Wednesday, May 30, 2018

Việt Dzũng: món quà từ quê hương.- Giao Chi San Jose

Lời nói đầu: Cách đây 30 năm. lần đầu tiên Việt Dzũng và Nguyệt Ánh xuất hiện trên sân khấu CPA tại San Jose. Ca khúc "Chút quà gửi quê hương " đã làm cho ngàn khán giả rơi lệ.
Năm 1985 phong trào Hưng Ca ra đời cùng với hai ca sĩ đấu tranh được tổ chức lần đầu cũng tại San Jose. Sau bao nhiêu năm, vật đổi sao rời, chủ nhật này Hưng Ca sẽ trở lại San Jose trong chương trình tưởng niệm Việt Dzũng và viết lại trang sử chiến tranh Việt Nam. Tổ chức tại Unify Event Center 765 Story Rd. San Jose  lúc 5 giờ chiều ngày 3 tháng 6-2018. Tác giả soạn bài này để nhắc lại lịch sử Hưng Ca và cuộc đời nghệ sĩ đấu tranh số một của hải ngoại. Tài liệu rất phong phú đã sưu tầm trên mạng. Xin cảm ơn nhiều tác giả vô danh.
Giao Chỉ, San Jose.



Tháng tư năm 75, sau khi Sài Gòn bị cộng sản cưỡng chiếm, miền Nam theo chân miền Bắc bước vào thời kỳ bao cấp. Cộng sản kéo toàn quốc thống nhất lùi lại hơn 20 năm. Nhu yếu phẩm còn lại tại Sài Gòn đã được "giải phóng" bốc hơi. Hà Nội sống trong men chiến thắng nhưng bị thế giới cô lập. Nguồn tiếp liệu khô cạn. Khả năng sản xuất cũng kiệt quệ. Đất nước thiếu từ cây kim, sợi chỉ. Dân "Ngụy " miền Nam chỉ còn trông đợi những gói quà hải ngoại. Việt Dzũng 17 tuổi di tản năm 75. Mấy năm sau qua tuổi 20 viết bài ca Gửi quà về cho quê hương. Cùng với Nguyệt Ánh, đôi song ca của một thời đấu tranh lần đầu đứng trên sân khấu CPA San Jose. Dzũng chống nạng hát bài ca gửi về quê hương.   


Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá.                                      Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay.                  
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may.                                          Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy.
  
Ca sĩ vừa hát vừa khóc trên sân khấu. Hội trường hí viện CPA San Jose 3 ngàn người chan hòa nước mắt.. Tiếp theo, Việt Dzũng viết bài Lời Kinh Đêm. Nhạc và lời trở thành bài Kinh Khổ khóc cho trăm ngàn thuyền nhân đã chết trên biển Đông. Lời ca ai oán như tiếng thở than của những linh hồn chết trong đau thương tủi nhục suốt thời gian 20 năm bi kịch thuyền nhân khổ nạn từ 75 đến 95.
Ai có nghe thấu lời kinh khổ,
Sao cúi mặt gục đầu ngủ quên......
Người buông xuôi về nơi đáy nước
Người có mong một nấm mộ xanh.
Biển ngây ngô hay biển man rợ
Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ.

   

Dù Lời Kinh Đêm than khóc cho những thảm kịch thuyền nhân, những đồng thời cũng là lời khải huyền kêu gọi miền Nam đứng dậy lên đường. Bỏ lại Sài Gòn với những cây cột đèn, lập lòe ánh điện câu, lúc tỏ lúc mờ, khi mất khi còn. . Trong lúc người hải ngoại gửi quà về cứu đói thân nhân thì Việt Dzũng và Nguyệt Ánh trở thành những ngôi sao văn nghệ đấu tranh của tổ chức Hưng Ca được thành lập. Phong trào bốc lên mạnh mẽ làm dậy sóng trong cộng đồng Việt khắp năm châu bốn bể. Mọi người đã nhận ra Việt Dzũng chính là món quà của quê hương miền Nam trong lúc rối ren bi thảm tháng tư 1975 đã gửi ra hải ngoại. Món quà quý giá lớn lao đến nỗi cộng sản Hà Nội đã lên án tử hình Nguyệt Ánh và Việt Dzũng.
Cả một thế hệ thanh niên thi nhauTrong suốt 40 năm qua, ngay khi tác giả còn sống hay ngày nay đã chết, đã có hàng trăm bài ca viết về thuyền nhân, nhưng không bài nào có thể so sánh được với Lời Kinh Đêm. Việt Dzũng chết đi đã để lại những tác phẩm văn hóa lớn lao trong khối di sản lịch sử của người Việt hải ngoại khởi đi từ tháng tư đen 1975. Những bài ca của Dzũng từ VOA và BBC phóng về quê hương đã làm rụng rời biết bao người còn ở lại Sài Gòn.
...đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay. ......
Cuộc đời một nghệ sĩ:
 1972 Nguyễn Ngọc Hùng Dũng từ nhỏ đã là một học sinh xuất sắc của trường Lasalle Taberd, Sài Gòn, cũng như anh trai và đứa em trai kế của anh. Người chị lớn du học bên Nhật Bản. Ba của anh là bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, Thiếu Tá Y sĩ trưởng Bộ Tổng Tham Mưu, cựu Dân Biểu của nền đệ nhị Cộng Hoà. Mẹ của anh là giáo sư trường Gia Long. Việt Dũng đã yêu thích âm nhạc từ khi còn nhỏ. Trong lúc gia đình mong cho anh trở thành bác sĩ để nối nghiệp cha, thì Việt Dzũng lại đam mê văn nghệ. Anh đã chiếm giải nhất ở cuộc thi văn nghệ của trường Taberd và đại diện trường đi tham dự các buổi hát ủy lạo chiến sĩ VNCH. Anh cũng như tham dự vào những đại hội nhạc trẻ khắp nơi cạnh Trường Kỳ, Nam Lộc, Jo Marcel, Tùng Giang, Đức Huy, Elvis Phương.v.v.. Đó là khoảng thời gian từ năm 1971 cho tới tháng tư năm 1975.
1975 Biến cố 30 tháng Tư năm 1975 cùng với sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam đã đưa Việt Dzũng rời xa quê hương. Cùng với 36 người chen chúc nhau trên một chiếc tàu nhỏ bé, mong manh, rời Sài Gòn vào phút chót. Việt Dzũng và bà ngoại của anh đã vĩnh viễn rời xa đất nước Việt nam. Sau 22 ngày trên biển khi không còn thức ăn, nước uống, cũng như phải chứng kiến biết bao nhiêu cảnh đau thương trên biển cả, tàu mới cập được bến Singapore. Chính những kinh nghiệm sống trên đường vượt biển tìm tự do này đã khiến cho anh sáng tác rất thành công các ca khúc để đời, tiêu biểu nhất vẫn là “Lời Kinh Đêm”. Khi đến Mỹ trong thời gian ở trại Ft. Chaffee Việt Dzũng hoạt động không ngừng. Đón tiếp đồng bào sinh hoạt trong hội Hồng Thập Tự, hội USCC, cộng tác với tờ báo và radio phát thanh của trại,
