Wednesday, February 12, 2025

Vì sao ngày càng nhiều nam thanh niên theo phe cực hữu ở Đức?Tác giả,Jessica Parker, Kristina Volk



HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES,Một người ủng hộ đảng cực hữu AfD vẫy cờ Đức chế giễu những người biểu tình cánh tả
"Điều mà bố mẹ tôi dạy tôi đó là họ từng sống trong hòa bình và yên ắng mà không lo sợ gì ở đất nước mình. Tôi muốn sống ở một đất nước mà tôi không phải thấy sợ hãi," Nick, 19 tuổi, nói.Tôi gặp Nick trong một quán bar nhỏ ở thị trấn khai thác mỏ cũ Freiberg, bang Saxony - nơi cậu đang chơi phóng phi tiêu.


Đó là một đêm tháng Hai lạnh lẽo, đầy sương mù và chỉ hơn hai tuần nữa là đến cuộc tổng tuyển cử Đức.

Nick và người bạn Dominic, 30 tuổi, là những người ủng hộ hoặc đồng chí hướng với đảng Alternative für Deutschland (AfD) - một đảng liên tục đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò ý kiến ở Đức trong hơn một năm rưỡi trong bối cảnh phe cực hữu ở đây và những nơi khác ở châu Âu thu hút ngày càng nhiều người trẻ, đặc biệt là nam giới, vào quỹ đạo của mình.

Một lý do cụ thể khiến Nick - và nhiều thanh niên Đức khác - nói rằng họ sợ hãi là số lượng các vụ tấn công ở Đức liên quan đến các nghi phạm là người xin tị nạn - gần đây nhất là vụ đâm chết một đứa trẻ và một người đàn ông trong một công viên ở thành phố Aschaffenburg, bang Bavaria. Nhập cư hiện là mối quan tâm chính của Nick và Dominic dù họ không hoàn toàn phản đối.


"Những người đã hòa nhập, học tập và làm việc ở đây thì tôi không có vấn đề gì với họ," Dominic khẳng định, dù anh chỉ trích bất kỳ ai mà anh coi là lợi dụng hệ thống tị nạn.


"Nhưng ngày nay những tuyên bố như vậy bị coi là thù địch," Dominic nói. "Bạn bị gọi là Đức Quốc xã vì quá khứ của nước Đức."
Dù không phản đối tất cả các hoạt động nhập cư, Nick và Dominic coi đó là mối bận tâm chính của mình, nhất là sau một loạt các cuộc tấn công ở Đức được cho là liên quan đến những người xin tị nạn

AfD - vốn từ lâu đã bị cáo buộc có quan điểm chống người di cư - đang ăn mừng sự ủng hộ của tỷ phú công nghệ Elon Musk - người sở hữu trang mạng xã hội X. Ông đã tổ chức một cuộc thảo luận trực tiếp với lãnh đạo đảng Alice Weidel trên nền tảng này cũng như tham gia vào một cuộc mít tinh của đảng.


Bây giờ, khi nước Đức đang chờ xem phe cực hữu sẽ thể hiện như thế nào trong cuộc bầu cử sắp tới, câu hỏi là tại sao đặc biệt nhiều thanh niên lại bị phe cực hữu cuốn hút và hậu quả có thể là gì đối với một đất nước ý thức sâu sắc về quá khứ Đức Quốc xã của mình.

Nam thanh niên chuyển sang cánh hữu


Nghiên cứu của tổ chức Pew năm 2024 cho thấy 26% nam giới Đức có quan điểm tích cực về AfD so với 11% phụ nữ và tỉ lệ nam giới có quan điểm này đã tăng 10 điểm kể từ năm 2022.


Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024, theo các cuộc thăm dò ý kiến ​​cử tri Đức, số người dưới 24 tuổi, cả nam và nữ, bỏ phiếu cho AfD ở Đức đã tăng lên 16%, tăng 11 điểm so với năm 2019.


Điều này xảy ra vào thời điểm lo lắng chung đang gia tăng trong giới trẻ, theo một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Thế hệ Đức.


Trong một mẫu khảo sát 1.000 người Đức trong độ tuổi từ 16 đến 25, mức độ lo lắng cao nhất được ghi nhận ở những người tự nhận mình là cực hữu, trong khi mức độ thấp nhất nằm ở những người tự nhận mình thuộc nhóm trung dung chính trị.


Phụ nữ có nhiều khả năng lo lắng cho quyền của họ và của các nhóm thiểu số hơn, trong khi nam giới lo lắng hơn về các giá trị bảo thủ mà ít liên quan đến quyền.

HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES,Những người ủng hộ AfD thường từ chối nhãn mác "cực hữu", kể cả lãnh đạo đảng Alice Weidel - người mô tả đảng này là một phong trào bảo thủ, tự do


Tiến sĩ Rüdiger Maas, từ Viện Nghiên cứu Thế hệ, nói rằng các đảng phái cánh tả thường tập trung vào các chủ đề như nữ quyền, bình đẳng và quyền của phụ nữ.


"Nhìn chung, đàn ông không thấy liên quan tới những chủ đề này," ông nói với chúng tôi. "Đó là lý do tại sao họ có xu hướng bỏ phiếu cho phe cánh hữu hơn."


Các đảng phái cực hữu, theo chủ nghĩa dân túy cứng rắn cũng đang phát triển mạnh mẽ ở các nước như Pháp, Áo, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha và Ý.


"Sáu mươi phần trăm nam thanh niên dưới 30 tuổi sẽ cân nhắc bỏ phiếu cho phe cực hữu ở các nước EU và tỉ lệ này cao hơn nhiều so với tỉ lệ ở phụ nữ," Giáo sư Abou-Chadi nhận định dựa trên một phần dữ liệu từ Nghiên cứu Bầu cử châu Âu năm 2024.

Những người truyền bá thông điệp



Bên cạnh các vấn đề về giới tính, di cư và kinh tế, mạng xã hội cũng đóng một vai trò. Các nền tảng như TikTok cho phép các nhóm chính trị bỏ qua các phương tiện truyền thông chính thống, truyền thống - các phương tiện mà phe cực hữu coi là thù địch.


Ông Mauritius Dorn từ Viện Đối thoại Chiến lược (ISD) nhận định rõ ràng rằng AfD "thống trị" TikTok so với các đảng phái Đức khác. Họ có 539.000 người theo dõi trên tài khoản nghị viện của mình, so với 158.000 của Đảng SPD - đảng hiện đang nắm giữ nhiều ghế nhất trong Quốc hội Đức.


Và không chỉ có các tài khoản chính thức mà "một lượng lớn các tài khoản người hâm mộ không chính thức cũng giúp truyền bá nội dung của đảng", theo ông Dorn.


Bằng cách thiết lập 10 tài khoản "dựa trên hình mẫu" với các hồ sơ người dùng khác nhau, họ phát hiện ra rằng "những người dùng có khuynh hướng thiên hữu hơn… sẽ thấy nhiều nội dung về AfD trong khi những người dùng có khuynh hướng thiên tả sẽ thấy nhiều nội dung chính trị đa dạng hơn".


TikTok tuyên bố họ không "phân biệt" giữa cánh hữu, cánh tả hay trung dung và đang nỗ lực đi đầu trong việc xử lý thông tin sai lệch.


Ông Dorn đánh giá rằng các bên khác đã quá muộn khi nhận ra lợi ích từ các nền tảng như TikTok. Họ đang phải cố gắng đuổi kịp để xây dựng sự hiện diện mạnh mẽ trên nền tảng này.


Chúng tôi đã gặp một người có ảnh hưởng của AfD, Celina Brychcy - một TikTokker 25 tuổi có hơn 167.000 người theo dõi - 53% trong số họ là nam giới, với 76% trong độ tuổi từ 18 đến 35.


Cô ấy chủ yếu chia sẻ các video về nhảy múa, xu hướng và lối sống nhưng cũng bao gồm nội dung ủng hộ AfD.
Celina Brychcy nói mình đã phải đối mặt với những lời lăng mạ, đe dọa và mất đi bạn bè vì những quan điểm mà cô bày tỏ


Celina Brychcy cho biết mình không kiếm tiền từ việc quảng bá cho AfD nhưng cô làm vậy vì tin vào mục đích của đảng và muốn "truyền tải thông điệp".


Lý tưởng chính trị của cô bao gồm việc muốn khôi phục nghĩa vụ quân sự, hỗ trợ nhiều hơn cho các bà mẹ muốn hoặc cần ở nhà và kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn.


Khi tôi hỏi cô ấy về việc liệu quan điểm của cô ấy có phải là sự phản đối chủ nghĩa đa văn hóa hay không, cô ấy trả lời rằng không, nhưng tin rằng mọi người nên "hòa nhập".


"Có một số người không phù hợp với chúng tôi, với người Đức," cô ấy nói thêm nhưng liên tục khẳng định rằng mình không phân biệt chủng tộc và không "có ác cảm gì với người nước ngoài.

Chống 'đảo ngược vai trò'


Celina Brychcy cũng phản đối sự "đảo ngược vai trò" khi nói đến cách ăn mặc của nam giới và phụ nữ.


Một phản ứng chống lại "hệ tư tưởng giới" là một vấn đề khác mà Tarik Abou-Chadi, giáo sư Chính trị Châu Âu tại Đại học Oxford, xác định là đang thúc đẩy sự ủng hộ dành cho phe cực hữu trong giới trẻ - điều mà Viện Nghiên cứu Thế hệ đồng tình.


Họ đã hỏi những người lần đầu tiên đi bầu cử liệu họ có thấy xu hướng LGBTQ+ là "übertrieben" hay không - từ có nghĩa đen là "phóng đại" hoặc "quá mức". Những người trả lời thể hiện mức độ đồng ý cao nhất với câu hỏi đó là những người có dự định ủng hộ AfD.


Khi tôi hỏi cô Brychcy liệu điều đó có thể bị coi là lạc hậu hay không, cô trả lời rằng "về mặt sinh học, chỉ có đàn ông và phụ nữ" và nghĩ rằng mọi người nên thể hiện theo đúng giới tính đó.


Brychcy nói với tôi rằng cô đã mất một vài người bạn vì quan điểm chính trị của mình - và hiện chủ yếu dành thời gian cho những người có cùng quan điểm.


Cô không đồng ý với những người coi AfD là một phong trào nguy hiểm, mà theo cô đó là một phong trào sẽ mang lại sự thay đổi thực sự, triệt để.


Khi tôi hỏi Brychcy liệu cô có coi mình là cực hữu hay không, cô nói rằng về một số vấn đề nhất định - chẳng hạn như kiểm soát biên giới và tội phạm, thì "chắc chắn là có".


Đây là một câu trả lời gây ấn tượng, đặc biệt những người ủng hộ AfD từ chối nhận nhãn mác "cực hữu" cho mình, bao gồm cả lãnh đạo đảng, Alice Weidel, người khẳng định bà đứng đầu một phong trào bảo thủ, tự do.

HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES,Sự ủng hộ dành cho phe cực hữu xuất hiện vào thời điểm những ký ức kinh hoàng về nước Đức thời Đức Quốc xã đang dần phai nhạt khỏi ký ức sống của người dân


Khi những ký ức kinh hoàng về Đức Quốc xã ngày càng lùi xa, thế hệ trẻ ngày nay đã lớn lên cùng với các đảng phái như AfD - dù là qua các chương trình trò chuyện trên TV hay trong quốc hội sau khi AfD có những nghị sĩ đầu tiên vào năm 2017.


Giáo sư Abou-Chadi tin rằng phe cực hữu, nói chung, đã trở nên bình thường hơn đến mức "họ không còn có vẻ quá cực đoan nữa."


Họ vẫn được ủng hộ bất chấp các vụ bê bối của đảng, chẳng hạn như việc một nhân vật quan trọng của phe cực hữu AfD, Björn Höcke, bị phạt hai lần vào năm ngoái vì sử dụng một khẩu hiệu của Đức Quốc xã dù ông phủ nhận làm hành động đó một cách cố ý.


Đảng AfD, ở ba bang của Đức, bị chính quyền xếp loại là cực hữu, bao gồm cả ở Saxony. Đảng đã kháng cáo lên tòa án về việc phân loại này nhưng thất bại.


Saxony là một bang mà số lượng "người phe cực hữu" đã đạt đến "mức cao mới" - theo một báo cáo được công bố năm ngoái từ cơ quan tình báo nội địa của Saxony - báo cáo này bao gồm dữ liệu từ năm 2015 trở lại đây.

Những câu chuyện bị hoài nghi



Chúng tôi gặp một nhóm thanh niên tại một trung tâm mua sắm ở thành phố Chemnitz, Saxony. Dù không muốn công khai danh tính, nhưng họ nói với chúng tôi rằng họ theo phe cánh hữu.


Cùng mặc đồ đen, cùng để tóc cắt ngắn, họ bày tỏ niềm tin rằng đồng tính luyến ái là sai trái và lo sợ rằng "chủng tộc" Đức đang bị đe dọa vì cộng đồng người di cư ngày càng đông đảo.


Họ hoài nghi về những câu chuyện về quá khứ của đất nước mình, dường như ám chỉ đến thời kỳ Đức Quốc xã.


Diana Schwitalla đã dạy lịch sử và các môn khoa học xã hội được tám năm. Bà kể rằng bà từng phải đối mặt với một trường hợp phủ nhận Holocaust (nạn diệt chủng người Do thái trong Thế chiến II) trong lớp học và đã nghe thấy những lời bình luận đáng lo ngại khác.


"Chúng tôi nghe thấy những lời như Thế chiến II thực ra là một điều tốt, và có lý do khiến mọi người chết vào thời điểm đó - và điều này là hợp lý. Hitler được mô tả là một người tốt," Schwitalla nói.


Bà nói thêm:


"Nhiều học sinh... những người rất trẻ, nói rằng không quan trọng họ sẽ bỏ phiếu cho ai vì những lãnh đạo 'ở trên' sẽ chỉ làm những điều họ muốn thôi. Khi hỏi ai ở 'ở trên' thì tôi không nhận được câu trả lời."
Giáo viên lịch sử và khoa học xã hội Diana Schwitalla cho hay bà đã nghe học sinh phủ nhận cuộc diệt chủng Holocaust và mô tả Hitler là một "người tốt"


Chúng tôi đã gặp bà ấy trong hai ngày - bao gồm cả tại một trường dạy nghề dành cho người lớn ở Freiberg nằm trên khu đất của một trại tập trung của Đức Quốc xã trước đây. Phụ nữ Do thái từng bị đưa từ Auschwitz tới đây để làm nô lệ sản xuất các bộ phận cho máy bay.


Chúng tôi đã nghe một số lời bàn tán về việc phản đối việc có quá nhiều người nhập cư vào Đức. Ngoài ra, cũng có những ý kiến bày tỏ mong muốn khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong người dân.


Vào ngày đầu tiên chúng tôi gặp bà Schwitalla, bà đang giúp tổ chức một cuộc bầu cử thử cho các sinh viên như một cách để thu hút họ tham gia vào nền dân chủ tại một trường cao đẳng ở thị trấn Flöha - cách Freiberg khoảng 24 cây số.


Chúng tôi đã nói chuyện với Cora, Melina và Joey, tất cả đều 18 tuổi.


Cora kể rằng cô từng nghe những chàng trai bằng tuổi mình bày tỏ mong muốn phụ nữ nên ở nhà để chăm sóc gia đình, giống như thời xưa "khi phụ nữ lo việc nhà và đồ ăn thì phải có sẵn khi chồng đi làm về." Cora liên hệ điều này với xu hướng "Trad Wife" (Vợ Truyền Thống) đang thịnh hành khi phụ nữ tuân theo các khuôn mẫu giới truyền thống.
Các sinh viên Cora, Melina và Joey nói họ nhận thấy sự phân chia rõ ràng về quan điểm giữa nam và nữ ở các bạn cùng trang lứa


Cora và Melina bày tỏ lo ngại về việc quyền của phụ nữ có thể bị thu hẹp, bao gồm cả quyền phá thai, thậm chí nghiêm trọng hơn, là quyền bầu cử.


"Rất may là điều đó chưa được bàn tới trong chính trị, nhưng tôi đã nghe những cuộc thảo luận về việc phụ nữ không được phép bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử nữa," Melina nói.


Một nhóm nhỏ sinh viên xếp hàng để bỏ phiếu vào khoảng giờ ăn trưa và chúng tôi theo dõi kết quả. "Die Linke" (Đảng Cánh tả) dẫn đầu - đảng cánh tả tương đối phổ biến trong giới trẻ nhưng chỉ đạt khoảng 5% trên toàn quốc trong các cuộc thăm dò.


Đảng AfD đứng thứ hai, củng cố những gì mà Giáo sư Abou-Chadi phát hiện, rằng "những người trẻ tuổi có nhiều khả năng lựa chọn một đảng cực tả hoặc cực hữu hơn là một đảng trung dung".

Không phải cuộc bỏ phiếu phản đối


Đảng AfD, với các vấn đề trọng tâm bao gồm an ninh, biên giới và tội phạm do người di cư gây ra, hiện thậm chí còn ủng hộ khái niệm "tái di cư" - một từ thông dụng trong giới cực hữu châu Âu, được hiểu rộng rãi là ám chỉ trục xuất hàng loạt.


Khi nói chuyện với người dân ở Đức, rõ ràng là sự ủng hộ dành cho AfD không thể chỉ được coi là một hình thức bỏ phiếu phản đối, ngay cả khi có sự thất vọng với các đảng cầm quyền truyền thống ở Đức.


Celina, Dominic, Nick - và những người khác mà chúng tôi đã nói chuyện - thực sự hy vọng và tin rằng AfD có thể đưa nước Đức đi theo con đường thay đổi triệt để.


Mặc dù các đảng phái khác ở Đức thường không muốn liên minh với đảng AfD nhưng vào tháng Một vừa qua, có một sự việc đáng chú ý đã xảy ra. Tại Quốc hội Đức, một động thái không mang tính ràng buộc pháp lý đã được thông qua nhờ vào phiếu bầu của AfD.


Giáo sư Abou-Chadi tin rằng về dài hạn, có thể có một sự thay đổi mang tính địa chấn hơn nữa.


"Và ngay khi các đảng phái chính thống hơn bắt đầu từ bỏ 'bức tường lửa' hoặc vành đai cấm kỵ, phe cực hữu sẽ bắt đầu "nuốt chửng" phe cánh hữu."


"Rất có thể là ở nhiều hoặc hầu hết các quốc gia châu Âu, các đảng cực hữu sẽ là đảng chính của phe cánh hữu - hoặc đã là như vậy rồi," ông nói.


Các đảng phái như đảng AfD đã nỗ lực rất nhiều để cố gắng bình thường hóa bản thân trong mắt công chúng.


Trong khi có những người ở Đức và châu Âu coi phe cực hữu là một lực lượng cực đoan, thậm chí phản dân chủ - thì có vẻ như nỗ lực "bình thường hóa" của phe này đang phát huy tác dụng, đặc biệt là trong giới trẻ.

No comments: