Saturday, February 15, 2025

Châu Âu sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về Ukraine- Tác giả,David Mercer


HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES,Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng Một

Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nhóm họp vào tuần tới trong một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về cuộc chiến ở Ukraine, một phản ứng trước lo ngại rằng Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Nga mà không có sự tham gia của cựu lục địa.


Thủ tướng Anh Sir Keir Starmer, người dự kiến sẽ tham dự hội nghị tại Paris, cho biết đây là "thời khắc có một không hai đối với an ninh quốc gia" và rõ ràng châu Âu cần đóng vai trò lớn hơn trong NATO.


Động thái này diễn ra sau khi đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ được tham vấn nhưng không tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga nhằm chấm dứt chiến tranh.
Các quan chức Mỹ cho biết những nhân vật cấp cao trong Nhà Trắng cũng sẽ gặp gỡ các nhà đàm phán Nga và Ukraine tại Ả Rập Xê Út trong vài ngày tới.



Trong những phát biểu có thể làm dấy lên lo ngại ở Ukraine và các đồng minh châu Âu, đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg cho rằng các cuộc đàm phán trước đây đã thất bại vì có quá nhiều bên tham gia.


"Nó có thể giống như tiếng phấn cọ trên bảng đen, có thể gây khó chịu một chút, nhưng tôi đang nói với quý vị điều khá trung thực," ông phát biểu hôm thứ Bảy (15/2).


Châu Âu vẫn còn bị ám ảnh bởi thỏa thuận Minsk – một thỏa thuận ngừng bắn thất bại giữa Ukraine và Nga vào năm 2015. Cuộc đàm phán lúc bấy giờ do Pháp và Đức làm trung gian nhằm chấm dứt giao tranh ở vùng Donbas, miền đông Ukraine.


Thủ tướng Keir được cho là muốn đóng vai trò cầu nối giữa Mỹ và châu Âu để đảm bảo một cách tiếp cận thống nhất cho hòa bình ở Ukraine.


Thủ tướng Anh sẽ thảo luận quan điểm của các nhà lãnh đạo châu Âu khi ông gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng vào cuối tháng này. Một cuộc họp khác giữa các nhà lãnh đạo châu Âu cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ diễn ra sau khi ông Keir trở về từ Washington.


Thủ tướng Keir nhấn mạnh rằng Anh sẽ "nỗ lực để đảm bảo Mỹ và châu Âu duy trì sự đoàn kết", đồng thời cảnh báo hai bên "không thể để bất kỳ chia rẽ nào trong liên minh làm xao nhãng sự cảnh giác đối với kẻ thù bên ngoài".


"Đây là thời khắc có một không hai đối với an ninh quốc gia của chúng ta, khi chúng ta phải đối mặt với thực tế của thế giới ngày nay và mối đe dọa từ Nga," ông nói.


"Rõ ràng châu Âu phải đóng vai trò lớn hơn trong NATO khi chúng ta hợp tác với Mỹ để đảm bảo tương lai của Ukraine và đối phó với mối đe dọa từ Nga."


Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Âu, dù ông Macron vẫn chưa chính thức công bố sự kiện này.


Ông Sikorski nói: "Tổng thống Trump có một phương pháp hành động mà người Nga gọi là trinh sát qua trận chiến. Ông ấy thử đẩy giới hạn, quan sát phản ứng rồi điều chỉnh lập trường – chiến thuật hợp lý. Và chúng ta cần có phản ứng phù hợp."


Trước đó trong ngày thứ Bảy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi thành lập một " quân đội châu Âu" trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về việc Mỹ có thể không còn hỗ trợ lục địa này.


Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, ông nói rằng bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại sự kiện này đã cho thấy rõ rằng mối quan hệ cũ giữa châu Âu và Mỹ đang "kết thúc" và châu Âu "cần phải thích ứng với điều đó".


Tuy nhiên, ông Zelensky cũng khẳng định Ukraine "sẽ không bao giờ chấp nhận những thỏa thuận được quyết định sau lưng chúng tôi mà không có sự tham gia của chúng tôi", sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý khởi động đàm phán hòa bình.


Trong tuần này, ông Trump tuyên bố đã có cuộc điện đàm kéo dài với ông Putin và rằng các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt "cuộc chiến lố bịch" ở Ukraine sẽ bắt đầu "ngay lập tức".


Sau đó, ông Trump đã "thông báo" với ông Zelensky về kế hoạch của mình.


Cựu Tổng thống Mỹ tỏ ra tự tin rằng phong cách lãnh đạo của ông có thể mở đường cho một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine.


Việc Trump nối lại quan hệ với Putin đã chấm dứt hơn ba năm im lặng giữa Moscow và Washington.


Thông báo gây sốc ấy cũng gợi lên ký ức về cuộc gặp của ông Trump với ông Putin ở Helsinki vào năm 2018.


Lúc bấy giờ, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm kín kéo dài gần hai giờ tại thủ đô Phần Lan, sau đó tổ chức họp báo chung, trong đó ông Trump lên tiếng bảo vệ Nga trước cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.


Những phát biểu của ông Trump khi đó đi ngược lại kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ, vốn cho rằng Nga đã tiến hành một chiến dịch có sự hậu thuẫn của nhà nước, bao gồm các cuộc tấn công mạng và phát tán tin giả trên mạng xã hội nhằm làm suy yếu chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton.

NGUỒN HÌNH ẢNH,CHRISTOPHE PETIT TESSON/EPA-EFE/REX/SHUTTERSTOCKChụp lại hình ảnh,Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Emmanuel Macron tại Paris năm 2023


Hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga, tiếp nối cuộc gọi ngày 12/2 giữa Trump và Putin.


Dân biểu Mỹ Michael McCaul chia sẻ với Reuters rằng các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình với các nhà đàm phán Nga và Ukraine tại Ả Rập Xê Út trong những ngày tới.


Ông McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho biết ông hiểu rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được mời tham gia các cuộc thảo luận tại Ả Rập Xê Út nhằm dàn xếp một cuộc gặp giữa ông Trump, ông Putin và ông Zelensky "để cuối cùng mang lại hòa bình và chấm dứt xung đột".


Một ngày trước đó, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã có bài phát biểu công kích các nền dân chủ châu Âu, cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với lục địa này không đến từ Nga hay Trung Quốc, mà là "từ bên trong".


Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, ông Vance nhắc lại lập trường của chính quyền Trump rằng châu Âu cần "đóng vai trò lớn hơn trong việc tự bảo vệ mình".


Ngoại trưởng Anh David Lammy cũng cho rằng Anh và các nước EU cần tăng chi tiêu quốc phòng, bởi ngay cả khi Ukraine đạt được một thỏa thuận hòa bình, châu Âu vẫn phải đối mặt với một "câu hỏi mang tính sinh tồn".


Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm thứ Bảy, ông Lammy nhấn mạnh rằng "Putin sẽ không biến mất" và mặc dù hiện đã có 23 quốc gia NATO chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, "tất cả chúng ta đều biết con số đó cần phải tăng lên".
Malu Cursino tường thuật bổ sung.

No comments: