp quân sự để giữ đảo. Đồng chí Đặng Tiểu Bình cùng giới lãnh đạo quân sự thảo kế hoạch đánh chiến hạm địch, tái chiếm các đảo bị Việt Nam Cộng Hòa xâm lấn, đồng thời kiểm soát hoàn toàn vùng Hoàng Sa.
Như vậy, chúng ta thấy rõ sách lược bành trướng tại Biển Đông đã được Trung Cộng chuẩn bị kỹ càng, khởi đầu bằng việc gây hấn tiến chiếm Hoàng Sa. Đây là một quốc sách quan trọng đã được hoạch định từ lâu nên trận hải chiến tại Hoàng Sa đã được cố ý dự trù, tiên liệu, chuẩn bị và thiết kế chu đáo. Về phía VNCH, trong lúc phải đối đầu trong trận chiến một mất một còn với Việt Cộng trong nội địa, việc tham chiến tại Hoàng Sa chỉ là một sự tình cờ, cũng như TDH Lý Thường Kiệt HQ-16 ra Hoàng Sa với nhiệm vụ chính chở phái đoàn Công Binh thám sát thiết lập phi trường, tình cờ phát hiện ngư thuyền và quân Trung Cộng trong vùng. Sau đó, VNCH mới hối hả phái các chiến hạm khác ra tăng cường.
Đến đây tưởng cũng nên ghi nhận một điểm son về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó đã đích thân thăm viếng Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải để duyệt xét tình hình và ra lệnh bằng thủ bút cho phép Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải (TL/HQ/V1DH), được toàn quyền hành động, kể cả việc xử dụng võ lực để bảo vệ Hoàng Sa. Phó Ðề Ðốc Thoại đôi lúc cũng cảm thấy đơn độc, đã thi hành đúng đắn chỉ thị của thượng cấp khi ra lệnh “Khai Hỏa.” Trong lúc chiến trường quốc nội gay go sôi động, ngoài biển Trung Cộng đe dọa lấn chiếm Hoàng Sa. Hành động “quyết chiến” đối đầu với kẻ thù truyền kiếp để bảo vệ lãnh thổ của vị nguyên thủ VNCH phải được coi là quyết định lịch sử, có thể đem so sánh với thời “Hội Nghị Diên Hồng.” Sau đó, viên Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải và các chiến sĩ Hải Quân VNCH nhất nhất tuân-hành quân lệnh do vị Tổng Tư Lệnh ban-hành, chiến đấu rất anh dũng tại Hoàng Sa theo đúng truyền thống chống ngoại xâm của tiền nhân Việt-tộc.
Các chiến hạm tham chiến
Khi các chiến hạm VNCH được phái tới Hoàng Sa, phía Trung Cộng cũng tăng cường lực lượng hải quân của họ. Lúc đầu chỉ có 2 ngư thuyền võ trang 402 và 407, sau đó thêm nhiều chiến hạm nhập vùng. Về tổng số chiến hạm tham chiến, tài liệu của Trung Cộng ghi rất rõ ràng. Họ cho biết như sau:
Ngày 17 tháng 1, Quân Ủy Trung Ương ra lệnh Hạm Đội Nam Hải lập tức phái chiến hạm tuần tiễu tại Hoàng Sa, đồng thời ra lệnh Quân Khu Hải Nam gửi quân lính theo tàu ra giữ đảo. Theo lệnh Quân Ủy Trung Ương, Quân Khu Quảng Châu ra lệnh Hạm Đôi Nam Hải phái hai Trục Lôi Hạm 396 và 389 (ghi chú của tác giả: tạm gọi tắt là T-396 và T-389) thuộc Phân Đội Trục Lôi 10 căn cứ tại Quảng Châu và hai Hộ Tống Hạm loại Kronstadt 271 và 274 (ghi chú của tác giả: tạm gọi tắt là K-271 và K-274) thuộc Phân Đội chống Tiềm Thủy Đĩnh (TTÐ) 73 căn cứ tại Yulin, lên đường ra Hoàng Sa vào các ngày 17 và 18 để tuần tiễu. Ngoài ra, Quân Khu Hải Nam còn phái 4 đại đội Bộ Binh để chiếm đóng các đảo Vĩnh Lạc, Cam Tuyền và Quang Hòa. Thêm vào đó, Căn Cứ Hải Quân Quảng Châu còn phái 2 Tuần Duyên Hạm 281 và 282 thuộc Phân Đội Chống TTĐ 74 tới Hoàng Sa sau đó làm lực thành phần tiếp ứng.
Toàn thể lực lượng được đặt dưới quyền chỉ huy của Tư Lệnh Phó Hạm Đội Nam hải tên Wie Ming Sen lúc đó có mặt tại căn Cứ Hải Quân Yulin nằm vế phía Nam đảo Hải Nam. Bộ Tư Lệnh Hành Quân được đặt trên soái hạm K-271 thuộc Phân Đội 73. Về không yểm, quân khu Quảng Châu ra lệnh Phi Đoàn 22 thuộc Hạm Đội Nam Hải cử 2 phi cơ túc trực bao vùng, đồng thời yêu cầu Không Quân thuộc Quảng Châu sẵn sàng yểm trợ. Nếu nhìn vào lực lượng Hải, Không và Lục quân được phái ra Hoàng Sa, mọi người đều thấy chúng ta chỉ đưa ra một lực lượng quân sự rất hạn chế với mục đích bảo vệ Hoàng Sa chứ không phải tiêu diệt hạm đội địch.
Khi phân đội K-271 và K-274 trên chở một trung đội Bộ Binh tới vùng Hoàng Sa cũng là lúc hai KTH Trần Khánh Dư và TDH Lý Thường Kiệt của VNCH đang săn đuổi và đe dọa các ngư thuyền 402 (Nam Ngư 1) và 407 (Nam Ngư 2) của Trung Cộng. Các chiến hạm Trung Cộng lập tức phản ứng bằng cách gửi tín hiệu yêu cầu chiến hạm VNCH rời vùng. Tối 17 tháng 1, TDH Trần Bình Trọng (HQ-5) và HTH Nhựt Tảo (HQ-10) rời quân cảng Đà Nẵng và tới Hoàng Sa vào buổi chiều ngày 18 tháng 1. Phía Trung Cộng dùng chiến thuật “khiêu khích,” cho các ngư thuyền bám sát chiến hạm VNCH để cản đường. Về những vận chuyển cắt đường và những hành động khiêu khích trên biển, tài liệu Trung Cộng tường thuật như sau:
Sáng ngày 18 tháng 1, sau khi tuần tiễu vùng Hoàng Sa, các chiến hạm VNCH một lần nữa lại có những hành động thù nghịch, tiến gần ngư thuyền 407 và dùng loa phóng thanh đuổi ngư thuyền này ra khỏi vùng. Tuy phải đối diện với tàu lớn và đại pháo, thuyền trưởng ngư thuyền 422 vẫn không sợ hãi trả lời: “Đây là lãnh hải Trung Quốc, các anh phải rời xa ngay.” Phía VNCH có một sĩ quan đe dọa: “Nếu các anh không lập tức rời vùng sẽ bị đánh chìm.” Khi thấy ngư thuyền 407 vẫn không bỏ đi, chiến hạm Trần Khánh Dư trở nên giận dữ, dùng hết tốc lực đụng vào khiến phòng lái ngư thuyền 407 bị thủng một lỗ lớn. Lúc này toán chiến hạm K-271 cũng nhập vùng, lại gửi tín hiệu yêu cầu các chiến hạm VNCH rời khỏi vùng biển Hoàng Sa. Tới đêm 18 tháng 1, tình hình rất căng thẳng, đôi bên canh chừng lẫn nhau nhưng không có đụng độ.
Phía Trung Cộng đã tả lại khá rõ ràng biến cố KTH Trần Khánh Dư cố ý đụng vào ngư thuyền 407 khiến đài chỉ-huy bị phá-hủy, phòng lái bị thủng một lỗ lớn, nhưng chi tiết “dùng hết tốc lực” có vẻ hơi quá đáng. Theo Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San, Hạm Trưởng KTH Trần Khánh Dư, cho biết lúc đó, tình hình rất căng thẳng, các ngư thuyền Trung Cộng cố ý vận chuyển chận đường các chiến hạm VNCH, ngăn cản không cho lại gần hải-đảo để bảo vệ quân Trung Cộng trên đó. Thoạt đầu HQ-4 đã dùng mọi biện pháp “hòa bình” đúng theo luật đi biển yêu cầu họ rời khỏi lãnh hải VNCH nhưng các ngư thuyền này vẫn không bỏ đi.
Muốn tìm hiểu thêm về quyết định cố ý “đụng tàu” có tính toán này, chúng ta cần biết rõ nhiệm vụ của Hạm-Trưởng HQ-4 lúc bấy giờ. Theo đúng lệnh hành quân, cho tới ngày 18 tháng 1, Hạm Trưởng HQ-4 vẫn còn kiêm nhiệm chức vụ Chỉ-Huy-Trưởng Hành Quân bảo-vệ quần đảo Hoàng Sa. Để chu toàn trọng trách, chiến hạm VNCH phải đổ quân để lấy lại các đảo đã bị quân Trung Cộng chiếm đóng bất hợp pháp. Vì tàu Trung Cộng đang tuần tiễu quanh các đảo có thể liều lĩnh đụng chìm hay bắn vào các xuồng đổ bộ nên trước hết phải tìm cách cô lập hóa lực lượng yểm trợ này để bảo đảm an toàn cho toán đổ bộ. Thượng cấp lại đã ra lệnh “chiếm lại các đảo bằng biện pháp hòa bình” trước khi xử dụng vũ lực. Do đó Hạm Trưởng HQ-4 chỉ có thể biểu lộ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bằng cách ủi vào ngư thuyền Trung Cộng như một hành động cảnh cáo có tính toán buộc chúng phải rời vùng, trong lúc hải pháo sẵn sàng yểm trợ cho toán đổ quân nếu Trung Cộng nổ súng trước.
Vì vậy, Hạm Trưởng San mới ra lệnh dùng mũi tàu “ủi nhẹ” vào ngư thuyền 407 thấp hơn để cảnh cáo và cũng tượng trưng việc “đẩy” ngư thuyền Trung Cộng ra khỏi hải phận VNCH. Nếu bị KTH Trần Khánh Dư cao lớn “dùng hết tốc lực” đụng vào, chắc ngư thuyền 407 đã về với hà bá, đâu còn cơ hội để kể lại chuyện này. Theo lời các thủy thủ trên các chiến hạm Việt Nam, các thủy thủ trên tàu Trung Cộng đều có những cử chỉ khiêu khích thô tục, chửi bới khiến nhân viên VN rất tức giận, nhưng vì tuân lệnh “chạm trán hòa bình” nên buộc phải tự chế. Việc KTH Trần Khánh Dư đụng vào ngư thuyền 407 đã khiến các thủy thủ Việt Nam “lên tinh thần,” hăng hái như đã trả được thù.
Về biến cố “đụng tàu” này, tác giả Ðào Dân hiện diện trên TDH Lý Thường Kiệt được chứng kiến tận mắt, thuật lại như sau:
Bốn chiếc tàu, 2 lớn ở ngoài, 2 nhỏ ở giữa vẫn thả trôi bình yên để mặc cho con người đấu khẩu. Có lẽ không còn kiên nhẫn được nữa, HQ-4 nổ máy đâm thẳng ngang hông tàu địch, đẩy nó ra khơi. vì vận tốc chậm, có lẽ khoảng 2 máy tiến 1, nên không có thiệt hại nào cho bên địch, nếu có, có lẽ bát đũa nồi nêu cơm nước bị đổ bể tùm lum trong phòng ăn và nhà bếp. Trước thái độ quyết liệt của HQ-4, tàu Trung Quốc đành nhượng bộ, mở máy, từ từ tăng tốc độ chạy về phía Nam của 2 đảo Duy Mộng và Quang Hòa, để lại chiến trường một vùng nước bọt trắng xóa. Chúng tôi toàn thắng mà không tốn một viên đạn (chỉ tốn một cái húc của Trung Tá Vũ Hữu San). Ðến đây người viết cần phải ngừng lại một chút vừa để hoan nghênh Hạm-Trưởng San.
Riêng đối với Hạm Trưởng San, chuyện đụng tàu trên biển này chắc cũng đã gây ra không ít suy-tư, vì theo công pháp quốc tế, chiến hạm hay thương thuyền của một quốc gia được coi như lãnh thổ của quốc gia đó. Như trước đây, Hoa Kỳ đã buộc Nhật Bản ký văn bản đầu hàng vô điều kiện chấm dứt thế chiến II tại Thái Bình Dương trên Thiết-Giáp Hạm Missouri bỏ neo trong vịnh Tokyo, một hành động tượng trưng coi như Nhật Bản đã phải ký hòa ước trên đất Hoa Kỳ. Làm hạm trưởng, việc để chiến hạm mắc cạn hay đụng vào tàu khác là điều tối kỵ thường đưa tới việc mất chức. Hạm Trưởng San đã cố ý đụng tàu Trung Cộng, chẳng khác nào tự ý “xâm lăng” Trung Quốc có thể đưa tới những hậu quả nghiêm trọng. Trong trường-hợp có đối-thoại hay dàn-xếp thương-thuyết Việt-Hoa, Ông rất có thể trở thành “vật hy-sinh” và bị cả hai quốc-gia kết tội là kẻ gây nên chiến-tranh. Thiết tưởng đây là một hành động can đảm tuy tự chế, chẳng khác danh tướng Trần Quốc Toản đời Trần đã vì tức giận giặc Tàu xâm lăng đã bóp nát quả cam trong tay lúc nào không biết!
Một chi tiết khác khá quan trọng là Trung Cộng cũng gửi 2 tiềm thủy đĩnh tham dự chiến dịch Hoàng Sa, nhưng sau khi trận chiến đã kết thúc. Tác giả Lu Qi Minh trong bài viết nhan đề Tiềm Thủy Ðĩnh Trung Cộng Ðầu Tiên Tham Dự Chiến Dịch cho biết như sau:
Vì lo ngại Hoa Kỳ và VNCH không chịu rút lui dù đã bị thất bại, nên Hạm Ðội Trung Cộng vẫn phải gửi chiến hạm tăng cường lực lượng tại Hoàng Sa. Lúc đó trời bão, biển động mạnh nên các chiến hạm không rời bến được, do đó hai tiềm thủy đĩnh được lệnh công tác tại Hoàng Sa. Ðây là lần đầu tiên tiềm thủy đĩnh dược dùng vào công tác chiến đấu nên phải có sự chấp thuận đặc biệt của chủ tịch Mao Trạch Ðông. Hai tiềm thủy đĩnh dùng trong công tác mang số hiệu 282 và 289.
Tóm lại về lực lượng tham chiến, phía Trung Cộng có 2 ngư thuyền võ trang mang số 402 và 407, hai trục lôi hạm mang số 389 và 396, hai chiếc Kronstadt mang số 271 và 274 và hai Tuần Duyên Hạm 281 và 282 tăng viện. Trong số này, chỉ có 4 chiến hạm T-389, T-396, K-271 và K-274 trực tiếp tham chiến. Còn hai Tuần Duyên Hạm 281 và 282 tới Hoàng Sa vào hồi 11 giờ 49 ngày 19 tháng 1, lúc đó trận hải chiến đã kết thúc (vào hồi 11 giờ). Chính hai chiến hạm mới đến này đã bắn chìm HTH Nhựt Tảo. Hai tiềm thủy đĩnh mang số 282 và 289 cũng tới Hoàng Sa sau đó để tăng cường tuần tiễu và đề phòng lực lượng VNCH trở lại tái chiếm quần đảo.
Trận hải chiến
Tài liệu Trung Cộng nói về trận hải chiến được tóm lược như sau:
Rạng sáng ngày 19 tháng 1, các chiến hạm VNCH chia thành hai phân đội. Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt và HTH Nhựt Tảo hoạt động trong vùng lòng chảo, từ phía Bắc gần đảo Hoàng Sa tiến về hướng Nam gần đảo Quang Hòa. Trong khi đó, KTH Trần Khánh Dư và TDH Trần Bình Trọng bọc từ phía ngoài biển cũng tiến về đảo Quang Hòa từ hướng Tây Nam. Nếu nhìn vào tầm cỡ và trọng tấn, phía VNCH gồm 3 chiến hạm lớn, trọng tấn khoảng 1,770 tấn mỗi chiếc và một chiến hạm nhỏ trọng tấn khoảng 650 tấn, như vậy tổng cộng trọng tấn phía VNCH khoảng 6,000 tấn, trong khi phía Trung Cộng có hai chiến hạm loại Kronstadt trọng tấn 570 tấn và hai trục lôi hạm (TLH) loại T-43 trọng tấn 300 tấn, tổng cộng khoảng 1,760 tấn. Về vũ khí, phía Trung Cộng cỡ súng lớn nhất là 85 ly đôi trong khi VNCH có súng cỡ 127 ly. Như vậy về hỏa lực, phía VNCH cũng trội trội hơn. Các chiến hạm VNCH với hải pháo lớn chiếm vị trí bên ngoài lợi thế hơn, trong khi các chiến hạm Trung Cộng ở phía trong gần các đảo.
Trước ý đồ gây hấn của VNCH, theo chỉ thị của Quân Ủy Trung Ương, Quân Khu Quảng Châu đã đặt các đơn vị trực thuộc trong tình trạng báo động khẩn cấp, đồng thời ra lệnh cho các chiến hạm tại Hoàng Sa sẵn sàng đối phó nếu bị tấn công. Các chiến hạm Trung Cộng được lệnh phối trí tại vùng đảo Quang Hòa để bám sát các chiến hạm VNCH. Trước các họng đại pháo của chiến hạm VNCH, các chiến hạm Trung Cộng tuy nhỏ hơn nhưng không hề nao núng.
Hai TLH T-396 và T-389 có nhiệm vụ bám sát TDH Lý Thường Kiệt. Mặc dù nhỏ hơn với trọng tấn chỉ bằng một phần tư, T-396 vẫn không giảm tốc độ khi cản đường. TDH Lý Thường Kiệt ỷ vào súng lớn và vỏ tàu dầy hơn, chẳng những không đổi hướng mà còn dùng mũi đụng vào T-389 khiến sườn tàu và pháo tháp bị hư hại, sau đó còn cắt ngang đội hình Trung Cộng. Các chiến hạm VNCH còn tiến về phía đảo Quang Hòa thả xuống 4 xuồng cao su trên chở khoảng 40 quân VNCH để đổ bộ. Tuy lần đầu tiên đụng độ, nhưng dân quân Trung Cộng vẫn nổ súng khiến VNCH bị chết 1, bị thương 3 khiến toán đổ bộ VNCH phải rút lui. Khi thấy cuộc đổ bộ bị thất bại, phía VNCH đổi chiến thuật, lợi dụng ưu thế về hỏa lực và vị trí thuận lợi để tấn công các chiến hạm Trung Cộng.
Trước hỏa lực hùng hậu của phía VNCH, các chiến hạm Trung Cộng lần lượt bị trúng đạn. Phía Trung Cộng lập tức phản công. Các HTH K-271 và K-274 tấn công các KTH Trần Khánh Dư và TDH Trần Bình Trong của VNCH, trong khi các TLH T-396 và T-389 đối đầu TDH Lý Thường Kiệt và HTH Nhựt Tảo. Các chiến hạm VNCH khai triển đội hình cố giữ khoảng cách lớn hơn hầu tận dụng hải pháo tầm xa, nhưng các chiến hạm Trung Cộng có vận tốc cao hơn nên khoảng cách đôi bên mỗi lúc càng giảm, có lúc gần như sát vào nhau. Vì vậy, các chiến hạm Trung Cộng tuy cỡ súng nhỏ, nhưng có nhịp bắn cao hơn nên chiếm được lợi thế. Sau mười ba phút giao tranh, hàng ngũ chiến hạm VNCH đâm ra rối loạn.
Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư là soái hạm của Hải Đội VNCH nên bị hai HTH K-271 và K-274 dồn nỗ lực vây đánh. Mặc dầu KTH Trần Khánh Dư đã tận dụng hỏa lực dữ dội để mong làm chủ chiến trường, nhưng vẫn bị yếu thế vì hỏa lực Trung Cộng tập trung vào các giàn hải pháo chính và bị trúng đạn hư hại nhiều nơi khác, khói đen tỏa ra nhiều nơi, vì vậy phải rời vòng chiến. K-274 không bỏ lỡ cơ hội, theo sát KHT Trần Khánh Dư. Thấy vậy TDH Trần Bình Trọng vội chận đánh K-274 ngay bên ngang hông để cứu nguy cho Soái Hạm.
Bị hỏa lực của hai chiến hạm VNCH tấn công cả hai phía trước và sau, K-274 bị trúng đạn nhiều nơi, tay lái bị bất khiển dụng phải dùng hệ thống lái tay, nhưng vẫn chạy hết tốc lực, cuối cùng chiếm lại được thế thượng phong. Tuy được lợi thế trong lúc cận chiến, nhưng cũng dễ bị trúng đạn đại pháo của các chiến hạm VNCH. K-274 bị một viên đạn bắn trúng đài chỉ huy khiến nhiều người chết và bị thương nên hệ thống truyền tin bị rối loạn nên phải dùng thủ lệnh. Tuy vậy, chiến hạm vẫn phản công khiến KTH Trần Khánh Dư bị trúng đạn tại nhiều chỗ, hiệu kỳ bị bắn đứt bay xuống biển.
Xa hơn về phía Bắc, các TLH T-396 và T-389 nghênh cản TDH Lý Thường Kiệt và HTH Nhựt Tảo. Lúc đầu, chiến hạm Trung Cộng tập trung hỏa lực vào mục tiêu lớn hơn là TDH Lý Thường Kiệt, nhưng bị HTH Nhựt Tảo chận bắn dữ dội. Các chiến hạm Trung Cộng chuyển xạ nhắm vào HTH Nhựt Tảo khiến kho đạn phát nổ, hầm máy bị cháy không còn vận chuyển được nữa. Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt cũng bị trúng đạn nên rời vòng chiến. Thấy vậy, các chiến hạm VNCH Trần Khánh Dư và Trần Bình Trọng cũng hối hả rời vùng.
Phần tường thuật của Trung Cộng về cuộc hải chiến, tuy có đôi chút trung thực, nhưng nặng hơn về mặt tuyên truyền. Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư đã không rời vùng dù bị hai chiến hạm Trung Cộng vây đánh gây thiệt hại, có tới 912 vết đạn trên vỏ tàu. Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư là loại chiến-hạm tấn-công, kiến-trúc khoẻ nhất trong hải-đội với 4 phòng hầm máy chánh và nhiều phòng kín-nước khác, sức chịu-đựng rất cao. Khi tàu Trung-Cộng bắt đầu rút về hướng Tây, rơi vào đúng ngay tầm bắn hữu-hiệu của hải-pháo 76.2 ly, các chiến hạm Trung Cộng, đặc biệt K-274 bị trúng thêm mấy trái đạn lớn nữa, đến độ tê liệt.
http://www.
Nam Yết chuyển
No comments:
Post a Comment