Trung Quốc hôm thứ Hai nói bình luận của các quan chức Hoa Kỳ về vai trò của Trung Quốc tại Biển Đông là "vu khống".
Trước đó, trong dịp cuối tuần, Mỹ đã lên tiếng về các tường thuật có nội dung nói Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động dầu khí tại Biển Đông, bao gồm cả các hoạt động thăm dò, khai thác mà Việt Nam đã tiến hành từ lâu nay.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông, nơi có tuyến giao thương trên biển quan trọng với lượng hàng hóa trị giá chừng 5 nghìn tỷ đô la qua lại mỗi năm.
Các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền từng phần, với những diện tích lấn lên phần mà Bắc Kinh coi là của mình, gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Hôm thứ Bảy 20/7/2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: "Các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào hoạt động dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đang đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ-Thái Bình Dương."
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, ông John Bolton, một nhân vật 'diều hâu', cũng viết trên Twitter rằng hành động "có tính áp bức của Trung Quốc" đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa tới hòa bình, ổn định khu vực.
Bình luận của ông John Bolton củng cố thêm cho các nhận xét trước đó của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo.
'Không ai tin'
Tại Bắc Kinh, hôm 22/07 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói những bình luận như thế của hai quan chức cao cấp Mỹ là vô căn cứ.
Ông Cảnh Sảng nói thêm rằng Hoa Kỳ và "các thế lực bên ngoài" đang khuấy đảo vấn đề tại Biển Đông.
"Đây là sự vu khống chống lại các nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa (cách Trung Quốc gọi Biển Đông), và trong việc kiểm soát đúng đắn các bất đồng," ông Cảnh Sảng nói tại buổi họp báo hôm thứ Hai.
"Các quốc gia và người dân trong khu vực sẽ không tin vào những lời lẽ của họ."
"Chúng tôi thúc giục Hoa Kỳ hãy chấm dứt cách hành xử vô trách nhiệm đó, và tôn trọng các nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN trong việc giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và hợp tác vị hòa bình và ổn định tại Biển Nam Trung Hoa."
GETTY IMAGES - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 12/7/2019 tại Bắc Kinh
Đã xảy ra tình trạng đối đầu trong vài tuần qua giữa tàu thuyền của Việt Nam và Trung Quốc ở Bãi Tư chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Sự việc xảy ra từ ngày 3/7, khi Trung Quốc đưa nhóm tàu thăm dò địa chất vào thềm lục địa của Việt Nam.
Phía Việt Nam giữ im lặng cho đến ngày 16/7 mới lên tiếng, dẫu cho Trung Quốc trong hôm 12/7 đã xa gần nhắc nhở Việt Nam "nên bảo vệ hòa bình và ổn định hàng hải bằng các hành động cụ thể", và rằng Trung Quốc "quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình" ở Biển Đông.
Liên tiếp sau đó, trong các ngày 17 và 19/7, hai nước đã cáo buộc lẫn nhau 'vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán' của mình ở Biển Đông, nhưng đều không nhắc tới địa điểm Bãi Tư chính.
Một nước khác thuộc Asean là Malaysia vừa mới đây cũng có hoạt động khai thác dầu khí trên thềm lục địa của họ bị "tàu Trung Quốc ngăn cản".
Tờ South China Morning Post của Hong Kong hôm 17/7 cho hay, chiếc tàu Haijing (Hải Cảnh) 35111 trực thuộc Cảnh sát biển Trung Quốc, đã tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia phía nam quần đảo Trường Sa từ ngày 10 đến 27/5, gồm một lô dầu khí được cấp phép cho công ty Sarawak Shell.
Chuyện gì đang xảy ra ở khu vực Bãi Tư Chính? (video cập nhật đến ngày 17/7/2019)
Các diễn biến chính
3/7: Tàu thăm dò Hải dương 8 của Trung Quốc vào vùng biển gần rặng san hô gần Bãi Tư chính để "thực hiện khảo sát địa chất"
11/7: Nhiều báo quốc tế đưa tin về tình trang đối đầu của tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam "tại địa điểm gần một lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam"
12/7: Bộ Ngoại giao Trung Quốc không xác nhận việc có tình trạng đối đầu, nhưng nói Bắc Kinh "quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình" ở Biển Đông
8-12/7: Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình nói với bà Ngân: "Hai nước nên bảo vệ hòa bình và ổn định hàng hải bằng các hành động cụ thể"
16/7: Việt Nam lần đầu tiên lên tiếng: "Chủ trương của Việt Nam là kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình."
17/7: Trung Quốc yêu cầu Việt Nam "tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại các vùng biển có liên quan" và "không có các hành động làm phức tạp tình hình"
19/7: Việt Nam tuyên bố nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông
20/7: Hoa Kỳ nói hành động của Trung Quốc "đang đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ-Thái Bình Dương". Mỹ yêu cầu Trung Quốc "dừng thái độ bắt nạt" đối với các nước trong khu vực
22/7: Trung Quốc nói Mỹ "vu khống", và "không ai tin" những gì giới chức Mỹ nói về tình hình ở Biển Đông