Wednesday, October 25, 2017

Tổng thống Pháp được thả xuống tàu ngầm như thế nào?

Ngày 4-7-2017, một sự kiện đặc biệt đã xảy ra tại căn cứ tuyệt mật của Lực lượng chiến lược hải dương Pháp trên đảo Longue cách thủ đô Paris gần 600km.

Tổng thống Macron đu dây xuống tàu ngầm Le Terrible ngày 4-7-2017 - Ảnh: Twitter

Nhiều cường quốc đang phát triển các lực lượng hạt nhân. Một số cường quốc sẵn sàng sử dụng nhằm mục đích thể hiện và dọa nạt. Trong bối cảnh ấy, tôi mong muốn duy trì năng lực răn đe trong thời gian dàiÔng MACRON phát biểu ngày 18-3-2017 lúc còn là ứng cử viên tổng thống

Đồn trú trên đảo gồm 4 tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa thế hệ mới Le Triomphant (năm 1997), Le Téméraire (năm 1999), Le Vigilant (năm 2004) và Le Terrible (năm 2010).
“Đặc nhiệm” Macron
Sau hai giờ thăm hỏi các binh sĩ và nhân viên dân sự trong căn cứ, tham quan nhà xưởng lắp ráp tên lửa và đầu đạn hạt nhân, khoảng 11h trưa cùng ngày, Tổng thống Emmanuel Macron đi máy bay trực thăng ra tàu ngầm Le Terrible đang ở cách bờ biển 300km.
Từ trên trực thăng, ông đã được dòng dây cáp xuống tàu ngầm chẳng khác nào lực lượng đặc nhiệm trong các bộ phim hình sự. Sau đó, tàu ngầm bắt đầu lặn xuống độ sâu 70m. Trong suốt bốn giờ tàu lặn, ông đã cùng ăn trưa với thủy thủ đoàn, quan sát mặt biển bằng kính tiềm vọng, thị sát khoang chứa tên lửa và vị trí chỉ huy tên lửa, đồng thời xem mô phỏng tàu ngầm phóng tên lửa.
Hình ảnh chuyến thăm tàu ngầm Le Terrible đã được Tổng thống Macron đưa lên trang Twitter của ông. Báo chí Pháp tâng bốc chuyến thăm tàu ngầm của ông Macron chẳng khác gì xinê và đến Tổng thống Putin cũng chưa chắc làm được như thế.
Năm năm về trước, cũng đúng ngày 4-7, tổng thống tiền nhiệm François Hollande đã xuống tàu ngầm Le Terrible và cùng theo tàu ngầm lặn dưới nước trong bốn tiếng. Trước đó, vào ngày 7-11-1974, tổng thống Valéry Giscard d’Estaing còn chơi trội hơn. Trong chuyến thăm chính thức quân đội đầu tiên sau khi nhậm chức, ông quyết định lưu lại tàu ngầm 24 tiếng. Đến nay ông cũng là tổng thống Pháp duy nhất ngủ qua đêm trên tàu ngầm.
Hơn hai tuần sau khi thăm tàu ngầm, ngày 20-7-2017, Tổng thống Macron lại đến thăm căn cứ không quân 125 ở Istres, một bộ phận trong lực lượng răn đe hạt nhân của Pháp. Sau chuyến thăm, ông lên máy bay vận tải Boeing C135 để trở về Paris.
Cường quốc hạt nhân thứ ba
Chuyến thăm tàu ngầm của Tổng thống Emmanuel Macron được tổ chức chưa đầy hai tháng sau khi ông nhậm chức. Hành động ấy cho thấy ông muốn chứng tỏ ông rất ưu ái lực lượng răn đe hạt nhân của Pháp. Trên thế giới, Pháp là cường quốc hạt nhân thứ ba sau Mỹ và Nga.
Theo SIPRI (Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm), tính đến đầu năm 2017 Pháp sở hữu 300 đầu đạn hạt nhân, trong đó đã triển khai 280 đầu đạn. Pháp đã bỏ lực lượng hạt nhân trên bộ vào năm 1996, trông cậy hoàn toàn vào hai lực lượng hạt nhân trên biển và trên không, trong đó chủ chốt là lực lượng hạt nhân trên biển.
Trên biển, Pháp có 4 tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa lớp Triomphant. Mỗi tàu trang bị 16 tên lửa đạn đạo chiến lược biển đối đất. Hải quân còn có 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công đóng tại Toulon phụ trách thu thập thông tin tình báo, chống tàu ngầm và tàu nổi, bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa và tàu sân bay Charles de Gaulle. Trong năm nay, hạm đội này được thay bằng tàu ngầm thế hệ mới lớp Suffren trang bị tên lửa đạn đạo hải quân Scalp.
Lực lượng không quân chiến lược của Pháp gồm hai phi đội: phi đội Gascogne với 20 máy bay Rafale F3 và phi đội La Fayette với 20 máy bay Mirage 2000NK3. Từ năm 2009, các máy bay đã được trang bị tên lửa hành trình không đối đất tầm trung cải tiến ASMP-A (tầm bắn 500km). Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân TNA có sức nổ 300 kiloton (tương đương 300.000 tấn chất nổ TNT).
Ngoài ra, Pháp còn nhờ cậy lực lượng hạt nhân không quân - hải quân với tàu sân bay Charles de Gaulle giữ vai trò trung tâm. Tàu có thể chở theo phi đội Rafale F3 và có khoang riêng chứa tên lửa ASMP-A và khoang kín để tránh phóng xạ rò rỉ và chống sức nổ.




Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ASMP-A trên máy bay Rafale của Pháp - Ảnh: Air & Cosmos

Bộ sậu ba nước hạt nhân của NATO
Pháp dự tính tăng ngân sách cho lực lượng hạt nhân từ 3,9 tỉ euro năm 2017 (chiếm 22,5% ngân sách trang bị quốc phòng) lên gấp đôi vào năm 2020 nhằm hiện đại hóa vũ khí.
Đối với tàu ngầm lớp Triomphant, Pháp chú trọng sản xuất tàu cải tiến có thể bắn được tên lửa đạn đạo M51. Tàu ngầm Le Terrible được Tổng thống Macron đến thăm hôm 4-7-2017 đã trang bị thế hệ tên lửa mới này. So với thế hệ tên lửa M45 già cỗi, tên lửa M51 đạt tầm bắn xa tới 10.000km với độ chuẩn xác cao hơn. Ngoài ra Pháp cũng đang thiết kế một thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới kế thừa tàu ngầm lớp Triomphant với dự kiến sẽ đưa vào sử dụng năm 2035.
Đối với tên lửa hành trình ASMP-A, Bộ Quốc phòng Pháp đã nghiên cứu chương trình thay thế bằng một thế hệ tên lửa mới sử dụng công nghệ tàng hình và công nghệ siêu thanh cải tiến.
Trong khối NATO, Mỹ, Pháp và Anh là chỗ dựa về sức mạnh răn đe hạt nhân vì chỉ có ba nước này sở hữu vũ khí hạt nhân. Căn cứ điều 5 hiệp ước NATO năm 1949 (một nước bị tấn công, các nước còn lại sẽ hỗ trợ), NATO đã đưa ra khái niệm “chia sẻ hạt nhân” cho phép nước có vũ khí hạt nhân như Mỹ, Pháp, Anh có quyền triển khai vũ khí hạt nhân đến các nước NATO không có vũ khí hạt nhân.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, quan hệ NATO - Nga ngày càng trở nên căng thẳng. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Warsaw (Ba Lan) hồi tháng 7-2016, NATO quyết định củng cố lực lượng đa quốc gia tại ba nước vùng Baltic và Ba Lan, đồng thời nhấn mạnh duy trì lực lượng bộ binh - không quân hạt nhân chiến thuật. Từ nay, bom hạt nhân của Mỹ có thể được sử dụng nếu Nga tấn công trên diện rộng. Mỹ đã triển khai 183 quả bom B-61 đến 6 căn cứ NATO ở Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Để đối phó lá chắn phòng thủ tên lửa của NATO ở Đông Âu, Nga đã tiến hành chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của mình...

Tàu ngầm lớp Vanguard của Anh - Ảnh: sinodefenceforum.com

Luong Mai chuyen




No comments: