Trần Ðỗ Cẩm & Vũ Hữu San - Biên Khảo
Chiến lược, chiến thuật
Ðể đối đầu với hai phân đội chiến hạm VNCH, phía Trung Cộng cũng chia các chiến hạm thành hai phân đội. Các HTH K-271 và K-274 phối trí tại vùng Tây Nam đảo Quang Hòa để đối đầu với các KTH Trần Khánh Dư và TDH Trần Bình Trọng, trong khi các TLH T-389 và T-386 chiếm vị trí xa hơn về phía Bắc để ngăn chận các TDH Lý Thường Kiệt và HTH Nhựt Tảo. Nhìn chung, các chiến hạm VNCH chiếm vị trí hình cánh cung bên ngoài đảo Quang Hòa, trong khi các chiến hạm Trung Cộng cũng dàn hình cánh cung đối đầu, nhưng nằm bên trong, gần đảo hơn. Các chiến hạm Trung Cộng tuy nhỏ, nhưng có vận tốc cao và nhịp bắn nhanh hơn nên đã xử dụng chiến thuật “cận chiến.” Tài liệu Trung Cộng mô tả như sau:
Chiếm được lợi thế vì phối trí ở vòng ngoài và lợi dụng hải pháo có thể bắn xa hơn , các chiến hạm VNCH khai triển đội hình, gia tăng khoảng cách. Các chiến hạm Trung Cộng nhỏ và hỏa lực yếu hơn lại ở vào vị thế bên trong bất lợi nên phải thu hẹp chiến trường bằng cách mở hết tốc lực tiến về phía chiến hạm địch nhiều khi như cập vào nhau nên cỡ súng tuy nhỏ nhưng bắn nhanh nên các loạt đạn đều trúng mục tiêu.
Trong lúc cận chiến, các chiến hạm Trung Cộng cũng tuân hành chiến thuật và lời dạy của Mao Chủ Tịch dồn sức mạnh để tiêu diệt bộ phận đầu não địch, các chiến hạm 271 và 274 tập trung hỏa lực vào KTH Trần Khánh Dư là soái hạm địch, trong lúc các TLH 396 và 389 hướng mọi họng súng vào TDH Lý Thường Kiệt. Do đó, hai chiến hạm VNCH bị thiệt hại nặng nề.
Ðến đây, chúng ta thấy rõ cấp chỉ huy Trung Cộng đã sai lầm khi xác quyết “KTH Trần Khánh Dư là soái hạm địch” nên đã tập trung hỏa lực quyết tiêu diệt chiến hạm này. Thực tế, chúng ta đều biết soái hạm của hải đội VNCH là TDH Trần Bình Trọng. Vì sự nhận định không chính xác nói trên nên lúc khởi đầu trận chiến, các chiến hạm Trung Cộng đã bám sát “soái hạm” Trần Khánh Dư và “tập trung hỏa tiêu diệt các giàn hải pháo chính và thượng tầng kiến trúc khiến hệ thống truyền tin bị hư hại.”
Vì bị hai chiến hạm Trung Cộng dồn nỗ lực chận đánh nên KTH Trần Khánh Dư bị trúng đạn khá nặng bên tả hạm. Theo báo cáo chính thức của Bộ Tư Lệnh Hành Quân Biển, tổng cộng KTH Trần Khánh Dư đếm được 37 lỗ đạn đường kính 4 tấc hay lớn hơn và 44 lỗ đạn khác nhỏ hơn 4 tấc. Giàn radar phòng-không bị suy-giảm năng-lực phát-thâu và radar hải hành tạm thời bất khiển dụng trong vòng hai giờ sau đó. Ðổi lại, soái hạm K-271 của Trung Cộng cũng bị trúng đạn tại đài chỉ huy gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng. Theo tài liệu chưa được phối kiểm của Trần Ðại Sỹ, Tư Lệnh Mặt Trận và Toàn Bộ Tham Mưu của Trung Cộng bị tử thương. Chiếc K-274 còn lại coi như không còn khả năng tác chiến.
Trường hợo Hộ tống hạm Nhựt Tảo (HQ-10)
Tài liệu Trung Cộng cho biết:
Xa hơn về hướng Bắc, thừa lúc các TLH T-396 và T-389 dồn nỗ lực tấn công TDH Lý Thường Kiệt, HTH Nhựt Tảo tương đối rảnh rang liền bắn dữ dội vào hai chiến hạm Trung Cộng. Bị tấn công ác liệt, hai chiến hạm Trung Cộng chuyển xạ, tập trung hỏa lực nhắm vào HTH Nhựt Tảo khiến hầm đạn bị phát nổ. Chiếc T-389 liền bám sát và tác xạ dữ dội vào chiến hạm đã bị thương này, không để chạy thoát.
Tưởng cũng nên nói T-389 vừa được sửa chữa xong tại thủy xưởng ngày hôm trước thì đêm sau đã nhận được ra Hoàng Sa nên chưa đủ thì giờ để thử máy đường trường cũng như bắn thử hải pháo. Vì vậy, trong lúc hải chiến ác liệt, tuy HTH Nhựt Tảo của VNCH bị trọng thương, nhưng T-389 cũng bị chiến hạm VNCH bắn hư hại nặng. Đài chỉ huy hoàn toàn bị tiêu hủy, thủy thủ đoàn nhiều người chết và bị thương. Tuy nhiên những nhân viên còn lại vẫn không sợ chết, kiên trì giữ vững vị trí chiến đấu. Vì hầm chứa đạn bị bắn trúng thủng một lỗ lớn, một thủy thủ tuy đã bị thương nặng ở bụng và hai đầu gối nhưng vẫn cởi quần áo nhét vào lỗ thủng và tiếp đạn cho tới lúc chết tại chỗ. Hầm máy cũng bị bắn trúng nên bị cháy dữ dội, khiến tàu vô nước bị nghiêng, không còn dưỡng khí khiến cơ khí phó và 5 cơ khí viên tử trận tại chỗ. Cả hai T-389 và HTH Nhựt Tảo đều bị thương nặng, không tự điều khiển được nên trôi lại gần, có lúc đụng cả vào nhau. Dân quân trên T-389 có lúc đã dùng đại liên và lựu đạn để tấn công HTH Nhựt Tảo vì khoảng cách đôi bên quá gần.
Trong lúc đó, TDH Lý Thường Kiệt ở phía bên ngoài tác xạ dữ dội vào T-389. Tuy bị thương nặng, hầm máy bị cháy có thể phát nổ bất cứ lúc nào, TLH 389 vẫn chống trả dữ dội. Vì sợ bị bắn trúng, TDH Lý Thường Kiệt rời vùng hải chiến, vận chuyển ra hướng ngoài biển. Thấy TDH Lý Thường Kiệt bỏ đi, các chiến hạm VNCH Trần Khánh Dư và Trần Bình Trọng cũng rời vùng. Riêng HTH Nhựt Tảo vì bị hư hại nặng chỉ còn trôi trên mặt biển nên bị bỏ lại không còn đủ sức tự vệ. Lúc đó, hai chiến hạm Trung Cộng tăng viện là Tuần Duyên Hạm (TDH) loại Hainan mang ký số 281 và 282 thuộc phân đội chống tàu ngầm 74 do phân đội trưởng Liu Xi Zhong chỉ huy cũng vừa tới vùng vào hồi 11 giờ 4, sau đó mở cuộc tấn công. (Ghi chú của người viết: Theo tài liệu của Jane's Fighting Ship, TDH loại Hainan được Trung Cộng đóng mô phỏng theo loại chiến hạm SO-1 của Nga Sô, có trọng tải 320 tấn, vũ khí chính gồm 2 giàn hải pháo 57 ly đôi, một ở trước mũi và một ở sau lái, ngoài ra còn có 2 giàn đại bác 25 ly đôi cũng ở trước mũi và sau lái. Thủy thủ đoàn chừng người). Tuần Dương Hạm 281 tiến gần HTH Nhựt Tảo, tất cả các họng súng đều khai hỏa vào mục tiêu rõ ràng không còn tự vệ được. Đến 2 giời 52 phút chiều ngày 19 tháng 1, HTH Nhựt Tảo bị chìm tại vị trí chừng hai hải lý rưỡi về phía nam của bãi san hô Antelope.
HTH Nhựt Tảo lên đường ra Hoàng Sa cùng với TDH Trần Bình Trọng vào tối 17 tháng 1. Theo lời kể lại của Hải Ðội Trưởng Hà Văn Ngạc trong bài Trận Hải Chiến Lịch Sử Hoàng Sa HTH HQ-10 Nhựt Tảo được chỉ định xung vào Hải Ðoàn Ðặc Nhiệm, với lý do chính là chiếc HTH này đang tuần dương ngay khu vực cửa khẩu Ðà Nẵng nên giảm bớt thời gian di chuyển, chiến hạm chỉ có một máy chánh khiển dụng mà thôi. Như vậy, HTH Nhựt Tảo không những là chiến hạm nhỏ, có hỏa lực yếu nhất trong Hải Ðội Ðặc Nhiệm mà tình trạng kỹ thuật cũng kém khả quan, chỉ còn một máy chánh.
Trong phúc trình Diễn Tiến Hành Quân Hoàng Sa ngày 21 tháng 2 năm 1974 của TDH Trần Bình Trọng cũng ghi rõ, “Ngày 18/01/1974 lúc 0315H (chi chú của người viết: 3 giờ 12 phút sáng), chiến hạm đế điểm hẹn với HQ-10 tại vị trí 083 độ đèn Tiên Sa 090 (ghi chú của người viết: hướng đông của hải đăng Tiên Sa, cách 9 hải lý). Hồi 0327H vì tình trạng kỹ thuật của HQ-10 kém và để đúng giờ hẹn tại Hoàng Sa theo như đã dự trù, chiến hạm đươc lệnh của Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật (Ðại Tá Hà Văn Ngạc, Chỉ Huy Trưởng Hải Ðội 3) cho tăng máy, tách khỏi đội hình với HQ-10, trực chỉ đảo Cam Tuyền.”
Trong một trận hải chiến, ngoài hỏa lực hải pháo, việc vận chuyển mau chóng vào vị trí thích hợp là yếu tố vô cùng quan trọng. Tình trạng kỹ thuật kém “chỉ còn một máy” của HTH Nhựt Tảo gây khó khăn trong việc vận chuyển có lẽ đã là nguyên nhân chính khiến chiến hạm này bị đánh chìm. Chúng ta tự hỏi nếu HTH Nhựt Tảo còn đủ hai máy chánh, dù bị bắn thiệt hại còn một máy vẫn có thể tự vận chuyển được, biết đâu có thể tới vùng an toàn, vì lúc đó các chiến hạm Trung Cộng đều đã bị hư hại nặng, không còn khả năng truy kích.
Tuy là chiến hạm yếu nhất, nhưng HTH Nhựt Tảo đã chiến đấu hăng hái và dũng cảm nhất. Khi thấy hai TLH T-389 và T-396 dồn nỗ lực tấn công TDH Lý Thường Kiệt, HTH Nhựt Tảo lập tức can thiệp, dùng hải pháo tác xạ chính xác chiến hạm Trung Cộng khiến T-389 bị trúng đạn vào đài chỉ huy, hạm trưởng tử thương, phòng máy bị cháy. Chiếc T-389 cũng bị hư hại nặng, trôi nổi trên mặt biển tương tự như HTH Nhựt Tảo, có lúc hai đối thủ đụng vào nhau như Trung Úy Nguyễn Ðông Mai thuộc HTH Nhựt Tảo diễn tả trong bài viết Lần Ðào Thoát Tại Hoàng Sa, “Rồi chừng 15 phút sau, một tiếng va chạm mạnh khiến chúng tôi té nhào trên sàn tàu. Tôi chợt nghĩ đến chuyện tàu lên cạn vì vì vùng này có nhiều san hô. Sau này khi đào thoát tôi mới biết HQ-10 đâm vào tả hạm chiếc 396".
Tài liệu Trung Cộng cũng xác nhận thêm, “Nếu T-389 không dạt vào một bãi san hô, chắc chắn cũng sẽ bị chìm.” Như vậy HTH Nhựt Tảo tuy bị chìm, nhưng đối thủ cũng bị thiệt hại tương tự, coi như một đổi một.
Trận hải chiến khởi đầu lúc 10 giờ 23 phút, khoảng nửa giờ sau đó các chiến hạm VNCH rời vùng, chỉ còn lại HTH Nhựt Tảo bị hư hại nặng trôi nổi trên mặt biển, nhân viên đã xuống bè đào thoát, không còn ai trên tàu. Về những giây phút cuối của HTH Nhựt Tảo, tài liệu Trung Cộng ghi rõ:
Tới 11 giờ 49 phút, hai TDH 281 và 282 do Phân Ðoàn Trưởng Liu Xi Zhong chỉ huy từ căn cứ hải quân Shantou tăng viện đến vùng Hoàng Sa. TDH 281 tập trung hỏa lực bắn vào xác HTH Nhựt Tảo. Mãi đến 14 giờ 52 phút ngày 19 tháng 1, HTH Nhựt Tảo mới bị chìm tại vị trí Nam bãi san hô Antelope, khoảng cách chừng 2.5 hải lý.
Sau này một số bài viết cho rằng HTH Nhựt Tảo bị trúng hỏa tiễn Trung Cộng vào đài chỉ huy khiến Hạm Trưởng hy sinh. Tuy nhiên, các chiến hạm Trung Cộng tham chiến đều không được trang bị hỏa tiễn hải-hải và tài liệu Trung Cộng cũng nói rõ không có Phi Tiễn Ðĩnh (PTÐ) Komar tại Hoàng Sa. Dĩ nhiên, chúng ta không hoàn toàn tin tưởng vào lời nói của họ, nhưng có thể suy đoán tìm câu trả lời hợp lý.
Trước hết, PTÐ Komar trang bị hỏa tiễn hải-hải Styx là loại Ai Cập đã dùng để bắn chìm Khu Trục Hạm Eilat của Do Thái vào tháng 10 năm 1967 gần cảng Port Said. Nếu hỏa tiễn Styx có thể đánh chìm một chiến hạm lớn nhất và cũng là soái hạm của HQ Do Thái thì đối với HTH Nhựt Tảo là chiến hạm nhỏ hơn, bị trúng hỏa tiễn Styx chắc không trôi nổi trên mặt biển, mãi mấy tiếng đồng hồ sau mới bị chiến hạm tăng viện của Trung Cộng bắn chìm. Ngoài ra, nếu có hỏa tiễn, theo đúng sách lược “đánh vào chỗ mạnh nhất của Mao Trạch Ðông,” chắc chắn Trung Cộng sẽ nhằm vào chiến hạm VNCH lớn và quan trọng, như “soái hạm” Trần Khánh Dư hoặc các TDH, hơn là HTH Nhựt Tảo nhỏ. Hơn nữa, mỗi Phi Tiễn Ðĩnh Komar được trang bị 2 hỏa tiễn Styx, nếu tham chiến có lẽ sẽ bắn cả 2 hỏa tiễn vào các chiến hạm VNCH, gây thiệt hại nhiều hơn, thay vì chỉ bắn HTH Nhựt Tảo.
Về mặt chiến thuật, hỏa tiễn cũng như pháo binh, chỉ hiệu quả khi mục tiêu được xác định rõ ràng, chính xác. Trong trận hải chiến Hoàng Sa, chiến hạm đôi bên đều trong thế “cận chiến” trộn lẫn vào nhau, việc xử dụng hỏa tiễn có thể gây thiệt hại cho chính lực lượng mình. Vì những lý do trên, cộng thêm lời xác nhận về phía Trung Cộng, chúng tôi nghĩ rằng Trung Cộng đã không có hỏa tiễn hải-hải trong trận hải chiến Hoàng Sa. Rất có thể, bộ binh theo tàu để đổ bộ xử dụng một số hỏa tiễn “cầm tay” mang theo hoặc bất cứ vũ khí nào khác khi khoảng cách đôi bên quá gần.
