
Khi lái xe vào Tver, điều đầu tiên tôi chú ý là những người lính.
Họ xuất hiện khắp nơi - trên các biển quảng cáo, mặt tiền các tòa nhà, tại các trạm xe buýt. Những tấm chân dung với dòng chữ "Anh hùng nước Nga". Các tấm áp phích in hình binh sĩ cầm súng Kalashnikov, kêu gọi công chúng "yêu, tự hào và bảo vệ" nước Nga.
Nói cách khác, đó là lời kêu gọi đăng ký nhập ngũ và đi chiến đấu ở Ukraine.
Ba năm sau cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng, Nga vẫn đang tìm kiếm tân binh.
Dù hình ảnh quân sự xuất hiện dày đặc khắp thành phố, nếu sống ở Tver, bạn vẫn có thể thuyết phục bản thân rằng cuộc sống vẫn diễn ra bình thường.
Chiến tuyến nằm cách đây hàng trăm dặm.
"Hãy nhìn xung quanh," Mikhail, một giáo viên địa phương, nói với tôi. "Xe cộ vẫn lưu thông, tất cả các cửa hàng đều mở cửa. Không có quả đạn pháo nào rơi xuống cả. Chúng tôi không hoảng loạn. Chúng tôi không nghe thấy còi báo động vang lên. Chúng tôi cũng chẳng phải chạy đến bất kỳ điểm sơ tán nào."
Đối với nhiều người Nga, cuộc xâm lược Ukraine - thứ mà Điện Kremlin vẫn gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" - chỉ xuất hiện trên màn hình TV của họ.
Nhưng đối với những người như Anna, nó thực tế hơn nhiều.

"Tôi biết nhiều người đã ra chiến trường," Anna nói khi chúng tôi trò chuyện trên phố.
"Một số trong đó không bao giờ trở về. Tôi hy vọng [cuộc chiến] sẽ kết thúc càng sớm càng tốt."
Donald Trump cũng tuyên bố rằng đó là điều ông mong muốn. Nhưng dù chưa mời Ukraine tham gia bàn đàm phán, chính quyền Trump đã trực tiếp đối thoại với giới lãnh đạo Nga.
Người Nga nghĩ gì về tổng thống Mỹ và những động thái của ông đối với Moscow?
"Trump là một nhân vật khó đoán," Anna nhận định. "Tôi chắc không thể trông đợi điều gì từ ông ta."
'Chúng tôi muốn Ukraine đầu hàng hoàn toàn'
Một số người tôi trò chuyện cùng ở Tver lặp lại những luận điệu của chính phủ Nga mà họ đã nghe suốt ba năm qua trên truyền hình nhà nước: rằng đất nước họ không phải kẻ xâm lược, rằng Nga đang bảo vệ người Nga và những người nói tiếng Nga ở Ukraine, rằng họ đang giải phóng chứ không phải chiếm đóng lãnh thổ.
Nhưng điều đó không có nghĩa là toàn bộ xã hội Nga đều tin vào phiên bản của thực tế này.
"Trong một xã hội, con người luôn có xu hướng đi theo số đông," Andrei Kolesnikov, một cây bút của newtimes.ru và Novaya Gazeta, nhận định.
"Nếu xu hướng chung là ủng hộ chiến tranh và truyền hình liên tục nói rằng chúng ta đang chiến đấu với phương Tây, thì dân thường cũng sẽ nghĩ như vậy. Sẽ dễ dàng hơn nếu không đi sâu vào tìm hiểu sự thật về cuộc chiến ở Ukraine. Bạn chỉ muốn sống yên ổn, vậy tại sao không hòa vào số đông?"
"Một số nhà nghiên cứu gọi đây là tư thế bào thai," ông nói tiếp. "Khi con người tự bảo vệ mình khỏi một thế giới khó hiểu, họ trông giống như một đứa trẻ sơ sinh. Họ nói: 'Tôi không thể tự lý giải chuyện gì đang xảy ra. Tôi tin vào các người. Hãy nuôi tôi bằng lời anh nói, tôi sẽ chấp nhận.'"
Larissa và chồng cô, Valery, sẵn sàng chấp nhận luận điệu từ chính phủ.
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt," Larissa nói với tôi. "Chúng tôi sẵn sàng tình nguyện và tự mình đến đó!"
Nhưng rõ ràng là họ vẫn chưa đi.
"Chúng tôi hy vọng [Nga] sẽ giành chiến thắng. Chúng tôi muốn Ukraine hoàn toàn đầu hàng."
Cảnh sát xuất hiện. Họ nhận được một cuộc gọi báo rằng có "những người trông đáng ngờ với một chiếc máy quay" đang đi quanh Tver. Tức là chúng tôi.

Họ lịch sự nhưng muốn biết tại sao chúng tôi có mặt ở đây. Họ lấy lời khai từ tài xế chở chúng tôi. Họ kiểm tra xe. Họ yêu cầu tôi đưa ra lời giải thích chính thức cho chuyến đi này. Tôi nói rằng chúng tôi đang tìm hiểu tâm trạng của người dân bên ngoài Moscow. Chúng tôi xuất trình giấy tờ, tất cả đều hợp lệ.
Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện với cảnh sát, một ê-kíp quay phim từ đài truyền hình quốc gia Nga xuất hiện và bắt đầu ghi hình chúng tôi.
"Chúng tôi chỉ tình cờ đi ngang qua," người phóng viên nói, "và chúng tôi thấy cảnh sát, nhận ra các anh. Anh có thể cho chúng tôi biết chuyện gì đang xảy ra không?"
"Tôi không biết," tôi đáp. "Có lẽ các anh mới là người cho chúng tôi biết chuyện gì đang xảy ra ấy chứ?"
"Các anh đã quay gì vậy?"
"Chúng tôi đang trò chuyện với người dân trên đường," tôi nói. "Tôi nghĩ chúng tôi được phép làm điều đó."
"Vâng, ở nước chúng tôi có tự do ngôn luận," phóng viên đáp. "Có lẽ cảnh sát chỉ muốn giúp các anh thôi? Thật khó chịu khi nghe các kênh truyền thông phương Tây lan truyền tin giả rằng Nga không có tự do ngôn luận. Các anh đang tự do nói chuyện với mọi người, và không ai cản trở cả."
"Ngoại trừ các anh," tôi nói. "Và các cảnh sát đang đứng cạnh xe của chúng tôi."

Sự việc kéo dài khoảng một giờ, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên. Ba năm chiến tranh đã làm gia tăng sự nghi ngờ đối với phương Tây trong lòng nước Nga.
Những dấu hiệu ban đầu về sự tan băng trong quan hệ Mỹ - Nga vẫn chưa thay đổi điều đó.
Từ các cuộc trò chuyện với người dân ở Tver, có thể thấy rõ rằng người Nga hy vọng việc chấm dứt chiến sự sẽ mang lại sự cải thiện về kinh tế.
"Giá cả các mặt hàng thiết yếu với tôi nhất bây giờ quá cao," Yulia nói khi cô đung đưa con trong xe nôi để ru ngủ. "Như giá khoai tây và hành tây. Tôi thực sự cảm nhận được điều đó."
Nhưng giáo viên Mikhail lại không nghĩ rằng ông Donald Trump có bất kỳ chiến lược nào để đảm bảo hòa bình.
"Đáng tiếc là Trump không có kế hoạch nào cả," Mikhail nói. "Ông ấy là một người hành động tùy hứng. Ông ấy không biết mình sẽ làm gì. Tôi có thiện cảm với ông ấy. Tôi vui vì ông ấy thắng cử. Nhưng nói về chuyện này, tất cả chúng ta đều đang mù mịt. Và chính Trump cũng vậy."
No comments:
Post a Comment