![](https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/640/cpsprodpb/6f01/live/07d41d60-e2be-11ef-bd1b-d536627785f2.png.webp)
Năm 2021, ông Isaacman lần đầu bay vào vũ trụ trong một chuyến đi riêng mà ông đã chi trả khoảng chừng 200 triệu USD. Ông từng tuyên bố muốn biến du hành vũ trụ thành một trải nghiệm cho đại chúng, thay vì chỉ cho 600 người đã có cơ hội này tính tới hiện tại - phần lớn là giới nhà giàu và phi hành gia chuyên nghiệp làm việc cho Nasa.
"Chúng tôi muốn biến con số đó thành 600.000," ông nói với các phóng viên.
"Tôi có niềm tin mãnh liệt vào những tham vọng lớn lao biến nhân loại thành một loài đa hành tinh… Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều muốn sống trong thế giới của Star Wars, Star Trek, nơi mọi người có thể nhảy lên tàu vũ trụ để đi", ông cho biết thêm.
Ông Isaacman, người đã kiếm được phần lớn tài sản 1,9 tỷ USD từ một công ty cung cấp dịch vụ thanh toán mà ông lập ra vào năm 1999 khi mới 16 tuổi, được cho là đã chi trả cho phần còn lại của phi hành đoàn bốn người trên tàu SpaceX trong chuyến du hành năm 2021, được thúc đẩy từ tình yêu lâu năm với hoạt động bay lượn và niềm đam mê với không gian.
![](https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/640/cpsprodpb/6765/live/e25a98b0-e2b9-11ef-a819-277e390a7a08.jpg.webp)
HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES,Ông Jared Isaacman đã bay quanh Trái Đất hai lần trong các chuyến bay vũ trụ tư nhân
Kể từ đó, ông đã có thêm nhiều cuộc phiêu lưu: năm ngoái, ông đã thể hiện sự táo bạo như Thuyền trưởng Kirk trong Star Trek khi du hành trong một khoang tàu SpaceX nâng cấp và thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian thương mại đầu tiên.
Trong chuyến đi đó, ông đã mặc bản thử nghiệm của một bộ đồ du hành không gian và thực hiện một giao thức mới tiết kiệm chi phí ra vào tàu vũ trụ mà không cần sử dụng khoang điều áp.
Bức hình chụp bóng của ông Isaacman với nền Trái Đất nằm dưới chân giờ đã mang tính biểu tượng, chứng tỏ đây không phải một tỷ phú nghịch ngợm chi tiền để tái hiện Star Trek mà là một người đang phá vỡ giới hạn khả thi của công nghệ hiện thời.
Tuy nhiên, một thành tựu gần đây thậm chí còn thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Tháng 12/2024, ông Donald Trump đề cử ông Isaacman trở thành lãnh đạo mới của Nasa.
Câu hỏi là đặt ra là vì sao ông Trump lựa chọn như vậy và đã yêu cầu ông Isaacman làm gì, đặc biệt trong bối cảnh tổng thống Mỹ đã bổ nhiệm chủ nhân của SpaceX, ông Elon Musk, vào một vị trí trong chính phủ với nhiệm vụ cắt giảm 2.000 tỷ USD khỏi ngân sách liên bang.
Vị trí lãnh đạo Nasa là do tổng thống bổ nhiệm, nhưng cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
Nếu được thông qua, việc bổ nhiệm ông Isaacman cũng sẽ đặt ra những câu hỏi bao quát hơn về tương lai của nhân loại trong không gian, xét tới việc ông muốn biến du hành vũ trụ thành trải nghiệm phổ thông.
Ngoài ra, điều này còn có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của Nasa, nhất là nếu vai trò của ông Isaacman khiến cơ quan này phụ thuộc vào khu vực tư nhân nhiều hơn hiện nay.
Ngưỡng cửa thời đại không gian mới?
Các lãnh đạo trong quá khứ của Nasa có xuất thân đa dạng: một số, như người tiền nhiệm Bill Nelson từng là phi hành gia; những người khác, như Michael Griffin (giữ chức từ 2005 đến 2009), từng làm việc trong chính phủ, và trước đó, Dan Goldin là một doanh nhân, tới Nasa với mục tiêu cắt giảm chi phí.
Dù xuất thân khác nhau, nhưng tất cả những người đã lãnh đạo Nasa đều gắn bó, và bảo vệ Nasa cùng các giá trị của tổ chức này.
Tuy nhiên, ông Isaacman, cùng với ông Musk và Jeff Bezos của Amazon, là một phần của làn sóng mới những tỷ phú thách thức trật tự hiện tại trong lĩnh vực không gian.
Họ đã thúc đẩy tốc độ đổi mới sáng tạo và đang nhắm tới việc cắt giảm đáng kể chi phí du hành không gian cho con người.
Vào ngày nhận được đề cử hồi tháng 12/2024, tuyên bố của ông Isaacman trên X phần nào cho thấy tầm nhìn của ông.
"Thời đại không gian thứ hai vừa mới bắt đầu," ông viết.
"Chắc chắn sẽ có một nền kinh tế không gian phát triển mạnh mẽ - nền kinh tế sẽ đem lại cơ hội được sống và làm việc trong không gian cho vô số người… Tại Nasa, chúng tôi sẽ… khai mở một thời đại mà nhân loại trở thành một nền văn minh du hành không gian đích thực."
Rất nhiều tổng thống Mỹ đã nói tới việc đưa phi hành gia lên Mặt Trăng sau những chuyến đổ bộ của Apollo vào thập niên 1960 và 1970, nhưng ông Trump là người đầu tiên biến lời nói thành hành động khi ông, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, đã phê duyệt chương trình Artemis của Nasa đưa con người quay lại Mặt Trăng.
Hồ sơ của ông cho thấy ông là một người ủng hộ lớn của Nasa.
![](https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/640/cpsprodpb/0f90/live/bae59fe0-e2ba-11ef-a319-fb4e7360c4ec.jpg.webp)
HÌNH ẢNH,GETTY IMAGESChụp lại hình ảnh,Kể từ những chuyến đổ bộ lên Mặt Trăng của Apollo vào những năm 1960 và 1970, nhiều tổng thống Mỹ đã nói về việc đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng
Nhưng kể từ đó, có hai yếu tố có thể đã khiến ông Trump thay đổi quan điểm: Space Launch System (SLS), hệ thống tên lửa đẩy của Nasa, đã bị chậm tiến độ và đội chi phí; đồng thời, SpaceX của ông Musk và Blue Origin của ông Bezos đang phát triển các tên lửa có thể tái sử dụng với chi phí thấp để phóng tàu lên Mặt Trăng.
Đây là một bối cảnh đáng lo đối với Nasa, theo ông Courtney Stadd từ tổ chức nghiên cứu Beyond Earth Institute có trụ sở tại New York.
"Bạn phải đối mặt với một chính phủ muốn cắt giảm chi tiêu," ông nói tại một buổi hội thảo trực tuyến do Space News tổ chức.
"Nếu bạn là nhà điều hành mới, bạn sẽ bước vào bối cảnh đó, nên bạn sẽ phải xem xét mọi khía cạnh đang hút cạn ngân sách của mình..."
"Hai năm tới sẽ dữ dội như một cơn sóng thần và không có gì là ngoại lệ."
Tương lai tên lửa Mặt Trăng của Nasa
Một trong những dấu hỏi lớn nhất là làm gì với chương trình Tên lửa Mặt trăng SLS của Nasa.
Vào năm 2021, Văn phòng Tổng Thanh tra của Nasa (OIG) – đơn vị thay mặt Quốc hội giám sát Nasa – báo cáo chi phí mỗi lần phóng là 4,1 tỷ USD.
Trong khi đó, hệ thống tên lửa đẩy tương tự của SpaceX là Starship ước tính chỉ tốn khoảng 100 triệu USD mỗi lần phóng. Ông Musk cũng từng nói mục tiêu khi phát triển hệ thống là giảm chi phí phóng xuống còn 10 triệu USD.
New Glenn, tên lửa Mặt Trăng mới của tỷ phú Bezos, đã có lần phóng thử đầu tiên vào đầu tháng Một.
Blue Origin chưa công bố chi phí của mỗi lần phóng, nhưng ước tính đang là khoảng 68 triệu USD.
Cuộc cạnh tranh giữa hai tỷ phú này hứa hẹn sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhanh hơn và giảm chi phí sâu hơn nữa.
![](https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/640/cpsprodpb/f37f/live/46216f20-e2bc-11ef-bd1b-d536627785f2.png.webp)
HÌNH ẢNH,NASAChụp lại hình ảnh,Blue Origin chưa công bố chi phí của mỗi lần phóng, nhưng ước tính đang là khoảng 68 triệu USD
Starship và New Glenn được cho là sẽ có chi phí thấp hơn vì được thiết kế để tái sử dụng, khác với SLS.
Nhưng "đó chỉ là một phần nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch chi phí", theo Tiến sĩ Adam Baker, một chuyên gia về ngành công nghiệp không gian từ Đại học Cranfield.
"SpaceX được cấp một ngân sách nhất định và ký hợp đồng hoàn thành đúng hạn và không đội vốn," ông tiếp tục.
"Họ hoạt động để thu lợi nhuận và luôn tìm cách giảm thiểu chi phí."
"Trong khi đó, chương trình của Nasa không phải do lợi nhuận thúc đẩy mà được định hướng dựa trên các mục tiêu của dự án, do đó những người phụ trách không thấy việc theo dõi chi phí một cách nghiêm ngặt như vậy là cần thiết."
"Đã có sự đồng thuận chung rằng SLS không có tương lai."
Những câu hỏi xoay quanh chi phí leo thang
Trong bản đánh giá gửi Quốc hội, OIG chỉ có thể đưa ra một bản ước tính sơ bộ về tổng chi phí của chương trình Artemis, vì họ nói rằng: "Nasa thiếu một bản ước tính chi phí đầy đủ và toàn diện bao quát tất cả chi phí của chương trình."
"Thay vào đó, cơ quan này đưa ra một con số ước tính sơ lược đã loại trừ 25 tỷ USD ngân sách dành cho những hoạt động chính."
Cách Nasa quản lý dự án SLS không phải trường hợp cá biệt – một số người còn cho rằng đó là điều thường thấy.
Ví dụ, ngân sách cho kính viễn vọng James Webb ban đầu được phê duyệt là 1 tỷ USD và dự kiến phóng vào năm 2010.
Thế nhưng, chi phí cuối cùng cao gấp 10 lần con số này, và mãi đến năm 2021 mới được phóng, khiến thiết bị này có biệt danh là "chiếc kính viễn vọng nuốt chửng ngành thiên văn học."
Nhiều chương trình khoa học quan trọng khác đã phải giảm quy mô, bị dời tiến độ hoặc thậm chí bị hủy bỏ hoàn toàn để bù đắp cho khoản đội vốn nói trên.
![](https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/640/cpsprodpb/57a7/live/605a3120-e2bb-11ef-a819-277e390a7a08.jpg.webp)
HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES,Phi hành gia của NASA thực hiện bảo trì trên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2007
Kịch bản chậm tiến độ và đội vốn tương tự cũng đã xảy ra trong quá trình phát triển tàu con thoi (Space Shuttle) vào thập niên 70 và khi xây dựng Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) vào những năm 2000.
Nasa không gặp rắc rối vì những điều trên do cơ quan này đã đem lại cho Mỹ những khoảnh khắc có lẽ là vĩ đại nhất khi đưa các phi hành gia đầu tiên lên Mặt Trăng.
Chương trình Apollo đặt nền móng cho các doanh nghiệp công nghệ của Mỹ và mở ra một kỷ nguyên mới đầy sôi động cho quốc gia này.
Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ đó, và Nasa đơn giản là không theo kịp, theo đánh giá của Giáo sư danh dự John Logsdon, cựu giám đốc Viện Chính sách Không gian tại Đại học George Washington.
"Việc Mỹ thay đổi cách thức triển khai chương trình không gian dân sự đáng lẽ đã phải làm từ lâu rồi."
Góc nhìn mới về 'cách làm việc cũ'
Phương thức hiện tại là giao các hợp đồng dạng "chi phí cộng thêm" cho các công ty hàng không vũ trụ lớn và lâu đời, như Lockheed Martin và Boeing. Dạng hợp đồng này cam kết chi trả chi phí phát triển và một khoản lợi nhuận thỏa thuận trước.
Phương thức này mang tới sự đảm bảo tài chính cần thiết cho các doanh nghiệp tham gia các dự án đầy tham vọng như phát triển tàu con thoi, SLS và các bộ phận của tên lửa Saturn V đã mang phi hành gia Apollo lên Mặt Trăng, nhưng những hợp đồng này không tạo ra động lực cắt giảm chi phí hoặc nâng cao hiệu suất.
Chẳng hạn, không có hình phạt nào cho việc chậm tiến độ hay đội ngân sách.
Tiến sĩ Simeon Barber tại Đại học Open (Anh), người từng làm việc với Nasa trong các nhiệm vụ robot không gian, từng hoài nghi vào khả năng của các công ty thương mại mới.
Tuy nhiên, hiện ông đã hoàn toàn tin tưởng vào cách làm mới này.
"Chúng ta đã quen với việc các dự án lớn bị trễ tiến độ và đội vốn. Nhưng những công ty mới này đã giúp phơi bày [những bất cập của] cách làm cũ."
![](https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/640/cpsprodpb/f1a8/live/70ee5010-e2bc-11ef-a819-277e390a7a08.jpg.webp)
HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES,Tên lửa không người lái Artemis phóng lên mặt trăng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Cape Canaveral, Florida
Những động thái thay đổi mối quan hệ giữa chính phủ với các công ty không gian lâu đời, mà một số người cho rằng là thân mật quá mức, dần tăng tốc từ năm 2009 khi Tổng thống Barack Obama đưa ra các hợp đồng đơn giá cố định đối với một số công ty tư nhân.
Những công ty này được phép tự do đổi mới để cắt giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận, miễn sao hoàn thành đúng tiến độ và đúng ngân sách.
Trong số những công ty này có SpaceX - công ty khởi nghiệp đầy năng động đã được nhận hợp đồng phát triển các tên lửa Falcon tái sử dụng và tàu vũ trụ chở hàng Dragon để mang hàng tiếp tế và phi hành đoàn tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Công ty không gian lâu đời Boeing cũng nhận được một hợp đồng tương tự vào năm 2014 để phát triển tàu vũ trụ Starliner với mục đích tương tự.
![](https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/640/cpsprodpb/cfbe/live/27121ed0-e2bd-11ef-bd1b-d536627785f2.png.webp)
HÌNH ẢNH,NASA,Hai phi hành gia Bary Wilmore (trái) và Suni Williams
SpaceX, với quy trình phát triển mạo hiểm nhưng nhanh hơn, đã bắt đầu cung cấp dịch vụ cho ISS sau khoảng bốn năm nhận hợp đồng.
Ngược lại, Starliner của Boeing, sau hàng loạt trì hoãn vì các vấn đề kỹ thuật và chi phí vượt quá dự toán, mất tới 10 năm – và rồi một số động cơ có vấn đề đã khiến hai phi hành gia Butch Wilmore và Suni Williams mắc kẹt trên ISS.
Sự bẽ mặt lớn nhất cho Boeing là tàu Dragon của đối thủ SpaceX sẽ đưa hai người này trở lại Trái Đất.
"Starliner là nỗi hổ thẹn của cách làm truyền thống," giáo sư Logsdon đánh giá. "Vậy nên việc xốc lại hệ thống là rất đáng hoan nghênh."
Thay đổi lớn trước mắt?
Giáo sư Logsdon dự đoán ông Trump, ông Musk và ông Isaacman sẽ mang tới những thay đổi lớn: hủy bỏ các chương trình, đóng cửa các trung tâm của Nasa và tăng cường ký kết hợp đồng với SpaceX, Blue Origin và các công ty tư nhân khác.
Ông Isaacman từng nói SLS là "quá đắt đỏ" và cho rằng các nhà thầu hàng không vũ trụ lớn "có động cơ để làm việc một cách thiếu hiệu quả về mặt kinh tế".
Nhưng những thay đổi như vậy sẽ không tới một cách dễ dàng. Ngân sách của Nasa do Quốc hội Mỹ kiểm soát.
Mặc dù đảng của Tổng thống Trump kiểm soát cả hai viện lập pháp, nhưng các thượng nghị sĩ và dân biểu trong các ủy ban giám sát Nasa lại đến từ các bang có công ăn việc làm và ngành công nghiệp phụ thuộc vào ngân sách thường niên 25 tỷ USD của Nasa.
"Kỷ cương đảng không quan trọng bằng lợi ích kinh tế của khu vực bầu cử," theo Giáo sư Logsdon, nhà quan sát kỳ cựu những cuộc mặc cả chính trị tại Quốc hội về các vấn đề không gian.
Dù rất tốn kém, các dự án của Nasa đã cho con người thấy được những kỳ quan vũ trụ và thay đổi nhận thức của nhân loại về chính mình và vị trí của chúng ta trong vũ trụ.
![](https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/640/cpsprodpb/d2c0/live/81f86250-e2bd-11ef-bd1b-d536627785f2.jpg.webp)
HÌNH ẢNH,NASA,Kính thiên văn Hubble của NASA được phóng lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp vào năm 1990
Sự ra đời của tàu con thoi tái sử dụng đầu tiên, việc xây dựng trạm vũ trụ bay quanh Trái Đất, những hình ảnh về các thế giới xa xôi do các tàu vũ trụ của Nasa chụp lại hay những bức ảnh tuyệt vời từ Kính thiên văn Hubble đều đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ và thúc đẩy sự quan tâm dành cho khoa học.
Do đó, các thượng nghị sĩ và dân biểu biết rằng Mỹ và thế giới nợ Nasa một món nợ không thể trả.
"Cách làm cũ đã mang lại cho chúng ta nhiều thành tựu, vì vậy bạn không muốn vứt bỏ một thứ chỉ vì có vài yếu tố không tốt. Sẽ có những thay đổi lớn, nhưng không phải là những thay đổi triệt để mà ông Musk và ông Isaacman mong muốn," Giáo sư Logsdon nhận định.
"Lợi ích của Nasa, Quốc hội và Nhà Trắng được phân định bằng những ranh giới mong manh."
Ranh giới này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những tháng tới: một số người dự đoán rằng chương trình trở lại Mặt Trăng có thể sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn để chuyển hướng sang sao Hỏa, như điều Tổng thống Trump từng ám chỉ trong lễ nhậm chức của mình, với người ủng hộ lớn nhất của chính sách này – Musk – ngồi gần.
Một số người lo ngại sẽ có sự cắt giảm đối với các chương trình Quan sát Trái Đất của Nasa vốn theo dõi và mô hình hóa những thay đổi môi trường từ không gian, bao gồm việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.
Cũng có những lo ngại về việc cắt giảm những nhiệm vụ khoa học đưa robot tới các hành tinh khác để tăng cường phát triển chương trình du hành vũ trụ có người lái.
Chỗ đứng nào cho SpaceX?
Hiện có những lo ngại về mối quan hệ thân thiết giữa ông Isaacman và ông Musk.
Ông Isaacman đã trả tiền cho SpaceX để hai lần đưa mình vào không gian. Công ty này đã nhận được 20 tỷ USD tiền hợp đồng từ chính phủ kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, nếu SLS bị hủy bỏ và SpaceX nhận được phần lớn công việc từ chương trình Artemis, công ty của ông Musk có thể nhận được hợp đồng có giá trị gấp mười, hoặc thậm chí hàng trăm lần, và gây tổn thất cho các đối thủ tư nhân khác.
Và hiện có rất nhiều công ty khởi nghiệp sáng tạo của Mỹ đang hy vọng có thể sản xuất các bộ phận cho tàu vũ trụ và hạ tầng kỹ thuật cho chương trình trở lại Mặt Trăng của Nasa, bao gồm Firefly, một công ty có trụ sở tại Texas. Công ty này có một tàu vũ trụ đang trên đường tới Mặt Trăng, dự kiến hạ cánh vào tháng Ba tới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích ngành cho rằng chính phủ Mỹ có một truyền thống lâu dài trong việc phá vỡ thế độc quyền để ngăn chặn sự kìm hãm đổi mới.
Và dù ông Isaacman đã từng làm việc với ông Musk, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, theo Giáo sư Logsdon.
"Isaacman là một người độc lập," ông nói. "Ông ấy không phải là môn đồ của ông Elon Musk."
Nhưng rốt cuộc thì có một điều đã trở nên rõ ràng một cách nhức nhối, ngay cả đối với những người ủng hộ nhiệt tình nhất của Nasa, rằng cơ quan này cần được giải thoát khỏi chính nó.
Và nhu cầu cải cách Nasa không phải là một vấn đề mang tính đảng phái – các tổng thống Dân chủ và Cộng hòa đều đã khởi động quá trình này.
Tuy nhiên, sự trùng khớp về thời gian giữa thành công của SpaceX, Blue Origin và các công ty tư nhân khác trong ngành không gian với một chính quyền mới muốn cắt giảm chi phí và kích thích khu vực tư nhân mang tới cho ông Isaacman một cơ hội độc đáo để thực hiện những cải tổ lớn nhất từ khi Nasa được thành lập.
"Nasa thực sự là một viên ngọc quý, và chúng ta đang không làm điều mình nên làm vì lợi ích của người dân Mỹ," bà Lori Garver, cựu phó giám đốc Nasa, nói trong cuộc hội thảo trực tuyến của Space News.
"Điều đó thật sự khiến tất cả chúng ta thất vọng."
Khi được hỏi liệu một tỷ phú từ khu vực tư nhân có phải người thích hợp để giao phó một trong những báu vật quốc gia vĩ đại nhất của Mỹ hay không, bà Garver đáp: "Jared là một người yêu nước và ông ấy đang làm điều này vì lợi ích công."
"Nguyên nhân Jared đồng ý [nhận đề cử] liên quan tới việc ông ấy sẵn sàng đối mặt với khó khăn – và có rất nhiều khó khăn."
No comments:
Post a Comment