Cách đây ít lâu, bà Phạm Chi Lan đã có một câu nói nổi tiếng day dứt: “Đi định cư ở nước ngoài cả, đất nước này ai xây dựng đây?”. Câu hỏi ấy làm đau tất cả những người yêu đất nước này. Có tất cả, chỉ không có một thứ.
Hôm qua, đọc thông tin GS Trương Nguyện Thành nói lời chia tay với ĐH Hoa Sen. Khi ông nói một cách bình thản “tôi sẽ tạm gác giấc mơ đóng góp cho phát triển giáo dục ĐH ở Việt Nam tại đây”, tôi biết rằng ông đang đau đớn.
GS Thành phải rời Việt Nam chỉ vì không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng. Theo luật Giáo dục ĐH, muốn làm hiệu trưởng phải đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam hoặc chức danh tương đương ở nước ngoài.
GS Thành đã đạt phiếu tín nhiệm cao làm hiệu trưởng, nhưng ông lại không thể nào bước qua quy định. Rất nhiều người sống và làm việc tại nước ngoài như GS Thành sẽ không đủ tiêu chuẩn, đơn giản là vì trước đó họ không màng chức vụ, không muốn bị ràng buộc bởi những vị trí mà ở Việt Nam nhiều người khao khát.
Khi về Việt Nam, họ cần phải có vị trí đủ để thực thi tốt cải cách, cống hiến của mình.GS Thành đã có tất cả những tiêu chuẩn khác mà bất cứ hiệu trưởng trường ĐH nào của Việt Nam cũng phải mơ: TS khoa học ngành Hóa và tính toán do ĐH Minnesota, TS ngành mô phỏng cơ cấu sinh lý, GS môn hóa lượng tử tại ĐH Utah (Mỹ).
Được phong GS cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp GS ở Mỹ) khi mới 40 tuổi; giải thưởng của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ cấp năm 1990; Giải “Một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ” 1993. Ông cũng đã được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM.
Một độc giả comment rất hay: “Ở Mỹ thì thành tích đầy mình. Về Việt Nam không đủ chuẩn. Nên thay đổi những quy định không còn phù hợp…”
Mấy năm trước, dư luận đã rất ồn ào vụ 13 quán quân Đường lên đỉnh Olympia thì 12 không trở về Việt Nam. Đến năm 2017, tỉ lệ này tiếp tục tăng lên khi có 16 quán quân thì chỉ có 1 trở về.
Sự chia tay của GS Trương Nguyện Thành có thể làm cho tỉ lệ nhân tài ở lại xứ người tiếp tục ám ảnh hơn nữa. (đọc tin chính)
Người có trách nhiệm: Ông đang ở đâu?
Khi GS Trương Nguyện Thành xé rách quần để giảng bài cho sinh viên về sáng tạo, ông đã đưa ra một thông điệp quá hay: Sáng tạo là dám dũng cảm phá bỏ cái cũ, đi trên những con đường mới.
Dù việc làm của ông bị một số người ném đá, nhưng ngay cả họ cũng không thể phủ nhận tri thức và thành tựu của GS Thành.
Dù rất sốc, nhưng ông đã vượt qua được sóng gió ấy. Tiếc rằng thông điệp dám phá bỏ cái cũ, cái trì trệ của GS Thành không tới được những người mà chúng ta mong muốn họ dám xả thân vì nền giáo dục.
Tôi rất muốn, sau khi GS Thành nói lời chia tay, có một ai đó, đến gặp và nói với ông rằng họ sẽ xin cấp cao hơn, đặc cách cho ông. Theo luật, 60 tuổi phải về hưu, nhưng vẫn có rất nhiều người được đặc cách ở lại. Không bàn đến đặc cách có mùi, việc đặc cách đúng, chắc chắn sẽ không ai phản đối.
Dù ông có được đặc cách hay không, chắc chắn GS Thành sẽ còn muốn quay trở lại vì thấy chúng ta thực bụng muốn biệt đãi người tài, đốt đuốc tìm người tài, chứ không chỉ là những lời nói mỹ miều ở hội nghị hay trên văn bản.
Tôi rất muốn nghe thấy một ai có trách nhiệm nói rằng: Chúng tôi sẽ nghiên cứu đề nghị sửa đổi luật, để những người tài như GS Thành không bị trói chân bằng những sợi dây thủ công rất cũ kỹ, trong thời đại thế giới không dây phát triển như vũ bão.
Tôi rất muốn có ai đó nói rằng: Thưa GS, trong khi chờ đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật, mong GS nhận lời ở lại làm Chủ tịch Hội đồng khoa học, hội đồng cố vấn của trường, của Trung tâm… Không làm hiệu trưởng, GS vẫn có thể có những đóng góp quý báu. Đất nước này rất cần những người như GS.
Chúng tôi sẽ làm tất cả để những nhân tài như GS không phải rũ áo ra đi.
Điều quan trọng nhất của cuộc cách mạng 4.0 vẫn là con người, chứ không phải bất kỳ một thứ quy định cứng nhắc nào.
Sự việc GS Thành phải ra đi, khiến chúng ta phải hỏi ngược câu hỏi của bà Phạm Chi Lan: “Ai sẽ tạo điều kiện để cho những người tài về Việt Nam xây dựng đất nước?”
Ai dám dấn thân?
Một số người nói, trong chuyện GS Thành ra đi, chẳng ai có lỗi cả. Chúng ta không thể bước qua luật. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Theo lý luận này, chúng ta cũng có thể nói rằng: Tất cả những người đi du học, không muốn trở về Việt Nam, chẳng ai có lỗi. Họ cớ quyền lựa chọn nơi họ sống và làm việc tốt nhất.
Thế nhưng, xét tới cùng, cả đất nước sẽ có lỗi khi tụt hậu. Chúng ta sẽ có lỗi lớn với tương lai con cháu mình. Lỗi đó không một người, một nhóm người, tầng lớp nào có thể gánh nổi.
Nhiều chục năm trước, ông Kim Ngọc làm cách mạng về khoán hộ, ông đã vượt rào. Ông đã dũng cảm chịu thiệt thòi vì biết mình làm đúng, làm vì dân, làm không vụ lợi.
Chúng ta luôn đặt mục tiêu cải cách giáo dục, nhưng bất kỳ cuộc cách mạng nào, nhân tố quyết định là phải có những người dám dấn thân. Khi GS Thành chấp nhận rời bỏ Mỹ để trở lại quê hương, ông đã dấn thân. Những người có trách nhiệm khác thì sao?
Khi những người tài, tâm huyết như GS Thành buộc phải ra đi mà không có ai dám đứng ra để làm một điều gì đó, thì ai còn dám tin cách mạng giáo dục thành công?
Khi ấy, những lời đau đớn của bà Phạm Chi Lan: “Đi định cư ở nước ngoài cả, đất nước này ai xây dựng đây?”, vẫn như những nhát kéo xé rách lương tâm mỗi người Việt.
No comments:
Post a Comment