Thiệt hại
Về phần thiệt hại, tài liệu Trung Cộng cho biết:
Tuy nhiên, chiến thắng nào cũng phải trả giá. Về phía Trung Cộng, tổng cộng có 18 người tử trận trong số này 1 hạm trưởng và 67 người khác bị thương. Chiếc T-389 bị hư hại nặng, nếu không kịp ủi vào bãi san hô chắc chắn sẽ bị chìm. Ba chiến hạm khác đều bị trúng đạn, thiệt hại trung bình. [sic!]
Theo tài liệu của Yên Tử Cư Sĩ Trần Ðại Sĩ (chưa thấy Trung-Cộng phản-đối) cho biết cả 4 Hạm Trưởng các chiến hạm Trung Cộng gồm 3 đại tá và 1 trung tá đều bị tử thương. Ngoài ra, bộ tư lệnh mặt trận gồm 1 đô đốc, 4 đại tá, 6 trung tá, 2 thiếu tá và 7 sĩ quan cấp úy cũng bị tử thương. Chúng tôi rất dè dặt khi loan tin này, vì tác giả Trần Ðại Sĩ không cung cấp rõ ràng xuất sứ của nguồn tin trên. Hơn nữa, các chiến hạm Trung Cộng đều thuộc loại nhỏ, thủy thủ đoàn không quá trăm người, nên hạm trưởng mang cấp bậc đại tá là điều hãn hữu.
Nếu còn một số nghi vấn về thiệt hại nhân mạng, chúng ta có nhiều bằng cớ khá xác đáng về mặt các chiến hạm Trung Cộng. Trận hải chiến kết thúc vào khoảng 11 giờ sáng ngày 19 tháng 1 năm 1974 sau chừng 30 phút giao tranh khi ba chiến hạm VNCH rời vùng, chỉ còn lại 4 chiến hạm Trung Cộng và HTH Nhựt Tảo bị hư hại không tự vận chuyển được, các nhân viên đã xuống bè đào thoát. Nếu chưa bị chìm hoặc lên cạn hết, chắc chắn chiến hạm Trung Cộng sẽ lại gần HTH Nhựt Tảo, bắt sống những người trên bè đào thoát và đánh chìm đối thủ. Nhưng thực tế cho thấy không một chiến hạm Trung Cộng nào ngăn chận được các bè đào thoát và phải chờ hơn 3 tiếng đồng hồ sau, lực lượng tăng viện vừa tới gồm các TDH 281 va 282 mới bắn chìm HTH Nhựt Tảo. Ðiều này cho thấy cả 4 chiến hạm Trung Cộng trực tiếp tham chiến hoặc đã bị chìm, hoặc ủi bãi san hô hay hư hại nặng, không còn vận chuyển được nữa.
Qua lời tường thuật của Trung Cộng về trường hợp các chiến hạm của họ bị trúng đạn hư hại ra sao, gặp những khó khăn nào, cộng với bằng chứng chỉ còn 2 chiến hạm tăng viện hoạt động sau trận hải chiến, chúng ta có thể khá chắc chắn tìm ra sự thật. Ðó là cả 4 chiến hạm Trung Cộng trực tiếp tham chiến đều bị bắn hư hại nặng, nếu không chìm hay lên cạn cũng sẽ bị phế thải.
Kết luận
Trận hải chiến tại Quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19 tháng 1 năm 1974 đã trở thành lịch sử. Việc thành bại, hơn thua không còn được đặt nặng so với nhu cầu tìm hiểu sự thật và vinh danh các chiến sĩ Hải Quân VNCH tham dự trận đánh bảo vệ quê cha đất tổ, đã chết hay còn sống. Dù phải đối đầu với kẻ thù mạnh hơn nhiều lần, nhưng các chiến sĩ Hải Quân VNCH đã tận dụng mọi khả năng, phương tiện hiện có và nhất là tinh thần chiến đấu, truyền thống hào hùng ngang nhiên bắn vào tàu địch, khiến đối phương cũng phải kiêng sợ và thán phục. Các yếu tố “Thời, Thế và Cơ” cần thiết cho chiến thắng đều không nằm trong tay Hải Ðội VNCH. Giả sử chúng ta có đánh chìm hết các chiến hạm Trung Cộng tại Hoàng Sa, thu được thành quả tuyệt đối về mặt chiến thuật, nhưng cũng sẽ phải rời bỏ vùng hải đảo thân yêu này để bảo toàn lực lượng, vì dù có vận dụng hết khả năng cũng khó bề đương cự với Hải Quân Trung Cộng.
Ðể kết thúc, chúng tôi mạn phép tác giả Ngô Minh Hằng, mượn bài thơ rất cảm động để vinh danh các chiến sĩ Hoàng Sa, đồng thời bày tỏ kỳ vọng “Sẽ Có Một Ngày.”
Sẽ Có Một Ngày
Kính dâng hương hồn các chiến sĩ Hải Quân VNCH đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa.
Việt Nam xưa, Ðức Thánh Trần
Bạch Ðằng cưỡi ngọn sóng thần tuốt gươm
Giặc Mông Cổ tìm đường tháo chạy
Tướng như quân hết thảy rụng rời
Tàn binh cọc nhọn thây phơi
Một phen thủy chiến muôn đời sử xanh (1287)
Mộng xâm lấn tranh giành bờ cõi
Vẫn âm mưu dẫn lối quân Tàu
Sáu trăm tám bảy năm sau (1974)
Hoàng Sa máu lại đỏ ngầu biển Ðông
Trận hải chiến hào hùng, khốc liệt
Với kẻ thù truyền kiếp Trung Hoa
Ðây, trang chiến sử Hoàng Sa
Chỉ huy hải đội, họ Hà điều binh2
Bốn chiến hạm hải trình tham chiến3
Những người con của biển kiên cường
Trong vòng lửa đạn đau thương
Lưu danh muôn thuở tấm gương anh hùng
Và chiến đấu vô cùng dũng liệt
Dù địch quân ứng chiến đông hơn
Ðạn bay súng nổ từng cơn
Bốn tàu Trung Cộng chiến trường lâm nguy
Cái bị pháo chìm đi mất dấu
Cái nước theo phía hậu tuôn vào
Ðịch quân hoảng hốt xôn xao
Và quân ta cũng bước vào khó khăn
Gương chiến đấu Bạch Ðằng bỗng hiện
Sáng như sao trên phiến linh hồn
Biển xanh đỏ máu oan hờn
Chiến hạm Nhật Tảo trong cơn nguy nàn4
Ðã anh dũng chận làn sóng địch
Ðể đoàn quân rời đích an toàn
Lòng tàu nước ngập, máu loang
Nhưng lòng thủy thủ hiên ngang trên tàu
Ngay cả lúc chìm sâu đáy biển
Vẫn một niềm tận hiến, hy sinh
Trong lòng biển mẹ mông mênh
Trái tim bất khuất đau tình quê hương!
Sẽ một ngày trùng dương sóng nổi
Về Hoàng Sa rửa mối hận này
Chủ quyền Hoàng đảo trong tay
Xanh reo ngọn sóng, vàng bay sắc cờ
Sẽ một ngày cõi bờ dân Việt
Thoát qua hồi nạn kiếp đau thương
Có anh đứng giữa đại dương
Hát mừng bốn cõi quê hương thanh bình
(Thơ Ngô Minh Hằng)
Austin, Texas tháng 1/2004
Nguồn: Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa, Vũ Hữu San, Trần Đỗ Cẩm, Westminster: Nhóm Thân Hữu Hoàng Sa, 2004.
http://www.
Nam Yết chuyển
No comments:
Post a Comment