1978  Việt Dzũng chính thức bước vào lãnh vực âm nhạc khi cùng bạn học Vernon Larsen lập ban song ca để hát country music. Anh cùng bạn Mỹ đi trình diễn khắp nơi ở vùng Trung Mỹ. Dzũng đoạt giải nhất về sáng tác nhạc country tại Iowa.  
1980, Việt Dzũng bắt đầu sáng tác nhạc Việt với bài “ Sau Ba Năm Tỵ Nạn Tại Hoa Kỳ”. Bài hát thứ hai là “Một Chút Quà Cho Quê Hương” đã trở thành một ca khúc lẫy lừng nhất của Việt Dzũng.1980 cũng là năm mà số người Việt bỏ nước ra đi cao nhất, Việt Dzũng đã cho ra mắt cuồn băng nhạc đầu tay “Kinh Tỵ Nạn”.Từ đó, Việt Dzũng di chuyển qua California hoàn thành cuốn băng nhạc “Lưu Vong Khúc”. Thời gian này tại Mỹ, Việt Dzũng đã lưu diễn hầu hết 50 tiểu bang và cộng đồng Việt toàn thế giới. Về truyền thông ngay từ năm 1980, anh đã cộng tác với tờ Người Việt. Tổng Thư Ký tờ Nhân Chứng năm 1982. Tờ Tay Phải năm 1983.                                                                                                  
1985, Hai nghệ sĩ Việt Dzũng và Nguyệt Ánh đã kết hợp với các nghệ sĩ khác để thành lập Phong Trào Hưng Ca Việt Nam, dùng âm nhạc làm vũ khí đấu tranh.
1996 Việt Dzũng cùng các bạn đứng ra thành lập một chương trình phát thanh độc lập, đó là đài Radio Bolsa ở Nam California, Bắc California và Houston, Texas                            
Tác phẩm. Chỉ nói riêng về mặt sáng tác âm nhạc thì Việt Dzũng đã sáng tác hơn 450 bài hát về đủ mọi thể loại nhưng nhiều nhất vẫn là tình ca, sáng tác rất nhiều nhưng chưa phổ biến hết. Những bản tình ca nổi tiếng của Việt Dzũng có thể kể ra như Bài Tango Cuối Cùng, Thung Lũng Chim Bay, Khóc Ru Đời Trinh Nữ, Bên Đời Hiu Quạnh, Có Những Cuộc Tình Không Là Trăm Năm, Và Em Hãy Nói Yêu Anh, Tình Như Cây Cà-Rem…       
1990, Việt Dzũng thành lập riêng cho mình Trung Tâm Việt Productions, chuyên sản xuất các CD nhạc với tiếng hát của anh và bằng hữu như các CD: Ru Em Sông Núi Đợi Chờ, Thánh Ca Vào Đời, Hùng Ca Quật Khởi, Quê Hương Và Em, Mình Ơi Đưa Em Về Quê Hương, Thắp Lửa Yêu Thương, Lên Đường, Bên Em Đang Có Ta, Tuổi Trẻ Về Nguồn, Hát Cho Tự Do, Thắp Lửa Tự Do, Trái Tim Ở Lại, Anh Vẫn Còn Thương, Vuốt Mặt, Bên Bờ Đại Dương, những ca khúc lời việt nổi bật như “Dấu chân của biển”…
Trung tâm Asia: Đặc biệt trong thời gian dài Việt Dzũng cộng tác với Asia, cùng các chiến hữu đã đốt lên ngọn đuốc đấu tranh rực rỡ nhất soi sáng khắp chân trời hải ngoại.
Một đời tranh đấu: Từ những buổi văn nghệ gây quỹ cho các con tàu với người vượt biển như Cape D’Anamur, chương trình SOS Boat People, chống cưỡng bách hồi hương người tị nạn, tranh đấu với quốc tế tại Genève, Thụy Sĩ, tại Liên Hiệp Quốc… Có thể nói, bất cứ nơi nào có người tị nạn Việt Nam là có bước chân Việt Dzũng. Anh mang niềm tin yêu và hy vọng cho họ vượt qua những khổ cực, đau buồn và mất mát trên đường vượt biên. Anh đã có mặt hầu hết các trại tị nạn ở vùng Đông Nam Á để thăm viếng, ủy lạo đồng bào, giúp đở trẻ em không thân nhân và hàng ngàn công tác xã hội khác mà không hề biết mệt. Cũng vào năm 1985, Việt Dzũng đã cho ra đời một băng nhạc hoàn toàn bằng Anh ngữ “Children of the Ocean”. Đây cũng là album nhạc đầu tiên của người Việt hải ngoại bằng tiếng Anh. Các báo Orange County Register, Los Angeles Times, Washington Post đều có những bài viết khen ngợi cuốn băng này. Riêng tờ Austin-American- Stateman đã gọi Việt Dzũng là “người nghệ sĩ nổi tiếng nhất của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và là một tấm gương sáng giá, chứng tỏ là người tỵ nạn có thể hội nhập vào đời sống mới, trong khi vẫn giữ được nguồn gốc của quê hương mình.”
Chút duyên văn nghệ
Hơn 10 năm trước, Việt Dzũng đến thăm phòng triển lãm của cơ quan IRCC, nhìn thấy công trình sưu tầm và các tác phẩm, anh vô cùng xúc động. Dzũng hứa sẽ giúp việc giới thiệu để mọi người tiếp tay. Anh nhắc lại rằng chú Lộc đã từng tổ chức lần đầu cho Dzũng hát tại CPA San Jose. Khi nào con có đôi nạng mới sẽ gửi tặng chú Lộc cặp nạng cũ và chiếc áo thung. Nói rồi mấy năm sau Việt Dzũng đi luôn. Ai ngờ không bao giờ anh có đôi nạng mới. Ngay trong đám tang, người vợ nhỏ bé của Dzũng đã quyết định giao di vật quý giá cho các anh Nguyễn Tấn Thọ và Huỳnh Lương Thiện để vĩnh viễn tại Việt Museum. Rất tình cờ tại đây đã có bức tranh sơn dầu của bà Trương Thị Thịnh sáng tác hình ảnh Việt Dzũng và Nguyệt Ánh trình diễn tại trại ty nạn Đông Nam Á. Chút duyên văn nghệ sẽ được trưng bày trong ngày tưởng niệm tại San Jose vào cuối tuần nầy.
Hoạt động với  phong trào Hưng Ca Việt Nam
Phong Trào Hưng Ca là một tập hợp các văn nghệ sĩ và nhân sĩ tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, các nước ở Âu Châu, Á Châu, với chủ trương dùng văn nghệ và truyền thông để đấu tranh đòi Tự do, Dân chủ, Nhân quyền cho quê hương Việt Nam.

Sau biến cố 1975 thì phong trào Hưng Ca hình thành, đem tiếng hát lời ca tới tất cả những nơi có người Việt tỵ nạn hay định cư ở hải ngoại, với mục đích giữ vững tình quê hương gắn bó với nhau. Cho nên, Hưng Ca là một phần trong sinh hoạt ca nhạc hải ngoại.               

Tháng Tư 1985, Phong trào Hưng Ca Việt Nam khởi xướng tại Washington DC và Houston,
Ngày 7 tháng 9 năm 1985, phong trào mới thực sự phát động tại San Jose với 10 ca nhạc sĩ nòng cốt: Hà Thúc Sinh (trưởng đoàn), Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Châu Đình An, Huỳnh Công Ánh, Khúc Lan, Trần Lãng Minh, Tuấn Minh đều định cư ở Hoa Kỳ, cùng với 2 nhạc sĩ từ Canada là Nguyễn Hữu Nghĩa (từ phong trào Du Ca) và Phan Ni Tấn.

Sang tháng Tư 1986, Nguyệt Ánh, Việt Dzũng và Nguyễn Hữu Nghĩa qua Úc thành lập nhánh Hưng Ca bên Úc châu.
Bốn tháng sau đó, Hưng Ca thành lập nhánh tại Pháp với các nghệ sĩ Hàn Lệ Nhân, Ngô Càn Chiếu, Huy Nam, Đinh Tuấn, và Nguyễn Quyết Thắng từ Hoà Lan sang tham gia.
Tiếp đến, Nguyễn Hữu Nghĩa (trưởng đoàn từ 1987), Nguyệt Ánh, Đào Trường Phúc, Nhật Tùng, Tuấn Minh, Tuyết Mai và Kim Phượng đi các nước khác ở Âu châu như Bỉ, Đức, Na Uy, Hoà Lan để phát động phong trào Hưng Ca qua những bài ca đấu tranh.
 Với ý thức trách nhiệm trước tình trạng của đồng bào ở quê nhà, một xã hội suy đồi băng hoại, một chế độ thẳng tay đàn áp mọi tiếng nói đòi hỏi Nhân quyền Dân chủ Tự do, một tập đoàn thống trị cắt đất dâng biển cho ngoại bang Trung Quốc hoạt động của Phong Trào Hưng Ca suốt 25 năm qua không ngừng xoáy vào những công tác đấu tranh văn nghệ truyền thông khắp mọi địa bàn sinh hoạt của người Việt hải ngoại với mục đích cho công luận thế giới thấy rõ thực chất của chế độ hiện hành tại Việt Nam.

Hoạt động xã hội
Ngoài việc sát cánh với các hội đoàn, đoàn thể, và tổ chức cộng đồng trong công cuộc đó, anh chị em thành viên và cảm tình viên Hưng Ca còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, trong đó có chiến dịch "Cứu người Biển Đông".
 Cuối tháng 12, 1988, các thành viên Hưng Ca đã cùng với một số cảm tình viên tự nguyện đến các trại tỵ nạn Đông Nam Á thăm những thuyền nhân ở đó.

   Năm sau đó, trong suốt tháng 8 lưu diễn tại các trại tỵ nạn, phái đoàn Hưng Ca huy động, kêu gọi cộng đồng người Việt hải ngoại chống vấn đề trả thuyền nhân từ trại Hồng Kông về Việt Nam.        
 Một hoạt động xã hội đáng chú ý khác của Hưng Ca là chiến dịch "Chén gạo Tình Thương" với những chuyến công tác cứu trợ đồng hương ở New Orleans và Texas bị hai trận bão Katrina và Rita tàn phá hồi cuối năm 2005.
Năm 1993, phong trào Hưng Ca họp đại hội tại Washington DC với mục đích tìm hướng tranh đấu trong hoàn cảnh mới, từ đó, đưa đến việc đề xướng sáng tác nhạc thời thế.Cuộc thi này mang chủ đề "Quê hương ngục tù" phát động năm 94 được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới văn nghệ sĩ hải ngoại với 177 tác phẩm của 48 nhạc sĩ từ khắp nơi gửi đến tham gia trong đó có các tác giả thành danh như nhạc sĩ Trịnh Hưng ở Pháp với ca khúc "Saigon ơi, xa em rồi" (trúng giải), nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm ở California với ca khúc "Từ ngục tù xông lên", đặc biệt nhất là ca khúc "Anh ở đây" của nhạc sĩ Thục Vũ tức Trung Tá Vũ Văn Sâm đã bỏ mình trong trại tù cải tạo ở

Chiến dịch “Trả ta sông núi”

Sau khi nghe tin nhà cầm quyền Việt Nam ký hai hiệp ước cắt đất dâng biển cho Trung Quốc, Phong Trào Hưng Ca Việt Nam phát động chiến dịch “Trả ta sông núi” và ra Kháng Thư phản đối, phủ nhận giá trị các hiệp ước đó.




Giao Chi San Jose.   giaochi12@gmail.com  (408) 316 8393
       

Giao Chỉ, SanJose City, VietMuseum, Book 1, 2 đã phổ biến, sẽ in 3, 4, 5 đến 12.

Một cuốn $10 Mua sách ghi IRCC 3017 Oakbridge Dr. San Jose CA 95121

Lịch sử ngàn người viết, tác giả ghi chép lại, giữ sách là giữ lửa cho mai sau.

No comments:

NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI CAO TUỔI NÊN TRÁNH.

Con người khi về già, các bộ phận trong cơ thể đều lão hóa, yếu đi. Một số điều sau đây luôn ẩn chứa những hiểm họa bất ngờ mà người cao tuổ...